Nhắc lại chuyện ngày xưa mà lòng bồi hồi xúc cảm, vẫn luôn nhớ lại thời mà bộ môn cải lương đã lên ngôi ở đỉnh cao chót vót, trở thành “món ăn” không thể thiếu của người dân miền Nam Việt Nam trên nửa thế kỷ trước.

Bài viết này xin nhắc về những ngôi sao luôn tỏa sáng ở Thủ đô Sài Gòn xưa hoa lệ, điểm tô cho Hòn Ngọc Viễn Đông vào mỗi buổi tối thêm rực rỡ, thêm màu sắc…

Các bậc tiền bối lão thành Cải lương ngày xưa, họ quá giỏi, quá tài năng. Họ nhờ khả năng thiên phú và siêng năng không ngừng học hỏi trau dồi… Họ xuất hiện như những bông hoa lạ vào những thập niên 1950 – 1960 – 1970, được công chúng đón nhận nhiều nhứt, ngưỡng mộ nhiều nhứt và đáng được ghi nhớ nhiều nhứt…

Đó là những tên tuổi vang bóng một thời, tạo nên tên tuổi trong lòng người hâm mộ. Đó là những: Út Trà Ôn, Hữu Phước, Út Bạch Lan, Thành Được, Thanh Nga, Tấn Tài, Phượng Liên, Hùng Cường, Bạch Tuyết, Dũng Thanh Lâm, Thanh Sang, Thanh Hải, Diệu Hiền, Thanh Tuấn, Thanh Kim Huệ, Lệ Thủy, Chí Tâm, Mỹ Châu, Minh Phụng, Minh Vương, Minh Cảnh, Ngọc Giàu, Ngọc Hương, Ngọc Bích, Nam Hùng, Thanh Thanh Hoa, Hồng Nga, Văn Hường, Hề Minh, Diệp Lang, Hoàng Giang, Kim Giác, Hùng Minh, Trường Xuân, Kiều Mai Lý…

Mỗi Đào mỗi Kép đều có chất giọng riêng rất đặc sắc, không pha trộn với ai. Họ thể hiện lời ca trong những câu ca vọng cổ rất mượt mà. Trong các tuồng cải lương họ đóng, không chê vào đâu được.

Thời ấy, cánh báo chí và người hâm mộ, đã phong cho nhiều nghệ sĩ những danh hiệu rất hay để tỏ lòng ái mộ, như:

Út Trà Ôn có giọng ca chân phương, đúng chất miền Tây Nam Bộ, nên được phong là “Vua vọng cổ”, vì thể hiện rất nhiều bài ít ai sánh kịp.

Út Bạch Lan thì tha thiết u buồn, nên được gọi là “Sầu nữ”. Thanh Hải ngâm thơ theo giọng Tao Đàn, thì được gọi là “Vua Tao Đàn”.

Thanh Nga là “Nữ hoàng cải lương”, vì bà sang trọng lộng lẫy tài sắc vẹn toàn. Tấn Tài là “Hoàng đế đĩa nhựa”. Bạch Tuyết là “Cải lương chi bảo” vì bà quá xuất sắc điêu luyện.

Minh Phụng được mệnh danh là “Hoàng tử cải lương” vì quá đẹp trai, lên sân khấu mặt rạng rỡ như trăng rằm, đã làm rung động biết bao con tim phái đẹp.

Minh Vương thì có chất giọng cao vút, réo rắt ngọt ngào, nên đã đoạt “Khôi nguyên vọng cổ”. Lệ Thủy thì hồn nhiên trong veo như mặt nước hồ Thu.

Thanh Kim Huệ thì luyến láy bất ngờ, chuẩn không cần chỉnh, một giọng ca trẻ mãi không già. Thanh Tuấn thì điêu luyện trong cách nhả chữ cũng như nhấn nhá rất tuyệt vời. Làm người nghe mê mẩn. Điển hình là vở tuồng Người Tình Trên Chiến Trận hay Đường Gươm Nguyên Bá…

Ngọc Giàu thì buồn da diết đến nhói lòng, ca như nhung căng lụa trải.

Mỹ Châu thì giọng trầm không ai qua nổi và có cách xuống vọng cổ rất lạ lùng nhưng cũng… ngắn ngủn.

Thanh Sang thì thôi khỏi phải bàn, một giọng ca trầm buồn sâu lắng, buồn man mác như “Nỗi Buồn Hoa Phượng” làm tê tái lòng người. Đóng vai Cha là đâu ai sánh nổi. Rất thành công được người người mến mộ trong vai Vua trong vở Đường Gươm Nguyên Bá.

Nói tóm lại, một thời vàng son hoa mộng đã đi qua. Đã để lại trong ta nhiều luyến tiếc nhớ nhung. Một thế hệ vàng son tài ba trong nghệ thuật cải lương đã đi qua, tưởng chừng như một cơn gió thoảng…

Làm cho người yêu bộ môn này. phải thổn thức, phải nuối tiếc. Như đã đánh mất một vật gì đó rất quý giá, mà không thể tìm kiếm được ở chợ đời…

(Bài viết của tác giả Hồng Trung, đăng với sự cho phép của tác giả)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here