Năm 17 tuổi, khi Sĩ Phú là một sinh viên nghèo, tay trắng (Sĩ Phú được đặc cách học đại học năm 16 tuổi), ông đã gặp gỡ một cô nữ sinh đệ nhị cấp tên là Thuỳ và bắt đầu một mối tình đầu non dại.
Đó là mối tình trong sáng mơ mộng của một thuở thanh xuân, họ đến với nhau chỉ bằng với những rung cảm đầu đời, chứ không vì một cái gì khác, và cũng chưa bận tâm nghĩ về tương lai mai sau.
Một ngày nọ, khi Sĩ Phú đến thăm người yêu, ông gặp những người anh của cô Thùy, và những người này nói rằng em gái của họ là cành vàng lá ngọc, phải tìm được người xứng đáng hơn là một chàng sinh viên nghèo không có gì trong tay.
Buồn và thất vọng, cũng vì lòng tự trọng, Sĩ Phú âm thầm ra đi và không bao giờ gặp lại cô gái nữa. Nhưng những dư âm mối tình đầu cũng để lại cho ông những vết hằn khó quên suốt cả cuộc đời. Và cũng từ đó về sau ông không bao giờ muốn làm quen với những cô gái cao sang, con nhà quyền quý nữa.
Nhiều năm sau, khi Sĩ Phú trở thành một sĩ quan trung uý không quân. Tình cờ, trong lúc lái xe jeep vào cổng trại, ông phải ngừng lại để cho một người đàn bà tay ẵm một đứa trẻ thơ rất nhỏ và tay kia dắt một đứa bé khoảng hơn 2 tuổi băng qua đường.
Người thiếu phụ trông có vẻ lam lũ, xốc xếch, nhưng có hình dáng quen thuộc. Sĩ Phú nhìn kỹ một lần nữa và giật mình khi nhận ra đó là Thùy, người yêu đầu đời bé nhỏ ngày xưa. Giờ đây nàng đã là một thiếu phụ tay bồng tay bế.
Ông xúc động mãnh liệt và cất tiếng gọi. Người thiếu phụ quay lại, bốn mắt nhìn nhau. Chỉ 5 năm mà như là đã trải qua dâu bể, còn đâu người con gái cành vàng lá ngọc với đôi mắt hồn nhiên năm xưa. Rồi người vội vã quay đi, dẫn đứa con nhỏ đi thật nhanh, bỏ lại sau lưng một hình bóng, một kỷ niệm thật buồn.
Câu chuyện tình, câu chuyện đời này thật giống với nội dung của bài hát Chuyện Tình Buồn mà sau này Sĩ Phú đã hát:
Năm năm rồi không gặp
Từ khi em lấy chồng
Anh dặm trường mê mải
Ðời chia như nhánh sông
…
Anh một đời rong ruổi
Em tay bế tay bồng
Chiều hắt hiu xóm đạo
Hồi chuông giáo đường vang…
Mời các bạn nghe lại Chuyện Tình Buồn, thơ của Phạm Văn Bình, nhạc Phạm Duy qua giọng hát Sĩ Phú.
Click để nghe
Sau này, danh ca Sĩ Phú từng nói rằng những ca khúc nào ông cảm thấy rung động thật đầy thì mới hát được. Có lẽ trong những ca khúc mà Sĩ Phú đã hát, ông đều nhìn thấy trong đó sự phản chiếu một phần đời của mình? Có lẽ vì vậy mà nghe Sĩ Phú hát, ai cũng cảm thấy tràn đầy tình cảm, như là ông đang nhẹ nhàng nói lên tâm sự của chính mình. Đó không chỉ là hát, mà đó còn là lời thủ thỉ, tâm tình.
Nói thêm về ca khúc Chuyện Tình Buồn, nguyên tác là một bài thơ của thi sĩ người miền Trung là Phạm Văn Bình, viết cho mối tình tan vỡ.
Năm 1966, Phạm Văn Bình “dặm trường mê mải” khi vào lính trong lệnh tổng động viên. Trước đó, ở quê nhà, ông có quen và yêu một người con gái tên là Nguyễn Thị Tuý:
Những thư tình ngây dại,
Những vai mềm, môi ngoan,
Những hẹn hò cuống quýt…
Nhưng mối tình ấy cũng tan vỡ với một lý do khá phổ biến: Khác biệt về tôn giáo. Gia đình Phạm Văn Bình theo Phật Giáo, gia đình cô Túy theo Thiên Chúa Giáo. Vì vậy trong bài thơ, ông đã viết:
Năm năm rồi đi biệt
Ðường xưa chưa lối về
Trong đìu hiu gió cuốn
Nằm chơ vơ gác chuông
Năm năm rồi cách biệt
Cỏ hoang sân giáo đường
Chúa buồn trên thánh giá
Mắt nhạt nhoà mưa qua.
Cuộc tình không thành, nhà thơ Phạm Văn Bình ôm nỗi đau cho riêng mình mà không một lời oán hận:
Ngày nhà em pháo nổ,
Anh cuộn mình trong chăn,
Như con sâu làm tổ
Trong trái vải cô đơn.
Những câu thơ này được Phạm Duy đưa nguyên bản vào trong nhạc, và hình ảnh con sâu làm tổ trong trái vải vốn không được nên thơ cho lắm, nhưng khi được đưa vào thơ, vào nhạc trong trường hợp này đã tạo nên một niềm thương cảm, và khán giả có thể cảm nhận được nỗi cô đơn vô tận của một người khi người yêu đã sang ngang.
Cô Túy lấy một người chồng đồng đạo. Người chồng là sĩ quan quân y tốt nghiệp cán sự y tế, rồi vào quân đội. Hai vợ chồng có 4 người con. Người chồng hy sinh, nghe tin buồn đó, Phạm Văn Bình viết trong thơ:
Năm năm rồi trở lại
Một mầu tang ngút trời
Thương người em năm cũ
Thương góa phụ bên song…
Bài: Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com