Trong dòng chảy tân nhạc Việt từ thuở được hình thành cho đến nay, những ca khúc viết về mùa Xuân, đón Tết sang có rất nhiều, đa dạng về thể loại, có tâm trạng vui lẫn buồn. Trong hàng trăm ca khúc nổi tiếng về mùa Xuân, có một bài được xưng tụng là bài nhạc Xuân hay nhất, là “đệ nhất Xuân ca” của mọi người đại, đó là Ly Rượu Mừng.
Bài hát Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương còn đặc biệt và độc đáo hơn cả ở chỗ là xuyên suốt bài hát chẳng có lời nào ca ngợi sắc Xuân, tả cảnh ngày Xuân mà chỉ tuyền những lời chúc tụng hoà ca. Nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác ca khúc này vào năm 1952 và ra mắt lần đầu tiên dưới tiếng hát của Ban hợp ca Thăng Long.
Click để nghe Ban Thăng Long hát Ly Rượu Mừng trước 1975
Ly Rượu Mừng là một nhạc phẩm có lời ca giản dị, dễ hát, dễ nhớ đã đi vào lòng bao thế hệ người Việt bởi chất nhạc sống động, rộn ràng, tươi mới, đầy những yêu thương, tràn ngập không khí Tết dù trong lời ca chỉ có một chữ Xuân duy nhất ngay đầu bài hát.
Xuân là lý do, là chiếc phông nền êm dịu cho những lời chúc tụng vang ca khắp nơi nơi:
Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Với người Việt từ xưa tới nay, mùa Xuân là thời điểm khởi đầu của một năm mới, một vòng tuần hoàn mới sẽ lặp lại. Trong những ngày cuối năm, cuối tháng, khắp nơi nơi trên dải đất hình chữ S, không khí “tống cựu nghinh tân” náo động khắp chốn, nhà cửa được dọn rửa gọn gàng, sạch sẽ để tống tiễn hết những “vía” xấu, những gian nan, khó khăn của năm cũ, đón những điềm may mắn trong năm mới. Đó cũng là lý do vì sao người Việt thường dọn rửa trang hoàng nhà cửa vào những ngày giáp Tết, đốt rác vào lúc sắp giao thừa và mở rộng cửa chuẩn bị đón khách vào sáng mùng một.
Mỗi người khách đến nhà sẽ đem đến một lời chúc tụng may mắn cho gia chủ. Nhận được càng nhiều lời chúc tụng may mắn trong những ngày đầu năm thì gia chủ càng được củng cố niềm tin vào một năm mới an bình, may mắn và thành công hơn. Việc gặp gỡ, chúc tụng nhau mỗi dịp đầu năm mới còn thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn của người Việt trong câu tục ngữ “Mùng một Tết Cha, mùng hai Tết Mẹ, mùng ba Tết thầy”. Đây là dịp để bà con, họ hàng, lối xóm, bè bạn thăm hỏi, trò chuyện, sum vầy, gắn kết gần gũi với nhau hơn; người trẻ tỏ lòng thành kính, biết ơn với tổ tiên, ông bà, người lớn tuổi trong gia đình, dòng tộc; người lớn bày tỏ sự quan tâm, yêu thương, nâng đỡ đối với con cháu.
Suốt ba ngày Tết chính, trong khắp các gia đình Việt sẽ vang lên những lời chúc tụng, ngợi ca, khen tặng với mong muốn trao tặng cho nhau những điềm may mắn trong năm mới. Thấm nhuần truyền thống văn hoá tốt đẹp đó của dân tộc, nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã đem lời chúc tụng của mình trao tặng cho hết thảy mọi người trong lời hát:
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức
Người công nhân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó
Từ “anh nông phu”, “người thương gia” đến “người công nhân” và “người người”… đều được nhắc đến trong những lời chúc tụng hồ hởi, hồn nhiên, chân tình, không phân biệt, không câu nệ. Đó là tinh thần hào sảng, phóng khoáng, rộng rãi mà người Việt thường thể hiện mỗi dịp Tết đến Xuân về. Dù cả năm có ky cóp, tiết kiệm, làm lụng vất vả thì Tết cũng phải sắm sang cho đủ đầy, tươm tất. Dù cả năm không có dịp chúc tụng, trò chuyện thân tình thì Tết đến cũng nhất định phải rộn rã vui vầy, chúc tụng vang vang.
Theo truyền thống của người Việt Nam, trong những ngày Tết, người Việt thường không nhắc đến những chuyện xấu, những chuyện xui xẻo, những chuyện không vui; những hiềm khích, xích mích trong năm cũ cũng thường được bỏ qua để hướng tới một năm mới an bình, vui vẻ, hạnh phúc. Trong ngày đầu năm mới, nếu con cái, vợ chồng, họ hàng có lỡ làm gì không vừa ý nhau, có phạm lỗi thì cũng thường được bỏ qua, xuê xoa nhẹ nhàng để không khí gia đình vui vẻ, viên mãn. Vậy nên, nhạc sĩ mới viết:
Nhấp chén đầy vơi
Chúc người người vui
Muôn lòng xao xuyến duyên đời
Ở những câu hát tiếp theo, nhạc sĩ dành những lời ca hào sảng, trang trọng để tri ân những người “vì nước quên thân”:
Rót thêm tràn đầy chén quan san
Chúc người binh sĩ lên đàng
Chiến đấu công thành
Sáng cuộc đời lành
Mừng người vì Nước quên thân mình
Trước năm 1975, Ly Rượu Mừng là ca khúc cực kỳ phổ biến ở miền Nam và hầu như bắt buộc phải có trong những chương trình Xuân. Tuy nhiên, sau tháng 4/1975, chữ “binh sĩ” trong câu hát “chúc người binh sĩ lên đàng” đã được đem ra mổ xẻ và ca khúc bị cấm hát trong nước suốt từ đó cho đến năm 2016, tức là suốt 40 năm. Gia đình nhạc sĩ sau đó đã tìm được tư liệu cho thấy ca khúc được sáng tác từ năm 1952, và người “binh sĩ” ở đây chính là người lính chống Pháp, nhờ vậy mà Ly Rượu Mừng được chính thức trở lại trong các chương trình ca nhạc trong nước từ 2016 cho đến nay.
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương trong những lời chúc tụng, tri ân đầu xuân đã không quên những “người binh sĩ” khí khái, kiên trung. Đó là những người con ưu tú, oai hùng của nước Việt, chắc chắn không chỉ là những người lính chống Pháp của những năm 1952, mà là hàng vạn vạn người đã ngã xuống, đã đổ máu xương để bảo vệ quê hương, nòi giống Lạc Hồng từ thuở lập quốc xa xưa cho đến nay. Trong những câu hát chúc tụng dành cho “người binh sĩ”, từ lời ca đến nhịp điệu đều văng vẳng, hào hùng khác hẳn lời chúc dành cho nông dân, công nhân, thương gia,.. phía trên. Nhạc sĩ không dùng hình ảnh “nâng chén” hay “nhấp chén” mà “rót cho tràn đầy chén quan san” vô cùng hào sảng, đậm chất quân ca. Và từ góc nhìn của người lính, nhạc sĩ nhìn thấy những bà mẹ già đang mong ngóng con trở về:
Kìa nơi xa xa có bà mẹ già
Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa
Chúc bà một sớm quê hương
Bước con về hòa nỗi yêu thương
Hát khúc hoan ca thắm tươi đời lính
Chúc mẹ hiền dứt u tình
Niềm tự hào về những người con “binh sĩ” cũng chính là nỗi đau trong “mắt vương lệ nhoà” của những bà mẹ già nơi quê nhà. Ca khúc chùng nhẹ xuống trong một vài giây khắc rồi lại thổi bùng lên niềm hy vọng trong câu chúc tụng giản dị, chân tình, đầy thấu hiểu: “Chúc bà một sớm quê hương, bước con về hoà nỗi yêu thương”.
Quả thực, chẳng có lời chúc nào xứng đáng, ý nghĩ hơn lời chúc được sum vầy với người con “binh sĩ” đi đánh giặc xa nhà trong dịp Tết đến Xuân về. Và nếu điều đó không thể thành sự thật, thì xin “hát khúc hoan ca thắm tươi đời lính” để “chúc mẹ hiền dứt u tình”, mong mẹ phai vơi phần nào nỗi u buồn, mong nhớ con.
Sống trong hoàn cảnh loạn lạc, tâm hồn của bất kỳ người Việt nào trong giai đoạn này dường như cũng bị xáo trộn giữa những ước mong của cuộc sống đời thường và những ước nguyện cho quê hương xứ sở. Lời chúc tụng vì vậy cũng đan xen những nỗi lòng đau đáu, luân chuyển từ chỗ này đến chỗ khác, nghĩ đến cuộc sống bình yên nơi này rồi lại nghĩ đến cuộc sống ly loạn ở nơi khác.
Ở những câu hát tiếp theo, ta lại quay trở lại với lời chúc tụng cho cuộc sống ấm êm, hạnh phúc của những đôi uyên ương:
Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương
Xây tổ ấm trên cành yêu đương
Mùa Xuân thường gắn liền với mùa cưới, mùa uyên ương, bởi khi đó, thời tiết đẹp nhất, khí hậu ấm áp, hoa lá tươi xanh, chim muôn rộn rã, nhà nhà hân hoan, vui vẻ sau một năm dài vất vả. Không phải ngẫu nhiên mà trong âm nhạc, ta bắt gặp những ca khúc gắn liền đám cưới và mùa xuân như: Ra Giêng Anh Cưới Em, Đám Cưới Đầu Xuân, Ngày Xuân Vui Cưới, Mùa Xuân Cưới Em,… Vì vậy, trong những lời chúc tụng đầu xuân, nhất định không thể thiếu những lời chúc tụng “mừng đôi uyên ương” có một khởi đầu mới hạnh phúc, ấm êm. Và trong những ngày xuân hân hoan, nhất định phải có tiếng đàn, tiếng thơ vang ca rộn rã thì bức tranh mùa xuân mới viên mãn, tựu thành:
Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ
Tiếng thi ca nét chấm phá tô thêm đời mới
Từ văn hoá chúc tụng trong cộng đồng, gia đình, làng xóm mỗi dịp Tết, nhạc sĩ Phạm Đình Chương với tấm lòng của một người con dành cho quê hương, xứ sở đã nâng lên thành lời chúc tụng cho nước non, quê hương, nhắc nhớ lòng tri ân đối với những người vì nước quên thân. Một bàn tay không thể vỗ thành tiếng, một lời nguyện cầu khó thấu đến cao xanh vì vậy người nghệ sĩ bằng tiếng hát, lời ca của mình, đã cất lời kêu gọi mọi người cùng hoà ca lời cầu nguyện “cho non sông hoà bình”, cho “quê hương yên vui”, cho “muôn người hạnh phúc chan hoà”. Lời chúc đó, lời nguyện cầu đó có lẽ đã đau đáu, vang vọng trong lòng những con dân nước Việt từ ngàn đời nay, được nhạc sĩ Phạm Đình Chương tổng kết lại trong những lời hát da diết, bùi ngùi, nhưng cũng đầy tin yêu, hy vọng:
Bạn hỡi, vang lên lời ước thiêng liêng
Chúc non sông hoà bình, hoà bình
Ngày máu xương thôi tuôn rơi
Ngày ấy quê hương yên vui
đợi anh về trong chén tình đầy vơi
Nhấc cao ly này
Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do
Nước non thanh bình
Muôn người hạnh phúc chan hoà
Ước mơ hạnh phúc nơi nơi
Hương thanh bình dâng phơi phới
Click để xem video Ly Rượu Mừng của hợp ca Asia
Cố thi sĩ Du Tử Lê từng gọi “Ly Rượu Mừng là xuân khúc kinh điển nhất của nền tân nhạc Việt Nam”. Điều này quả thực vô cùng xác đáng bởi giá trị bao hàm rộng lớn của lời hát đã nâng tầm vị thế cho ca khúc, không chỉ là một khúc xuân ca giản dị, thuần chất hoan ca mà còn là khúc xuân ca đại diện cho tâm tư, tấm lòng và văn hoá truyền thống tốt đẹp dân tộc. Bởi vậy nên, dù 70 năm đã trôi qua kể từ ngày được ra mắt và sau 40 năm bị cấm đoán, sức sống bền bỉ trường tồn của nhạc phẩm Ly Rượu Mừng vẫn còn đó mãi ghi dấu trong lòng bao thế hệ yêu nhạc và vẫn được cất lên đầy hào sảng mỗi dịp Xuân về.
Ca khúc Ly Rượu Mừng được trình bày đầu tiên do ban hợp ca Thăng Long, gồm bốn anh chị em Hoài Trung (Phạm Đình Viêm), Hoài Bắc (Phạm Đình Chương), Thái Hằng và Thái Thanh. Từ đó về sau, bản nhạc này luôn được hát trong những ngày đón xuân cho tới năm 1975 và cả sau đó ở hải ngoại.
Sau năm 1975, Nhà nước Việt Nam không cho phép phổ biến bài hát này. Đến đầu năm 2016, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) mới cấp phép cho Phương Nam Film được phổ biến ca khúc Ly Rượu Mừng trên toàn Việt Nam.
Vào ngày cuối cùng của năm 2016, ca khúc Ly Rượu Mừng được chọn làm bài kết thúc cho chương trình Giai Điệu Tự Hào phát trên đài truyền hình quốc gia VTV. Cũng trong chương trình này, nhà báo Nguyên Minh chia sẻ lý do bài hát này bị cấm ở trong nước sau năm 1975 là vì có nhắc tới người lính, tới từ “đời lính”, “binh sĩ”.
“Chính yếu tố người lính làm bài hát không được hát trở lại. Người lính là người lính nào?” – (trích nguyên văn lời của nhà báo Nguyên Minh trêm VTV)
Cũng theo chia sẻ của nhà báo Nguyên Minh, sau này khi Phương Nam phim muốn ghi bài hát này, họ đã phải cùng gia đình tìm lại tất cả các tư liệu cũ liên quan đến bài ca. Trong những tư liệu đã quá cũ, gia đình tìm và thấy bản ghi chép, tư liệu cũ của ca khúc này. Qua đó, có thể xác định bài hát được sáng tác khoảng thời gian 1951-1953. Tư liệu cũng cho thấy đó là bài hát mà ông Phạm Đình Chương viết về người lính chống Pháp. Trên cơ sở đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã cấp phép cho bài hát được hát hồi đầu năm 2016.
“Đó là bài hát về người lính chống Pháp. Bài hát cuối cùng đã được giải oan” – ông Minh nói.
Đông Kha