Nó Và Tôi là ca khúc nhạc lính nổi tiếng mà hầu như ai yêu nhạc vàng cũng đều biết đến những câu hát và giai điệu đã trở thành bất tử: Tôi nó sinh ra nhằm chinh chiến mới quen nhau đã thương mến…

Đây là một sáng tác chung của 2 nhạc sĩ Song Ngọc và Vọng Châu. Cái tên Song Ngọc thì đã quen quen thuộc, còn Vọng Châu thì không có nhiều người biết thực ra đây là một bút danh của nhạc sĩ Hoài Linh.

2 nhạc sĩ Song Ngọc và Hoài Linh có khoảng cách về tuổi tác khá lớn, Hoài Linh hơn Song Ngọc đến 23 tuổi, có thể xem là cách nhau cả một thế hệ, nhưng họ lại vô cùng thân thiết và đã cùng nhau hợp soạn nhiều bài nhạc vàng nổi tiếng: Chiều Thương Đô Thị, Chúng Mình 3 Đứa, Một Chuyến Bay Đêm, Thiệp Hồng Anh Viết Tên Em, Nó Và Tôi…

Tôi nó sinh ra nhằm chinh chĭến mới quen nhau mà thương mến
Nó quê ngoài kia từ lâu lắm chưa lần về
Ngày tôi gặp nó nét đăm chiêu đêm nhập ngũ
Thấy thương nhau nhiều quá

Ba tháng trong quân trường cam go đá chai tầm hồn lính mới
Nó luôn bảo tôi đừng than oán chi cuộc đời
Vì khi nhịp sűng vẫn đêm đêm vang vọng mãi
Tao mày nào được vui…


Click để nghe Nhật Trường hát Nó Và Tôi trước 1975

Bài hát Nó Và Tôi là câu chuyện về 2 người lính mới, cùng vào trong quân trường Quang Trung trong 3 tháng. “Nó” được mô tả là một người ở quê xa đã lâu chưa về thăm lại, tuổi đời còn trẻ có nét đăm chiêu và mang nặng suy tư về cuộc đời, về trách nhiệm của một người trai sinh ra trong thời binh biến. Có lẽ những suy tư trăn trở đó cũng là tâm trạng chung của những người lính mới, chưa kịp bước chân vào đời đã vội khoác lên người chiếc áo nhà binh, vì đồng cảm với nhau nên họ thấy thương nhau thật nhiều.

Nhưng sự bỡ ngỡ và niềm suy tư đó sẽ qua rất nhanh, chỉ sau 3 tháng quân trường thì tâm hồn người lính mới sẽ trở nên chai sần, vẻ bề ngoài sẽ rắn rỏi phong sương vì phải dầm mưa dãi nắng trên thao trường khắc nghiệt. Dù gian khổ nhưng những người đồng đội vẫn luôn an ủi nhau không than oán cuộc đời, vì khi mà nhịp sűng kia vẫn còn vang vọng mãi thì làm sao có thể trọn vẹn được niềm vui.

Hôm chia tay hai đứa cùng bùi ngùi
Ngày mai nó tôi trên ngưỡng cửa cuộc đời
Dặn nhau gắng vui,
dù cho vành môi se khô mấy cũng mỉm cười

Hai năm sau mới có thư về
Nhìn con dấu ghi nơi nắng cháy biên thùy
Người quen cho biết tin.
Bạn tôi thân mến đã liệt oanh ngã xuống khắp đơn vị tiếc thương

Sau 3 tháng quân trường cam go, những môn sinh của quân trường sẽ chia tay nhau để trở thành các tân binh ra đi về khắp các miền biên địa, họ cùng dặn nhau là cố gắng vui để đối mặt với muôn ngàn gian nguy. Nhưng rồi chỉ 2 năm sau. nhận được tin buồn từ nơi biên thùy gió cát, rằng bạn thân mến đã hiên ngang nằm xuống cùng đất mẹ, để lại biết bao nhiêu tiếc thương.

Gặp nhau trong 3 tháng, sau đó đôi đứa ở đôi nơi suốt 2 năm trường, thật đau xót khi “ngày đầu tiên biết tin nhau là tin cuối”, và khu chiến cũng làm cơn mưa đổ bùi ngùi như là để khóc thương người ngã xuống:

Ðôi đứa đôi nơi ngày đầu tiên biết tin nhau là tin cuối
Chát cay đầu môi chiều khu chiến mưa sụt sùi
Nhìn trong lòng giấy nét quen xưa nghiêng đỗ gãy
Nó đi nhưng còn đây…

Muôn lớp trai đi nghìn sau theo dấu chân đi vào thiên lý
Biết bao người trai nợ xương máu không trở về
Người đi vào tối vẫn lưu danh cho đời mãi
Nó anh hùng ngày mai…

Hàng hàng lớp lớp người trai đã lên đường, như là sự tiếp bước cha ông nghìn xưa đi giữ nước, và dù có biết bao nhiêu người đã không trở về thì sự hy sinh đó cũng không là vô ích, tiếng thơm đã để cho nghìn đời sau này, vì người ngã xuống cho non sông gấm vóc được bình yên…

Trong lời đề tựa trên tờ bài nhạc phát hành năm 1969, nhạc sĩ Song Ngọc – khi đó cũng là một quân nhân – đã ghi:

Niềm thương cảm kính dâng những anh hùng đã ra đi vì quê hương đất mẹ. Chiến hữu S.N.

Vy Hoàng
Bản quyền bài viết của nhacvangbolero.com

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here