Trong một đêm mưa Saigon, tôi dừng làm việc và châm lửa hút điếu thuốc, cắm tai nghe Ánh Đèn Màu qua tiếng ca của cô Thanh Thúy. Trong bóng đêm nhòe nhoẹt mưa và đèn vàng, tôi như bị kéo lê đi trong chuỗi hình ảnh và âm thanh nhừa nhựa sầu muộn của cô Thanh Thúy. Tôi thấy những giọt lệ đang nhảy múa, tôi thấy những thân hình điêu linh lầm lũi đi trong đêm…
Nghe Thanh Thúy hát Ánh Đèn Màu
Với tôi những ca khúc này là nhạc lòng, nó khiến tôi quên đi hiện tại và trú ẩn trong đó suốt những tháng năm niên thiếu của mình. Đến tận giờ này tôi vẫn không ngừng tìm kiếm những thanh âm đó trong những bản thu trước 1975. Một màu buồn man mác như khói sương, úa vàng, diễm ảo và bồng bềnh.
Tôi nghe các cô chú lớn tuổi kể ca khúc Ánh đèn màu như một kỷ niệm mờ ảo, u hoài nhưng thật khó quên nếu đã từng nghe cô Ánh Tuyết (trước 1975) ca trong dòng nước mắt tại phòng trà vũ trường Bồng Lai, Sài Gòn. Tôi cũng ráng hình dung ra hình ảnh đó nhưng có lẽ bản thu của cô Thanh Thúy đã cho tôi như được ngồi nơi Bồng Lai huyền ảo đó để rơi lệ vì một ca khúc thật buồn đời nghệ sĩ.
Danh ca Ánh Tuyết (trước 75)
Sài Gòn đèn vàng, Sài Gòn nhạc vàng nếu đã yêu thì chẳng thể quên và hết yêu cho được, mặc dù thời gian có bôi xóa đi mọi dấu vết nhưng ký ức thì người ta vẫn cố níu giữ mãi những thanh âm còn lại. Tôi biết những cô nữ sinh Gia Long trong suốt nửa thế kỷ vẫn luôn nhớ về trường cũ, về tà áo học trò bay trong nắng Sài Gòn với những cuộc tình không biết mai sau giữa thời ly loạn. Giờ các cô vẫn nghe những ca khúc xưa cũ và kể lại những kỷ niệm xưa cũ một thời…
Trước khi phổ biến tại Việt Nam, đây là ca khúc nổi tiếng do danh hài Charlie Chaplin (Sạc lô) viết nhạc (Lời: GeoffParson – JohnTurner) được sử dụng trong một bộ phim rất nổi tiếng của ông là Limelight (1952). Bộ phim cuối cùng ông thực hiện tại Mỹ trước khi không được phép nhập cảnh vào nước này.
Limelight là phim có tiếng nói nổi tiếng nhất của Charlie Chaplin. Bộ phim khiến người ta cười và khóc. Charlie Chaplin vào vai một nghệ sĩ – ca sĩ hài già, vinh quang đã lùi xa và không còn làm khán giả cười nữa. Số phận khiến ông cứu được một vũ nữ ballet tìm đến cái chết vì thất bại… Ông dìu dắt và truyền cảm hứng để cô gái đi đến thành công rực rỡ trên sân khấu. Một bộ phim sâu sắc và khiến người ta nhớ về những giai điệu chứa trong nó. 20 năm sau, Charlie Chapplin trở về Mỹ để nhận giải Oscar cho bộ phim này. Năm 1975, ông được Nữ Hoàng Anh phong tước Hiệp Sĩ và hai năm sau ông qua đời.
Nhiều người từng nghĩ ca khúc Ánh Đèn Màu dịch từ tựa phim Limelight, tuy nhiên tên ca khúc gốc là Eternally. Limelight là ánh sáng của ngọn đèn tròn có màu trắng pha ánh xanh, thường dùng để chiếu lên sân khấu ngày xưa. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Mỹ là người đầu tiên đặt lời Việt, sau đó là ông Phạm Duy, Nguyễn Huy Hiển và Anh Hoa (Tình Tôi).
Đôi khi tôi nghe những bản thu cũ và nhận ra hình như chính cái thời cách đây 50, 60 năm ấy những cô chú như Thanh Thúy, Sĩ Phú, Mỹ Thể, Thái Thanh… cũng đã hát như một kẻ hoài cổ, hát về một thời xa xăm nào đó.
Và âm nhạc sẽ chẳng là gì nếu không phải là ký ức, là thời gian, là tiềm thức của con người…
Tác giả: Nhạc sĩ Thiên Ca
(Đăng lại với sự cho phép của tác giả)