Ai cũng đã từng trải qua một thời tuổi học trò, từng trải qua những tháng ngày tuyệt vời cùng thầy, cùng bạn dưới mái trường xưa. Sau khi đã bước chân vào trường đời, có khi nào nhìn lại có lẽ ai cũng phải công nhận rằng đó là khoảng thời gian đẹp nhất của đời người. Đó là cái tuổi vô lo, khi tâm tư suy nghĩ chưa bị lấm bụi trần nên còn trong sáng và đẹp đẽ.

Đó cũng là cái tuổi mới lớn, các cô cậu học trò bắt đầu có chút cảm xúc bâng khuâng đầu tiên với nhau, những kỷ niệm về thời gian đó sẽ được mang theo suốt quãng đời còn lại.

Những cảm xúc đó đã được các nhạc sĩ ghi lại trong nhiều sáng tác về tuổi học trò, những ca khúc viết về tâm sự trong ngày chia tay trường lớp, và những cảm xúc bâng khuâng của tình yêu ban đầu cùng cô bạn học năm xưa. Đã có không biết bao nhiêu thế hệ học trò đã qua, nhưng những bài hát này vẫn được hát và được yêu thích mỗi khi hàng năm mùa hè đến.

Trong bài viết này, mời các bạn cùng nghe lại những bài hát học trò nổi tiếng nhất của các nhạc sĩ Thanh Sơn, Song Ngọc, Anh Bằng, Duy Khánh…

1. Nỗi Buồn Hoa Phượng

Bài hát được sáng tác năm 1963 – Nỗi Buồn Hoa Phượng có thể xem là khởi đầu cho sự nghiệp rực rỡ của nhạc sĩ Thanh Sơn trong dòng nhạc vàng miền Nam. Khởi đầu hoạt động văn nghệ với vai trò là ca sĩ từ cuối thập niên 1950, nhưng thành công của bài hát Nỗi Buồn Hoa Phượng đã làm cho nhạc sĩ Thanh Sơn bỏ hẳn nghề ca hát để chuyển sang viết 1 loạt ca khúc cùng mảng đề tài tuổi học trò khác. Ông tâm sự về bài hát này:

“Tôi tìm thấy cảm xúc bởi sắc màu đỏ thắm của hoa phượng mỗi khi hè về. Bài hát này tôi viết về một cuộc tình học trò rất đẹp. Lời chia tay của cô bạn gái cùng trường đã khiến tôi xao xuyến, bâng khuâng. Màu hoa phượng như những giọt máu đỏ tươi minh chứng một cuộc tình chung thủy… Bài hát lập tức được chấp nhận và mọi người yêu thích, làm động lực cho tôi chuyên tâm vào sáng tác.”

Nhắc đến Nỗi Buồn Hoa Phượng là nhắc đến tiếng hát Thanh Tuyền. Mời các bạn nghe lại:


Click để nghe

2. Ba Tháng Tạ Từ

Đây là bài hát với những cảm xúc về tình bạn đẹp đẽ, thủa còn hồn nhiên, ngây thơ, và những kỷ niệm về mái trường khi mọi người cùng được ở bên cạnh nhau, cùng chung một lối, nhưng rồi kỷ niệm cũ đó chỉ lại là hoài niệm, kỷ niệm cũ cũng sẽ đi vào hư vô. Bài hát này nhận được sự yêu thích và đồng cảm của đông đảo khán giả nhạc vàng, có lẽ là vì ai cũng đã từng có một thời học sinh hoa mộng, từng mang tâm trạng “ba tháng tạ từ” như trong bài hát.

Mời các bạn nghe lại ca khúc này qua giọng hát Thanh Tuyền trước 1975:


Click để nghe

3. Lưu Bút Ngày Xanh

Lưu bút của thuở học trò cũnɡ giống như là quyển nhật ký nho nhỏ đánɡ yêu, chất chứa tronɡ đó bao tâm tư tình cảm của lứa tuổi cắp sách đến trường, của một thuở tuổi xanh bao giờ cũng đáng nhớ và đẹp đẽ.

Hoa xưa đây nhưnɡ bónɡ dánɡ em đâu
Lònɡ nhật ký đã ɡhi nốt tâm tình
Và đôi lúc nhớ nhau lưu bút còn để lại chuyện buồn vui…

Bao nhiêu kỷ niệm êm đềm cũng sẽ đi vào quên lãng, nếu không có lưu bút để nhắc nhớ đến những ngày xanh. Đó là nội dung của ca khúc Lưu Bút Ngày Xanh được nhạc sĩ Thanh Sơn viết vài giữa thập niên 1960.

Trước năm 1975, bài hát này được ghi dấu với tiếng hát Trúc Mai:


Click để nghe

4. Hạ Buồn

Bài hát này cùng nằm trong chùm ca khúc viết về mùa hè và tuổi học trò của nhạc sĩ Thanh Sơn và dường như dành riêng cho tiếng hát của ca sĩ Hoàng Oanh, gắn liền với giọng hát của cô cả trước và sau năm 1975:


Click để nghe Hoàng Oanh hát trước 1975


Click để nghe Hoàng Oanh hát sau 1975

Mượn một ca khúc viết lên tâm sự
Biết bao nỗi niềm phút giây tạ từ
Hình dáng những người thân yêu,
Xa rồi để thương nhớ nhiều
Giờ biệt ly ôi thấy đìu hiu!

Đó là tâm sự của tuổi học trò trong thời điểm xa trường, xa lớp và xa những bạn bè thân yêu. Đối với nhiều người, dù đã qua nhiều năm rồi nhưng nếu khi nào hồi tưởng lại những giờ phút này vẫn thấy bâng khuâng tiếc nhớ.

5. Thương Ca Mùa Hạ

Đây có lẽ là bài hát học trò ít nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Thanh Sơn đươc sáng tác vào giữa thập niên 1960, nhưng đây vẫn là một bài hát hay và được nhiều thế hệ khán giả yêu mến, dù thời gian đã qua hơn nửa thế kỷ. Ca khúc này được nhạc sĩ Thanh Sơn viết chung với Bảo Thu, là cảm xúc xao xuyến khi hè về của một đôi bạn chung lớp và sắp phải cách biệt nhau:

Hè về rồi đây tâm hồn xuyến xao
Nhắc đến biệt ly thương cảm nỗi sầu
Tiếng ve nức nở chan chứa
Sân trường còn lại hai đứa
Cầm tay nhau nói nhiều cũng buồn.

Mời các bạn nghe lại bài này qua giọng hát Nhật Thiên Lan trước 1975:


Click để nghe

6. Trường Cũ Tình Xưa

Bài hát của cố nhạc sĩ Duy Khánh – Trường Cũ Tình Xưa là nỗi lòng nhớ tiếc thuở học sinh vô tư còn cắp sách đến trường, với nhiều kỷ niệm tuổi thư sinh chỉ mới vừa biết mến lá sân trường đã phải giã từ tuổi hoa niên để xếp bút nghiên ra đi theo tiếng gọi núi sông, bỏ lại tình xưa và trường cũ. Một hôm người học trò năm xưa trở về nơi mái trường dấu yêu thuở xưa để tìm lại bạn cũ, thầy cũ. Nhưng có nhiều nét đổi thay, người xưa giờ đã không còn, thậm chí có người còn về đất buông xuôi.

Hôm nay trở lại nhiều khuôn mặt mới
Thầy đó trường đây bạn hữu đâu rồi?
Bao nhiêu kỷ niệm hoa bướm ngày thơ
Vang trong nỗi niềm nhung nhớ
Có ai đi thương về trường xưa?

Nghe lại ca khúc này qua giọng hát Băng Châu trước 1975:


Click để nghe

7. Mùa Chia Tay

Nhìn hoa phượng rơi tan tác vương khắp sân trường, báo hiệu mùa hè, và cũng là mùa chia tay đã đến. Mùa biệt ly đâu ai có thể ngăn được nỗi buồn thương, nên sân trường kia cũng rũ bóng phượng âu sầu cùng với nỗi sầu của lòng người.

Thông thường thì học trò sẽ tạm xa 90 ngày rồi cũng gặp lại nhau, nhưng mùa chia tay lần này sẽ như là cả thế kỷ dài, nên lòng ai đang nhỏ lệ khóc ai?

Đó là nội dung trong ca khúc thứ 2 viết về tuổi học trò của cố nhạc sĩ Duy Khánh, bài Mùa Chia Tay. Bài hát này cũng được học trò của Duy Khánh là Băng Châu hát trước 1975:


Click để nghe

8. Phượng Buồn

“Anh đến với em vào một ngày trời đẹp nắng…” Đây là câu hát đầu tiên của bài hát viết về hoa phượng nổi tiếng Phượng Buồn của nhạc sĩ Tuấn Hải sáng tác. Bởi vì những biến thiên của thời cuộc nên có một thời gian dài nhiều khán giả tưởng ca khúc này của nhạc sĩ Thanh Sơn, có lẽ là bởi nhạc sĩ Thanh Sơn đã gắn bó quá nhiều với hoa phượng bằng nhiều bài nhạc học trò.

Phượng Buồn được sáng tác vào thập niên 1960 và được biết đến với tiếng hát Hoàng Oanh hơn nửa thế kỷ trước, mời bạn nghe lại sau đây:


Click để nghe

9. Họp Mặt Lần Cuối

Bài hát của nhạc sĩ Song Ngọc sáng tác vào cuối thập niên 1960, nói về phút giây quyến luyến và nhiều cảm xúc nhất trong cuộc đời làm học trò, đó là buổi họp mặt khi kết thúc năm học. Ca khúc này được viết với tâm trạng thật sự của nhạc sĩ khi ông nhớ về thời học sinh hoa mộng, về thời khắc phải chia tay cô bạn học xinh xắn và rời xa mái trường yêu dấu.


Click để nghe Phương Hoài Tâm hát trước 1975

10. Kỷ Niệm Một Mùa Hè

Đây là 1 sáng tác nổi tiếng khác của nhạc sĩ Song Ngọc viết về mùa hè. Trong bài hát này có thấp thoáng bóng người lính trận, luôn nhớ về kỷ niệm một mùa hè xưa cũ trên những bước đường chinh nhân.

Tôi lính nhỏ đi chinh chiến miền xa
Đã từ lâu phố vui không tìm về
Đời ngược xuôi trên đường mây nẻo gió
Tuổi thư sinh bỏ dở…

Mời các bạn nghe lại giọng hát Giang Tử:


Click để nghe

11. Tuổi Học Trò

Đã lâu rồi không thấy có ca sĩ nào hát lại bài Tuổi Học Trò của 2 nhạc sĩ Minh Kỳ và Anh Bằng, dù bài hát này luôn có trong danh sách những bài hát hay nhất về thời học sinh hoa mộng. Có lẽ là vì ca sĩ Hương Lan đã hát quá thành công và ghi dấu ấn đậm nét của mình trong ca khúc này. Mời các bạn nghe lại.


Click để nghe Hương Lan hát sau 1975

Trước năm 1975, ca khúc này được thu âm lần đầu qua giọng hát Giáng Thu trong dĩa nhựa thập niên 1960, mời các bạn nghe lại:


Click để nghe Giáng Thu hát trước 1975

12. Ly Ca

Ly Ca (sau này bị đổi lại thành tên Giã Biệt Trường Xưa) của nhóm Lê Minh Bằng sáng tác vào thập niên 1970 có thể xem là một trong những bài nhạc vàng hay nhất viết về mùa chia tay của tuổi học trò, với tâm tư nghẹn ngào khi tới phút phải xa thầy xa bạn. Nhớ lại một thời hoa mộng đã qua chỉ làm cho lòng thêm bùi ngùi và tiếc nuối.

Mời bạn nghe lại ca khúc này qua giọng hát Thanh Tuyền:


Click để nghe

Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here