Trong gia tài hơn 1000 ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy, bài hát Bên Cầu Biên Giới (sáng tác năm 1947) không phải là một ca khúc quá nổi tiếng, không thể sánh bằng nhiều ca khúc bất hủ khác của cùng tác giả. Về phương diện ca từ lẫn giai điệu, bài Bên Cầu Biên Giới đều không được đánh giá cao, thậm chí là chính tác giả là nhạc sĩ Phạm Duy cũng nói rằng đây là một ca khúc bình thường, thậm chí là tầm thường của ông.

Tuy nhiên, nếu bỏ qua những yếu tố thuần tính âm nhạc đó, thì ca khúc này lại có một vị thế rất quan trọng, có thể xem là bài hát có ảnh hưởng lớn nhất trong nhận thức của nhạc sĩ Phạm Duy, là sự kiện mang tính bước ngoặt, ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc đời cũng như sự nghiệp đồ sộ của ông về sau này.

Nói như vậy có phải là đã quá đề cao một ca khúc bình thường như Bên Cầu Biên Giới? Thực ra, bản thân ca khúc này đã không mang tầm quan trọng như vậy, nếu như thời cuộc đã không vô tình gieo vào nó một số mệnh kỳ lạ, xin được chép lại trong bài viết này.

Theo hồi ký Phạm Duy, ông sáng tác Bên Cầu Biên Giới tại Lào Kay (tức Lào Cai) vào năm 1947 khi ông hát trong đoàn văn nghệ Giải Phóng. Đoàn này thành lập ở Sơn Tây, biểu diễn tuyên truyền hát các ca khúc cổ động qua khắp các vùng phía Bắc, từ Phúc Yên, Vĩnh Yên, qua Việt Trì Phú Thọ rồi đến Yên Bái, Tuyên Quang, rồi đến vùng biên giới Lào Kay.

Tại Lào Kay, nhạc sĩ Phạm Duy gặp lại ông bạn cũ Văn Cao lúc đó đang làm cho cục tình báo của Việt Minh, mở một phòng trà bên Quán Biên Thùy tại đây để phục vụ cho các hoạt động tình báo. Gặp Phạm Duy, nhạc sĩ Văn Cao thuyết phục bạn ở lại hát cho phòng trà của mình. Khi đó Phạm Duy vẫn đang tham gia Việt Minh, với vai trò vừa là nhạc sĩ sáng tác nhạc cổ động, vừa là ca sĩ hát tuyên truyền với một tinh thần rất hồn nhiên và có phần ham chơi, ưa thích khám phá những điều mới. Vì vậy, khi nhận được lời đề nghị của Văn Cao, ông rời đoàn văn nghệ để ở lại miền biên giới một thời gian.

Chiếc cầu biên giới ở Lào Cay, nơi nhạc sĩ Phạm Duy đã đứng và có cảm hứng sáng tác bài Bên Cầu Biên Giới

Cũng tại Lào Kay này, trong một lần đứng giữa chiếc cầu nối liền biên giới Trung – Việt, nhạc sĩ Phạm Duy đã sáng tác một trong những bài tình ca hiếm hoi thời kỳ thập niên 1940 là Bên Cầu Biên Giới. Lúc đó, đa số những sáng tác của Phạm Duy là để cổ động tinh thần yêu nước, và Cây Đàn Bỏ Quên cùng với Bên Cầu Biên Giới là những bài “tâm tình ca” hiếm hoi được sáng tác trong những lần ông tạm quên đi thời cuộc, quên đi những đau thương ở chốn làng cũ quê xưa, để nghĩ về tình cảm riêng tư của mình, khát khao về một vừng trán ngây thơ:

Ngừng đây soi bóng bên giòng nước lũ
Cầu cao nghiêng dốc bên giòng sông sâu
Sầu vương theo sóng xuôi về cuối trời
Một vùng đau thương chốn làng cũ quê xưa


Click để nghe Thái Thanh hát Bên Cầu Biên Giới trước 1975

Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Phạm Duy kể:

“Bài này là một trong những bản nhạc tình hiếm hoi của thời đó cho nên được phổ biến một cách rộng rãi và nhanh chóng. Nó được soạn ra khi tôi ôm một cô vũ nữ kiêm tình báo viên vào lòng, nhưng thực ra nó phản ảnh sự viễn mơ của tôi, trong khi đang đi ᴄhιến đấu, tuy đưa mắt nhìn về một vùng đau thương chốn làng cũ quê xưa nhưng vì đang đứng trên chiếc cầu biên giới cho nên vẫn thèm được vượt cầu ra đi để sống bên người đẹp Tô Châu hay chết bên bờ sông Danube:”

Người đi chưa hết hương sầu lữ thứ
Hồn theo cánh gió quên tình xa xưa
Tuổi xanh như lá thu rụng cuối mùa
Mộng về đêm đêm khát vừng trán ngây thơ

Em đến bên tôi một chiều khi nắng phai rồi
Nắng ngừng bên chiếc cầu biên giới
Xa xa thoáng đàn trầm vô tư
Đâu đây dáng huyền đền duyên mơ

Bên cầu biên giới
Tôi lặng nghe dòng đời từ từ trôi
Sông nước xa xôi,
Mây núi khắp nơi
Không tỏ một đôi lời …

Ôi giấc mơ qua
Mộng đời phiêu lãng giang hồ
Sống trong lòng người đẹp Tô Châu
Hay là chết bên bờ sông Da – nube
Những đêm sáng sao…


Click để nghe Thanh Lan hát Bên Cầu Biên Giới trước 1975

Đứng trước một biên giới hữu hình, nhạc sĩ bỗng thấy trong lòng mình (và trong cả mọi người) còn có những biên giới vô hình mà ông muốn phá vỡ đi, đó là biên giới giữa hận thù và tình yêu, giữa loạn ly và hòa bình.

Biên giới của lòng mình thì nhạc sĩ Phạm Duy còn có khả năng tự mình phá vỡ, nhưng còn biên giới hận thù của lòng người thì làm sao có thể:

Nhưng đường quá xa vời
Hương trời vẫn mê mải
Đời tôi sao vẫn còn biên giới!
Lòng tôi sao vẫn ngừng nơi đây

Ôi dòng tóc êm đềm!
Ôi bể mắt đắm chìm!
Đời phong sương cũ, chỉ là thương nhớ
Mộng bền năm xưa
Chỉ là mơ qua…

Bài hát chỉ là một tâm sự nỗi niềm riêng, và tác giả cũng không có ý định lớn lao là có thể xoay chuyển được lòng người, phá bỏ được những biên giới đã được xây dựng cao như tường thành. Tuy nhiên vài năm sau đó, khi Phạm Duy trở lại đoàn văn nghệ thì câu chuyện Bên Cầu Biên Giới đã được khơi gợi lại, những người lãnh đạo đã xem bài hát như là một tư tưởng không thể chấp nhận được đối với những người ở trong hàng ngũ Việt Minh. Đó là tính lãng mạn tiểu tư sản mang đậm chủ nghĩa cá nhân cần phải bị loại trừ. Khi đó, bài hát Bên Cầu Biên Giới được nâng tầm như là một biểu tượng của xu hướng sáng tác nhạc lãng mạn của nhạc sĩ Phạm Duy, và nếu ông muốn ở lại với Việt Minh, thì ông phải có sự lựa chọn, phải tự tay cắt đứt mối liên hệ với ca khúc “đồi trụy” này.

Sự việc này xảy ra sau Đại Hội Văn Nghệ của Việt Minh vào năm 1950. Khi đó nhà thơ T.H là người đứng đầu lĩnh vực văn nghệ, thi hành chính sách với bàn tay sắt, quyết liệt loại trừ những tác phẩm không mang tính cổ động. Trước thời điểm đó, Cổ nhạc, cải lương, vọng cổ vẫn được các nghệ sĩ của Việt Minh trình diễn, nhưng từ lúc này trở đi, khi T.H được toàn quyền quyết định về chính sách văn nghệ của Việt Minh, quan điểm của ông là “Vọng Cổ có âm điệu ủy mị, làm cho người nghe bị ru ngủ, lòng người nghe bị mềm yếu rồi người nghe cúi đầu xuống, tiêu tan cả chí phấn đấu”.

Chung số phận với Vọng cổ, những ca khúc lãng mạn đều bị loại trừ, những nhạc sĩ Việt Minh từng sáng tác nhạc lãng mạn như Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Văn Thương… phải tự tay phê phán chính những tác phẩm vốn rất được yêu thích của mình là Dư Âm, Đêm Đông…
Số phận bài hát Bên Cầu Biên Giới của nhạc sĩ Phạm Duy cũng tương tự.

Thời điểm đó, nhạc sĩ Phạm Duy được giới lãnh đạo Việt Minh đánh giá cao với những bài hát tuyên truyền vừa gây xúc động, vừa tạo ra được niềm căm phẫn với giặc thù, như là Bà Mẹ Gio Linh, Chiến Sĩ Vô Danh… Ông được đề nghị kết nạp Đảng, được cử sang học ở Moskva, được trao huân chương, thậm chí là được trao một đặc ân hiếm có là gặp mặt Hồ Chủ Tịch. Đổi lại, nhạc sĩ Phạm Duy phải ngừng sáng tác nhạc lãng mạn, phải cắt đứt sợi dây liên hệ với Bên Cầu Biên Giới.

Trong hồi ký, nhạc sĩ Phạm Duy kể rằng nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đã đóng vai “người đưa tin” để nói với ông như sau:

“Đoàn thể cử tao nói cho mày biết. Là mày đã được kết nạp. Mày sẽ được cử đi Moskva. Mày sẽ được ông Cụ gắn cho một huân chương chiến sĩ. Nhưng có điều kiện. Mày phải bỏ cái tính ”chơi” của mày đi. Mày phải khai tử bài hát Bên Cầu Biên Giới. Và nếu xuất ngoại thì Thái Hằng phải ở lại. Một mình mày đi thôi. Về suy nghĩ. Mấy hôm nữa, trả lời tao”.

Khi đó Phạm Duy vừa mới cưới Thái Hằng, Thái Hằng lại sắp sinh con đầu lòng. Đứng trước một bước ngoặt cuộc đời: Hoặc là được thăng tiến trong tổ chức, hoặc là được tự do sáng tác, được tự do bay nhảy như bản tính cố hữu của mình, hẳn chúng ta đều biết ông đã lựa chọn con đường nào. Hơn nữa, việc phải đi tận Liên Xô học và bỏ lại người vợ thân yêu sắp đến kỳ sinh nở là một việc làm bất nhẫn mà Phạm Duy không bao giờ chấp nhận. Ông đã chọn con đường ra đi, dinh tê về thành, sau đó chuyển vào Sài Gòn năm 1951 khi con trai đầu lòng là Duy Quang mới được 1 tuổi, và mọi chuyện xảy ra sau đó đã trở thành lịch sử.

Nếu chọn ở lại, thì chắc chắn chúng ta đã mất đi một nhạc sĩ thiên tài Phạm Duy với sự nghiệp đồ sộ chưa từng thấy.

Đông Phương
Bản quyền bài viết của nhacvangbolero.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here