Trong nhạc vàng, có rất nhiều ca khúc xuân nói lên tâm tình của người lính. Riêng với nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, một nhạc sĩ chuyên về về lính đã có các ca khúc Đồn Vắng Chiều Xuân, Mùa Xuân Lá Khô, Đám Cưới Đầu Xuân, và Phút Giao Mùa.
Ca khúc Phút Giao Mùa được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh viết vào mùa xuân năm 1968, khi ông đã có 3 người con. Có lẽ đời lính phải công tác dài ngày, xa gia đình, xa vợ con đã làm cho ông có niềm cảm hứng viết ca khúc này, và ký tên bài hát bằng tên của 2 người con của ông: Anh Chương – Thanh Trân.
Trong đề tựa bài hát, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh ghi lời đề tặng là “Tặng Phước”, là Đại uý Trần Duy Phước, thuộc tiểu đoàn 9 – Nhảy Dù, là bạn rất thân của ông, là người đã sử dụng tên của 2 người để làm mã hiệu truyền tin.
Cũng vì là một người lính, nên nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã viết lên được tâm sự của người lính nơi biên trấn nhớ về người yêu rất chân thật:
Lại một mùa Xuân nữa đến trong khói lửa chιến tɾanh
Mùa xuân vẫn xanh, xanh như cuộc tình em với anh
Xuân nay anh chưa về, ngàn câu thề không chắc em vui,
quà xuân anh chẳng có, gác giặc từng giờ
Đời lính chiến lấy gì gửi về em?
Thời chinh chiến, chỉ duy nhất một điều mà tất cả những người phụ nữ ở nơi hậu phương mong mỏi là được nhìn thấy người chồng, người yêu lính của mình được về sum vầy trong những ngày đầu năm, đón Tết. Nếu lỡ không về được, thì ngàn câu thề ước cũng không thể làm vui lòng người. Mà đời lính gác giặc nơi xa xôi, ngoài mấy câu yêu đương thì cũng đâu còn gì khác để làm quà gửi về, nên anh lính không thể xua đi được nỗi ngậm ngùi.
Cũng giống như ca khúc nhạc xuân lính khác cùng tác giả là Đám Cưới Đầu Xuân, người chiến sĩ trong Phút Giao Mùa cũng nhớ lại kỷ niệm thời thơ ấu:
Tiền đồn heo hút nhắc em kỷ niệm ấu thơ.
Hỏi: “Em có nghe trong tâm hồn gợi giây phút xưa?”
Hương bay đêm giao thừa ngày khói lửa chưa kín quê hương,
Và đôi ta nhỏ bé, thức xem giao thừa,
Kể chuyện vu vơ và thức trong mộng mơ.
Những câu hát ngắn ngủi này đã gợi lòng cho chúng ta nhớ về biết bao nhiêu những thơ mộng ngày cũ. Trong những ngày giao thừa khi đất nước thanh bình, người lớn có biết bao nhiêu lo toan bộn bề để chuẩn bị đón Tết, chỉ vui nhất là đàn em bé thơ ngây, mong đến khoảnh khắc giao thừa để xem mâm cỗ, đón không khí rộn ràng, rồi ngủ quên trong tiếng pháo giòn tan khắp ngõ. Sáng hôm sau sẽ thức dậy và xúng xính khoe áo mới chúc tết ông bà cha mẹ…
Phút giao mùa năm nay, anh lính ngồi giữa tiền đồn heo hút mà nhớ lại những khoảnh khắc giao mùa tuyệt vời ngày xưa như vậy, cùng giấc mộng thần tiên của tuổi bé thơ:
Em anh có nhớ khi ta mơ chuyện tích xưa:
Tiên nương hiện xuống không gian xem hoa rộ khắp nơi
Trăng sao mọc kín đêm khuya cho thiên thần hát ca,
Rồi nhè nhẹ gót hài tiên ca múa trên trần ai.
Đó là những chuyện thần tiên mà hình như ai cũng đã từng mơ tưởng khi còn nhỏ. Nhưng dù sao đó cũng chỉ là chuyện hoang đường mà thôi:
Nhưng tiên nào thấy đâu dù em chắp tay nguyện cầu.
Trăng sao nào thấy đâu để anh bỗng nghe nặng sầu.
Rồi pháo nổ khai xuân mình dỗi hờn xa xăm
Khi đường trần dập dìu người đi hái lộc đầu năm.
Rồi mùa xuân cũng qua, anh lính trưởng thành và giã từ ấu tươi đẹp để khoác áo chinh nhân ra chốn biên ải, là nơi mà mỗi phút giao mùa chỉ còn lại một mình trong phiên gác đêm:
Rồi từng xuân đến bắt anh giã từ ấu thơ.
Rồi xuân chiến chinh phút giao mùa còn anh với anh
Xuân chưa ôm đôi đời
Lòng xin một giây phút mơ thôi:
Nàng tiên anh nhỏ bé giữa đêm giao mùa,
lạc đường dương gian và đến thăm mình anh.
Những mùa xuân chậm chậm bước qua trong khói lửa, và đôi đời vẫn chưa thể bước chung đường. Trong phút giao mùa năm nay, khi đất trời đang bàn giao những khoảnh khắc thiêng liêng để lập xuân, anh lính chợt suy tư và sống lại giấc mơ hoang đường ngày thơ bé, đó là được thấy nàng tiên của riêng mình hạ bước dương trần để ghé thăm…
Có lẽ sẽ khó lý giải được vì sao mà gần nửa thế kỷ trôi qua đã không còn khói lửa chiến chinh, nhưng vẫn có rất nhiều người yêu nhạc thích nghe lại những giai điệu và ca từ của nhạc xuân viết về người lính đến như vậy. Suốt từ những ngày cuối năm cho đến ngày Tết, thói quen của nhiều người yêu nhạc vàng là nghe Xuân Này Con Không Về, Lời Đầu Năm Cho Con, Cánh Thiệp Đầu Xuân, Đồn Vắng Chiều Xuân, Phiên Gác Đêm Xuân, Phút Giao Mùa… dù lúc này đã không còn vỏ đạn đồng, không còn đồn vắng hay là phiên gác nào nữa. Có lẽ vì cảm xúc trong những bài nhạc xuân viết về đời lính quá chân thành, và những cảm xúc mãnh liệt của những bài hát này mang lại là thứ không thể nào mất đi dù hoàn cảnh đã khác, thời gian cũng đã qua lâu.
Nhắc đến ca khúc Phút Giao Mùa, có lẽ chỉ có chính tác giả mới thể hiện được trọn vẹn cảm xúc của bài hát. Mời các bạn nghe lại:
Click để nghe Nhật Trường hát trước 1975
Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com
Đây là ca khúc Trần Thiện Thanh viết cho Xuân Mậu Thân nhưng vì VC vi phạm đề nghị hưu chiến do chính họ đưa ra nên ca khúc “Dấu Đạn Thù Trên Tường Vôi Trắng” đã làm chìm “Phút Giao Mùa”.