Nhạc sĩ Tô Vũ, tên thật là Hoàng Phú – là em ruột của nhạc sĩ Hoàng Quý, lúc sinh thời đã kể rằng: “Anh Hoàng Quý có vóc dáng dong dỏng cao, rất khôi ngô. Xung quanh anh Hoàng Quý luôn có rất nhiều bóng hồng, nhưng anh Hoàng Quý chỉ say đắm mỗi cô Hoàng Oanh! Mọi người trong gia đình tôi đều ra sức vun đắp cho họ!”.

Hoàng Oanh là một hoa khôi nức tiếng ở Hải Phòng, nên không chỉ có Hoàng Quý si mê cô Hoàng Oanh, mà hầu hết các chàng trai tuổi đôi mươi ở đất cảng năm đó đều thầm thương trộn nhớ nàng, trong đó có cả nhạc sĩ Văn Cao.

Khoảng năm 1942-1943, Hoàng Quý phải rời Hải Phòng, rời xa người yêu để lên Sơn Tây làm thư ký cho một trang trại nuôi bò của người họ hàng.

Khoảng 6 tháng ở Sơn Tây, có lẽ không chịu nỗi sự nhớ nhung xa cách nên ông bỏ về Hải Phòng. Trên đường về ông ghé thăm người em Hoàng Phú đang ở tại Hà Nội và cho người em xem qua bài hát Cô Láng Giềng vừa mới sáng tác ở Sơn Tây.

Vì xa cách lâu ngày, người nhạc sĩ luôn mơ về một ngày được dừng gót phiêu linh để trở về thăm người yêu:

Hôm nay trời xuân bao tươi thắm
Dừng gót phiêu linh về thăm nhà
Chân bước trên đường đầy hoa đào rơi
Tôi đã hình dung nét ai đang cười

Tôi mơ trời xuân bao tươi thắm
Đôi mắt trong đen màu hạt huyền
Làn tóc mây chiều cùng gió ngàn dâng sóng
Xao xuyến nỗi niềm yêu…

Mùa xuân là mùa của hy vọng, của những ước mơ thương yêu. Trước sắc hoa tươi thắm chào đón những ngày đầu năm mới, lòng người cũng mở ra niềm tin yêu dạt dào nao nức khi trở về thăm nhà sau ngày tháng phiêu linh xa quê, xa người mình thương nhớ. Bước trên đường xuân đầy hoa đào rơi gợi niềm duyên thắm sum vầy, người tha phương đã “hình dung” nét ai đang cười. Nhạc sĩ dụng từ “hình dung” gợi nên nỗi nhớ đằm thắm mênh mang về cô láng giềng đã bao ngày xa cách.

Người yêu nhỏ ở quê nhà là cả một trời xuân tươi, để lòng người mơ về “đôi mắt trong đen màu hạt huyền”. Tả đôi mắt người yêu đẹp như vậy, chỉ có thể là lớp nhạc sĩ thời tiền chiến: đơn sơ giản dị mà tượng hình về một đôi mắt ngây thơ trong sáng. Ngoài ra nàng còn có “làn tóc mây chiều cùng gió ngàn dâng sóng”, tóc mây đó cùng với gió ngàn đã làm lòng ai dâng sóng vỗ lên bờ bến yêu đương.

Cô láng giềng ơi!
Không biết cô còn nhớ đến tôi.
Giây phút êm đềm ngày xưa kia khi còn ngây thơ.

Trong mỗi người, hiếm ai mà không từng có một cô hoặc một anh láng giềng quen biết từ thuở ấu thời, vì vậy mà nhạc phẩm “Cô Láng Giềng” đã nhanh chóng đi vào lòng người, được công chúng đón nhận và yêu thích suốt gần 80 năm qua.

Khi yêu rồi ai cũng luôn có câu hỏi: “Không biết cô còn nhớ đến tôi”, vì tình yêu đôi lứa nào cũng đầy mong ước là được người đáp trả lại lòng thương yêu của mình. Không biết cô còn nhớ đến những ngày xưa còn bé, chúng mình cùng chung một giậu mùng tơi, cùng chung một khung trời đầy kỷ niệm ngày thơ.

Cô láng giềng ơi!
Tuy cách xa phương trời
tôi không hề quên bóng ai bên bờ đường quê
Đôi mắt đăm đăm chờ tôi về.

“Tôi không hề” là cam đoan khẳng định lòng của chàng trai không hề quên hình bóng của cô láng giềng ngày ngày ở bên bờ đường quê còn đăm đăm “đôi mắt hạt huyền” chờ tôi về. Ký ức ngày thơ là chuỗi thời gian êm đềm đọng lại trong trí nhớ trong veo nên dễ gì mà quên được. Nên “tôi” không hề, và ước mong em cũng không hề quên…

Năm xưa khi tôi bước chân ra đi.
Đôi ta cùng đứng bên hàng tường Vi.
Em nói rằng em sẽ chờ đợi tôi.
Đừng nói đến phân ly.

Năm xưa khi tôi từ giã ra đi, “đôi ta cùng đứng bên hàng tường vi”, đứng bên loài hoa hồng nhạt từng cánh mỏng gây thương nhớ, thì làm sao người đi không nhớ thương người ở lại cho được. Và em nói rằng em sẽ chờ đợi, đừng bao giờ nói đến chia cách phân ly.

Cô láng giềng ơi!
Nay bóng hoa bên thềm đã thắm rồi.
Chân bước vui bên bờ đường quê.
Em có hay chăng giờ tôi về…

Cô láng giềng ơi! Nay bóng hoa tường vi bên thềm chắc đã hồng thắm rồi, thắm hồng như tình yêu đôi lứa sau tháng ngày dài chia xa. Hoa cũng như lòng người, sau thời gian ngăn cách như nở đóa ra màu thắm thiết hơn. Hoa cũng vui mừng như người: “Chân bước vui bên bờ đường quê” và rộn rã cùng tôi hỏi: “Em có hay chăng giờ tôi về…”

Nguyên tác bài hát của nhạc sĩ Hoàng Quý được kết thúc ở đây, là một kết thúc rất đẹp, khi người lữ khách chân bước rộn vui trên đường về để gặp lại người yêu, khi bóng hoa bên thềm đã thắm rồi, cũng là lúc tình kia đã đến hồi đơm hoa kết mộng. Trên thực tế, khi nhạc sĩ Hoàng Quý trở về lại quê cũ, gặp lại người xưa sau 6 tháng xa cách, ông và cô láng giềng Hoàng Oanh đã thành hôn với nhau.

Nhưng đáng tiếc thay, hạnh phúc của họ quá ngắn ngủi, vì đến năm 1946, nhạc sĩ Hoàng Quý qua đời vì căn bạo bệnh, để lại “cô láng giềng” Oanh góa bụa cùng “đôi mắt nhung đen màu hạt huyền”.

Bài hát này được biết đến với phần lời 2 khác của nhạc sĩ Hoàng Phú viết thêm. Khi được người anh là nhạc sĩ Hoàng Quý đưa xem bài hát lần đầu, vì quá thích giai điệu bài hát, nhạc sĩ Hoàng Phú (Tô Vũ) đã xin phép anh trai cho viết thêm lời 2 cho “Cô Láng Giềng”, và chính phần lời 2 này trở thành một sự “tai hại”, vì đã làm cho nhiều thế hệ khán giả suốt 80 năm qua trách lầm “cô láng giềng”.

Phần lời 2 của nhạc sĩ Hoàng Phú thêm vào là câu chuyện tình dang dở rất buồn, khi mà cô láng giềng đã bỏ rơi chàng trai để lên xe hoa cùng người khác:

Trước ngõ vào thôn vang tiếng pháo.
Chân bước phân vân lòng ngập ngừng.
Tai lắng nghe tiếng người nói cười xôn xao.
Tôi biết người ta đón em tưng bừng.

Nhạc sĩ Hoàng Phú (Tô Vũ) nói lúc sinh thời: “Thật ra lời 2 này không phải là tâm tư của Hoàng Quý mà do tôi hư cấu và Hoàng Quý đã đồng ý. Xem như là một tác phẩm nghệ thuật chứ không phải là sự miêu tả một mối tình có thật, vì thực tế Hoàng Quý không có một bi kịch về tình yêu như nội dung của lời 2!”.

Ca khúc Cô Láng Giềng đã ghi dấu ấm đậm nét từ trước năm 1975 với tiếng hát Sĩ Phú, mời các bạn nghe lại:


Click để nghe Sĩ Phú hát Cô Láng Giềng trước 1975

Sau năm 1975, ca sĩ Vũ Khanh cũng rất thành công với ca khúc này với màn trình diễn xuất thần trên chương trình Asia:


Click để nghe Vũ Khanh hát

Bài: Trương Đình Tuấn
Nguồn: nhacvangbolero.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here