Hơn 15 năm trước, có một cộng đồng những người yêu mến dòng nhạc vàng được thành lập dưới hình thức diễn đàn và trang nghe nhạc, và những người chung sở thích nhạc vàng ở trong nước đã lần đầu tiên được gặp gỡ nhau ở trên internet, cũng như họp mặt thường xuyên ở ngoài đời, thường gọi là “offline”. Cộng đồng này mang đầu mang tên “Nhạc Vàng Online”, sau đó thành “Quán Nhạc Vàng”, và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Trong những năm đầu tiên, họp mặt offline chủ yếu diễn ra ở quán ăn để mọi người có dịp gặp nhau trò chuyện. Cho đến cách đây gần 10 năm, diễn đàn thường mời một số ca sĩ thân quen góp mặt, thường xuyên nhất và nổi tiếng nhất, là danh ca Phương Dung.

Video dưới đây là buổi nói chuyện của cô Phương Dung trong một buổi họp mặt như vậy diễn ra vào năm 2012.


Click để xem

Đó là thời điểm trong những năm đầu tiên Phương Dung trở về Việt Nam biểu diễn sau gần 40 năm định cư ở hải ngoại. Trong buổi họp mặt này, lần đầu tiên ca sĩ Phương Dung chia sẻ về thời ấu thơ và những năm đầu đi hát của mình, về những người thầy đầu tiên, ca khúc đầu tiên, và những bước đầu chập chững đi vào con đường nghệ thuật.

Trong buổi nói chuyện, ca sĩ Phương Dung kể lúc nhỏ cô là một người rất khó nuôi, thường đau yếu và quấy khóc. Một hôm có một ông thầy pháp đi ngang qua, nghe tiếng khóc rất lạ nên vào nhà hỏi chuyện. Sau khi nhẩm tính dựa theo ngày, giờ sinh, ông nói với mẹ của Phương Dung: “Con nhỏ này số là con trai, nhưng sinh ra là con gái, khó nuôi”.

Sau đó ông chỉ cách là để em bé chưa đầy năm này vào một cái thúng rồi để trước nhà, tìm và nhờ một người tuổi Thân ẵm em bé vô nhà lại, giả bộ như là nhờ nuôi. Ông thầy cũng nói cha mẹ cô sẽ cực một thời gian nữa, qua đến hết 9 tuổi thì mới không còn bệnh tật. Bù lại thì ông nói Phương Dung sẽ thành danh sớm.

Phương Dung cũng kể về sự tiếp xúc với âm nhạc của mình từ nhỏ, dù không phải là “con nhà nòi” như sau:

“Gia đình tôi quanh năm ruộng vườn, buôn bán, nhưng là nếp nhà có học. Ba má giữ lề thói xưa cũ, nhưng cũng có sự phóng khoáng và cởi mở trong nuôi dạy con cái. Ngay từ hồi biết đọc, tôi đã được ba má cho tiếp xúc với những cuốn sách, những bài hát ba má thường hay đọc, hay nghe.

Tự dưng tôi nuôi khao khát là lớn lên sẽ trở thành một ca sĩ. Biết tôi hăng hái tham gia các hoạt động văn nghệ ở trường, ba chẳng những không kỳ thị, cấm cản mà còn hết lòng ủng hộ”.

Sau khi học hết tiểu học ở Gò Công, Phương Dung quyết định lên Sài Gòn để theo mộng làm ca sĩ. Tại thủ đô, cô ở nhờ nhà người quen và thi vào trung học nữ Gia Long.

Năm 1959, khi mà các ca sĩ Thanh Thúy, Lệ Thanh, Bạch Yến, Bích Chiêu… đã đứng trên đỉnh cao của làng nhạc, và Phương Dung nghĩ rằng con đường duy nhất trở thành ca sĩ là tham gia cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của Đài Phát thanh Sài Gòn. Trong cuộc thi năm đó, nhạc sĩ Thanh Sơn được giải nhất, ca sĩ Nhật Thiên Lan được giải nhì. Phương Dung chỉ được giải 4 vì chưa được học nhạc lý, không biết xướng âm.

Sau cuộc thi, Phương Dung may mắn được nhạc sĩ Khánh Băng đồng ý cho về hát lót ở giải trí trường Thị Nghè rất nổi tiếng trong thập niên 1950.

Phương Dung bắt đầu những bước chân đầu tiên để trở thành ca sĩ chuyên nghiệp, nhưng không bỏ bê việc học, và học vẫn rất khá tại trường Gia Long. Thời gian sau đó, cô đi hát ở một số phòng trà, rồi được theo học với ca sĩ Lê Xuân (sĩ quan không quân Lê Trung Xuân), là cậu của một người bạn học. Nhờ sự chỉ dẫn tận tình của “cậu Xuân”, ca sĩ Phương Dung tiến bộ rất nhanh, chỉ 1 năm sau cô được hãng dĩa Việt Nam mời thu âm ca khúc đầu tiên là Đường Về Khuya, sau đó là Nỗi Buồn Gác Trọ, rồi bắt đầu trở thành 1 trong những nữ ca sĩ nổi tiếng nhất của nhạc vàng trong suốt 60 năm qua.

Trong buổi họp mặt này, khi được hỏi về việc có lời khuyên nào cho ca sĩ trẻ, cô Phương Dung nói rằng trong hàng vạn người mới có được 1 người có tố chất làm ca sĩ, sở hữu những điểm khác lạ để thành danh. Có được điều đó vẫn chưa đủ, mà ca sĩ phải tìm được những bài hát hợp với chất giọng của mình. Để minh hoạ cho điều mình nói, Phương Dung cất lên vài câu hát nhạc Trịnh trong bài Như Cánh Vạc Bay, và nói rằng cô vẫn hát được nhạc Trịnh Công Sơn, nhưng không thể hay và để lại dấu ấn trong lòng khán giả, nên chưa bao giờ thu âm bài nhạc Trịnh nào.

Ngoài ra cô cũng khuyên rằng những người nuôi mộng làm ca sĩ thì không nên tập hát bằng karaoke, vì sẽ mất đi cái “phiêu” khi hát cùng ban nhạc. Ngoài ra cần tập cho mình một cách luyến láy riêng.

Cô giải thích rằng nhạc vàng tưởng dễ hát, nhưng khó hát cho hay. Vì nếu hát nhạc vàng mà không luyến láy thì sẽ khô khan, bài hát không được ngọt ngào. Nhưng nếu hát nhạc vàng mà luyến láy quá nhiều thì sẽ thành hát cải lương. Vì vậy cô nói rằng nhạc của Trúc Phương, Lam Phương sẽ khó để hát hay và tạo được dấu ấn với khán giả.


Click để nghe tuyển chọn nhạc Phương Dung thu âm trước 1975

Một bài hát được nhạc sĩ sáng tác với những nốt nhạc rời, và tự bản thân ca sĩ phải tìm cho mình những cách luyến láy riêng biệt để tạo thành một thương hiệu cho mình. Những ca sĩ nổi tiếng trước năm 1975 thì hầu như không có trường hợp nào là bắt chước cách luyến láy của nhau, cho nên ca sĩ nào cũng có nét riêng, không ai giống ai, đó cũng là lý do mà giọng hát của họ vẫn được hâm mộ sau hơn nửa thế kỷ.

Nếu xem hết video buổi nói chuyện của Phương Dung ở trên, bạn sẽ thấy được cô dẫn chứng bằng nhiều ca khúc để giải thích cho những điều cô nói một cách thuyết phục. Nếu bạn cảm thấu được toàn vẹn những điều ca sĩ Phương Dung nói, thì sẽ dễ dàng hiểu vì sao nhiều ca sĩ trẻ hiện nay có giọng ca rất nội lực, được đào tạo bài bản, nhưng hát nhạc vàng một cách vô hồn, thiếu cảm xúc, trở thành những “thợ hát”, chứ không phải là những ca sĩ thực thụ có khả năng truyền tải cảm xúc vào trong bài hát nhạc vàng.

Bài: Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here