Người đã quên ta rồi
Quên ta rồi hẳn chứ
Trăng mùa thu gãy đôi
Chim nào bay về xứ

Chim ơi có gặp người
Nhắn giùm ta vẫn nhớ
Hoa đời phai sắc tươi
Đêm gối sầu nức nở

Kiếp nào có yêu nhau
Nhớ tìm khi chưa nở
Hoa xanh tận nghìn sau
Tình xanh không lo sợ

Lệ nhòa trên gối trắng
Anh đâu, anh đâu rồi
Rượu yêu nồng cay đắng
Sao cạn mình em thôi

Đó là những vần thơ đầy day dứt của 1 trong những nữ thi sĩ tài năng, xinh đẹp nhất của làng thi ca Việt Nam: Minh Đức Hoài Trinh. Bài thơ Kiếp Nào Có Yêu Nhau này sau đó đã được nhạc sĩ Phạm Duy chắp cho đôi cánh âm nhạc để bay vút cao trong bầu trời nghệ thuật miền Nam hơn 60 năm trước.

Bài hát mở đầu với một lời nửa yêu cầu, nửa van xin, được cất lên một cách đầy thảng thốt: ‘Đừng nhìn em nữa anh ơi’”. Nội dung sau đó diễn tả nỗi đau tột cùng của một người con gái mong manh trước cõi nhân sinh vô cùng. Bài hát vốn buồn, nhưng qua giọng hát của ca sĩ Thái Thanh còn được phủ thêm một không khí liêu trai, lung linh như ở trong cõi mộng.

Cách đây vài năm, đạo diễn Dustin Nguyễn dựa vào 1 câu trong bài hát để làm cuốn phim điện ảnh mang tên Bao Giờ Có Yêu Nhau, với không khí phim cũng đậm chất liêu trai, đặc biệt là ở đoạn phim có lồng bản thu âm trước 1975 của danh ca Thái Thanh. Nhiều khán giả trẻ xem phim – những người chưa từng được nghe Thái Thanh hát – đã cảm thấy kinh ngạc với đoạn nhạc này. Dù có thích đoạn nhạc đó không, cảm giác chung của họ là cảm thấy rùng mình.


Click để nghe Thái Thanh hát Kiếp Nào Có Yêu Nhau

Đừng nhìn em nữa anh ơi
Hoa xanh đã phai rồi
Hương trinh đã tan rồi

Đừng nhìn em, đừng nhìn em nữa anh ơi
Đôi mi đã buông xuôi, môi răng đã quên cười.

Hẳn người thôi đã quên ta
Trăng Thu gẫy đôi bờ
Chim bay xứ xa mờ.

Gặp người chăng, gặp người chăng, nhắn cho ta
Hoa xanh đã bơ vơ đêm sâu gối ơ thờ.

Bài thơ lẫn bài hát là sự dằn vặt muôn đời của những kẻ yêu nhau. Ở đây, nỗi dằn vặt ấy lại mang một màu sắc rất phụ nữ. Nàng quay mặt đi và bảo “Đừng nhìn em nữa”, nhưng đến sau cùng thì giật mình thảng thốt: “Anh đâu, anh đâu rồi”. Có lẽ bất kỳ ai cũng hình dung ra được một sự tàn tạ, rũ rượi trong nỗi đau tột cùng của người phụ nữ. Cho dù đã có rất nhiều ca sĩ hát bài này, nhưng không hề, và cũng không thể có bất kỳ ca sĩ nào khác thể hiện được trọn vẹn nỗi đau quay quắt của cô gái vừa mất đi người yêu, ngồi một mình gọi người tình trong đêm tối như là Thái Thanh đã làm được.

Người yêu của cô gái này đang ở nơi đâu? Vì sao “người thôi đã quên ta?” Có thể sẽ có người thắc mắc như vậy. Để trả lời câu hỏi này, hãy tìm lại cuộc đời của Minh Đức Hoài Trinh.

Thập niên 1940, khi bà Hoài Trinh chưa được 20 tuổi, gia nhập hàng ngũ kháng chiến của Việt Minh trong chiến khu ở Thanh Hóa. Một lần bà được đơn vị cử về Huế để tiếp cận, thuyết phục một chính khách nổi tiếng lúc đó đang phục vụ cho Quốc Gia Việt Nam của quốc trưởng Bảo Đại. Tuy nhiên sự tiếp cận này lại dẫn đến một tình yêu sâu sắc giữa 2 người. Điều đau đớn là khi tình yêu vừa nảy nở cũng là lúc vị chính khách kia bị chính đơn vị của bà Hoài Trinh cho người thủ tiêu. Khi ấy bà đã mang trong mình một sinh linh, bị bất ngờ và cực kỳ thất vọng.

Câu chuyện này được người cháu của Minh Đức Hoài Trinh kể lại trong một bài viết của ký giả Trịnh Thanh Thủy. Có lẽ bài thơ “Kiếp Nào Có Yêu Nhau” như là tiếng lòng của người phụ nữ trước nỗi đau quá lớn. Mất đi người yêu, nỗi lòng như điên dại.

Kiếp nào có yêu nhau
Thì xin tìm đến mai sau
Hoa xanh khi chưa nở
Tình xanh khi chưa lo sợ

Bao giờ có yêu nhau
Thì xin gạt hết thương đau
Anh đâu anh đâu rồi? (bài hát Kiếp Nào Có Yêu Nhau)

Ở nguyên tác bài thơ, đoạn cuối là lời tự tình đau xót của nữ thi sĩ:

Lệ nhoà trên gối trắng
Anh đâu, anh đâu rồi
Rượu yêu nồng cay đắng
Sao cạn mình em thôi?

Cả bài thơ là một sự nức nở, nghẹn ngào, tiếc nuối… làm cho người đọc cũng thấy được sự buốt giá, tái tê và chết lặng.

Nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc cho bài thơ này vào thập niên 1950. Nhưng 10 năm trước đó, ông đã có duyên gặp gỡ Minh Đức Hoài Trinh khi bà còn rất trẻ, lúc còn mang nhiều mơ mộng ở đời. Ông kể lại trong hồi ký như sau, xin trích một vài đoạn:

“Tôi may mắn được quen biết mấy chị em trong một gia đình quyền quý ở Huế năm 1944, và được mời tới dinh thự Hương Trang ở Nam Giao chơi… Trong số đó có một cô gái rất trẻ tên là Võ Tá Hoài Trinh. Cô này còn làm thơ nữa, lấy bút danh Minh Đức Hoài Trinh…

Mỗi lần trong âm nhạc, muốn xưng tụng rõ ràng cái nên thơ, cái lãng mạn, cái vui ngộ nghĩnh, cái buồn dìu dịu của Huế là tôi chỉ cần nhớ lại hình ảnh, cử chỉ, thái độ của những người thiếu nữ họ Võ mà tôi đã từng được hạnh phúc làm quen. Nhiều năm trôi qua, thế mà tôi còn nhớ mãi một buổi sáng mùa hè, qua đò sông Hương, với 2 chị em Băng Thanh và Hoài Trinh để tới chợ Đông Ba. Leo lên bờ trước 2 thiếu nữ, giơ tay ra kéo các cô lên thì gặp phải đôi mắt Hoài Trinh 16 tuổi.”

Năm 1948, tại chiến khu ở Thanh Hóa, Phạm Duy gặp lại Hoài Trinh: “Tôi bấy giờ đang là quân nhân… bỗng gặp lại Minh Đức Hoài Trinh lúc đó được mười bảy tuổi từ thành phố Huế thơ mộng chạy ra với kháng chiến. Nàng còn đem theo đôi gót chân đỏ như son và đôi mắt sáng như đèn pha ô tô. Từ tướng Tư lệnh Nguyễn Sơn cho tới các văn nghệ sĩ, già hay trẻ, độc thân hay đã có vợ con… ai cũng đều mê mẩn cô bé này. Phạm Ngọc Thạch từ Trung ương đi bộ xuống vùng trung du để vào Nam bộ, khi ghé qua Thanh Hóa, cũng phải tới Trường Văn hóa để xem mặt Hoài Trinh…”

Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com

1 COMMENT

  1. thú thật qua bài viết này mới được biết 1 vài chuyện..về tiểu sử cũa Bà.., chứ từ trước ..75 ít nhiều đã có nghe danh…!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here