Bài hát Trăng Thanh Bình là một trong những ca khúc đầu tiên trong sự nghiệp lừng lẫy của nhạc sĩ Lam Phương, được ông sáng tác vào năm 1953, khi mới 16 tuổi. Bài hát đã gắn liền với tên tuổi của ca sĩ Duy Khánh, được ông chọn trình bày và đoạt giải nhất cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của đài phát thanh ở Huế. Khi đó thì Duy Khánh cũng chỉ mới 18 tuổi, và Trăng Thanh Bình chính là ca khúc khởi đầu quan trọng cho sự nghiệp sáng chói của ông. Về sau này, Duy Khánh có nhiều lần thể hiện lại ca khúc này:

Ngày nào súng biên cương rền nổ khắp đồng xanh
Bao la súng rền vang xa xa.
Xác thù tràn đầy khắp sơn hà
Tựa hờn ai trong đêm trăng tà


Click để nghe Duy Khánh hát Trăng Thanh Bình trước 1975

Bài hát này được sáng tác trước thời điểm đất nước chưa bị chia đôi, khi quê mẹ vẫn chưa lâm vào tình trạng huynh đệ tương tàn. Tuy nhiên từ trước đó rất lâu thì lửa khói đã lan tràn triền miên trên khắp quê hương, nên mở đầu của bài hát tên là Trăng Thanh Bình lại không hề có sự thanh bình, mà trái lại, còn là những hình ảnh thật đau thương và hãi hùng:

Vì ai giữa đêm thâu từng lớp sóng người rơi
Thây phơi trong rừng sâu âm u.
Trăng sầu nhìn cuộc sống dương trần còn lầm than xui bao điêu tàn.

Có thể xem trăng là một biểu tượng của sự vĩnh cửu, vì trăng đã hiện diện ở đó hằng bao triệu năm, từ khi trái đất vẫn còn hỗn mang, rồi đến khi con người xuất hiện, dù là vẫn còn săn bắn hái lượm hay đã hình thành nền văn minh, thì trăng vẫn bất biến. Rồi đến một ngày con người thù hận nhau, gieo cho nhau bao nhiêu điêu tàn. Trăng như là một người mẹ già nua, chứng kiến cảnh đàn con từ thuở mới khai sinh, rồi đến khi khôn lớn thì lại giẫm đạp nhau tranh đua cướp đoạt, thì sao tránh được nỗi sầu.

Về cùng vui đêm nay trăng ơi
Xa cung hằng trần thế chơi vơi.
Đêm lắng sầu nhìn lá phai mầu
Tình lúa trăng ơi chan chứa đêm dài.

Rồi một ngày, có một anh chàng nhạc sĩ thiếu niên mới 16 tuổi hiểu được tâm sự của trăng trong một đêm dương trần, anh gọi mời trăng hay tạm quên nỗi sầu nhân thế để cùng vui trong đêm nay:

Lặng nghe dưới sương đêm
nhạc tấu khúc tình trăng

Say mơ yêu đồng xanh xanh lơ.
Mơ màng ngồi nhìn ánh trăng vàng
Lòng mừng vui trăng lên huy hoàng.

Lặng nghe dưới sương đêm nhạc tấu khúc tình trăng
Say mơ yêu đồng xanh xanh lơ.
Mơ màng ngồi nhìn ánh trăng vàng
Lòng mừng vui trăng lên huy hoàng.

Giờ đây ánh trăng lên rọi xuống khắp đồng quê
Bao la la bao la a…a…
Có một đàn cò trắng bay về, về đồi xa xa, xa xa vời.

Khác với không khí tang thương ở đầu bài hát, thì từ đoạn điệp khúc về sau là sự hoan ca, say sưa yêu đời và yêu cuộc sống. Cho dù ngoài miền biên địa vẫn có đang máu đổ xương tan, thì người người vẫn hy vọng rằng ánh sáng hiền hòa của trăng sẽ rọi xuống thanh bình cho muôn nơi, có thể hóa giải được những hận thù để nhân loại được đón cuộc sống yên lành. Vì vậy, với nhạc sĩ Lam Phương thì trăng là nguồn sống, là nguồn vui gieo xuống cho trần thế, đó cũng chính là ý nghĩa của Trăng Thanh Bình:

Mừng vui lúa tung tăng hò reo lúa mừng trăng
Reo vang tang tình tang lúa reo.
Lúa mừng cuộc đời sống thanh bình đã về đây với dân yên lành.

Cùng cười lên thắm tươi lúa ơi, cho nhân loại được sống yên vui.
Cho cung Hằng cùng hé môi cười
Cười lả lơi trong nhân thế yêu đời.

Hò khoan ánh trăng lên rọi xuống khắp trần gian
Xa xôi lúa đầy vơi trăng ơi
Trăng về là nguồn sống yên lành của toàn dân yêu trăng thanh bình.

Bài: Đông Phương
Bản quyền bài viết của nhacvangbolero.com

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here