Những người yêu nhạc trẻ ở Sài Gòn sẽ không bao giờ quên ban nhạc Phượng Hoàng với những tên tuổi huyền thoại của âm nhạc Việt Nam là ca sĩ Elvis Phương, nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang, và đặc biệt là nhạc sĩ Lê Hựu Hà, tác giả của những ca khúc vẫn còn được yêu thích đến ngày nay: Vào Hạ, Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào, Yêu Em, Yêu Đời Yêu Người, Hãy Vui Lên Bạn Ơi… Lê Hựu Hà còn là một trong những người Việt hóa nhạc trẻ Âu-Mỹ đầu tiên ở Việt Nam.
Mặc dù là một nhạc sĩ tài hoa và nổi tiếng, sáng tác rất nhiều ca khúc được yêu thích cả trước lẫn sau năm 1975, nhưng nhạc sĩ Lê Hựu Hà sống cả một cuộc đời bấp bênh, thiếu thốn. Từ lúc trưởng thành cho đến khi qua đời ở tuổi còn khá trẻ, ông chỉ sống duy nhất trong 1 căn nhà cho cha mẹ để lại.
Nhạc sĩ Lê Hựu Hà sinh năm 1946 tại Biên Hòa, Đồng Nai trong một gia đình theo đạo Phật. Ông sáng tác từ năm 17 tuổi khi còn là học sinh trung học.
Lên đại học, Lê Hựu Hà theo học trường Văn Khoa Sài Gòn và bắt đầu hoạt động âm nhạc từ năm 1965 trong ban nhạc Hải Âu tại Đại hội nhạc trẻ của Trường trung học Lasan Taberd (nay là trường Trần Đại Nghĩa). Trong ban nhạc Hải Âu lúc đó có 1 giọng ca nữ mới học lớp 11, sau này trở thành danh ca nổi tiếng là Thanh Lan.
Tết Mậu Thân năm 1968, ông nhập ngũ và học tại trường Bộ Binh Thủ Đức, rồi làm việc ở Cục Quân Nhu Gò Vấp, sau đó giải ngũ vì mắt kém.
Giữa lúc nhạc trẻ Sài Gòn hầu hết là các ban nhạc nhạc hát nhạc nước ngoài, hoặc hát lời Việt của các nhạc nước ngoài nổi tiếng, thì Lê Hựu Hà và ban nhạc Hải Âu vẫn kiên định theo con đường sáng tác nhạc Việt theo phong cách pop rock của Âu Mỹ. Sau này khi ban Hải Âu tan rã, nhạc sĩ Lê Hựu Hà cùng Nguyễn Trung Cang lập ra ban Phượng Hoàng lừng danh vào năm 1971, cũng đi theo con đường này và đạt được thành công vang dội cùng tiếng hát Elvis Phương.
Những ca khúc nổi tiếng của Lê Hựu Hà sáng tác được phổ biến vào giai đoạn này là: Tôi Muốn, Hãy Ngước Mặt Nhìn Đời, Yêu Em, Lời Người Điên, Hãy Vui Lên Bạn Ơi, Bài Hát Cho Người Tuổi Trẻ, Huyền Thoại Người Con Gái, Yêu Người Và Yêu Đời,…
Click để nghe nhạc của ban Phượng Hoàng thu âm trước 1975
Thời kỳ cực thịnh của nhạc pop-rock ở Sài Gòn là vào khoảng năm 1972-1973. Những cuộc liên hoan nhạc trẻ, đại nhạc hội nhạc trẻ liên tiếp được tổ chức ở trường Tabert, ở Sở thú, và ở cả sân vận động Hoa Lư với những buổi đông nhất lên đến 20.000 người tham dự (con số này vẫn là niềm mơ ước của các bầu sô ca nhạc ở thời điểm hiện nay).
Sau này nhóm Phượng Hoàng tan rã, một vài thành viên lập nhóm mới có tên Mây Trắng vào năm 1974 cùng với xu hướng Việt hóa pop-rock. Hoạt động không được bao lâu thì chấm dứt do biến cố vào năm 1975.
Theo nhạc sĩ Tuấn Khanh, là một người gần gũi với Lê Hựu Hà, sau thời điểm tháng 4 năm 1975, nhạc sĩ Lê Hựu Hà bị chính quyền mới nhầm tên ban nhạc Phượng Hoàng của ông với chương trình Phượng Hoàng của Quân lực VNCH nên ông phải đi học tập “cải tạo tư duy”. Ông bị bắt phải viết tự kiểm, nhận định rằng âm nhạc của ông là thứ “suy đồi và tiểu tư sản thối nát”.
Click để nghe Elvis Phương hát Tôi Muốn
Cho tới cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, nhạc của Lê Hựu Hà vẫn bị cấm ở trong nước vì lại nhầm lẫn tên ban nhạc Phượng Hoàng với tên trung tâm sản xuất và phát hành băng nhạc Phượng Hoàng nỗi tiếng ở hải ngoại, chuyên phát hành nhiều bài nhạc lính của các ca sĩ Trường Vũ, Tuấn Vũ… Bên cạnh đó, Lê Hựu Hà từng làm việc ở Cục Quân Nhu nên bị mang lý lịch là “ngụy quân” mặc dù ông chưa từng tham gia chiến đấu và đã sớm giải ngũ.
Sau khi ngưng sáng tác một thời gian khá lâu, Lê Hựu Hà lập ban nhạc mang tên là Hy Vọng, rồi sau đó là ban nhạc Phiêu Bồng từ thập niên 1980. Thời gian này ông sáng tác những ca khúc Ngỡ Đâu Tình Đã Quên Mình, Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào, Tình Còn Lất Phất Mưa Bay…
Từ năm 1998, Lê Hựu Hà hợp tác với nhạc sĩ Tùng Châu để viết lời một số ca khúc độc quyền cho chương trình Paris By Night như: Khổ Vì Yêu Nàng, Hai Chiếc Bóng Cô Đơn, Tình Yêu Muôn Thuở, Vị Ngọt Đôi Môi… Đa phần những tác phẩm này, Tùng Châu viết nhạc còn Lê Hựu Hà đặt lời.
Lê Hựu Hà được phát hiện đã qua đời vào ngày 11/05/2003 do tai biến mạch máu não. Theo biên bản khám nghiệm, Lê Hựu Hà qua đời từ ngày 5 nhưng đến ngày 11 mới được phát hiện nằm dưới sàn nhà ngay cạnh giường ngủ, trong khi đồ đạc vẫn còn ngổn ngang trong phòng và ti vi vẫn còn đang bật…
Về cuộc sống riêng, Lê Hựu Hà đã trải qua 4 cuộc hôn nhân, trong đó người cuối cùng là ca sĩ nhã Phương – em gái của Bảo Yến. Tuy nhiên Nhã Phương và Lê Hựu Hà đã ly dị trước khi ông qua đời.
Sau này Nhã Phương có lần chia sẻ thẳng thắn về cuộc hôn nhân đầy sóng gió và thiếu thốn của mình trên báo chí, xin trích 1 đoạn sau đây để bạn đọc biết rõ hơn sự lận đận của cuộc đời nhạc sĩ Lê Hựu Hà.
“Khi sống với anh Hà, đôi khi nghĩ lại, tôi thấy mình đã làm việc quá sức. Có những lúc ốm đau, tôi chẳng được nghỉ ngơi, cứ lao vào đi hát và kiếm tiền trả tiền nhà, trang trải cuộc sống. Tôi làm việc như một cái máy, tất tả chạy từ miền Trung ra Hà Nội rồi lại xuống tận Rạch Giá, Cà Mau…
Có lúc rất mệt, người không còn chút sức lực, tôi cũng không được nghỉ ngơi. Anh Hà cứ nói: “Thôi em ráng hát nhé, hát để có tiền trả tiền nhà”. Thế là những lúc bệnh, tôi vẫn đi hát.
Có một điều sai lầm với nhiều người làm nghệ thuật, trong đó có cả anh Hà là cứ sống trong mơ tưởng hão huyền. Họ cứ ngỡ mình là nhân vật gì đó quan trọng lắm, nổi tiếng lắm, tên tuổi lắm… Thật hoang tưởng!
Suốt thời gian sống với tôi, anh Hà thường thất nghiệp. Tôi là người lo toan mọi thứ trong gia đình.
Nói như vậy để thấy rõ hơn cuộc sống bấp bênh, nghèo nàn của nhạc sĩ, nhất là lúc ấy luật bảo vệ tác quyền chưa có. Càng lúc, gia đình tôi càng khốn đốn về kinh tế. Điều này khiến anh Hà mệt mỏi, chán chường và thường hay nổi giận vô cớ”.
Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com