Hỡi người chiến sĩ đã để lại
cái nón sắt trên bờ lau sậy này
Bây giờ anh ở đâu, bây giờ anh ở đâu?
Còn trên đời này đang xông pha đèo cao dốc thẩm
hay đã về bên kia, phương trời miên viễn chiêm bao.
Trên đầu anh cái nón sắt ngày nào ấp ủ
mộng mơ của anh mộng mơ của một con người.
Ôi nó khác chi mây trời hiền hoà
khác chi bốn mùa êm trôi
có tiếng cười thủy tinh của vài đứa trẻ
và hơi ấm vòng tay ôm của một người vợ hiền
phải thế không anh?
Bây giờ, bây giờ trong cái nón sắt của anh để lại trên bờ lau sậy này, chỉ có một con ễnh ương mượn vũng nước mưa đọng trong đó làm hồ. Trong cái nón sắt của anh bây giờ vẫn có đủ trời, vẫn mây hiền hòa trôi và bốn mùa vẫn về. Xuân muôn thuở dịu dàng, Đông rét lạnh, Thu khi xám buồn, khi rực vàng nắng quái, Hạ cháy lửa nung trời…
Click để nghe Lệ Thu hát Người Tình Không Chân Dung
Đó là đoạn đầu trong bài hát nổi tiếng Người Tình Không Chân Dung của nhạc sĩ Hoàng Trọng và Dạ Chung. Có lẽ đây là bài hát duy nhất nhắc về nón sắt nhiều đến như vậy. Hình ảnh cái nón sắt hiện ra bi hùng, đã từng một thời cùng người xông pha bao nhiêu trận mạc, nhưng nay chỉ nằm im trong quên lãng ở bên bờ lau sậy.
Bài hát viết về người chiến sĩ, nhưng không chứa ngôn từ hận thù nào, mà viết về số phận của những người chiến sĩ vô danh đã ngã xuống, để lại hình bóng vợ hiền, con thơ côi cút trên cõi đời. Bài hát viết về cái nón sắt đã từng ở trên đầu của chiến sĩ để ôm ấp những mộng mơ rất bình dị. Nay anh không còn nữa, cái nón sắt bị rớt lại bên bờ lau sậy nơi đồng hoang, chứa đầy nước mưa để làm hồ cho một con ễnh ương đêm đêm kêu gào những âm thanh ảo não.
Nhìn vào trong nón sắt, phản chiếu qua cái hồ nước mưa nhỏ bé đó là ánh sáng mặt trời lung linh, có mây hiền hòa băng ngang, và vòng tuần hoàn của Xuân, Hạ, Thu, Đông qua bao nhiêu ngày tháng đều thấy được ở trong cái nón sắt kỳ diệu này.
Bài hát này là một sáng tác của 2 nhạc sĩ Hoàng Trọng và Dạ Chung. Tên tuổi nhạc sĩ Hoàng Trọng thì hầu như ai cũng biết đến với danh xưng “ông hoàng tango”. Còn cái tên Dạ Chung vốn chỉ thường gắn liền với nhạc sĩ Lâm Tuyền, đặc biệt là với bài hát Hình Ảnh Một Buổi Chiều (Lâm Tuyền – Dạ Chung cùng sáng tác). Với bài hát Người Tình Không Chân Dung được ký tên tác giả là Hoàng Trọng – Dạ Chung, ít người biết rằng Dạ Chung chính là bút danh khi viết nhạc của diễn viên – đạo diễn nổi tiếng Hoàng Vĩnh Lộc, là người viết kịch bản và đạo diễn của phim mang cùng tên với bài hát là Người Tình Không Chân Dung.
Khi thực hiện phim này, Hoàng Vĩnh Lộc đã nhờ nhạc sĩ Hoàng Trọng sáng tác 1 bài nhạc chính cho phim, và ông tự tay viết lời cho bài hát. Vì vậy có thể thấy sự ăn khớp giữa bài nhạc và hình ảnh trong phim.
Bắt đầu vào phim là hình ảnh một bờ lau sậy, đầm lầy, bên dưới là một cái nón sắt nằm ngửa chơ vơ đọng nước mưa, bên trong phản chiếu những mây trời, và tiếng hát Lệ Thu cất lên trong khung cảnh đó làm ngậm ngùi xúc động người xem. Mời các bạn xem lại đoạn mở đầu đó ở bên dưới đây:
Click để xem
Cuốn phim Người Tình Không Chân Dung được Quân lực VNCH bảo trợ nên trong phim có sự góp mặt của đại biểu toàn thể các binh chủng Hải, Lục, Không quân, TQLC. Phim đã đạt giải Chủ đề phim xuất sắc nhất và Kiều Chinh là nữ tài tử chính khả ái nhất tại đại hội điện ảnh Á Châu lần thứ 17 tại Đài Bắc ngày 6 tháng 6 năm 1971.
Ít người biết rằng minh tinh Kiều Chinh ngoài đóng vai chính, cô còn là nhà sản xuất của phim này, và Người Tình Không Chân Dung là sản phẩm đầu tiên của Hãng phim Giao Chỉ của cô thành lập, kết hợp cùng đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc để sản xuất một cuốn phim để đời, mang tính nghệ thuật chứ không chiều theo thị hiếu khán giả đương thời.
Đặc biệt là phim còn có sự góp mặt của nhiều người ở trong quân ngũ, như tài tử Hùng Cường, vai nam chính là cựu tá lực lượng đặc biệt Vũ Xuân Thông. Một trường đoạn trong phim gây ấn tượng nhất với khán giả là khi Kiều Chinh đi một mình ra bờ biển để nhìn thấy 3000 binh sĩ (do các binh sĩ thực sự đóng) ngồi hát bài Việt Nam! Việt Nam! của nhạc sĩ Phạm Duy, đây là đoạn rất xúc động:
Việt Nam Việt Nam tên gọi là người
Việt Nam hai câu nói sau cùng khi lìa đời
Việt Nam đây miền xinh tươi
Việt Nam đem vào sông núi
Tự do công bình bác ái muôn đời…
Click để xem
Một sự xuất hiện cũng rất đặc biệt khác là đôi vợ chồng nổi tiếng Lê Uyên Phương khi hát ca khúc Cho Lần Cuối. Dường như đây là video duy nhất ghi lại hình ảnh của họ trước năm 1975. Mời bạn xem lại:
Click để xem
Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com