Kỷ niệm về những ngày xưa cũ lúc nào cũng êm đềm đẹp đẽ trôi dần theo năm tháng, chỉ còn lại trong hoài niệm mà ai bâng khuâng nhớ tiếc khi nghĩ về. Nhạc sĩ Mặc Thế Nhân trong một lần cảm xúc khi nhớ đến một miền quê nghèo xa xưa, đã sáng tác nên ca khúc Trả Tôi Về để lại cho đời, đi vào lòng người với những hồi ức về hình ảnh quê hương thân thương quen thuộc.
Bài hát này được ca sĩ còn rất trẻ khi đó là Thiên Trang thu âm đầu tiên trong dĩa nhựa Việt Nam, có tên gọi là Trả Tôi Về, nhưng sau này thường bị ghi thành Xin Trả Tôi Về:
Xin trả tôi về ngày xưa thơ mộng đó
Bên mái tranh chiều ngồi ngắm áng mây trôi
Mẹ quê đun bếp nghèo thơm mùi rơm qua khói mờ
Ôi tình quê trìu mến.
Xin trả tôi về miền quê hương nhỏ bé
Có luỹ tre vàng bờ lúa sát ven đê
Dòng sông trôi lững lờ rung vầng trăng soi bóng mờ
Chuỗi ngày đẹp và mơ.
Click để nghe Thanh Tuyền hát
Không làm sao quay ngược bánh xe thời gian để về với quá khứ, nên đành phải ước ao “xin trả tôi về” với ngày xưa thân ái có tháng ngày đẹp nhất nơi miền quê nghèo thơ mộng. “Bên mái tranh chiều ngồi ngắm áng mây trôi” hình ảnh chiều yên tĩnh thanh bình quá, và lòng người còn vô tư ngắm mây trôi qua trời bình yên chưa vẩn đục áng sầu lo. Những người con đã từng sống nơi quê nghèo mới cảm được mùi thơm của rơm đun bếp được mẹ nhúm lên trong chái bếp, làn khói tỏa lên mái tranh dật dờ quyến luyến như không muốn loãng tan không gian đậm sắc trìu mến tình quê
“Miền quê hương nhỏ bé” nhưng sống mãi trong ký ức của những người con xa quê. “Khi ta ở, đất chỉ là đất ở. Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” – Vùng đất nào khi ở một thời gian ngắn hay dài cũng sẽ trở thành tâm hồn, huống chi là miền đất quê đã từng là nơi chôn nhau cắt rún hay đã từng gắn bó thời thơ ấu của mình.
“Có lũy tre vàng bờ lúa sát chân đê” là hình ảnh mộc mạc bình dị mà sao thương nhớ đến nao lòng, và “dòng sông trôi lững lờ rung vầng trăng” là câu hát tượng hình rất đẹp, hình ảnh bóng trăng phản chiếu dưới dòng sông lung linh hoài trong ký ức về một chuỗi ngày đẹp như mơ nay đã không còn.
Trần ai hoen đôi mắt đỏ
Xót thương đầu môi ngôn từ nghe ôi khắp trời
Cuộc trần gian quen lừa dối điêu ngoa
Còn được ai trong đời biết thương mình.
Khi rời xa miền đất yên lành để mưu sinh, cuộc trần ai đã hoen đỏ mắt người xa quê, có một nhạc sĩ khác đã thốt lên: “Rượu trần ai gọi niềm cay đắng”. Trong cuộc hồng trần giành giựt tranh danh đoạt lợi, con người vốn có “bản chất quê” cảm thấy tâm hồn trong sạch chất phác của người từng lớn lên ở quê bị tổn thương, cảm thấy bị cô đơn giữa vòng quanh tiến hóa của đô thị, đứng bơ vơ giữa cuộc bôn chen của chợ đời điên đảo mà tự hỏi: “Còn được ai trong đời biết thương mình”.
Xin trả tôi về thời xa xưa lộng gió
Bên khóm hoa cà rượt đuổi bướm tung tăng
Diều căng dây mái đình
Thương đầu xanh chưa biết buồn
Chưa sầu chưa hờn oán.
Càng nhận ra lòng người đời đổi trắng thay đen, càng trôi nổi theo dòng chen đua của cuộc đời càng nhớ tiếc ngày xưa, thời gió lộng trên cánh đồng bao la cò bay thẳng cánh, từng trưa trốn ngủ rượt bướm rượt chuồn chuồn chạy khắp vườn quê. Mái đình cong cong trên nền trời chiều, cánh diều no gió lờ lững tiếng sáo dật dờ ru khung trời tuổi thơ xanh non màu mạ lúa, chưa gợn chút mây xám ưu tư, chưa biết sân si sầu oán của kiếp người trong bề đời khổ lụy. Khi bạc đầu mới tiếc thuở đầu xanh, khi biết sầu oán thế nhân mới thương ngày hồn nhiên thơ ấu.
Xin trả tôi về ngày xưa trong mùa lúa
Bên ánh lửa hồng mẹ thức nấu ngô khoai
Ngoài sân vang tiếng cười
Tan vầng trăng khua bóng chày
Thắm đượm vẹn tình quê.
Xin trả tôi về ngày xưa nôn nao trong mùa gặt lúa, mùa ấm no không còn nỗi lo trong mắt mẹ làm sao ăn đắp đổi qua ngày cho “giáp hạt” đến mùa lúa mới. Lúa gặt lên đầy bồ nhưng người quê không dám ăn “cơm trắng” hằng ngày, mẹ thức dậy từ sớm nấu nồi ngô khoai cho cả nhà “ăn dặm” cả ngày. Nghèo vậy, thiếu cơm đói áo vậy mà vuông sân đất trước mái nhà tranh vang tiếng cười đùa của trẻ thơ suốt đêm trăng, tiếng cười làm “tan vầng trăng khua bóng chày”, là bóng của cái chày giã gạo. Còn ánh trăng soi là còn bóng của mẹ đứng giã chày bên cối gạo, khi các con đi ngủ rồi, tiếng giã gạo của mẹ như điệu ru của quê hương còn vang vọng suốt đêm thâu.
Những hình ảnh mùa lúa, bếp lửa nấu ngô khoai, ánh trăng hay là tiếng chày khua trong đoạn nhạc cuối đã đưa người được về trọn vẹn với khoảng sân, mảnh ruộng, với thuần chất quê xưa, nơi chỉ cần nghĩ tới là người ta có thể nghe được mùi rơm rạ, thấy những đẫm ướt sương mai và vị mồ hôi mằn mặn rơi trên đồng. Những cảm xúc gợi lại nỗi nhớ vô bờ, nay chỉ còn thấy được trong bài hát mà thôi.
Ca khúc Trả Tôi Về của nhạc sĩ Mặc Thế Nhân là ước mơ được về thuở êm đềm ngày tuổi xanh, giấc mơ chung của nhiều người xa quê muốn tìm về lại cánh đồng ký ức đã từng nuôi dưỡng tâm hồn “chân quê” của mình. “Xin trả tôi về” để sống lại với thời thơ ngây trăng thanh gió lộng, tạm xa lánh đôi phút cuộc sống tất bật huyên náo của cuộc “trần ai hoen mắt đỏ” xót thương về thân ái những ngày xa xưa.
Click để nghe bản thu âm đầu tiên của Thiên Trang trong dĩa nhựa (chất lượng không được tốt)
Click để nghe Thiên Trang hát sau 1975
Bài: Trương Đình Tuấn
Nguồn: nhacvangbolero.com