Vọng Gác Đêm Sương là một sáng tác rất nổi tiếng của nhạc sĩ Mạnh Phát được viết vào khoảng đầu thập niên 1960. Ca khúc có nội dung là câu chuyện tình yêu nhẹ nhàng, chất chứa những ước vọng tương phùng của một người lính lên đường ra trận lúc tuổi đời còn rất trẻ, gác lại những mộng mơ yêu đương của lứa tuổi đôi mươi.

Buông khói gây thơ, tôi kể người nghe một chuyện tâm tình
Nửa đêm giá lạnh, bỗng nghe ấm một tình thương trong tim
Sương rớt trên vai, qua ngõ hồn trai vào lòng đêm dài
Gác súng biên thùy một cơn gió buốt khơi chuyện ngày qua.

Ngay đoạn đầu của bài hát, có một chữ mà hầu hết các ca sĩ thế hệ sau năm 1975 hát sai, đó là “buông khói gây thơ”, thường bị hát thành “buông khói ngây thơ”.


Click để nghe ca sĩ Phương Dung hát (thu âm trước 1975)

Tôi đã thử nghe lại hàng chục phiên bản của bài Vọng Gác Đêm Sương từ trước đến nay, và nhận thấy các ca sĩ thế hệ trước 1975 như Chế Linh, Thanh Tuyền, Phương Dung, Giao Linh… hát đúng lời gốc, còn hầu hết thế hệ ca sĩ sau 1975 đã hát sai, trong đó có Tuấn Vũ, Trường Vũ, Mạnh Quỳnh… (Ngoại trừ Tâm Đoan và Như Quỳnh là hát đúng “buông khói gây thơ”).


Vọng Gác Đêm Sương phiên bản ca sĩ Tuấn Vũ

Điều đó cho thấy sự khác biệt trong việc cảm thụ ngữ nghĩa bài hát nhạc vàng giữa các thế hệ ca sĩ. Mặc dù Vọng Gác Đêm Sương là một bài hát quen thuộc, được nhiều thế hệ yêu thích, nhưng các ca sĩ nổi tiếng lại hát sai, dẫn đến việc các khán giả cũng hiểu sai.

Bài Vọng Gác Đêm Sương của Mạnh Phát kể về một người lính đang gác khuya ở nơi biên thùy lúc nửa đêm giá lạnh. Mặc dù đang ở nơi đầu tuyến nguy hiểm, nhưng với anh lính, đó là một khung cảnh nên thơ, với sương rớt trên vai, gió về lạnh buốt, làm anh chạnh nhớ về thời thơ mộng của mình. Vì vậy mới có câu “buông khói gây thơ”.

Có một câu hỏi khác, đó là khói trong “buông khói” nghĩa là gì? Có 2 cách giải thích. Đó có thể là ở vùng đất lạnh, khói sương thường tỏa ra trong hơi thở người. Tuy nhiên theo danh ca Chế Linh giải thích thì đó chính là khói thuốc lá nhả ra từ người lính.

Người lính này đang trong một phiên gác đêm, và trong một khoảnh khắc suy tư, anh bỗng thấy lòng mình ấm lại khi nhớ về những yêu thương ngày cũ khi chưa vào lính, rồi kể lại một chuyện tâm tình của đời mình như sau:

Xưa lúc xa xưa, tôi có người em tuổi đẹp trăng tròn
Tuy rằng không gặp, không hẹn bao giờ và chưa yêu thương
Phong kín tâm tư, tôi gói đời trai vào mộng đăng trình
Giữa buổi trăng rằm rời xa gác ấm không hề gặp nhau.

Một câu chuyện tình mới chớm, chưa yêu thương, thậm chí chưa hẹn hò bao giờ. Có thể bởi vì chàng trai biết rằng mình nợ nước còn mang, nếu buông lời yêu thương, nếu tình trở nên sâu sắc thì chỉ mang lại niềm nhung nhớ buồn thương trong cách biệt dài ngày, và lằn ranh sinh tử mong manh của người chinh nhân thời loạn có thể làm khổ lụy đến người con gái kia, mới đang ở tuổi trăng rằm.

Vì lý do đó, chàng phong kín tâm tư mình, lặng lẽ gói ghém hành trang, rời xa gác ấm để vào mộng đăng trình mà không hề gặp nhau lần cuối.


Click để nghe ca sĩ Thanh Thúy hát (thu âm trước 1975)

Thuở học trò còn buồn vu vơ
thức bao đêm làm thơ rồi đợi chờ
Hoa trắng len vào khung cửa nhỏ
ngỡ thầm là người thơ qua trong mơ

Phút vấn vương bàng hoàng hơi sương
Nửa vầng trăng vọng gác đêm trường
Trăng còn in trên gối chiếc
thì còn nhiều thắm thiết
và mơ ước thêm nhiều

Nhớ lại thuở học trò còn mang nỗi buồn vu vơ, lòng luôn mang nỗi niềm thổn thức với những rung động đầu, đến nỗi đêm trường về cũng mộng thấy người thương trong những giấc ngủ chập chờn. Giữa phút mơ mòng về ngày cũ đó, anh lính thoáng chốc đã bàng hoàng chợt tỉnh cơn mê, nhìn lên trời đêm thấy nửa vầng trăng đang soi nơi đầu tuyến, nhận ra thực tại.

Anh nghĩ, phải chăng là vầng trăng kia đang chia đôi, một nửa còn lại đang in trên gối chiếc ở chốn quê nhà, rồi ước mơ về một tình yêu thắm thiết giống như trong 2 câu Kiều:

Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường (Nguyễn Du)

Lòng anh mong về một ngày mai khi đất nước thanh bình, có thể về lại để ghép 2 nửa vầng trăng để tròn mối duyên xưa:

Mơ ước mai đây đem nửa vầng trăng về làm trăng đầy
Lối xưa đón mời ước vọng nên lời bàn tay trong tay

Đó là niềm khát vọng không chỉ của anh lính trong ca khúc này, mà là của chung tất cả những người trai thời chiến. Một mong ước thật bình dị nhưng xa vời trong hoàn cảnh hiện hữu.

Đêm trắng hoen sương
tôi giấu niềm thương tận cùng tâm hồn
Nắng ấm lên rồi
cạn đêm gác súng thôi kể chuyện xưa

Trở lại thực tại, đêm trường vẫn gõ những nhịp canh dài, sương đã rơi ướt đẫm vai áo, người lính vội giấu đi niềm thương nỗi nhớ đó vào trong tận cùng tâm hồn, vì biết rằng một ngày mai trở lại hãy còn xa lắm. Chàng lính đón chào một ngày mới nắng lên, gác lại chuyện xưa để đón chờ những nguy nan đang chực chờ phía trước.


Click để xem video Trúc Mai hát

Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com

1 COMMENT

  1. Trích đoạn bài báo : “Tuy nhiên theo danh ca Chế Linh giải thích thì đó chính là khói thuốc lá nhả ra từ người lính.” . Tôi nghĩ rằng ông Chế Linh giải thích chưa chính xác lắm, vì : Người lính gác phải tuân theo 1 điều lệnh rất quan trong (nhất là về đêm) là không được hút thuốc lá, vì đóm lửa đỏ của điếu thuốc lá sẽ kích hoạt sự chú ý của đối phương, mà thực tế có nhiều anh lính gác bị bắn chết ngay trên vọng gác vì chính điếu thuốc của mình . Còn câu ‘buông khói gây thơ’, khói là khói gì thì tôi không thể biết được .

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here