Được mệnh danh là “Đệ nhất Xuân ca”, giai điệu của bài hát “Ly Rượu Mừng” luôn luôn được cất lên, vang vọng khắp các ngõ hẻm, xóm nhỏ, mỗi độ Tết đến Xuân về. Khác với nhiều bài nhạc Xuân khác, có lời mang nội dung ngợi ca, miêu tả cảnh sắc, thiên nhiên ngày Xuân, xuyên suốt bài hát Ly Rượu Mừng là những lời như chúc tụng tốt lành người ta trao cho nhau mỗi dịp khởi đầu một năm.

Được biết, nhạc sĩ Phạm Đình Chương viết bài hát này vào năm 1952, lúc ông và gia đình – các anh chị em, cũng là thành viên của Ban Hợp ca Thăng Long – đã rời miền Bắc vào Sài Gòn. Khi bài hát mới được viết ra, cũng chính Ban Hợp ca Thăng Long thâu thanh đầu tiên, và đó cũng chính là bản thâu gây ấn tượng nhất đối với bao thế hệ khán thính giả, nhất là lớp người sanh trưởng tại miền Nam trước 1975.


Bài hát “Ly rượu mừng” qua phần trình bày của Ban Hợp ca Thăng Long

Những lời chúc tốt lành, khởi đầu cho một năm mới cũng là truyền thống tốt đẹp của người Việt bao đời nay. Người ta trao nhau tình thân ái, ước vọng những may mắn, tốt đẹp sẽ đến với mọi người, và đến với mình. Nhà nhà quên đi những ưu phiền năm cũ, cùng bước vào năm mới, tràn trề sức sống và sự trông đợi.

Ly Rượu Mừng cũng là lời chúc cùng những mà nhạc sĩ Phạm Đình Chương gửi gắm vào bài hát, và trao đến cho mọi người dân nước Việt, bất kể tuổi tác, vùng miền, tôn giáo, tầng lớp,… Dù là anh nông phu, người thương gia, người công nhân sớm “thoát ly đời gian lao nghèo khó”. Dù là đôi vợ chồng son mới đẹp duyên đôi lứa, hay người nghệ sĩ “tiếng thi ca nét chấm phá tô đời mới”. Tất cả những khuôn mặt đó đều nhận được lời chúc trìu mến của nhạc sĩ:

“Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức
Người công nhân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó

Á a a a
Nhấp chén đầy vơi
Chúc người người vui
Á a a a
Muôn lòng xao xuyến duyên đời

[…]

Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương
Xây tổ ấm trên cành yêu đương
Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ
Tiếng thi ca nét chấm phá tô thêm đời mới…”

Tờ nhạc gốc của bài “Ly rượu mừng”, được phát hành bởi Tinh Hoa Xuất Bản vào năm 1956

Bài hát cũng không quên tri ân những người lính quên mình ᴄhιến đấu cho Quốc gia, cho non song gấm vóc, cùng những ước vọng của nhạc sĩ cho một nước Việt hòa bình, yên vui khi đất nước đã gỡ bỏ ách đô hộ của ngoại bang, người Việt cùng chung giọt máu Lạc Hồng, tay nắm bàn tay, cùng nhau kiến thiết đất nước tỏng tình yêu mến chan hòa – “ngày máu xương thôi tuôn rơi, ngày quê hương yên vui”. Dường như, nhạc sĩ Phạm Đình Chương viết nên lời này, cũng muốn tri ân tới hàng bao thế hệ nghĩa sĩ cha ông đã dựng nên nước Việt từ thuở lập quốc, chứ không riêng gì những ᴄhιến sĩ chống Pháp, dành độc lập lúc đó.

Rất tài tình, riêng phần lời nhạc viết dành cho người lính, nhạc sĩ đã khéo léo viết nên những âm điệu rất hào hùng, văng vẳng, có sắc thái khác với những lời ở trên – rất mạnh mẽ và đậm chất “lính”. Sau người lính là hình ảnh “bà mẹ già” ở quê xa, luôn luôn mong ngóng, lo chờ đứa con lính đang xả thân nơi sa trường, cùng niềm mong ước một ngày con trai sẽ trở về mái nhà xưa để bà mẹ quê “dứt u tình”, không còn bứt rứt lo ngóng tin con nữa:

Rót thêm tràn đầy chén quan san
Chúc người binh sĩ lên đàng
ᴄhιến đấu công thành
Sáng cuộc đời lành
Mừng người vì Nước quên thân mình

Kìa nơi xa xa có bà mẹ già
Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa
Chúc bà một sớm quê hương
Bước con về hòa nỗi yêu thương

á a a a
Hát khúc hoan ca thắm tươi đời lính
á a a a
Chúc mẹ hiền dứt u tình

[…]

Bạn hỡi, vang lên
Lời ước thiêng liêng
Chúc non sông hoà bình, hoà bình
Ngày máu xương thôi tuôn rơi
Ngày ấy quê hương yên vui
đợi anh về trong chén tình đầy vơi

Tựa như khung cảnh một bữa tiệc đoàn viên đầu năm, sau khi mọi người trao nhau những lời chúc tốt đẹp, mọi người cùng cạn ly rượu nồng, mong cho những điều tốt đẹp họ chúc tụng sẽ trở thành hiện thực. Hình ảnh ly rượu – chủ đề chính và cũng là tên bài hát đã được xuất hiện nhiều lần trong bài hát, và xuất hiện một cách rất đặc biệt. Mỗi một ly rượu được nhấc cao, là mỗi ly rượu dành cho những câu chúc mà nhạc sĩ, và có lẽ là cả người hát, đã xướng lên. Ly rượu cho mọi người con đất Việt cùng chung sống trong độc lập, trong thanh bình “sáng trời tự do” – những lý tưởng rất cao đẹp. Ly rượu cho hòa bình, cho quê hương thôi tang thương. Ly rượu cho mùa Xuân, “tống cựu nghinh tân”, khởi đầu cho một buổi bình minh tràn đầy nắng sớm và hứa hẹn.

Bài hát Ly Rượu Mừng, gọi là bài hát, mà gọi là những lời chúc, hay những hy vọng, trông mong của bao người Việt Nam lúc bấy giờ, cũng đúng. Thi sĩ Du Tử Lê đã từng nói rằng: “Ly Rượu Mừng là khúc xuân ca kinh điển của nền tân nhạc Việt Nam”. Qua bao thế hệ, biết bao sự biến chuyển của thời cuộc, bài hát vẫn vang mãi trên môi bao người, mỗi độ Xuân sang, là món ăn tinh thần không thể thiếu, cũng như bánh tét bánh chưng, ly rượu nồng ngày Xuân vậy.

[Hết phần 1]

Bài: Nguyễn Toàn
Bản quyền bài viết của nhacvangbolero.com, vui lòng không sao chép

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here