Nhiều người, kể cả không phải dân Sài Gòn, đều biết đến ngôi chợ nổi tiếng nhất của Sài Gòn từ vài thế kỷ nay, đó là Chợ Bến Thành.

Cái tên chợ Bến Thành dù đã xuất hiện từ cuối thế kỷ 19 để gọi tên ngôi chợ cũ gần phía sông Sài Gòn, tuy nhiên từ trước 1975, người Sài Gòn vẫn quen gọi đây là chợ Sài Gòn, hầu như không ai gọi là chợ Bến Thành.

Chợ Bến Thành hiện nay đã được khởi công xây dựng từ năm 1912 đến cuối tháng 3 năm 1914 thì hoàn tất, với sự góp vốn của công ty Hui Bon Hoa do những người con của ông Huỳnh Văn Hoa (Chú Hỏa) điều hành. Xung quanh chợ Bến Thành ngày nay vẫn còn những dãy nhà cũ xây cùng thời với chợ Bến Thành vốn thuộc sở hữu của công ty Hui Bon Hoa.

Dãy nhà bên cạnh chợ Bến Thành là tài sản của “Chú Hỏa” năm xưa

Không lâu sau khi được khánh thành, chợ Bến Thành mới đã trở thành biểu tượng của thành phố Sài Gòn cho đến tận ngày nay. Chợ mới và khu vực xung quanh quảng trường trước nhà ga xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho (Ga Sài Gòn cũ, nay là công viên 23/9) trở thành trung tâm sinh hoạt của người dân Sài Gòn. Nếu như khu Catinat, Charner sang trọng mà người Pháp tập trung cho các sinh hoạt của họ, thì khu chợ Bến Thành mới là trung tâm sinh hoạt của người Việt, Hoa, Ấn và trở thành khu thương mại sầm uất.

Năm 1918, học giả Phạm Quỳnh có chuyến du hành vào Nam Kỳ và ông đã mô tả cảm nhận của mình khi nhìn thấy chợ Bến Thành vừa mới xây được vài năm như sau:

“Chợ Mới Sài Gòn có cái nhà chòi ở giữa thật là vĩ đại, vừa cao vừa vững vàng lực lưỡng, coi như một cái pháo đài vậy. Mà trong chợ thì rộng mênh mông, chợ Đồng Xuân Hà Nội chẳng thấm vào đâu. (Một Tháng Ở Nam Kỳ – Phạm Quỳnh)”

Tuy nhiên có một điều lạ, là dù cái tên Chợ Bến Thành rất quen thuộc với người Sài Gòn suốt hơn 200 năm qua, đã được nhắc đến trong nhiều câu ca dao, nhưng cho đến năm 1975, cái tên này không được sử dụng chính thức trong văn bản. Xem lại các tấm bưu ảnh, bưu thiếp cùng các văn bản xưa của người Pháp, không có chỗ nào ghi tên chợ Bến Thành cho ngôi chợ hiện nay lẫn ngôi chợ cũ trên đường Nguyễn Huệ.

Trước khi Chợ Mới được xây, trên bưu tiếp cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, Chợ Cũ được người Pháp gọi là chợ trung tâm, chợ chính (marché central). Thậm chí chỉ ghi chợ, thỉnh thoảng là Chợ Sài Gòn (Le marché de SAIGON).

Nhìn lại các tấm ảnh xưa, cả Chợ Cũ lẫn Chợ Mới, cho đến năm 1975, chưa bao giờ có tấm biển hiệu ghi tên chợ Bến Thành, ngoại trừ một giai đoạn ngắn sau năm 1963 có bảng ghi tên chợ Quách Thị Trang (là người đã bị chết ở tuổi 15 khi biểu tình chống chính quyền Ngô Đình Diệm năm 1963), nhưng sau đó cũng bị gỡ xuống. Chỉ đến sau năm 1975 thì bảng tên Chợ Bến Thành mới được dựng lên.

Trước Chợ Bến Thành có một bùng binh rộng, gọi là Công Trường Diên Hồng, nơi có tượng Trần Nguyên Hãn nổi tiếng, sau năm 1963 còn có thêm tượng Quách Thị Trang:

Bên cạnh công trường có một bến xe buýt công quản ở trong hình bên dưới:

Dãy nhà trong hình được xây cùng lúc với Chợ Bến Thành

Năm 1914, cùng với chợ Bến Thành, người Pháp cũng cho xây dựng một tòa nhà trụ sở công ty Hỏa Xa ngay chợ Bến Thành. Tòa nhà này đến nay vẫn còn ở số 136 Hàm Nghi, trở thành trụ sở của ngành đường sắt.

Đối diện với chợ Bến Thành và trụ sở Hỏa Xa là nhà ga xe lửa đã có trước đó từ khá lâu:

Nhà ga ở bên trái hình. Bên phải là đường Lê Lai

Ở liền kề với ga xe lửa và chợ Bến Thành còn có 1 bến xe ngựa, phục vụ cho người dân đi chợ và đi buôn từ vùng ven, hoặc là để trung chuyển hành khách đi xe lửa:

Trước chợ Bến Thành cũng đã từng có một cầu bộ hành dành cho người đi bộ có thể tránh khỏi dòng xe cộ đông đúc ở trước chợ:

Từ cầu bộ hành nhìn về đại lộ Trần Hưng Đạo:

Sau đây, mời các bạn xem lại những hình ảnh xưa của chợ Bến Thành.

Một số ảnh xe cộ đông đúc trước chợ Bến Thành:

Một số hình ảnh đời thường khác ở chợ Bến Thành:

Đường Thủ Khoa Huân, nhìn từ ngã ba Lê Thánh Tôn – Thủ Khoa Huân, đằng trước Cửa Bắc chợ Bến Thành


Hình ảnh hiếm hoi chụp bên trong chợ Bến Thành

Đông Kha

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here