Những địa danh như Sơn Tây, Pleiku, Phá Tam Giang… chiếm một vị trí quan trọng trong thơ ca Việt Nam vì được các thi sĩ nhắc đến trong các bài thơ nổi tiếng Đôi Mắt Người Sơn Tây, Còn Chút Gì Để Nhớ, Chiều Trên Phá Tam Giang. Những bài thơ này lại nổi tiếng hơn nữa khi được chắp cánh bằng nét nhạc của các nhạc sĩ tài hoa của miền Nam trước năm 1975.

Riêng bài thơ “Còn Chút Gì Để Nhớ” của cố thi sĩ Vũ Hữu Định, vỏn vẹn chỉ có 4 khổ mà ông đã vẽ được bằng ngôn ngữ “chân dung” rất riêng của Pleiku, một thành phố cao nguyên miền Nam. Mấy chục năm qua, cả ở trong và ngoài nước, đã có nhiều người viết về Vũ Hữu Định cùng bài thơ Còn Một Chút Gì Để Nhớ của ông. Tác phẩm của Vũ Hữu Định, đặc biệt là sau khi được âm nhạc Phạm Duy chắp cánh, đã có sức hấp dẫn mạnh mẽ, vô hình trung trở thành một trong những “lời giới thiệu” nhẹ nhàng mà sâu lắng về Pleiku. Nói cách khác, Vũ Hữu Định (và Phạm Duy) đã đội vương miện cho thành phố Pleiku.

Phố núi Pleiku

Vũ Hữu Định tên thật là Lê Quang Trung, sinh năm 1942 tại Thừa Thiên Huế, từng sống nhiều nơi ở Tây Nguyên, lập gia đình và định cư tại Đà Nẵng. Ông được mô tả lại là không có khuôn mặt đẹp trai nhưng nhìn rất bắt mắt. Vũ Hữu Định vào đời sớm, lập gia đình sớm và nghèo nàn trong suốt quãng đời ngắn ngủi của mình.

Ông làm thơ từ thập niên 1960, đăng báo rải rác. Trước 1975, Vũ Hữu Định là cán bộ xây dựng nông thôn; sau 1975, ông làm công nhân điện lực. Một đêm trăng tháng Giêng năm 1981, tại làng An Hải, bên bờ sông Hàn, Đà Nẵng, Vũ Hữu Định qua đời vì ngã từ trên lầu xuống, trong một cơn say cùng bè bạn.

Năm 1970, địa bàn công tác của ông lòng vòng ven rìa thành phố như Thanh Khê, Hà Khê, An Hải, Sơn Trà… Ông chợt đi, chợt về. Ðặc biệt là lúc nào cũng có vẻ thong dong, giàu có thời giờ phất phơ phố xá. Vũ Hữu Định làm thơ nhiều trong giai đoạn này. Thơ của ông hầu hết được đăng trên các tạp chí văn chương tại Sài Gòn.

Bài “phố núi cao… phố núi đầy sương…”, một bài thơ viết về thị trấn Pleiku, một phố thị miền núi của cao nguyên Việt Nam, với đầy đủ nét hoang sơ, lạnh lùng, đã được nhìn, được vẽ bởi một nhà thơ hết lòng yêu thiên nhiên, nên vô cùng linh động, thân mật. Trời đất và con người như một khối đồng nhất, thở chung một nhịp. Tất cả đều có thật, ngoại trừ nhân vật chính, người đã khai mở, dẫn dắt thi tứ của chàng thi sĩ dừng chân ở một nơi “đi dăm phút trở về chốn cũ”.

Trong cái hạn hẹp của một không gian hoang vắng, trước cái trống lạnh của tâm hồn, Vũ Hữu Ðịnh chợt thấy trên đường ông đang đi “may mà có em đời còn dễ thương”. Và ông đã chân thành “cảm ơn thành phố có em”, một thành phố núi đã ưu ái cho đời ông “còn một chút gì để nhớ, còn một chút gì để thương”. Người em tuyệt vời kia, cái ngôi sao lấp lánh, thắp sáng cho cảnh sắc Pleiku quần tụ chung quanh, trong một cuộc nhúng lời vào rượu, “em” chỉ là vóc dáng tưởng tượng mà ông đã nhặt ra trong những giờ phút trôi nổi linh hiển nhất của ông: làm thơ.

Mặc dù người đẹp của Vũ Hữu Ðịnh không hiển hiện bằng xương thịt như ông đã bày tỏ, nhưng nàng đã thở vào thơ ông làn hơi ấm áp tình người đủ để ngôn ngữ ông tác thành bài thơ lộng lẫỵ Và may mắn hơn nữa bài thơ đã được nhạc sĩ Phạm Duy, một nhạc sĩ tài hoa, chắp thêm cho đôi cánh vàng, nên sức bay của nó càng lên cao, thêm xa, sống còn đến ngày nay trong lòng người thưởng ngoạn.

Thơ Vũ Hữu Ðịnh giống như bản tính của ông: yêu đời, thong dong, cởi mở. Ngoài thơ và rượu, giao du với bạn bè cũng là cái thú lớn của ông.

Nhận xét về Còn Chút Gì Để Nhớ:

Nguyễn Đình Toàn

Rất nhiều người yêu bài thơ Còn Một Chút Gì Để Nhớ của Vũ Hữu Định, vì được nghe qua nhạc Phạm Duy (năm 1970). Nghe rồi mới đọc. Nhiều khi cũng không phải là đọc nữa. Người ta nghe và thuộc lời ca của bản nhạc, từ đó nhớ lại rồi khám phá ra cái hay của bài thơ, cái hay của từng chữ trong bài thơ.

Trước khi có bài thơ của Vũ Hữu Định, không biết có bao nhiêu người đã ước ao được đến Pleiku. Nhưng sau khi bài thơ được phổ nhạc và hát lên, số người muốn được đặt chân, được nhìn thấy tận mắt cái phố núi ấy, không thua gì số người muốn nhìn thấy Thôn Vỹ Dạ vì đọc thơ Hàn Mặc Tử. Có lẽ người nào đó đã nói đúng khi cho rằng, một thành phố dù đẹp đến đâu, nếu chưa được đưa vào văn thơ, âm nhạc, hội họa… cũng kể như nó chưa có linh hồn vậy. Và một tác phẩm hiện hữu hay tồn tại được hình như cũng có những cơ duyên của nó.

Phạm Duy cho biết, ông gặp Vũ Hữu Định ở Pleiku trong một chuyến đi tìm cảm hứng cho cuộc sống của riêng ông và nhất là tìm hiểu tâm trạng những nhà thơ trẻ, đại đa số khi ấy đang đi lính. Phạm Duy cho biết ông đã chọn và phổ nhạc bài thơ của Vũ Hữu Định không thêm bớt một chữ nào. Ông cũng giữ nguyên vẹn cấu trúc [structure] cũng như vận tiết [prosodie] của bài thơ. Ông chỉ dùng một thanh âm có bán cung của dân ca Jarai hay Bahmar để gợi cái không khí cao nguyên và một chuyển giọng [tonalité] ở đoạn cuối để cho bài ca có thêm màu sắc.

Ca khúc Còn Một Chút Gì Để Nhớ thành công thế nào mọi người đã biết. Có thể nói, không một ca sĩ tên tuổi nào của chúng ta khi ấy lại không có lần trình bày bài hát này. Và, nghe rồi, người ta hẳn cũng có lúc tự hỏi, nếu không có nhạc của Phạm Duy, liệu bài thơ có thể phổ biến mau chóng và rộng rãi như vậy chăng? Câu hỏi ấy, dù có bao nhiêu câu trả lời cũng không ích gì. Ta có một bài thơ hay rồi lại có một bài hát hay, đó chưa đủ là một điều thích thú sao? Thắc mắc nữa mà chi?

Nguyễn Mạnh Trinh

Bài thơ về phố núi Pleiku của Vũ Hữu Định với nhạc Phạm Duy đã tạo một thành phố nhỏ nơi xó rừng thành một nơi chốn đầy huyền thoại, vừa lãng mạn vừa bi tráng. Ở đây, có những chuyện về Bà Chúa Rừng linh thiêng, có những mối tình y như tiểu thuyết của những người lính trận và những cô gái giang hồ. Thời chiến tranh cực độ, phố núi là nơi dưỡng quân của những chàng G.I. từ mặt trận biên giới trở về và cũng là nơi mà các nàng kiều nữ từ khắp nơi đổ về kiếm tiền. Và cũng chính nơi đây là nơi nghỉ phép của những chàng lính chiến từ biên trấn. Rượu, ăn chơi, nhảy nhót, cho quên sầu để rồi trở lại chiến trường, ở đó có những mối tình giang hồ nhưng cũng có những mối tình lãng mạn trong trắng.

Đường Trịnh Minh Thế – Pleiku

Ở đó, cũng có con đường Trịnh Minh Thế rợp bóng cây dầu, cây sao, những giờ đi học hay tan học tung tăng những tà áo trắng nữ sinh trong cái mù sương buổi sáng hay nhạt nắng buổi chiều. Pleiku, “phố xá không xa nên phố tình thân. Đi dăm phút đã về chốn cũ…” Con đường Hoàng Diệu từ rạp Diệp Kính đến Bưu Điện, chỉ vài phút đi lên đi xuống để cho đời còn mơ còn mộng, còn thấy hạt nắng dễ thương, hạt mưa tuy buốt lạnh nhưng lại ấm lòng vì đôi mắt em. Dù nơi đây suốt năm là mùa đông tháng giá nhưng má đỏ môi hồng em làm ấm mùa xuân. Và:

”xin cảm ơn thành phố có em
xin cảm ơn một mái tóc mềm
mai xa lắc trên đồn biên giới
còn một chút gì để nhớ để quên.”

Du Tử Lê

Địa danh hay nơi chốn thường chiếm giữ một vị trí đáng kể trong thi ca Việt Nam. Thí dụ như “Thăng Long thành hoài cổ” của bà Huyện Thanh Quan, hay “Đôi mắt người Sơn Tây” của Quang Dũng. Hoặc gần hơn nữa là “Còn chút gì để nhớ” của Vũ Hữu Định,…

Nhiều người cho rằng, nếu không kể những áng văn chương cổ mà chúng ta phải học, đọc thì số người biết đến “Đôi mắt người Sơn Tây” sẽ không nhiều lắm, nếu nó không được soạn thành ca khúc bởi nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Cũng vậy, số người yêu “Còn chút gì để nhớ” của nhà thơ Vũ Hữu Định sẽ giảm nhiều, nếu không có phần nhạc của Phạm Duy.

Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng quên căn bản những bài thơ được các nhạc sĩ tìm tới, chọn để soạn thành ca khúc, tự thân đã vốn có những đặc điểm mà các bài thơ khác không có.

Hơn thế nữa, khi bài thơ “Còn chút gì để nhớ” của cố thi sĩ Vũ Hữu Định vỏn vẹn chỉ có 4 khổ mà ông đã vẽ được bằng ngôn ngữ “chân dung” rất riêng của Pleiku, một thành phố cao nguyên miền Nam.

Nguyên tác bài thơ Còn Chút Gì Để Nhớ của Vũ Hữu Định:

phố núi cao phố núi đầy sương
phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
anh khách lạ đi lên đi xuống
may mà có em đời còn dễ thương

phố núi cao phố núi trời gần
phố xá không xa nên phố tình thân
đi dăm phút đã về chốn cũ
một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng

em Pleiku má đỏ môi hồng
ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
nên mắt em ướt và tóc em ướt
da em mềm như mây chiều trong

xin cảm ơn thành phố có em
xin cảm ơn một mái tóc mềm
mai xa lắc bên đồi biên giới
còn một chút gì để nhớ để quên

Lời bài hát do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc:

Phố núi cao phố núi đầy sương
Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
Anh khách lạ đi lên đi xuống
May mà có em đời còn dễ thương

Em Pleiku má đỏ môi hồng
Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
Nên tóc em ướt và mắt em ướt
Nên em mềm như mây chiều trong

Phố núi cao phố núi trời gần
Phố xá không xa nên phố tình thân
Đi dăm phút đã về chốn cũ
Một buổi chiều nào lòng vẫn bâng khuâng

Xin cảm ơn thành phố có em
Xin cảm ơn một mái tóc mềm
Mai xa lắc trên đồn biên giới
Còn một chút gì để nhớ để quên.

Khi xem lại lời thơ và lời hát, chúng ta có thể thấy được cái tài phổ thơ thành nhạc của ông Phạm Duy. Ông chỉ sửa 1 vài chữ, giữ gần như nguyên vẹn bài thơ gốc để viết thành ca bất tử được yêu thích trong hơn 40 năm qua.

nhacxua.vn tổng hợp và biên soạn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here