Tiếp theo loạt bài viết về những bài nhạc Xuân, chúng ta hãy cùng rời không khí ngày Xuân nơi thị thành với những bàn tiệc rượu đầu năm, với những phố xá nhộn nhịp hoa đèn, để đến với ngày Tết nơi biên thùy heo hút, miền sỏi đá khô cằn qua nhạc phẩm Ngày Đầu Một Năm, một sáng tác bởi cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.

Vừa là nhạc sĩ, vừa là nam danh ca nổi tiếng, lại là một người lính đeo lon Trung sĩ, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã được trực nghiệm sự khốc liệt, thê lương của ᴄhιến trận, cũng như đồng hành, gánh chung gian lao khó nhọc, và trải qua, hiểu được những vui buồn của đời lính nơi gió núi mưa rừng. Đó là những chất xúc tác để ông viết nên những bản nhạc rất chân thực, cảm xúc dạt dào phong phú, nhưng vẫn không kém phần lãng mạn, bay bổng, cái chất “nghệ sĩ” của một “anh lính làm thơ”.

Ngày Đầu Một Năm chính là một ví dụ tiêu biểu của dòng nhạc Trần Thiện Thanh – hòa quyện được giữa hai thái cực “mùi mẫn” và “sang cả”, khắc họa được sự gian lao khó nhọc của người lính xa quê, nhưng giai điệu và cảm xúc vẫn rất hào hoa, phong nhã, phiêu lãng. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác ca khúc này vào đầu năm 1967 với bút danh là Anh Chương (tên của con trai lớn của ông). Tờ nhạc gốc do hãng Minh Phát xuất bản đề ngày 25-1-1967, một bài nhạc Xuân được phổ biến ngay gần thềm năm mới Đinh Mùi. Tác giả bài hát cũng chính là người đầu tiên thâu thanh ca khúc này vào hãng dĩa Việt Nam 45 vòng, dưới cái tên Nhật Trường mà khán thính giả mộ điệu cũng chẳng còn xa lạ gì.


Click để nghe Nhật Trường hát Ngày Đầu Một Năm trong dĩa nhựa

Riêng đối với bản thân người viết, bản thâu đầu tiên này có lẽ là ấn tượng nhất, vì cách hòa âm với tiết tấu nhanh, vừa mang âm điệu ngũ cung rất là “Á Đông”, vừa mang màu sắc rất vui tươi, chan hòa. Bản thâu của danh ca Thanh Thúy vào đầu thập niên 1970 thì thiên về sự trầm mặc, pha chút bồi hồi trước thềm năm mới.


Click để nghe Thanh Thúy hát Ngày Đầu Một Năm trước 1975

Mở đầu bài hát là khung cảnh nơi tiền đồn heo hút xa xăm, đất đai cằn cỗi, xa ánh đèn với những cuộc vui Xuân phố thị. Một anh lính trẻ xa nhà đón mùa Xuân ghé thăm đất trời, không phải ở chùa chiền miếu mạo, hay bàn tiệc, bàn trà đoàn viên đầu năm, mà là ở trên chòi gác, tay ôm súnɡ gìn giữ biên cương:

Ɲgàу đầu một năm, giữa tiền đồn heo hút xa xăm
Ϲó người lính trẻ, đón mùa xuân bằng phiên g
ác sớm
Lại một lần xuân, trên miền xa c
át đá khô cằn
Ϲhúc anh năm nàу, lập kỳ công trên bước đấu tranh

Đón Tết giữa nơi vắng lặng, quạnh ngắt như này, xa quê hương, xa mẹ hiền cùng mái nhà mến yêu, người nghe đều cảm nhận được nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình, họ hàng, bè bạn thân thương, cũng như nỗi cô quạnh trong lòng người lính lúc đó, mặc dù nhạc sĩ không nói hẳn ra, mà chỉ thể hiện qua câu: “Lại một lần xuân, trên miền xa cát đá khô cằn”.

“Lại một lần xuân”, tức là một mùa Xuân ly loạn nữa lại đến, lại một mùa xuân nữa xa quê. Nơi chòi gác vắng lặng tứ bề, chỉ có một mình anh lính và trời đất đượm màu Xuân, cảm giác đó khó là tránh khỏi. Thế nhưng, đã mang trên mình sắc áo lính, đã cầm súng trên tay, là mang nghĩa vụ bảo vệ tự do, bảo vệ quê hương, phụng sự Quốc gia, hy sinh lấy vài mùa Xuân xa nhà để đất nước được hưởng trọn một mùa Xuân mãi mãi về sau. Hiểu được điều đó, nên nỗi nhớ nhà trong lòng người lính cũng được tạm cất qua một bên, để tập trung sức lực mà còn “lập kỳ công trên bước đấu tranh”. Đây cũng là lời chúc tác giả gửi đến tất cả mọi người lính khắp 4 vùng ᴄhιến thuật, cả 4 binh chủng Hải-Lục-Không quân.

Cách tiền đồn nơi con trai trú đóng có khi cả ngàn dặm, là căn nhà nhỏ quê hương, nơi bà mẹ già ngồi tựa cửa ngóng đợi tin thằng con nơi biên ải. Một hình ảnh tương xứng tài tình với hình ảnh người lính gác giặc ngoài xa ở đoạn trên:

Ɲgàу đầu một năm, có mẹ già trông ngóng tin con..
Khấn nguуện đất trời, giúp bình уên thằng con biên giới
Lòng già thầm mong ước người con sẽ giống anh hùng
Ϲhúc cho năm nàу, lập đầu công con về thăm bà

Lại một Xuân đi qua, lại một lần mâm cơm đầu năm vắng mặt con, vì đứa con đã chọn đem thân mình đi tranh đấu giữ non sông, bảo vệ quê hương hoa gấm. Giữa trận địa gian lao, ranh giới giữa sinh và tử rất mong manh. Bà mẹ mang một nỗi sợ, (mà ai có người thân ở ngoài miền hỏa tuyến cũng vậy) – nỗi sợ sẽ không còn được thấy mặt con nữa. Lòng dạ mong ngóng, sốt ruột nhưng vì không gian xa cách, bà cũng chẳng biết làm gì hơn ngoài chắp tay khấn nguyện đất trời, cầu xin Ơn Trên chở che cho đứa con nơi sa trường. Không chỉ vậy, trong lòng bà cũng mang một ước mong, rằng ước cho con mình sẽ nên như anh hùng, như một người lính quả cảm, bền chí, xông pha nơi tuyến đầu, lập công trạng, đẩy lui giặc thù khỏi bờ cõi quê hương. Đó là ước nguyện bà cầu xin đất trời, để có một ngày bà sẽ được gặp lại con trên mảnh đất quê hương, trong một ngày Xuân thanh bình đượm nắng ấm. Và mong rằng ngày đó sẽ không xa, mà là “chúc cho năm này”, để mùa Xuân năm sau sẽ là ngày sum họp hạnh phúc.

Đoạn điệp khúc đầy ấn tượng, là hình ảnh người vợ hiền cùng mẹ già ra đón người chồng trở về từ miền biên địa, ngay khi Xuân sắp đến, cũng như ước vọng của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh về một ngày hòa bình, yên lành sẽ đến với nước Việt, vốn đã gánh chịu quá nhiều đau thương.

Ɲgàу đầu một năm, chúc cho ngàу non nước bình an
Ϲho vợ đón chồng mừng hoen đôi m
á
Ϲho nhớ thương là giấc mộng dài đêm qua

Ngày đầu một năm, người người cùng chúc nhau, và cũng xin nguyện cầu cho một đất nước bình an, cho cuộc “huynh đệ tương tàn” sớm chấm dứt, để Nàng Xuân được nhẹ nhàng, rảo gót ngọc yêu kiều, gieo rắc lộc xuân khắp chốn khắp nơi trên đất Việt Nam này. Lúc bấy giờ, cảnh vợ xa chồng, thẫn thờ trong cô phòng lạnh lẽo sẽ không còn nữa. Những đêm dài chờ sáng với đôi mắt hướng về miền xa xăm, những nhớ thương và mỏi mòn đợi trông người chồng chinh nhân, lúc bấy giờ sẽ chỉ còn là “giấc mộng đêm qua”, chỉ là một giấc mộng hãi hung của hư vô, nay đã tan biến theo khói mây mà thôi. Giọt lệ buồn khóc bao đêm của người thiếu phụ chờ chồng, nay đã trở thành giọt nước mắt hạnh phúc “hoen trên đôi má”, khi lại được ôm trong vòng tay rắn chắc của người chồng.

Nghe đến đoạn này, ta lại nhớ tới lời một bài hát khác, cũng được sáng tác bởi cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh – bài “Lời Cho Người Tình Nhỏ”, khi tác giả cũng sử dụng phép so sánh “giấc mơ” rất độc đáo và tài tình:

Nếu một mai khi hòa bình
Anh có trở về như ước mơ
Khi lửa khói xưa chỉ là giấc mơ trong đời
.

Xuân nơi tiền đồn, có thể thiếu cái này, cái kia so với ở quê nhà hay đô thị, nhưng cũng không hẳn là buồn, vì còn có đồng đội chiến hữu, và không kém phần đặc biệt, là vẫn còn tấm lòng yêu mến, ngưỡng mộ người lính của những người em gái hậu phương.

Ɲgàу đầu một năm, có cô em đến trước sân đồn
Mang thật nhiều quà cho chàng ᴄhιến binh
Xin chúc cho tình thương mặn mà keo sơn

“Cô em đến trước sân đồn” ở đây, có thể là những nữ ca sĩ, sinh viên đi ủy lạo, động viên tinh thần binh sĩ ở miền xa xôi, hoặc cũng có thể là em gái của người lính nào đó lên thăm anh trai, mang theo những món quà ngày Tết. Dù sao đi chăng nữa, thì giữa chốn quan san quanh năm “thiếu bóng đàn bà” – theo lời của cố nhạc sĩ Trúc Phương, thì sự xuất hiện của những người em gái hậu phương đó thực sự làm tăng thêm sức sống cho vùng “sỏi đá khô cằn”. Chút nữ tính, yêu kiều của các cô em góp vui, cũng khiến cho ngày Tết miền xa bớt đi phần cô quạnh, nối nhớ nhà trong lòng các binh sĩ. Những món quà cho các anh lính, chính là thứ gắn kết cho tình quân dân sẽ ngày một bền chặt hơn, tựa như keo với sơn.

Ngày mùng Một đầu năm, trong nắng Xuân mới se thắm trời xanh, bên cạnh nỗi nhớ quê, nhớ nhà, những anh lính “chưa lập gia đình nhưng có người yêu ở miền hậu tuyến” cũng mang lòng nhớ nhung tương tự như những người lính đã có vợ con. Nỗi nhớ người yêu xem ra có phần lãng mạn, bay bướm hơn nỗi nhớ vợ con của những anh lính đã kết hôn.

Ɲgàу đầu một năm, có một nàng con gái qua sông
H
ái lộc trước chùa, ước tình уêu đẹp như hoa sớm
Tình nồng đầu tiên, hứa triền miên nước lớn sông
dài
Ϲhúc cho duуên đầu, vạn đời sau vẫn còn tươi màu

Ở miền quê hương xa vời vợi, người yêu cũng rất nhớ các anh. Chuyến đò đầu năm chở người con gái qua sông, để nàng đi lễ chùa, lễ đình hái lộc đầu năm. Đây là một tục lệ rất đẹp, rất ý nghĩa của dân tộc bao đời nay. Hái cành lộc non mang về nhà, người ta mong ước sẽ được Thần, Phật linh thiêng ban may mắn, phù hộ điều ước muốn. Người con gái hái cành lộc, với mộng ước rằng mối duyên đầu mới chớm nở với anh lính, sẽ mãi mãi tươi tắn và êm dịu “như hoa sớm” – hoa buổi nắng sớm.

Mối tình đầu tiên, nhiều mộng mơ và ước hẹn, “triền miên” tựa như “nước lớn sông dài”. Một tình cảm dạt dào, chan chứa. Tác giả cũng chúc cho mối tình đầu giữa các anh lính và người yêu ở miền hậu phương sẽ luôn tươi màu, dù cho đến “vạn đời sau”, cho dù hoàn cảnh lửa binh của đất nước có ngăn trở đôi trẻ tới đâu.

Viết bài hát dưới tư cách là người lính nơi tiền đồn, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã khắc họa thành công cảm xúc, nỗi niềm của kẻ nơi tiền tuyến, cũng như người ngóng chờ ở nhà. Ai cũng có gia đình, vợ con, người yêu và quê hương đang ngóng chờ vào dịp Tết đến Xuân về. Bài hát còn là lời chúc, lời ước mong của nhạc sĩ cho một non nước hòa bình, một mùa Xuân yên vui. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh muốn động viên cho tinh thần của những người binh sĩ – lập đầu công để đất nước vẻ vang, vui Xuân thái hòa, để được trở về với gia đình, vợ con.

Những bài nhạc Xuân mà loạt bài viết này nhắc tới, ngoài điểm chung là những bản nhạc Xuân bất hủ, nhiều người biết đến, mỗi bàn hát còn khắc họa đất nước qua ba giai đoạn khác nhau. “Xuân hy vọng” với bài “Ly Rượu Mừng”, trong bối cảnh đất nước đang dần thức tỉnh về ý thức độc lập, thực dân Pháp mất dần ảnh hưởng đối với Việt Nam, cùng với cuộc ᴄhιến Đông Dương sắp kết thúc, đem đến bao nhiêu hứa hẹn cho một đất nước tự lực, tự cường mai sau. “Xuân thanh bình” với bài “Cánh Thiệp Đầu Xuân”, tuy đất nước bị chia cắt, nhưng tiếng súng lúc này cũng đã tạm ngưng, cuộc sống cũng dần trở nên ấm no, hạnh phúc. Và cuối cùng là bài hát “Ngày Đầu Một Năm” – “Xuân thời loạn” với bao lớp trai phải xa gia đình, xa quê hương và người thương để đăng trình.

Dù là trong bối cảnh nào, dù thanh bình hay thời loạn, cả ba bài hát cũng đều thể hiện chung một nội dung, chung một tâm tư của các nhạc sĩ: niềm hy vọng. Hy vọng cho một đất nước thanh bình, yên ấm, tự do, nơi quốc dân và muôn thế hệ về sau được sống trong phú cường, thịnh trị, và luôn tự hào về nòi giống, đất nước. Hy vọng cho hạnh phúc lứa đôi, gia đình êm ấm, thuận hòa. Đó chính là cái giá trị nhân bản (hay còn gọi là nhân văn) hàm chứa trong ba bài hát này nói riêng, cũng như chứa đựng trong nền thi ca nghệ thuật miền Nam Việt Nam trước 1975 nói riêng. Không chứa những ca từ mạnh bạo hay những lý tưởng cao xa, thơ nhạc miền Nam nói về những niềm những xúc cảm thường ngự trong lòng người, cũng như những ước vọng thầm kín, nhỏ nhoi nhưng rất có ý nghĩa với họ.

Và trong mùa dịch hiện nay, cái con người ta cần nhất, và cũng thiếu thốn nhất, chính là niềm hy vọng, sự tin tưởng vào ngày mai. Chúng ta không biết được, liệu giãn cách sẽ diễn ra trong bao lâu. Chừng nào dịᴄh bệnh sẽ biến mất, hoặc chí ít, không còn là mối họa đối với con người. Cho dù có an toàn, nhưng lương thực trong nhà vơi dần, hàng hóa khan hiếm, nhiều khu vực phong tỏa, không thể ra ngoài mua hàng hay shipper không thể giao đến, chính là thứ khiến nhiều người tuyệt vọng, bi quan, chán nản khi nhìn về tương lai.

Một cái nhìn ảm đạm về tương lai như vậy, là điều hoàn toàn dễ hiểu, trong hoàn cảnh này.

Mong rằng chuỗi bài viết này, cũng với những bản nhạc Xuân người viết gợi ý, sẽ như một món quà mọn gửi đến mọi người, đến những ai đang chán nản đối thực tại túng thiếu. Chẳng mong một mục đích đao to búa lớn gì cả, mà người viết chỉ trông chờ rằng, sau khi nghe xong, quý độc giả sẽ tìm về được mùa Xuân tràn ngập tiếng cười và nắng ban mai của tuổi thơ trong tiềm thức, cũng như tìm lại được nguồn hứng khởi, cảm xúc tích cực, cũng như niềm hy vọng mà nhạc sĩ gửi gắm trong mỗi bài hát.

Có tích cực, có hy vọng, thì mới có động lực mà vượt qua được cơn đại dịch này. Xin chúc quý độc giả và gia đình giữ gìn một sức khỏe thật tốt, cũng như một tinh thần tốt. Mùa Xuân vẫn đợi muôn người, muôn nhà ở phía trước!

Bài: Nguyễn Toàn
Bản quyền bài viết của nhacvangbolero.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here