Phim Em Và Trịnh hiện đang công chiếu nói về những chuyện tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng những sáng tác bất hủ của ông. Phim được nhiều người ủng hộ, khen ngợi, nhưng cùng với đó là vô số những chỉ trích vì đã hư cấu thái quá về bối cảnh, nhân vật. Ngay cả những nhân vật có thực được đưa vào phim là 2 danh ca Thanh Thúy, Khánh Ly cũng đã đều lên tiếng thể hiện sự thất vọng của mình vì hình tượng của mình bị hư cấu quá nhiều trên phim. Cả 2 danh ca đều nói rằng đại diện hãng phim đã từng liên hệ với họ để xin ý kiến, nhưng cuối cùng những ý kiến của 2 người lại không được hãng phim tôn trọng và lắng nghe.

Những chi tiết có thực trong phim Em Và Trịnh

Trước khi nói về những nội dung mà phim đã hư cấu, xin nói về những điều mà phim bám sát sự thực đã xảy ra (dựa theo lời kể, bài viết ngày xưa).

Nhiều người chỉ trích phim Em Và Trịnh xây dựng hình tượng Trịnh Công Sơn thời trẻ như là một kẻ si tình thái quá, suốt ngày chỉ biết lẽo đẽo chạy theo “người đẹp” như người mất hồn.

Tuy nhiên theo lời kể của những người bạn của nhạc sĩ, thì thực sự thời trẻ của ông cũng gần giống như vậy, một kẻ ngơ ngác, mộng mơ và dành nhiều sự ngưỡng vọng đối với cái đẹp.

Bích Diễm trong phim

Một trong những bóng hồng đầu tiên của nhạc sĩ họ Trịnh là Bích Diễm, người đã trở thành nguồn cảm hứng để ông sáng tác ca khúc Diễm Xưa. Nhà Bích Diễm ở Phủ Cam, cha của Diễm là ông Đốc Khánh rất khó tính. Diễm có người em sau này cũng trở thành một người tình của nhạ sĩ Trịnh Công Sơn là Dao Ánh. Những điều này đều được nhắc đúng như trong phim.

Tính cách của Trịnh Công Sơn được xây dựng trong phim cũng có nhiều điểm tương đồng với ở ngoài đời: Nghiêm khắc thay cha dạy dỗ các em gái, có sự kính yêu tuyệt đối dành cho mẹ.

Ở trong phim cũng như ngoài đời, Trịnh Công Sơn có thời gian lên B’lao (Bảo Lộc) dạy học, tại đây ông viết nhiều lá thư gửi về cho Dao Ánh. Từ B’lao, nhiều lần ông lên Đà Lạt và gặp Khánh Ly tại đây năm 1965. Ban đầu Trịnh Công Sơn chủ yếu sáng tác tình ca. Tuy nhiên thời gian sau đó tiếp xúc với chủ nghĩa hiện sinh, ông sáng tác những ca khúc về thân phận, và chứng kiến quê hương khói lửa điêu linh, ông sáng tác nhạc về quê hương, ca ngợi hòa bình, được gọi là những ca khúc Da Vàng.

Năm 1967, Khánh Ly gặp lại nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở Sài Gòn, phim đã tái dựng cảnh sân khấu ở Quán Văn, nơi Khánh Ly trở thành một huyền thoại về “nữ hoàng chân đất” khi bỏ giày đi chân đất để lấy lại bình tĩnh. Chi tiết này cũng tương đối sát với thực tế đã xảy ra hơn 50 năm trước.

Khánh Ly hát ở Quán Văn trong phim

Những chuyện tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong phim Em Và Trịnh cũng phần nào có thực dựa vào các giai thoại và lời kể của người trong cuộc, đó là chuyện tình với chị em Bích Diễm, Dao Ánh và Michiko. Thực tế là ngoài 3 người đẹp này, nhạc sĩ họ Trịnh còn sáng tác nhạc cho rất nhiều người con gái khác nữa nhưng không được đưa vào trong phim.

Phim cũng nhắc đến danh ca Thanh Thúy, người được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết tặng ca khúc Ướt Mi. Tuy nhiên cách xây dựng hình tượng và tình tiết liên quan đến nhân vật Thanh Thúy có nhiều điểm khác biệt với đời thực. Danh ca Thanh Thúy đã lên tiếng như sau:

“Ông Trịnh Công Sơn chưa bao giờ đưa cô về đến đầu ngõ. Đó là thời gian mẹ cô mới mất. Cô để tang mẹ, đi hát chỉ mặc toàn áo dài trắng và đen. Cả đời, cho đến nay chưa bao giờ mặc áo sườn xám và búi tóc như thế. Đó không phải là cô. Trước khi làm phim họ có nhờ một nhạc sĩ bên này hỏi về trang phục của cô lúc đó. Cô nói hết. Vậy mà cuối cùng họ làm phim như thế. Cô không hiểu được. Đó là một cô gái sành sõi nào đó chứ không phải ca sĩ Thanh Thuý.”

Một cảnh trong phim. Tuy nhiên danh ca Thanh Thúy nói: “Ông Trịnh Công Sơn chưa bao giờ đưa cô về đến đầu ngõ”

Những chi tiết hư cấu

Có thể nói, phim Em Và Trịnh chỉ sử dụng những nhân vật có thật ở ngoài đời, còn nội dung thì có đến hơn 90% là hư cấu. Vì không cuốn phim nào có thể làm giống y hết ở ngoài đời được, nên xin bỏ qua các tiểu tiết, chỉ kể ra 1 vài nội dung mà phim hư cấu làm cho chuyện phim khác xa với ngoài đời thực (Điều này sẽ giúp cho những người xem phim không bị lẫn lộn giữa đời thực và hư cấu).

Phim hoàn toàn bỏ qua giai đoạn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn học Sư phạm khoa Pháp văn ở Qui Nhơn trong hơn 2 năm (1962-1964).

Ông có thời gian nằm bệnh rất lâu hồi năm 18 tuổi vì gặp nạn trong lúc tập võ thuật. Vì vậy mãi đến năm 1960, lúc đó là 21 tuổi thì Trịnh Công Sơn mới đậu tú tài. Trước đó, sau khi học trung học ở Huế, ông vô Sài Gòn học trường Collège Chasseloup Laubat (Lê Quý Đôn). Đó cũng là thời gian ông thường đi phòng trà, nghe Thanh Thúy hát và viết Ướt Mi, Thương Một Người để tặng nàng.

Đậu tú tài, vì tới hạn đi quân dịch nên ông đăng ký học Sư phạm Qui Nhơn từ tháng 4 năm 1962, nhờ học sư phạm nên sau đó ông mới lên dạy học ở B’lao.

Thời gian ở Qui Nhơn cũng là lúc ông viết Biển Nhớ tặng Bích Khê, Nhìn Những Mùa Thu Đi tặng Phương Thảo (em gái của ca sĩ Hà Thanh). Rồi trong những lần về Huế thăm nhà, ông mới gặp Diễm (có lẽ là khoảng 1962).

Trở lại với phim Em Và Trịnh, ngoài việc bỏ qua giai đoạn ở Qui Nhơn, phim còn xếp dòng thời gian bị sai khi cho nhạc sĩ họ Trịnh gặp Bích Diễm trước rồi mới tới Thanh Thúy. Trong phim, đoạn bạn bè tụ tập ở nhà Diễm, Ánh, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thời trẻ đã hát cho họ nghe vào thời điểm đang “tán tỉnh” Bích Diễm. Việc phim chọn bài Tuổi Đá Buồn là sai về dòng thời gian vì bài hát này được ông sáng tác về sau này khi đã dạy học ở B’lao và thư từ với Dao Ánh.

Phim xây dựng tình cảm Trịnh Công Sơn dành cho Bích Diễm rất hời hợt. Thực ra như vậy cũng đúng so với ngoài đời, vì ông thường chỉ yêu hình bóng thoáng qua, giống như hàng chục những cái tên người đẹp khác là Thanh Thuý, Bích Khê, Phương Thảo, Ngọc Ngà, Nguyệt, Hoàng Lan…, chứ yêu đậm sâu thì có thể là chỉ có Dao Ánh mà thôi. Trong phim cũng như ngoài đời, tình yêu của Trịnh dành cho Bích Diễm chỉ là tình đơn phương không được hồi đáp, sau đó Diễm đi du học, chỉ không có chi tiết trả tranh từ chối.

Theo phim thì vừa bị Diễm trả tranh từ chối tình cảm xong là nhạc sĩ liền quay sang đòi viết thư cho Dao Ánh luôn làm cho người ta thấy ông không nghiêm túc trong các mối quan hệ.

Trịnh Công Sơn và Dao Ánh trong phim

Thực tế không như vậy. Ngoài đời, Dao Ánh biết Trịnh buồn vì chuyện với Diễm, nên viết thư an ủi trước, rồi sau đó dần dần mới thư từ qua lại, phát sinh tình cảm… Việc chia tay với Dao Ánh không phải là từ chuyến tàu định mệnh như trong phim. Đó chỉ là sáng tạo của biên kịch để thêm phần kịch tính. Đời thực, chính Trịnh Công Sơn mới là người nói lời chia tay trong bức thư gửi Ánh ngày 25/3/1967, khi ông cảm thấy rằng không thể hoài níu giữ tình yêu xa này được.

Lá thư đó như sau:

Huế, ngày 25 tháng 3 năm 1967

Ánh yêu dấu,

Anh sang Trang vì nghe anh Cường bảo Ánh có gửi thư về đó. Nghe Trang kể lại những điều Ánh viết trong thư anh vừa thất vọng vừa buồn.

Bây giờ đã quá khuya. Chương trình chủ đề về tình yêu còn để lại một vị đắng rất mỏng. Mọi người cũng đã ngủ từ lâu và anh cũng phải quyết định một lần cho cả Ánh lẫn anh, một quyết định thật khó khăn mà chẳng ai trong cuộc đời dám dứt khoát với chính mình. Quyết định nào cũng có sự khổ sở của nó. Anh cam đành làm kẻ bội bạc để mở ra cho Ánh sự ngạt thở bấy lâu trong đó người này hay kẻ kia đã cố đóng cho trọn vai của mình. Cho đến phút này anh vẫn cảm thấy chỉ riêng anh đã sống thật hồn nhiên trong tình yêu đã qua.

“Chúng mình chấm dứt tình yêu đó ở đây”. Hãy xem mọi lầm lỗi đều ở anh cả. Và bên sau quyết định này là một lỗi ngõ thênh thang trên đó Ánh hãy đi vào những phiêu lưu mới đừng ăn năn, đừng băn khoăn gì cả.

Tất cả đã rõ như một khoảng trắng.

Cũng đành vậy thôi.

Anh đang nhìn tình yêu ở một độ cao nhất của thủy triều. Quyết định như không thuộc về anh.

Anh xin cảm ơn bốn năm ròng rã nâng niu tình yêu đó. Cũng xin cảm ơn những buổi đợi chờ thật dịu dàng không bao giờ còn có được.

Để vĩnh biệt nhau trong tình yêu đó anh chỉ muốn khuyên Ánh trong tương lai hãy tự tin hơn và bớt suy tính.
Anh đã bất lực không cứu vãn được gì nữa cho tình yêu của mình. Thêm một lần đánh mất và thất lạc những vàng son.

Đã viết quá dài ngoài ý muốn nhưng nói một lần mà cho tất cả về sau.

Cầu mong thật nhiều bình an cho Ánh và đời đời hạnh phúc trong những dự tính mới ở tương lai.

Thân yêu,

Anh,
Trịnh Công Sơn

Những nội dung hư cấu nhiều nhất của phim Em Và Trịnh liên quan đến nhân vật Khánh Ly do Bùi Lan Hương diễn xuất. Phim hư cấu cả về hoàn cảnh sống lẫn tính cách của nhân vật, đặc biệt hơn là hư cấu về mối quan hệ giữa Khánh Ly và Trịnh Công Sơn. Việc biến Khánh Ly trở thành một trong những tình nhân của nhạc sĩ họ Trịnh cùng những cử chỉ thân thiết của họ là điều làm cho Khánh Ly ở ngoài đời phản ứng nhiều nhất, vì điều đó ảnh hưởng tới đạo đức làm người, khi đó cô đang có chồng và 2 con, thì không thể chủ động tìm gặp riêng tại chỗ Trịnh Công Sơn ở, và có nhiều hành động thân thiết quá mức như vậy.

Đã rất nhiều lần, Khánh Ly đời thực đã nói rằng trong vài chục năm quen biết, lúc nào cô cũng xem nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là người anh, người thầy, người cha:

“Ông Sơn và tôi ngày đó chỉ ngồi cạnh nhau. Tôi không bao giờ dám hỗn hay ngang vai phải lứa với ông”.

“Tôi không thể nào là bạn của Trịnh Công Sơn được. Tôi chỉ là người con, người em của ông thôi. Trịnh Công Sơn là người ban ơn cho tôi mà. Ơn của ông không thua gì ơn cha mẹ tôi. Cha mẹ tôi tạo hình hài cho tôi ra đời, nhưng ông Sơn mới là người nuôi sống đời sống của tôi sau này. Nếu gọi là bạn, thì tôi hơi hỗn với Trịnh Công Sơn. Tôi không xứng đáng là bạn ông Sơn. Ông Sơn như một người cha, người anh với tôi”. (trích bài phỏng vấn của Long Phạm)

Mới đây, trả lời 1 tờ báo trong nước nhân dịp về Việt Nam biểu diễn tháng 6 năm 2022, danh ca Khánh Ly nói về việc đã bị phim hư cấu trở thành một trong những “tình nhân” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:

“Nếu được là người yêu của ông Sơn, tôi hãnh diện chứ. Dễ gì được làm người yêu của Trịnh Công Sơn. Tôi có gì đáng để cho ông ấy yêu đâu. Nếu điều đó là sự thật thì ông Sơn là người thiệt, và tôi là người có lợi. Nhưng mà tôi không thể tự nhận điều đó được. Tôi không thể tham lam, nhận những điều không phải của mình. Và quan trọng là lúc đó tôi đã có gia đình. Các con tôi sẽ nghĩ gì khi xem phim có cảnh mẹ chủ động đi tìm ông Trịnh Công Sơn. Trong khi tôi với bố nó vẫn ở với nhau”.

Nói thêm về ngôi trường mà Trịnh Công Sơn dạy ở B’lao ngoài đời, nó nằm ở trong khu dân cư chứ không phải nơi hoang vắng như trong phim. Nơi ở trọ của ông cũng không tồi tàn một cách thơ mộng như vậy, mà đó là căn biệt thự Pháp đã cũ, Trịnh thuê ở cùng với vài người bạn cũng là giáo chức, 1 trong những người đó là Nguyễn Thanh Ty, là người đã kể lại những chi tiết này. Cũng trong căn villa Pháp đó, Trịnh Công Sơn đã nhìn ra phía trước đường, xa xa là giáo đường, rồi sáng tác Lời Buồn Thánh, Tuổi Đá Buồn, cùng với 1 loạt bài tặng cho Dao Ánh là Còn Tuổi Nào Cho Em, Mưa Hồng…

Đông Phương – nhacvangbolero.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here