Bài hát Ngỏ Hồn Qua Đêm của nhạc sĩ Hoàng Trang sáng tác năm 1966, được ký với bút danh là Triết Giang và Hàn Châu. Xung quanh bài hát này có những điều hiểu nhầm, xin đính chính lại qua bài viết này.
Có 2 điều mà người ta thường hiểu nhầm:
- Bài hát tên là Ngỏ Hồn Qua Đêm, không phải là Ngõ Hồn Qua Đêm. Ngỏ và Ngõ mang ý nghĩa hoàn toàn khác nhau.
- Mặc dù bài hát được ký tên là Triết Giang – Hàn Châu, nhưng được nhạc sĩ Hoàng Trang viết hoàn toàn một mình, không có sự tham gia của nhạc sĩ Hàn Châu trong quá trình sáng tác.
Để có thể khẳng định 2 điều này, người viết đã từng gặp cả nhạc sĩ Hàn Châu lẫn gia đình của cố nhạc sĩ Hoàng Trang, và được biết rằng Ngỏ Hồn Qua Đêm được nhạc sĩ Hoàng Trang sáng tác năm 1966, khi mà nhạc sĩ Hàn Châu vẫn chưa sử dụng bút danh này, cũng như chưa từng có bài hát nào để lại dấu ấn.
Khi gặp nhạc sĩ Hàn Châu gần đây, tôi hỏi ông về ý nghĩa của cái tên “Hàn Châu”. Ông nói rằng ông cũng không biết, chỉ biết là sau khi nhạc sĩ Hoàng Trang viết bài Ngỏ Hồn Qua Đêm xong, điền bút danh là Triết Giang – Hàn Châu, rồi đưa cho Lê Đình Nam (tên thật của nhạc sĩ Hàn Châu) xem. Ông Lê Đình Nam hỏi: “Ủa sao lại là Hàn Châu?” Nhạc sĩ Hoàng Trang đáp: “Hàn Châu là ông đó, thấy được không?”
Từ đó xuất hiện tên Hàn Châu với rất nhiều bài hát nổi tiếng chỉ 1-2 năm sau đó: Những Đóm Mắt Hỏa Châu, Lời Trần Tình, Thành Phố Sau Lưng…
Bài hát Ngỏ Hồn Qua Đêm được ký với 2 tên Triết Giang – Hàn Châu nên lâu nay người ta vẫn tưởng là bài hát được 2 người viết chung. Tuy nhiên theo gia đình nhạc sĩ Hoàng Trang cho biết thì bài hát chỉ do 1 mình Hoàng Trang viết, và ông muốn giúp đỡ người bạn chưa có tên tuổi là Lê Đình Nam nên ghi tên sáng tác cho bài hát này là Triết Giang – Hàn Châu, trong đó Triết Giang là Hoàng Trang, còn Hàn Châu là bút danh mới của Lê Đình Nam.
Vậy Triết Giang và Hàn Châu có nghĩa là gì? Khi người viết gặp vợ của cố nhạc sĩ Hoàng Trang là cô Nguyễn Thị Hồng, cũng là con gái của ông Nguyễn Tất Oanh (giám đốc hãng dĩa Asia Sóng Nhạc), được cô Hồng cho biết như sau:
Sau khi nhạc sĩ Hoàng Trang đã có một số sáng tác nổi tiếng được công chúng đón nhận là Nếu Đời Không Có Anh (1964), Không Bao Giờ Quên Anh (1964), Kể Chuyện Trong Đêm (1965). Năm 1966, nhạc sĩ Hoàng Trang sáng tác Ngỏ Hồn Qua Đêm. Sau khi hoàn thành bài hát, ông muốn đặt một bút danh khác để mới lạ và gây ấn tượng hơn, ngoài cái tên Hoàng Trang đã nổi tiếng. Trước năm 1975, việc một nhạc sĩ dùng nhiều bút danh khác nhau để sáng tác là trường hợp rất phổ biến.
Nhạc sĩ Hoàng Trang trầm ngâm một lúc, bất chợt nhìn lên tấm bản đồ Việt Nam dán trên tường nhà, thấy bên trên nước Việt Nam là sơ đồ nước Trung Quốc, ông ấn tượng với 2 cái tên xuất hiện trên đó là Hàn Châu và Triết Giang.
Hàn Châu (sau này ghi là Hàng Châu) là một thành phố du lịch nổi tiếng, thủ phủ của tỉnh Triết Giang (sau này ghi là Chiết Giang) ở Trung Quốc. Thấy 2 cái tên này lạ và hay nên ông lấy luôn tên Triết Giang cho mình và tên Hàn Châu cho người bạn.
Mặc dù cô Hồng là tiểu thơ của một gia đình khá giả, nhưng khi yêu và chấp nhận lấy một nhạc sĩ nghèo như Hoàng Trang, cuộc sống cùa họ khá chật vật. Thời điểm năm 1966, vợ chồng nhạc sĩ Hoàng Trang sinh sống ở trong một căn gác xép nhỏ ở số nhà 218/1 đường Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần).
Sau khi viết xong bài hát, nhạc sĩ Hoàng Trang mang bài hát đến cho ông Nguyễn Tất Oanh, tức ba vợ của ông – giám đốc Asia Sóng Nhạc, để bán cho hãng đĩa nổi tiếng này. Tuy nhiên có lẽ thời gian đó vì bận bịu công việc và số lượng bài hát gửi về quá nhiều, nên ông giám đốc hãng Asia Sóng Nhạc đã “ngâm” bài hát này của chàng rể khá lâu mà không ký hợp đồng ngay.
Do cuộc sống nhạc sĩ ngày đó còn rất khó khăn, viết xong bài nào phải bán ngay để có tiền mưu sinh trong áp lực về cơm áo gạo tiền, nhạc sĩ Hoàng Trang không thể chờ được lâu nên đã mang sang bán cho hãng dĩa Vô Tuyến, được hãng này chấp nhận mua và đưa ca sĩ Hoàng Oanh thu âm trong, còn bản quyền phát hành nhạc tờ được bán cho nhà xuất bản Minh Phát.
Click để nghe “Ngỏ Hồn Qua Đêm” được Hoàng Oanh hát đầu tiên trong dĩa hát Vô Tuyến
Bài Ngỏ Hồn Qua Đêm với những ý nhạc mới mẻ cùng điệu bolero chậm buồn, dễ đi vào lòng người, nhanh chóng được khán giả đón nhận qua tiếng hát Hoàng Oanh. Thập niên 1970, bài hát này được tái bản qua 2 giọng hát Băng Châu và Thanh Thúy trong băng cối của trung tâm Nhã Ca và Shotguns. Sau Ngỏ Hồn Qua Đêm, hai năm sau đó (1968) nhạc sĩ Hàn Châu đã phát triển từ một câu hát của bài này, mượn hình ảnh “hoả châu” trong Ngỏ Hồn Qua Đêm để viết thành bài hát Những Đóm Mắt Hỏa Châu nổi tiếng, đó là câu:
Nhìn hỏa châu lưng trời soi chia đêm tối.
Anh ngỡ như ngày cưới hoa đăng ngập trời.
Về tên của bài hát là Ngỏ Hồn Qua Đêm (Ngỏ là ngỏ ý), lâu nay, rất nhiều người nhầm thành Ngõ Hồn Qua Đêm (Ngõ là ngõ hẻm). Khi nhìn lại tờ nhạc phát hành trước năm 1975 của nhà xuất bản Minh Phát, tên bài hát ghi rõ là Ngỏ chứ không phải là Ngõ. Sẽ có nhiều người nghi ngờ đó là “lỗi đánh máy” ngày xưa nên ghi sai chính tả. Tuy nhiên khi người viết hỏi lại người nhà của nhạc sĩ Hoàng Trang thì được xác nhận chính xác tên bài hát là Ngỏ Hồn Qua Đêm, có ý nghĩa là lời tự sự trong đêm của tác giả.
Click để nghe Ngỏ Hồn Qua Đêm trong băng Shotguns, tiếng hát Thanh Thúy
Click để nghe Ngỏ Hồn Qua Đêm trong băng Nhã Ca, tiếng hát Băng Châu
“Chiều bàn giao cho vùng đêm đen” là một khung cảnh của một chiều hoàng hôn chạng vạng, chuẩn bị được bóng đêm phủ xuống ở một vùng biên giới xa xôi, là nơi có một người chinh nhân đang đóng quân ở ven lưng chừng đồi. Đó là nơi vắng bóng người, xa ánh đèn đô thị và tiếng nói nhân gian, chỉ có tiếng côn trùng vọng lên từ triền cỏ lạnh nghe não nùng gợi những sầu thương vô cùng.
Trong nỗi niềm “hồn rung tiềm thức”, anh lính nhớ về một một vùng ký ức tươi đẹp của ngày thơ ấu, nơi có những trò chơi tuổi nhỏ không thể nào quên:
Từ trò chơi đánh trận giả ngày xưa, anh lính nay đã trưởng thành và phải lao vào một cuộc chơi đánh trận thực sự, phải tranh đấu vì non sông. Cô gái năm xưa nay cũng trở thành một thiếu nữ, rồi đêm tiễn đưa người yêu lên đường ra biên trấn, nàng “quay gót son mềm” và “đếm dài cây số thương”, còn chàng ở nơi đầu tuyến hàng đêm thấy “xanh giấc mơ gầy” và “nghe trái sầu rụng nửa đêm”. Hiếm có bài nhạc vàng nào có lời ca đẹp và ấn tượng đến như vậy.
Ở nơi địa đầu biên giới xa xôi này, người lính nhìn hoả châu sáng rực lưng trời mà ngỡ là hoa đăng bay ngợp trời trong ngày cưới. Dù xa cách nhau ngàn dặm, chàng luôn nghĩ đến người tình với niềm tin yêu và lạc quan với lời hứa trọn đời có nhau.
Bài: Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com