Kỷ Vật Cho Em là một bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Duy viết về sự bi hùng của người lính trong thời binh lửa, cùng theo đó là những hậu quả tàn khốc mà cả một thế hệ đã phải gánh chịu.

Nhạc sĩ Phạm Duy đã nói về bài hát này trong hồi ký:

“…Bài hát trở thành một hiện tượng thời đó. Ở phòng trà, khi ca sĩ hát bài đó lên bao giờ cũng có sự náo động nơi khán thính giả. nếu là thường dân thì phản ứng cũng vừa phải. Nhưng vì hồi đó dân nhà binh ở bốn vùng ᴄhιến thuật về Sài Gòn là đi phòng trà, và khi trong đám thính giả có một sĩ quan đi nghỉ phép hay một thương phế binh là có sự phản ứng ghê hồn nơi người nghe. Có thể nói bài này gây một không khí phản ᴄhιến, nhưng có một cái gì cao hơn chính trị. Nó nói đến định mạng của con người Việt Nam, nhất là cuộc hành quân Lam Sơn 719 qua bên kia Hạ Lào…”.


Click để nghe Thái Thanh hát Kỷ Vật Cho Em trong Băng Tiếng Hát Thái Thanh 3 trước 1975

Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về.
Anh trở lại có thể bằng ᴄhιến thắng Pleime,
Hay Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giã,

Anh trở về anh trở về hàng cây nghiêng ngã
Anh trở về, có khi là hòm gỗ cài hoa,
Anh trở về trên chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng.

Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời xin trả lời mai mốt anh về.
Anh trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn liệm kín hồn anh

Anh trở về bờ tóc em xanh
Chít khăn sô lên đầu vội vã…
Em ơi…

Đó là phần lời đầu tiên của bài hát Kỷ Vật Cho Em mà hẳn là ai cũng đã quen thuộc. Trong đoạn này có nhắc đến những địa danh hãi hùng, là các vùng biên địa đã vùi thây biết bao nhiêu người đã ngã xuống ở cả 2 bên ᴄhιến tuyến, đó là Pleime – Đức Cơ ở Tây Nguyên, trận Bình Giã cuối năm 1964 và trận Đồng Xoài năm 1965.

Nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc bài hát từ bài thơ gốc mang tên là Để Trả Lời Một Câu Hỏi (Linh Phương), và nội dung bài thơ / bài hát cũng là câu hỏi đầy cảm thương của cô gái hỏi người yêu: Bao giờ anh trở lại?

Từ lâu thân trai đã gửi trọn về nơi chốn sa trường, làm sao người lính có được câu trả lời chính xác ngoài một lời hồi đáp rất lưng chừng gửi đến người yêu: mai mốt anh về. Và nếu thật là mai mốt anh có về được, thì cũng không thể đảm bảo rằng anh sẽ được về trong nguyên vẹn hình hài, hay là phải về trong hòm gỗ cài hoa phủ màu cờ trên một chiếc trực thăng sơn màu tang trắng, trong chiếc poncho buồn liệm xác phủ kín hồn anh, và khi đó em sẽ phải là người đầu đội khăn sô chít vội vàng trên mái đầu còn xanh ngát.

Ngay ở đầu bài hát, những bi kịch tang thương nhất đã được tác giả đẩy lên đến cao trào. Tuy nhiên đó chỉ là tình huống giả định mà anh lính trong bài hát trả lời câu hỏi của người yêu, là bởi vì sống giữa thời mà lằn ranh sinh tử mỏng manh như sợi tóc, thì bất kỳ người lính nào cũng đã chuẩn bị cho mình một tâm thế sẵn sàng đối diện với điều tồi tệ nhất.

Em hỏi anh. Em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở lại với kỷ vật viên đạn đồng đen
Em sang sông anh cho làm kỷ niệm

Anh trở về anh trở về trên đôi nạng gỗ
Anh trở về, anh trở về bại tướng cụt chân.
Em ngại ngùng dạo phố mùa Xuân,
Bên người yêu tật nguyền chai đá.

Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở về nhìn nhau xa lạ
Anh trở về dang dở đời em

Ta nhìn nhau ánh mắt chưa quen
Cố quên đi một lần trăn trối…
Em ơi!

Ở đoạn sau đó, kết cuộc đỡ thê thảm hơn, nhưng vẫn đầy nét bi hùng: anh trở về trên đôi nạng gỗ với tư cách là một bại tướng cụt chân. Và người yêu ơi, đến khi đó thì em có vui lòng đi dạo phố cùng một gã tật nguyền và tâm hồn đã chai đá như anh không? Nếu như chỉ còn lại những sự ngượng ngùng khi cùng dạo bước và nhìn nhau ái ngại, thì anh xin làm một kẻ xa lạ để đời em không phải chịu những dang dở và bẽ bàng, anh trở về và sẽ cố nhìn em bằng một ánh mắt chưa quen, xem như là trái tim và cả tâm hồn anh đã gục ᴄhếƭ hôm qua trên vùng tử địa, để rồi nay chỉ trở về bằng một cái xác tật nguyền không một niềm cảm xúc.

Một điều nhận thấy, bài hát này đậm tinh thần phản ᴄhιến, và hoàn toàn có lý khi nói rằng Kỷ Vật Cho Em có thể làm nản lòng binh lính thời ấy. Nếu chỉ nhìn thấy toàn một màu sắc u ám của ngày trở về như vậy, thì còn có mấy người nhiệt huyết ra đi? Và quả thật, bài hát đã từng bị chính quyền cấm đoán.

Sau đó, nhạc sĩ Phạm Duy – với ý muốn tác phẩm được phổ biến – nên đã chấp nhận sửa lời thành một bài hát mang sắc thái lạc quan hơn, trong đó không còn những hình ảnh “hòm gỗ”, “khăn tang”, “tật nguyền” và “cụt chân”,… mà đổi lại thành “vòng hoa”, “khăn tay”, “hoan ca”. Tuy nhiên phần lời này chỉ phổ biến cho đến năm 1975 mà thôi, bởi vì sau đó, trong các băng nhạc ở hải ngoại, người ta chỉ hát phần lời gốc để nhắc lại một thời đau thương không thể nào quên.


Nghe bài hát này do chính nhạc sĩ Phạm Duy hát live tại phòng trà của Jo Marcel trước năm 1975

Cho đến nay, hầu như người yêu nhạc vàng hoặc nhạc trữ tình trước 1975 đều biết ca khúc này được nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ bài thơ mang tên Để Trả Lời Một Câu Hỏi của thi sĩ áo lính là Linh Phương. Tuy nhiên trong các bản in ban đầu của bài hát, nhạc sĩ Phạm Duy chỉ ghi tên tác giả bài thơ là “vô danh”, làm cho dư luận thắc mắc.

Trong một bài viết vào thời gian sau này, nhà thơ Linh Phương cho biết về xuất xứ bài bài thơ đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Đó là năm 1970, ông gửi đăng trên nhật báo Độc Lập một bài thơ mang tên Để Trả Lời Một Câu Hỏi để tặng người con gái tên Hương. Chỉ một năm sau đó, bài hát Kỷ Vật Cho Em của nhạc sĩ Phạm Duy ra mắt đã gây xôn xao công chúng, và dĩ nhiên là Linh Phương nhận ra đó là lời thơ của ông. Sau đó câu chuyện nhạc sĩ Phạm Duy không đề tên tác giả thơ trong bài Kỷ Vật Cho Em đình đám đã được báo chí đăng tải rất nhiều thời đó.

Nhà thơ Linh Phương

Kết quả là câu chuyện được giải quyết êm thấm theo lời Linh Phương kể như sau:

“Cuối cùng thì một người cháu của Phạm Duy là Phạm Duy Nghĩa tìm gặp tôi tại địa chỉ 104/23 đường Yersin – nhà người bạn thân của tôi là nhà thơ Vũ Trọng Quang. Phạm Duy Nghĩa đưa tôi đến phòng trà ca nhạc Đêm Mầu Hồng nơi Ban Thăng Long thường xuyên trình diễn. Ở đây, tôi và nhạc sĩ Phạm Duy đã có sự thông cảm với nhau về vấn đề bài thơ Kỷ Vật Cho Em.

Nhạc sĩ Phạm Duy chở tôi trên chiếc xe Trắc-xông đen đến phòng trà Queen-Bee do nhạc sĩ Ngọc Chánh làm chủ xị. Ở Queen-Bee nhạc sĩ Phạm Duy đã giới thiệu tôi trước công chúng về tác giả bài thơ Kỷ Vật Cho Em. Sau cái bắt tay giữa tôi với nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Ngọc Chánh và quái kiệt Trần Văn Trạch, ca sĩ Thái Thanh đã trình bày bài thơ phổ nhạc này.

Sáng hôm sau, tôi đến tư gia của nhạc sĩ Phạm Duy 215 E/2 đường Chi Lăng – Phú Nhuận (nay là đường Phan Đăng Lưu) để ăn cơm và ký hợp đồng bài thơ Kỷ Vật Cho Em tại đây. Trong bản hợp đồng tiền tác quyền là 30.000 đồng (thời điểm đó giá một lượng vàng nếu tôi nhớ không lầm là khoảng 10.000 đồng đến 12.000 đồng), nhưng thực tế thì nhạc sĩ Phạm Duy trả tôi 50.000 đồng (30.000 đồng bằng Sec nhận ở Pháp Á ngân hàng và 20.000 đồng tiền mặt).”

Bài hát Kỷ Vật Cho Em vốn gắn liền với danh ca Thái Thanh, và nếu chỉ xét trong thời gian trước năm 1975, thì bà cũng đã có rất nhiều lần thu âm bài hát này, mời bạn nghe sau đây:


Click để nghe Thái Thanh hát trong băng Shotguns


Click để nghe Thái Thanh hát trong băng Phượng Hồng


Click để nghe Thái Thanh hát trong băng Trường Hải


Click để nghe Thái Thanh hát trong băng Tâm Anh

Bài: Yên Thy
Bản quyền của nhacvangbolero.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here