Trong cuốn băng video Văn Cao – Giấc Mơ Đời Người của đạo diễn Đinh Anh Dũng được hãng phim Trẻ thực hiện trước khi nhạc sĩ Văn Cao mất không lâu, trong phần giới thiệu ca khúc Bến Xuân, nhạc sĩ Văn Cao tâm sự: “Ngày xưa tôi có thầm yêu một người con gái mà không dám nói ra. Nhưng người ấy hiểu lòng tôi và đến với tôi. Vì thế nên mới có câu hát “Em đến tôi một lần” và có bài hát này”.

Người con gái ấy chính là Hoàng Oanh, một ca sĩ và cũng là hoa khôi nổi tiếng của đất cảng Hải Phòng hồi đầu thập niên 1940. Xung quanh nàng lúc nào cũng có nhiều cây si đều là những bậc tài danh của xứ Bắc, trong đó có ca sĩ Kim Tiêu (là 1 trong những người đầu tiên hát nhạc Văn Cao) và nhạc sĩ Hoàng Quý – tác giả của Cô Láng Giềng.

Có lẽ nhạc sĩ Văn Cao mặc cảm với hoàn cảnh khi sự nghiệp chưa có gì trong tay, nên ông chỉ dám yêu thầm Hoàng Oanh mà không ngỏ. Hoặc cũng có thể ông biết rằng những người bạn nghệ sĩ của mình của đem lòng yêu thương Hoàng Oanh, nên ông đành ôm mối tình đơn phương. Ngoài ra, một lý do khác nữa như chính nhạc sĩ Văn Cao đã từng thẳng thắn thừa nhận tính cách rụt rè của mình thời trai trẻ trong giao tiếp với phụ nữ: “Tôi là một cái người luôn luôn thất bại về tình yêu, cái thất bại này là bởi vì tôi là người không giỏi về cách tôi giao lưu với những người đàn bà, mà lại đối với những người đẹp tôi lại càng bối rối, tôi không bao giờ nói được với người ta, thì tôi bèn nói trong thơ thôi.”

Tuy yêu mà không nói và ôm mối tình câm, nhưng sau những lần gặp gỡ khi cùng sinh hoạt âm nhạc ở Hải Phòng, cô Hoàng Oanh kia đã hiểu tấm chân tình của Văn Cao. Rồi một hôm, khi Văn Cao đang ở Bến Ngự thì nàng tìm đến nhà thăm. Khi đó nhạc sĩ Văn Cao hay tự gọi mình là “Người Bến Ngự”.

Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước
Em đến tôi một lần
Bao lũ chim rừng hợp đàn trên khắp bến xuân

từng đôi rung cánh trắng ríu rít ca u ú ù u ú
Cành đào hoen nắng chan hoà
Chim ca thương mến
Chim ngân xa u ú ù u ú
Hồn mùa ngây ngất trầm vương…


Click để nghe Thái Thanh hát trước 1975

Văn Cao không chỉ là một nhạc sĩ thiên tài, ông cũng là một họa sĩ tài hoa, nhưng vì khả năng về sáng tác nhạc của ông quá lớn làm khỏa lấp đi hình ảnh của một họa sĩ Văn Cao. Không chỉ vẽ tranh bằng cọ, ông còn vẽ tranh trong âm nhạc. Khung cảnh của một bến xuân ven rừng bên Bến Ngự hiện ra sống động. Căn nhà của người nghệ sĩ nằm ven bên chiếc cầu soi nước tĩnh lặng, bỗng một ngày nơi đó được giai nhân ghé thăm nên không gian như bừng lên mở hội, từng lũ chim rừng ca vang lừng, và cành đào rung rinh trong nắng xuân chào đón.

Dìu nhau theo dốc suối nơi ven đồi
Còn thấy chim ghen lời âu yếm
Tới đây chân bước cùng ngập ngừng…

Đôi tài tử – giai nhân đưa nhau đi men theo dốc suối ven đồi để trò chuyện, bầy chim ở chung quanh cùng ríu rít những lời nhỏ to như là ganh tỵ với chàng nhạc sĩ. Hình ảnh thẹn thùng, khép nép của giai nhân trong từng bước ngập ngừng trên Bến Xuân này đẹp như một bức tranh:

Mắt em như dáng thuyền soi nước
Tà áo em rung theo gió nhẹ thẹn thùng ngoài bến xuân.

Sương mênh mông che lấp kín non xanh
Ôi cánh buồm nâu còn trên lớp sóng xuân
Ai tha hương nghe ríu rít Oanh ca
Cánh nhạn vào mây thiết tha lưu luyến tình vừa qua

Chàng nhạc sĩ si tình ghép tên nàng Oanh vào trong câu hát. Cô Hoàng Oanh cũng là một ca sĩ đất cảng, nên chuyến ghé thăm này, chắc nàng cũng buông lơi vài câu hát làm cho thần trí của anh chàng cũng dâng lên theo từng lớp sóng: Ai tha hương nghe ríu rít Oanh ca…

Nhưng nàng đến rồi đi, thoảng qua như là cánh nhạn bay khuất đường mây, để lại tình ai còn hoài lưu luyến cùng tiếng sơn ca như vẫn còn ngân dài bên bến vắng.

Nhà tôi sao vẫn còn ngơ ngác
Em vắng tôi một chiều
Bến nước tiêu điều còn hằn in nét đáng yêu

Từng đôi chim trong nắng khe khẽ ru u ú ù u ú
Lệ mùa rơi lá chan hoà
Chim reo thương nhớ,
Chim ngân xa u ú ù u ú
Hồn mùa ngây ngất về đâu

Nàng chỉ mới đi khỏi có một chiều mà bóng thời gian như đã đè trĩu nặng lên tâm tư của chàng. Dư hương vương vấn của giai nhân vẫn còn luyến lưu bên bến nước giờ đã trở nên tiêu điều, bên căn nhà nhỏ hãy vẫn còn ngơ ngác.


Click để nghe Hà Thanh hát

Trong tân nhạc, sẽ không có một bài hát nào khác dùng được chữ “ngơ ngác” như Văn Cao đã viết trong Bến Xuân, là 1 trong những chữ đắt giá nhất của bài hát.

Cả bến nước, căn nhà, rồi chàng nhạc sĩ cùng cả lũ chim rừng kia như vừa trải qua một cơn biến động ghê gớm, nhưng rồi thoáng qua nhanh như một cơn lốc, để lại những bâng khuâng ngơ ngác vì chưa thể thoát khỏi được dư âm.

Bầy chim không còn ríu rít ca vang lừng đất trời nữa mà chỉ khe khẽ những lời nỉ non thương nhớ, và cành đào kia thả rơi những chiếc lá mùa như là lòng người đang nhỏ lệ chan hòa. Tất cả những thay đổi này chỉ diễn ra sau một buổi chiều ngắn ngủi.

Câu chuyện giữa chàng Văn Cao và nàng Oanh chưa thành một mối tính, hoặc nếu có thì chỉ là tình trong ước mơ, trong mộng tưởng. Một tình yêu đẹp nhưng vời vợi xa, tình vừa mới nhen đã tắt…

Văn Cao là nhạc sĩ, họa sĩ, ông còn là một nhà thơ nổi tiếng. Để minh họa cho bài hát Bến Xuân, ông có viết 2 câu thơ rất ngắn, nhưng diễn tả được tâm trạng mình khi bước chân giai nhân vừa rời khỏi:

Chiều nay rung-rẩy tha đôi cánh
Một bóng sơn-ca đến lạc loài…

Rồi một thời gian trôi qua…

Người đi theo mưa gió xa muôn trùng
Lần bước phiêu du về bến cũ
Tới đây mây núi đồi chập chùng
Liễu dương tơ tóc vàng trong nắng
Gột áo phong sương du khách còn ngại ngùng nhìn bến xuân

Người nghệ sĩ kia rồi cũng rời đi theo mưa gió xa muôn trùng, có một lần bước phiêu du về ngang chốn cũ. Nơi đây vẫn còn mây, núi và đồi chập chùng, vẫn còn rặng liễu đang hong giòng tóc tơ vàng trong nắng ở bên hồ vắng lặng, và vẫn còn đó dư hương của một buổi chiều huy hoàng năm xưa, còn âm vang trong làn gió thoảng qua bước chân người về trên bến cũ.

Nhạc sĩ Phạm Duy cho biết ca khúc này được Văn Cao viết nhạc và ông có đóng góp một phần về lời ca. Sau này, khi tham gia Việt Minh, nhạc sĩ Văn Cao đổi lại lời khác hoàn toàn để trở thành ca khúc mang tên Đàn Chim Việt, để ca ngợi những người tung hoành trên khắp chiến khu chống Pháp:

Về đây khi gió mùa thơm ngát
Ôi lũ chim giang hồ
Bao cánh đang cùng dật dờ trên khắp cố đô

Từng đôi trên đất Bắc ríu rít ca 
Mờ mờ trong nắng ven trời
Chim reo thương nhớ chim ngân xa 
Hồn còn vương vấn về xưa

Về nơi hoàng hôn Thái Nguyên tung hoành
Từ Bắc Sơn kia thời tung cánh
Tới đây chim thấy lòng ngập ngừng
Nhớ ai trên mấy đồi Yên Thế
Kìa nước xa xa sông Gấm còn mịt mùng ngoài bến xuân

Chim đang bay qua Bắc sang Trung
Người Nam còn nghe lời chim nhắn lúc xa
Ai tha hương nghe réo rắt oanh ca
Cánh nhạn vào mây thiết tha
Lưu luyến một trời xa…

Bài: Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here