Tiếp theo trong danh sách những bản nhạc Xuân bất hủ, âm điệu không nhạt phai theo tháng năm, là bài hát “Cánh Thiệp Đầu Xuân”, được hợp soạn bởi 2 nhạc sĩ Minh Kỳ và Lê Dinh. Theo thông tin trên tờ nhạc gốc, được phát hành bởi nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam, có vẻ bài hát này được viết vào năm 1962. Tương tự Ly Rượu Mừng đã nhắc tới ở bài trước, tác giả bài hát Cánh Thiệp Đầu Xuân cũng mượn một biểu tượng của mùa xuân – ở đây là cánh thiệp xuân người ta trao nhau – để thả vào đó những cảm xúc và suy nghĩ của mình.
Trải qua hơn nửa thế kỷ, đã có nhiều bản thâu của nhiều ca sĩ hát bài này, nhưng riêng cá nhân người viết vẫn ấn tượng nhất đối với bài Cánh Thiệp Đầu Xuân của nữ danh ca Thanh Thúy.
Click để nghe Thanh Thúy hát Cánh Thiệp Đầu Xuân trước 1975
Mỗi bản nhạc Xuân nói riêng, cũng như mỗi bản nhạc trong nền tân nhạc Việt Nam nói chung, đều mang một đặc trưng riêng, không thể nhầm lẫn với nhau được, cũng tựa như mỗi một loài hoa trong vườn Xuân đều có một ấn tượng riêng trong mắt người. Sắc vàng tươi, đôi lúc e ấp của cánh hoa mai có cái đặc trưng riêng, mà hoa hướng dương vươn mình đón nắng sớm, hay hoa cúc, hoa lan cũng có nét đẹp, hương thơm riêng. Cánh Thiệp Đầu Xuân tạo ấn tượng riêng trong lòng thính giả ở chỗ, trọn bài hát mang giai điệu bài hát đượm thắm màu nắng Xuân tươi, với niềm tin yêu chan hòa, phơi phới.
Bài hát mở đầu với khung cảnh ấm áp của tiết trời mùa Xuân phương Nam, với hoa lá đua nhau khoe sắc khắp mọi nơi, kể cả sắc hoa tươi tắn trên môi những nàng giai nhân đương độ xuân thì – “hoa lá nở thắm” để “đẹp làn môi hồng” – một hình ảnh ước lệ rất độc đáo, bay bổng.
Xuân đến, dù ai bận bịu, lo toan cơm áo gạo tiền đến đâu, khi nhìn thấy đàn én, đàn nhạn nô nức vươn cánh trên trời xanh, khi cảm thấy khí trời ấm áp dần, cũng như cảm nhận được sự rộn ràng, háo hức lạ lùng trào dâng trong lòng, cũng đều ngừng lại đôi phút để tự hỏi mình rằng: “Xuân tới rồi đây sao? Nhanh quá!”. Tự vấn lòng, xong rồi cũng lại tiếp tục công việc, nhưng tiếp tục làm việc trong một tinh thần phấn chấn, vui vẻ hơn, niềm rạo rực mới nhú trong tâm trí, lan tỏa tới những người khác. Khắp ngõ hẻm, khắp xứ sở bừng bừng, rộn ràng không khí Tết.
Vậy là một năm mới sắp tới. Tống biệt một năm cũ với những nỗi buồn, chuyện không hay, trong lòng người cũng phấn chấn chào đón một sự khởi đầu mới, với những mơ ước và dự định trong tương lai:
“Xuân đến rồi đây nào ai biết không?
Mang những hoài mong ghi vào ngày tháng
Bao nhiêu mơ ước đến khi mùa Xuân sang”
Là người nghệ sĩ, quanh năm đem lời ca tiếng tơ dâng cho đời, tác giả cũng không khỏi bất ngờ khi Chúa Xuân ghé thăm đất trời, bất ngờ là vì thời gian âm thầm mà trôi nhanh quá, cũng như tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm, xuyến xao, bồi hồi với màu nắng vàng tươi nhuộm làn tóc giai nhân bát phố, đi chợ Tết, đi ngắm những cánh hoa nhè nhẹ đong đưa theo đà mơn trớn dịu dịu của gió, nên nhạc sĩ chẳng biết mở lời chúc làm sao:
“Tôi chúc gì đây vào mùa Xuân này
Khi nắng vàng tươi nhuộm làn tóc ai
Khi gió nhẹ lay hoa đào hồng thắm
Trong khi Xuân ấm mới tô đẹp tháng năm”
Ngẫm ngợi một lúc, lặng ngắm cảnh sắc vạn vật cùng năm tháng thênh thang phía trước được “tô đẹp” bởi “nắng xuân”, nhạc sĩ bèn mượn cung đàn, nhịp điệu, xướng lên lời chúc cho tha nhân, cho đất nước được no ấm, “vinh quang” trong “tia nắng thanh bình”. Như vậy thì tiếng súng mới chấm dứt, âu lo chia ly mới thôi canh cánh bên lòng người hậu phương, và như thế thì người anh lính mới được trở về nhà, đoàn viên sum họp với gia đình bên bếp lửa ấm, bên bữa cơm ngày Tết:
“Tôi chúc muôn người mọi đều ước muốn
Non nước vinh quang trong tia nắng thanh bình
Để người anh lính chiến quay về với gia đình
Tìm vui bên lửa ấm”
Cũng cần phải nhắc thêm về bối cảnh lúc bài hát được ra đời. Hai vị nhạc sĩ Minh Kỳ – Lê Dinh viết bài này năm 1962, theo lịch sử, là lúc miền Nam Việt Nam đang sống trong 9 năm vàng son của nền Đệ nhất Cộng hòa, với nền kinh tế đang trên đà phát triển, đời sống ấm no hơn lúc trước. Xung đột vũ trang và bất ổn chính trị có xảy ra, nhưng chỉ rải rác ở một số vùng, chứ không leo thang, khốc liệt như về sau. Vì vậy nên âm nhạc, nghệ thuật miền Nam thời kỳ này còn mang chút ảnh hưởng từ thời tiền chiến, lời lẽ vẫn còn mang chất thơ, chứa chan niềm yêu đời, chứ chưa phản ánh được sự điêu tàn, thê lương, đau đớn như giai đoạn sau này.
Nếu so sánh 2 bài hát Cánh Thiệp Đầu Xuân với Ly Rượu Mừng với nhau, thì Cánh Thiệp Đầu Xuân có giai điệu hoàn toàn yêu đời, bay bổng, trọn niềm tin yêu vào tương lai, còn bài Ly Rượu Mừng tuy giai điệu và lời ca cũng tràn đầy niềm vui, nhưng phảng phất đâu đó vẫn còn nỗi u buồn vì cuộc ᴄҺᎥến Đông Dương vẫn đang gây bao tóc tang, chia ly, cùng với ước vọng một ngày ᴄҺᎥến cuộc sẽ ngưng, hòa bình sẽ lập lại. Bài hát Ly Rượu Mừng, đoạn viết về “người binh sĩ lên đàng” cũng mang âm điệu bi tráng, hào hung hơn, khác với hình ảnh người lính trong Cánh Thiệp Đầu Xuân.
“Tôi chúc yên lành người người khắp chốn
Mong gió đưa duyên cho cô gái xuân thì
ước nguyện sao chóng thành
thiệp hồng se duyên”
Lời chúc tiếp theo, nhạc sĩ gửi tới nhà nhà, người người khắp chốn một năm mới “yên lành”, chúc cho các chị, em bạn gái sớm tìm được ý trung nhân, mong sao mộng ước lứa đôi sẽ thành hiện thực, để “cánh thiệp đầu xuân” chưa phai màu, thì tới cuối năm, bà con họ hàng, bằng hữu của hai bên gia đình sẽ lại nhận được thêm “thiệp hồng se duyên” – hai mái đầu cùng kết duyên trăm năm.
Rượu nồng, pháo cưới đì đùng chen trong tiếng mừng vui của quan viên hai họ. Đó là khi giấc mộng tình ái đã thành hiện thực rồi. Tác giả cũng không quên chúc cho tình cảm của hai vợ chồng vẫn mặn nồng, bền chắc, vai vẫn kề bên vai trao lời âu yếm “mỗi lúc tâm tình lên khơi”. Cuộc sống hôn nhân có thể không được đẹp như trong mộng, đôi lúc áp lực cuộc sống gia đình, cơm áo gạo tiền đè nặng, khiến niềm yêu xưa cũng vơi bớt trong tim… nhưng nếu vợ chồng gắn kết, sẻ chia với nhau, thì mọi giông bão và khó khăn đều có thể vượt qua, tình cảm vẫn không phai lạt. Để cho mỗi giai đoạn của cuộc hôn nhân, khi đã sát cánh bên nhau, đều là “những nẻo đường mới” đầy “bướm vàng bay”. Lời chúc này, nhạc sĩ trao cho “đôi trai gái” trong bài hát, cũng là lời chúc gửi tới bao đôi lứa khác, dù là đang yêu nhau, dự định tiến tới hôn nhân, hay đã kết duyên trăm năm rồi.
“Tôi chúc ngày mai dù đường xa vời
Trai gái bền duyên đẹp tình lứa đôi
Cho bướm vàng bay trên nẻo đường mới
Vai bên vai những lúc tâm tình lên khơi”
Đoạn cuối của bài hát, cũng là câu chúc cuối, nhạc sĩ xin chúc cho tình bằng hữu, gắn kết giữa người với người sẽ không bao giờ phai lạt. Những tình cảm, gắn bó trong lúc này, mong rằng, cho dù “thời gian lạnh lùng lướt mau” với bao nhiêu lo toan, tất bật trong cuộc sống, cũng không làm cho người ta quên lãng bạn bè, anh em, bằng hữu của mình. Thật là một lời chúc rất chân thành và cũng đầy ý vị, tinh tế, khi mong rằng tình gắn kết sẽ mãi bền chặt “ngày sau cũng như ngày trước”, hệt như lúc bạn bè trao nhau cánh thiệp chúc Xuân, gửi gắm trong đó bao tình cảm, thiện ý.
“Tôi chúc rồi đây người về phương nào
Cho dẫu thời gian lạnh lùng lướt mau,
Mong ước ngày sau như là ngày trước,
Tay trong tay nhớ lúc trao thiệp đầu xuân”
Còn nhớ tới nhau, viết tấm thiệp trao đến nhau lúc năm hết Tết đến, thì mai này dù có ra sao, thì bạn bè chí thiết sẽ vẫn luôn nhớ tới nhau, vẫn sẵn lòng giúp đỡ, bảo bọc lẫn nhau.
Những điệu hát chan hòa, thiết tha niềm thương yêu – thương yêu vạn vật, tiết trời, thương yêu tha nhân – vẫn vang vang qua chiếc amply vi tính, sao mà trái ngược với cảnh u ám, chán nản trong mùa dịch hiện tại. Nhưng, sự u ám của thực tại không làm lời ca ngợi mùa Xuân, ca ngợi cái đẹp ngưng bặt đi. Giai điệu bài Cánh Thiệp Đầu Xuân vẫn vang lên mãi, gợi trong lòng người một mùa Xuân chứa chan yêu đời, để tạm quên đi những phiền muộn mùa dịch, và cũng là để gieo trong lòng một niềm hy vọng, một động lực để mọi người có thể gắng sức, vững tinh thần vượt qua cơn đại dịch này, để cùng với nhau đón một “Xuân thắm tô đẹp tháng năm” trong niềm hân hoan, nhẹ nhõm đầy cảm động.
[Hết phần 2]
Bài: Nguyễn Toàn
Bản quyền bài viết của nhacvangbolero.com