Cho đến nay, tên gọi Sài Gòn là cái tên lưu dấu lại rất nhiều kỷ niệm trong lòng của nhiều người. Tên gọi đó không mất đi trong lời ăn tiếng nói, văn chương báo chí chính thức hiện nay, mà ngày càng được sử dụng thường xuyên.

Trong âm nhạc, từ xưa đến nay, có rất nhiều ca khúc nhắc đến tên gọi Sài Gòn với nhiều niềm thương mến. Trước năm 1975, đó là biểu tượng của sự phồn hoa chốn thành đô, sau 1975, nơi đó trở thành niềm nhớ, sự xót xa, đau đáu khi nhớ về. Đó là các ca khúc Sài Gòn (Y Vân), Đêm Nhớ Về Sài Gòn (Trầm Tử Thiêng), Sài Gòn Thứ 7 (Anh Bằng), Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt (Nam Lộc), Nước Mắt Cho Sài Gòn (Nguyễn Đình Toàn), Giã Biệt Sài Gòn…

Ngoài ra, phải kể đến ca khúc rất đặc biệt, đó là Khi Xa Sài Gòn của nhạc sĩ Lê Uyên Phương phổ từ thơ Kim Tuấn. Nói ca khúc này đặc biệt, đó là vì nhạc sĩ Lê Uyên Phương rất hiếm khi viết nhạc từ lời thơ, hầu hết các ca khúc nổi tiếng của ông đều tự viết lời. Ngoài ra trong lời bài hát này có 21 câu hát, thì có 19 câu có nhắc đến tên gọi Sài Gòn, đạt “kỷ lục” bài hát nhắc đến Sài Gòn nhiều lần nhất:

Sài Gòn bây giờ trời mưa hay nắng
Sài Gòn bây giờ ai khóc thương ai
Sài Gòn giới nghiêm che kín đêm dài
Sài Gòn khói bay, Sài Gòn nắng đổ
Sài Gòn đã buồn như trời sớm mai

Sài Gòn bây giờ trời mưa hay nắng
Sài Gòn bây giờ ai khóc thương ai
Sài Gòn giới nghiêm che kín đêm dài
Sài Gòn khói bay, Sài Gòn nắng đổ
Sài Gòn có còn bước chiều bơ vơ…

Sài Gòn còn ai khóc kẻ lên đường
Sài Gòn xe chiều rạt rời vó ngựa
Sài Gòn âm thầm, đèn đỏ đèn xanh
Sài Gòn mưa bay, thôi thế cũng đành…

Giấc ngủ miền xa ôm trời núi rừng
Bên trời nhớ nắng trung nguyên

Sài Gòn bây giờ trời mưa hay nắng
Sài Gòn bây giờ cúi mặt xa nhau
Sài Gòn bước ai gõ xuống đêm sầu
Sài Gòn bóng nghiêng, Sài Gòn đứng đợi
Sài Gòn bây giờ cúi mặt xa nhau…

Nhưng có một điều đặc biệt hơn tất thảy, đó là hầu như 99% người nghe nhạc sẽ tưởng rằng bài hát này được sáng tác sau năm 1975. Có lẽ bởi vì lời ca của Khi Xa Sài Gòn rất da diết, là niềm nhớ thương Sài Gòn vô bờ của những người viễn xứ, xa lìa quê hương sau cơn biến động năm 1975.

Đặc biệt là khi bài Khi Xa Sài Gòn được Khánh Ly hát trong băng nhạc Niệm Khúc Hoa Vàng sau 75. Trước khi hát cô đã đọc lời giới thiệu nói về những giờ phút đen tối nhất cuộc đời khi cô phải lìa xa Sài Gòn, nên làm cho khán giả lầm tưởng bài hát này được viết sau thời điểm năm 1975.


Click để nghe Khánh Ly hát

Thực ra, Khi Xa Sài Gòn được nhạc sĩ Lê Uyên Phương sáng tác ở Đà Lạt vào khoảng đầu năm 1975, nhưng chưa kịp được phổ biến thì tháng 4 năm đó ập tới, vậy bài hát đã bị xếp lại một thời gian dài và chỉ được hát khi cặp đôi Lê Uyên Phương sang đến hải ngoại năm 1979.

Bài hát Khi Xa Sài Gòn là niềm khắc khoải nhớ về đường phố Sài Gòn thường bị chìm đắm trong những giờ giới nghiêm buồn bã. Người ở phương xa nghĩ về Sài Gòn và tự hỏi rằng bây giờ Sài Gòn đang mưa hay đầy nắng, Sài Gòn với những đèn đỏ đèn xanh mịt mùng phố thị, ở đó có còn ai đang khóc kẻ lên đường xa xôi.

“Giấc ngủ miền xa ôm trời núi rừng
Bên trời nhớ nắng trung nguyên”

Ca sĩ Lê Uyên từng nói về hoàn cảnh sáng tác của Khi Xa Sài Gòn như sau:

“Bài Khi xa Sài Gòn là một bài thơ tình của nhà thơ Kim Tuấn sống ở Pleiku mà anh Lê Uyên Phương và tôi có dịp gặp gỡ và quen biết anh nhân một chuyến lưu diễn, một tuần lễ văn hoá tổ chức ở Pleiku. Trong những bài thơ mà anh khoe với chúng tôi thì anh Lê Uyên Phương cảm được bài Khi Xa Sài Gòn để phổ thành ca khúc. Ý nghĩa chính của nó là một bài thơ tình viết của một người từ Pleiku nhớ về người yêu của mình ở Sài Gòn, được sáng tác trong giai đoạn cнiếɴ cuộc bùng nổ lên cao điểm năm 1972, khi Sài Gòn thường bị giới nghiêm lúc 7 giờ tối”.

Mời các bạn nghe lại Khi Xa Sài Gòn với giọng hát Lê Uyên & Phương:


Click để nghe

Sau đây là nguyên tác bài thơ của Kim Tuấn. Ông cũng là tác giả những bài thơ được phổ nhạc nổi tiếng khác là Anh Cho Em Mùa Xuân (nhạc Nguyễn Hiền), Những Bước Chân Âm Thầm (nhạc Y Vân)…

Bài: Đông Kha
Bản quyền của nhacvangbolero.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here