Dòng nhạc vàng miền Nam, kể từ lúc hình thành cho đến năm 1975 với thời gian khoảng trên 20 năm, đã có hàng trăm nhạc sĩ danh tiếng xuất hiện và sáng tác hàng vạn bài nhạc vàng được công chúng đón nhận. Mỗi nhạc sĩ này đều để lại một dấu ấn riêng không phai mở trong lòng người yêu nhạc dù thời gian đã trôi qua nửa thế kỷ. Trong số đó thì nhạc sĩ Hoài Linh luôn có một vị trí đặc biệt trong dòng nhạc vàng, ông được những người yêu nhạc cả xưa và nay nhắc đến với lòng ngưỡng mộ và rất nhiều sự thương mến.
Những sáng tác của nhạc sĩ Hoài Linh đã trở thành huyền thoại của dòng nhạc vàng, tiêu biểu là Về Đâu Mái Tóc Người Thương, Căn Nhà Màu Tím, Lính Nghĩ Gì, Lá Thư Trần Thế… Ngoài ra ông còn viết lời cho nhiều ca khúc bất tử được yêu mến qua hơn nửa thế kỷ qua: Biệt Kinh Kỳ, Chuyến Tàu Hoàng Hôn, Chiều Thương Đô Thị, Chúng Mình 3 Đứa, Nỗi Buồn Gác Trọ, Quán Nửa Khuya, Sầu Tím Thiệp Hồng…
Mời các bạn nghe lại những sáng tác của nhạc sĩ Hoài Linh được thu âm trước 1975 trong video bên dưới
Click để nghe
Nhạc sĩ Hoài Linh tên thật là Lê Văn Linh, sinh năm 1925 tại Hải Phòng, sau khi vào Nam và làm giấy tờ, ông đổi năm sinh thành 1920. Có thể nói Hoài Linh là nhạc sĩ lớn tuổi nhất và là nhạc sĩ thế hệ đầu tiên trong các nhạc sĩ sáng tác nhạc vàng, vì đa các nhạc sĩ nổi tiếng khác đều được sinh trong thập niên 1930-1940, nhỏ hơn Hoài Linh từ 10 đến 20 tuổi.
Trước năm 1975, nhạc sĩ Hoài Linh tham gia trong đoàn văn nghệ Vì Dân thuộc Nha Cảnh sát Quốc gia với cấp bậc Trung úy dưới quyền điều khiển của đại tá nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Ông còn có bút danh khác là Nguyên Lễ (trong ca khúc Thiên Duyên Tiền Định), và Vọng Châu (trong ca khúc Nó Và Tôi).
Nhạc sĩ Hoài Linh đã sáng tác nhạc từ trước khi di cư vao Nam năm 1954, nhưng hầu hết đã bị thất lạc, và những bài hát nổi tiếng của Hoài Linh được biết đến cho đến ngày nay là được sáng tác tại Sài Gòn từ năm 1955. Những sáng tác vào thời điểm này vẫn còn phảng phất nét nhạc thời tiền chiến, đó là sự lãng mạn, thơ mộng, bay bổng, ca khúc thường có ca từ đẹp và vần điệu như một bài thơ.
Vì có biệt tài viết lời ca khúc rất hay nên đã có nhiều nhạc sĩ nổi tiếng đến nhờ Hoài Linh đặt lời giúp cho bài hát của mình, đó các nhạc sĩ Minh Kỳ, Tuấn Khanh, Song Ngọc, Mạnh Phát, Nguyễn Hiền…
Nếu nhắc đến những sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Hoài Linh, người ta thường chia ra thành 2 loại: Một loại là các bài hát ông sáng tác một mình, một loại khác là ông viết lời cho nhạc của người khác. Dù ở loại nào thì nhạc sĩ Hoài Linh cũng vô cùng thành công với nhiều bài hát đi vào lòng người.
Nhạc sĩ Hoài Linh đã hợp tác nhiều nhất với nhạc sĩ Minh Kỳ với các bài nhạc vàng nổi tiếng: Biệt Kinh Kỳ, Cánh Buồm Chuyển Bến, Chuyến Tàu Hoàng Hôn, Khói Lam Chiều, Sầu Tím Thiệp Hồng… với nhạc sĩ Song Ngọc: Chiều Thương Đô Thị, Nó Và Tôi, Một Chuyến Bay Đêm, Chúng mình 3 Đứa, Thiệp Hồng Anh Viết Tên Em, với Tuấn Khanh có Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Đi, Nẻo Đường Kỷ Niệm, Quán Nửa Khuya, với Mạnh Phát có ca khúc bất tử Nỗi Buồn Gác Trọ…
Một ví dụ tiêu biểu cho cách đặt lời nhạc đầy chất thơ của nhạc sĩ Hoài Linh là bài Về Đâu Mái Tóc Người Thương, có vần điệu như một áng thơ lãng mạn:
Hồn lỡ sa vào đôi mắt em
Chiều nao xõa tóc ngồi bên rèm
Thầm ước nhưng nào đâu dám nói
Khép tâm tư lại thôi
Đường hoa vẫn chưa mở lối
Đời lắm phong trần tay trắng tay
Trời đông ngại gió lùa vai gầy
Lầu kín trăng về không lối chiếu
Gác cao ngăn niềm yêu
Thì thôi mơ ước chi nhiều…
Trên chương trình truyền hình cách đây không lâu, danh ca Phương Dung chia sẻ về tài đặt lời cho ca khúc của Hoài Linh như sau:
“Nhạc sĩ Hoài Linh có tài viết lời nhạc rất hay, dễ đi vào lòng người, mỗi câu từ đều có sự chau chuốt kỹ lưỡng. Trước khi đưa bài hát cho ai thể hiện ông đều chia sẻ cái ý sáng tác của mình để ca sĩ hiểu và truyền đạt rõ hơn, cảm xúc hơn”.
Phương Dung cũng chia sẻ thêm về ngoại hình và tính tình của nhạc sĩ Hoài Linh như sau:
“Nhạc sĩ Hoài Linh có dáng người cao, nước da ngâm ngâm và là người rất thân thiện, hòa nhã với mọi người xung quanh”.
Tuy là một nhạc sĩ nổi tiếng, tuổi đời thuộc dạng đàn anh trong làng nhạc, nhưng theo mô tả của những người cùng thời thì nhạc sĩ Hoài Linh có ngoại hình xuề xoà, tướng võ biền, không giống như là một nhạc sĩ thư sinh. Trong nhiều năm quen biết, nhạc sĩ Lê Dinh nói rằng chỉ thấy ở Hoài Linh một kiểu ăn diện duy nhất, đó là áo sơ-mi bỏ ngoài quần.
Là một nhạc sĩ tài hoa, có rất nhiều ca khúc nhạc vàng được công chúng yêu thích, nhưng cuộc sống riêng của nhạc sĩ Hoài Linh luôn kín tiếng, ông và người vợ từ thuở hàn vi chung sống hạnh phúc đến lúc cuối đời. Theo chia sẻ của những người con của Hoài Linh thì ông là người đàn ông của gia đình, chung thuỷ với vợ và rất yêu chiều con cái. Con gái của ông kể lại trên truyền hình như sau:
“Ông rất thương gia đình. Ông có thói quen tự tay ủi hết quần áo mặc trong cả tuần và đi đâu vui, ăn gì ngon cũng sẽ dẫn vợ con theo.
Ông đi làm về là lo cho con đầu tiên, ông thích tự tay tắm giặt cho các con, mua đồ đẹp cho chị em tôi lúc nhỏ và cha tôi từng ước rằng lúc nào cũng được chăm sóc, chở che cho các con. Ông đi làm về lúc nào cũng có bánh cho con. Trong mỗi bữa ăn, ông thường pha trò cho cả nhà vui. Đặc biệt dù thương con nhưng ông vẫn đánh đòn khi con hư và mua quà về bù cho con”.
Khác với hầu hết những nhạc sĩ nhạc vàng khác, thường tìm cảm hứng sáng tác từ những cuộc tình thoáng qua trong đời, thì nguồn cảm hứng sáng tác duy nhất của nhạc sĩ Hoài Linh chính là người vợ yêu quý của mình. ông đã viết tặng vợ những bài hát Căn Nhà Màu Tím, Cô Bé Ngày Xưa…
Trong cuộc đời của nhạc sĩ Hoài Linh không có mối tình nào khác thoáng qua, không có hình bóng giai nhân nào khác, không có cuộc tình nào đổ vỡ, nên những bài nhạc vàng buồn mà ông sáng tác là đều dựa trên trí tưởng tượng và chứng kiến chuyện tình của người khác, rồi viết thành nhạc.
Nhạc của Hoài Linh được công chúng yêu thích, đón nhận và bán rất chạy nên ông thành công về mặt tài chính, là một trong số ít nhạc sĩ sống dư dả chỉ nhờ công việc sáng tác nhạc.
Sau năm 1975, với cấp bậc trung uý ở nha cảnh sát, nhạc sĩ Hoài Linh mang nỗi lo sợ gặp rắc rối, đã có ý định đi di tản, nhưng vì quá tiếc nuối “căn nhà màu tím” kỷ niệm mà ông làm việc vất vả mới có được vào năm 1968 ở đường Trương Minh Giảng, nên đã quyết định ở lại.
Ngày thường, nhạc sĩ Hoài Linh nhã nhặn, khiêm tốn, không phô trương và sống chan hoà với mọi người xung quanh nên được chòm xóm láng giềng yêu mến. Không ai biết, và nếu biết thì cũng không ai khai ra ông là 1 trung uý cảnh sát, nên Hoài Linh may mắn tránh được việc đi tù cực khổ như những sĩ quan khác.
Vốn là một nhạc sĩ thành danh, đang trong thời kỳ sung sức làm việc và sáng tác, nhưng biến cố 1975 đã làm thay đổi tất cả. Cũng như nhiều văn nghệ sĩ miền Nam khác còn ở lại, nhạc sĩ Hoài Linh mang một tâm trạng bất đắc chí cho đến tận lúc qua đời.
Sau năm 1975, nhạc sĩ Hoài Linh dành trọn tâm huyết của mình cho việc viết thánh nhạc, phục vụ cho nhà thờ.
Đầu năm 1995, ông trở bệnh nặng và qua đời đúng ngày định mệnh 30 tháng 4 năm 1995, tròn 20 năm sau cuộc “đổi đời”.
Bài: Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com