Vào giữa thập niên 1950, bắt đầu có sự xuất hiện của nữ ca sĩ Thuý Nga, một người đẹp ở độ tuổi 19 và mang lại được một làn gió tươi mới cho làng nhạc Sài Gòn bắt đầu trở nên nhộn nhịp với nhiều nhân tố mới vừa được di cư vào từ miền Bắc.
Ca sĩ Thuý Nga sinh năm 1936, cũng là một người Bắc di cư năm 1954. Năm 1955, cô đạt giải nhất cuộc thi tuyển lựa ca sĩ do nghệ sĩ Trần Văn Trạch và đài phát thanh tổ chức ở rạp Norodom (Thống Nhất), gây ấn tượng được với khán giả Sài Gòn khi vừa hát vừa chơi Accordion (phong cầm), với cây đàn choáng hết nửa phần trên của hình dáng có mái tóc dài thả ngang lưng.
Thời ấy, ca sĩ vừa hát vừa chơi nhạc cụ rất hiếm, cùng lắm vừa cầm guitar vừa hát, nhưng chủ yếu là nam ca sĩ, nên Thúy Nga và cây đàn phong cầm trên sân khấu đã trở thành một hình ảnh rất ấn tượng với những người đi xem nhạc thập niên 1950. Thuý Nga trở thành bóng hồng của rất nhiều thanh niên thời đó, trong đó có một nhạc sĩ còn rất trẻ nhưng đã có nhiều sáng tác gây tiếng vang: nhạc sĩ Lam Phương với Chiều Thu Ấy, Kiếp Nghèo, Chuyến Đò Vỹ Tuyến, Nắng Đẹp Miền Nam…
Tuy nhiên, trong số những người đầu tiên được chứng kiến Thuý Nga hát tại rạp Thống Nhất có nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Họ nhanh chóng trở thành một đôi và cưới nhau năm 1957, nên tình cảm của chàng nhạc sĩ trẻ Lam Phương dành cho Thuý Nga vĩnh viễn là mối tình đơn phương không bao giờ được đáp lại, chỉ là một mối tình trong mộng tưởng.
Khoảng năm 1957-1958, khi nhạc sĩ Lam Phương đang ở trong quân ngũ và đi hành quân ở một nơi xa, ông nhận được tin người trong mộng Thuý Nga đã lên xe hoa cũng nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Cảm thương và buồn tủi, ông có cảm xúc để sáng tác ca khúc Chiều Hành Quân với ca từ rất tha thiết:
Một chiều hành quân qua thôn xưa
Lúc nắng xuân chưa nhạt màu,
Chạnh lòng tìm người em gái cũ
Em tôi đã đi phương nào?
Nghẹn ngào nhìn qua hàng tre xanh
Ngắm bóng chim đua trên cành,
Giờ tìm đâu hình bóng cũ
Em ơi em về đâu…
Lúc đó, tình cảm này hoàn toàn chỉ từ một phía, chưa trở thành một mối tình, nên càng không thể là “tình còn sâu” và “lòng ai đã đổi thay” như trong lời bài hát do nhạc sĩ tưởng tượng nên:
Về đâu em ơi lúc tình còn sâu
Lúc hương trần đời vẫn chờ nhau giữa đêm thâu
Về đâu khi em vẫn là nguồn sống,
Khi ánh xuân nồng vừa nhẹ vương lên má hồng…
Hẹn nhau qua hết một mùa phượng rơi
Nhưng hoa chưa tàn mà lòng ai đã đổi thay.
Thế thôi vui chi sống trong tình đầu,
Nhạc “chiều hành quân” nay biết gởi về đâu?
Khi người trong mộng đã lên xe hoa, nghĩa là ván đã đóng thuyền, không còn mơ ước được điều gì nữa, nên trong một năm dấn bước nơi sa trường, chàng nghệ sĩ đa tình đành tìm vui bên súɴɡ và bên đàn để khuây khoả những ngày tháng buồn ở nơi biên cương:
Để rồi một năm nơi biên cương
Dấn bước thân trên sa trường,
Ngày thì tìm vui bên chiếc súɴɡ khi đêm anh vui với đàn.
Dù mộng tàn phai trong thương đau vẫn nhớ mãi duyên ban đầu
Lời thề ngày xưa đã trót hứa
Em ơi, xin đừng quên…
Ca khúc này được rất nhiều ca sĩ nổi tiếng hát, trong đó có cả những danh ca nhạc vàng bậc nhất là Duy Khánh, Thanh Thuý, Thanh Tuyền, nhưng thành công nhất có lẽ là tiếng hát truyền cảm của Mạnh Đình trong những năm đầu mới gia nhập trung tâm Asia.
Click để nghe Duy Khánh hát
Click để nghe Mạnh Đình hát
Chỉ một năm sau khi ca khúc này ra đời, nhạc sĩ Lam Phương đã tìm được duyên mới và lập gia đình với nữ ca sĩ – kịch sĩ xinh đẹp Tuý Hồng năm 1959. Sau này, ca sĩ Tuý Hồng cũng có hát bài Chiều Hành Quân với giọng hát nhẹ nhàng rất ấn tượng, mời bạn nghe lại sau đây:
Click để nghe ca sĩ Tuý Hồng hát Chiều Hành Quân
Yên Linh (nhacvangbolero.com)