Từ những năm đầu thập niên 1970, đã có không ít những ca khúc nhạc lính có nội dung là nỗi ước mong của không những người lính trận, mà cũng là của hầu hết mọi người, đó là mong một ngày được thấy quê hương tàn binh lửa. Những ca khúc nổi tiếng nhất là Ngày Đá Đơm Bông, Qua Cơn Mê, Một Mai Giã Từ Vũ Khí, Hòa Bình Ơi Việt Nam Ơi, Tình Em Biển Rộng Sông Dài, Ngày Mai Tôi Về…

Thời cuộc đã đẩy những chàng thư sinh phải băng mình cuộc chiến dài và gian lao trong một khúc quanh của lịch sử. Làm kiếp trai thời loạn, người lính xưa luôn mơ ước về một ngày quê hương thanh bình, được trở về với những điều bình dị nhất. Đó là nội dung của ca khúc nhạc vàng nổi tiếng Ngày Mai Tôi Về của Nhạc sĩ Hàn Châu.


Click để nghe Hương Lan hát Ngày Mai Tôi Về trước năm 75

Mai đây tôi về
Bỏ lại sau lưng những hầm chông bãi mìn
Tôi hiên ngang trong niềm vui rộng lớn
Trả lại cho ai những địa danh qua hãi hùng
Mà người đời từng biết tên.

A Sao, Cam Lộ
Hạ Lào, Khe Sanh pháo nổ trên cổ thành
Xin vinh thăng những mộ xanh cỏ biếc
Có kẻ hôm qua đã ngủ yên trên ᴄhιếntrường
Tuổi ᴄhιếntrường dài hơn tuổi mình.”

Trong đoạn này, tác giả nhắc về những “địa danh hãi hùng mà người đời từng biết tên”:

A Sao, tức là A Shau, là vùng đất miền Trung nằm cách biên giới Lào Việt chưa tới 10km, có địa thế hiểm trở, là sào huyệt của địch quân trong nhiều năm. A Sao cũng là 1 trong những địa danh bắt đầu bằng chữ A nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam tại miền Trung: A Lưới, A Sầu, A Bia, A Co…

Cam Lộ là địa danh nổi tiếng ở Quảng Trị, là nơi địa đầu của giới tuyến nên rất khốc liệt.

Hạ Lào là tên gọi quen thuộc trong chiến dịch Lam Sơn 719, là nơi được mệnh danh là “lò nướng quân” với thất bại của liên minh Mỹ – Nam Việt Nam trên đất Hạ Lào năm 1971.

Khe Sanh ở Quảng Trị là căn cứ quân sự nổi tiếng của Mỹ và VNCH, là mục tiêu của Bắc Việt trong trận Khe Sanh năm 1968.

Cổ Thành ở Quảng Trị là cái tên gợi lại bao đau thương trong Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972.

Nếu ngày mai quê hương thanh bình, thì những địa danh hãi hùng này sẽ trở thành quá khứ. Đó là những nơi mà chỉ cần nghe tên đã gợi lên những tang thương tột cùng, là nơi ngã xuống của những người đồng đội. Nhưng mai đây, nhất định sẽ có một ngày những tang thương đó sẽ chấm dứt, người lính sẽ bỏ lại được sau lưng những hầm chông bãi mìn, quay lại với cuộc sống bình thường để về làm bạn với con trâu, với ruộng lúa, vồng khoai, nương sắn. Đó là những niềm vui nhỏ bé sẽ hòa cùng niềm vui lớn lao là quê hương được bừng dậy sau điêu tàn khói lửa.

Ngoài ra, hơn hết là sự vinh danh những người đồng đội đã bỏ mình nơi trận tuyến, ở chiến trường dài đăng đẳng được tác giả nhắc bằng một câu rất ngậm ngùi: ᴄhιến trường dài hơn tuổi mình.

Một mai thanh bình trở lại, xin vinh thăng những người huynh đệ nơi hỏa tuyến tàn khốc, đồng thời đa tạ những người tình thủy chung nơi hậu phương “đã biết thương anh lính trẻ đường dài” và đợi chờ một cuộc tao ngộ tương phùng, đa tạ cuộc đời vẫn còn cho thấy mặt nhân tình và những bạn bè còn lại sau tháng ngày dài miệt mài trong vòng tử sinh bất tận:

Tôi xin đa tạ những người tình hôm nay
Đã biết thương anh lính trẻ đường dài
Xin cảm tạ cuộc đời đã cho tôi thấy mặt bạn bè
Những người còn quanh tôi

Mai đây không còn đạn nổ trên cao xác gục trong chiến hào
Tôi ra đi đi từ Nam về Bắc
Ghé lại sông Hương thăm người thương thăm phố phường
Thăm Huế buồn vẳng nghe tiếng hò…

Nếu quả thật là một ngày sẽ tàn binh khỏi, người lính có thể hiên ngang đi dọc khắp vùng trời để nhìn lại quê hương hoa gấm đã không còn bị dày xéo vì những hận thù đã lùi xa, rồi lắng lòng mình để được nghe tiếng quê hương: những giọng hò câu hát sẽ là âm vọng của đất mẹ vẳng buồn mang lại cảm giác bình yên sau tháng ngày dài điêu linh vì lửa trận.

Thảo Sương – nhacvangbolero.com

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here