Trong số rất nhiều tấm ảnh chụp Sài Gòn xưa còn lại, sau đây là một tấm ảnh quen thuộc chụp đường phố Sài Gòn năm 1961, với hình ảnh một thiếu nữ tuổi khoảng đôi mươi, đi xe velosolex trên đường Bến Bạch Đằng đoạn giữa Nguyễn Huệ và Tự Do.

Cũng như vô số những tấm ảnh xưa khác, giữa hàng triệu cô gái Sài Gòn khác từng sống ở Sài Gòn vào thời điểm hơn 60 năm trước, tưởng như khó biết được danh tính của cô gái trong ảnh này. Tình cờ, tôi biết được cô tên Dung, tên đầy đủ là Phạm Thị Dung, là chị ruột của nhạc sĩ Phạm Anh Dũng. Sau đây xin đăng lại nguyên văn bài viết của Phạm Anh Dũng về người chị của ông, để chúng ta phần nào hồi tưởng lại những người thật, chuyện thật đã xảy ra ở Sài Gòn năm xưa.

Chị Dung

Chị ruột yêu thương của tôi, tên là Phạm Thị Dung và các bạn chị gọi là Phạm Dung hay Phạm Dung-Lê Đình Điểu (ghép tên chồng vào), nhưng tôi chỉ thích gọi hay viết: chị Dung.

Chị vừa qua đời, tôi bàng hoàng và vì mất chị thành muốn viết vài hàng.

Gia đình tôi tất cả 13 anh em, nay không có chị nữa, chỉ còn 3 và anh chị em tôi không ai có thể so được với chị. Từ ngày xưa còn bé cho đến bây giờ, lúc nào tôi cũng xem chị như một tấm gương sáng để theo.

Chị Dung ít nói nhưng nghiêm và tôi chắc chắn các anh chị em chúng tôi đều nể phục nghe lời chị, dù chị không phải là con trưởng ở gia đình. Riêng tôi, tôi còn “sợ” chị vì hồi nhỏ hay bị khảo bài trước khi đi học. Có lẽ vì vậy sau này tôi học cũng tạm đâu vào đấy. Thú thật trong nhà chỉ có chị Dung và anh Vân (cũng qua đời lâu rồi) là đáng kính cảm phục, còn lại đám anh chị em trước sau, kể cả bản thân tôi đều không nhiều thì ít đều không hoàn toàn.

Chị nghiêm nhưng chị cũng rất hiền, rất tốt với mọi người, giúp đỡ tất cả kể cả người lạ nhưng không may. Điểm này chị giống mẹ chúng tôi y hệt. Cụ đã hết tiền dành dụm vì nấu cháo cho người đói ăn hồi nạn đói năm Ất Dậu.

Chị Dung rất thích âm nhạc. Chị đã từng đậu vào Quốc Gia Âm Nhạc, chị thích học mandolin, nhưng nhà không đủ điều kiện để chị học cả chữ và nhạc.

Chị học Trưng Vương, ra trường đậu Tú Tài hạng cao được học bổng đi Hoa Kỳ học.

Trước đó chị bắt đầu quen với anh Điểu và hai người yêu nhau. Khi chị đi Hoa Kỳ năm 1961, với bút hiệu Y Dịch, anh có làm bài thơ Tiễn Em và tôi có viết thành bài nhạc Tháng Bảy Chưa Mưa năm 1992.


Click để nghe Tuấn Ngọc hát Tháng Bảy Chưa Mưa

Lúc đó còn một kỷ niệm vui là “ai” chụp ảnh chị đang đi xe velosolex đăng lên National Geographic tháng 10 năm 1961, sau khi chị đã đi. Chị không nói, mãi đến sau này tôi mới biết.

Năm 1963, chị tốt nghiệp BS of Nursing và lấy được bằng hành nghề Registered Nurse. Khi về nước chị đi dạy Nursing ở trường Cán Sự Điều Dưỡng và dạy Anh Văn ở Hội Việt Mỹ. Anh Điểu, chồng chị, làm đến Cục Trưởng Cục Nội Vụ của Tổng Cục Thông Tin Chiêu Hồi nhưng vẫn không đủ sống thoải mái vì chị vẫn phải giúp đỡ cha mẹ và các anh chị em.

Vợ chồng Phạm Dung-Lê Đình Điểu năm 1966

Chị Dung hiền không trách ai bao giờ. Hiền đến nỗi chỉ thở dài, không trách cứ ai, kể cả nhưng người tưởng là bạn nhưng đã làm hại đến chồng con, gia đình mình. Tôi chưa hề thấy chị nói xấu người khác bao giờ.

Nhưng chị cũng rất vững vàng. Sau 1975, chị mất việc và ở nhà nuôi 3 đứa con bằng cách thổi xôi bán chợ trời khi chồng đi học cải tạo. Khó tưởng tượng và thật là kiên trí, mẹ bồng bế 3 con lôi thôi lếch thếch vượt biên 9 lần, vài lần bị bắt tù, mà vẫn không thoát!

Sau những cái rủi cũng đến cái may. Rồi sau gia đình cũng may qua được Pháp 1983, khi anh Điểu đi học tập về, vì bố chồng chị ngày xưa là Trung Úy Quân Đội Pháp và dù cụ đã qua đời rồi chính phủ Pháp vẫn lo cho gia đình đi.

Tôi đón gia đình anh chị qua Hoa Kỳ năm 1985. Anh Điểu theo nghề ký giả cho báo Việt, nghề bạc bẽo, bận, không có tiền và thỉnh thoảng còn bị “chụp mũ”. Căn bản là lương của chị Dung hành nghề school nurse. Vợ chồng sau cũng mua được nhà cửa ở Bellflower, giữa Orange County và Los Angeles. Gia đình, con cái… hầu như mọi sự do chị lo để anh đi lo chuyện “vác ngà voi”.

Rồi anh Điểu qua đời 1999 vì bệnh bất ngờ và chị Dung “ở vậy” từ đó đến nay, kể cả khoảng 10 năm ở một mình trong căn nhà cũ đầy kỷ niệm. Những năm sau này có con cháu về ở chung cũng đỡ vắng vẻ hơn.

Khoảng 2 năm rưỡi trước đây, chị được bác sĩ cho biết là bệnh nặng cần hóa quang trị và giải phẫu. Chị qua các trị liệu dễ dàng. Nhưng khoảng sáu tháng sau này bệnh quay lại và lần này có không thuốc chữa được.

Ba ngày trước, cháu Y Sa, con gái chị gọi điện thoại cho biết tin dữ. Dù biết chuyện không tránh được, tôi nghẹn lời không nói ra lời và phải cúp điện thoại. Hôm nay nghĩ và viết những dòng này mới thấy chị là một con người thật “đẹp” và tôi dám chắc chị Dung đã dễ dàng siêu thoát về nơi cao, nơi có anh Điểu đang chờ đã 20 năm.

Chị Dung đã “đi xa” mãi mãi rồi!

Phạm Anh Dũng
ngày 29 tháng Tư năm 2019

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here