“Hôm xưa tay nắm tay nhau anh hỏi tôi rằng:
Những gì trong đời ta ghi sâu vào tâm tư
Không tan theo cùng hư vô
Không theo tháng năm phai mờ
Tình nào tha thiết anh ơi?”

Đó là mở đầu của ca khúc nhạc lính nổi tiếng của 2 nhạc sĩ Song Ngọc và Hoài Linh cùng hợp soạn. Nếu chỉ nghe thoáng qua, thoạt đầu khán giả sẽ tưởng rằng bài hát nói về một đôi tình nhân đang nắm tay nhau tâm tình.

Tuy nhiên nếu kỹ nghe đoạn cuối của bài hát:

Để hôm nay ngồi đây trời biên khu nhiều mây
Chờ trăng thanh lên cao viết tâm tình
Chuyện người trai chốn xa
Và người đi chiến đấu vẫn đợi chờ nhau…

Sẽ thấy rằng bài hát viết về 2 nhân vật chính, là một “người trai ở chốn xa” và một “người đi chiến đấu”, nghĩa là đều là trai cả. Giữa họ có một tình bạn thân như tình nhân, là “tình trai thế hệ trao nhau” như trong lời 1 ca khúc khác của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ.

Lúc sinh thời, nhạc sĩ Song Ngọc từng chia sẻ rằng ca khúc Chiều Thương Đô Thị này được ông sáng tác năm 1961 khi mới 19 tuổi. Đó cũng là năm mà ông lên đường tòng quân, khoác trên mình chiếc áo chinh nhân, và “vào đời manh áo chiến lúc tuổi còn xanh” như bao nhiêu người trai cùng thế hệ khác.

“vào đời manh áo chiến lúc tuổi còn xanh”

Khi đó có một người anh, người đồng nghiệp của Song Ngọc là nhạc sĩ Hoài Linh đã phụ trách viết ca từ cho bài hát, như là lời đưa tiễn nhạc sĩ Song Ngọc lên đường đi lính:

Tình quê hương gợi sâu,
Tình tôi, anh bền lâu vì mai đây tôi xa cách kinh thành
Mộng trường chinh khói binh,
vào đời manh áo chiến lúc tuổi còn xanh.

Thôi nhé tôi đi áo vương bụi đường
Nhớ đêm phố phường người ơi lúc đèn buông
Đừng ngăn gió vào thu để rơi lá vàng khô
Reo khúc quân hành đưa tiễn người chinh phu.

2 nhạc sĩ Hoài Linh và Song Ngọc

Thời điểm này nhạc sĩ Hoài Linh là cảnh sát thuộc Nha cảnh sát quốc gia, ở lại Sài Gòn làm việc, còn nhạc sĩ Song Ngọc là anh lính trẻ đi vào trường Thủ Đức và được huấn luyện gian khổ ở nơi xa đô thành. Ngoài tình bạn gắn bó, giữa họ còn có điểm chung là tình quê hương đậm sâu, dù tuổi còn xanh nhưng cũng ra đi xa cách kinh thành để tròn “mộng trường chinh khói binh”.

Cuộc ra đi này được tác giả thi vị hoá, những tiếng rơi xao xác lá vàng khô rụng của đêm thu hôm nao, đã như là reo thành khúc quân hành vang để đưa tiễn người chinh phu ra đi cùng áo vương bụi đường.

Đoạn cuối là những lời tự tình nhớ nhau của hai người bạn, tình thương mến chẳng khác nào là tình nhân:

Đêm nay tôi nhớ đến anh,
mơ về kinh thành những chiều gió lộng

Ta đi trong lòng phố vắng
Tâm tư qua làn khói trắng
Mưa rơi ướt hai mái đầu
Chuyện mình ai biết mai sau?

Để hôm nay ngồi đây trời biên khu nhiều mây
Chờ trăng thanh lên cao viết tâm tình
Chuyện người trai chốn xa
Và người đi chiến đấu vẫn đợi chờ nhau.

Hai nhạc sĩ Hoài Linh và Song Ngọc, ngoài sự hợp tác đầu tiên và rất thành công với Chiều Thương Đô Thị năm 1961, những năm sau đó họ còn cùng nhau hợp soạn những bài nhạc lính rất nổi tiếng cho đến ngày nay khi đã gần 60 năm qua: Chúng Mình Ba Đứa, Một Chuyến Bay Đêm, Nó Và Tôi…

Trước năm 1975, Chiều Thương Đô Thị đã từng được Băng Châu, Hương Lan thu âm vào băng cối, mời bạn nghe sau đây:


Click để nghe Băng Châu hát


Click để nghe Hương Lan hát

Tuy nhiên bản thu âm thành công và quen thuộc nhất với khán giả nhạc vàng, có lẽ là phiên bản ca sĩ Duy Khánh tại hải ngoại, mời bạn nghe sau đây:


Click để nghe Duy Khánh hát

Ngoài ra ca sĩ Phi Nhung cũng từng ghi được dấu ấn với ca khúc này tại Paris By Night năm 2004:


Click để nghe Phi Nhung hát

Bài:Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here