Nhà thơ Phạm Văn Bình được biết tiếng trong giới văn nghệ vào thập kỷ 1960 và 1970. Đặc biệt, ông có 2 bài thơ được nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy phổ nhạc, đó là bài “Chuyện Tình Buồn” và “Mười Hai Tháng Anh Đi”. Chỉ với hai bài thơ này, ông đã lưu danh thiên cổ.


Bài hát Chuyện Tình Buồn qua tiếng hát Tuấn Ngọc

Nhà thơ Phạm Văn Bình sinh năm 1940 ở Đông Hà; nhưng quê gốc Bát Sơn, Lương Điền, Thừa Thiên (nay là xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế).

Sau khi hoàn tất bậc Trung Học – có bằng Tú Tài II, Phạm Văn Bình về quê, dạy Việt Văn tại trường Trung Học Bán Công Đông Hà từ 1963. Ông đứng trên bục giảng từ 1963 đến năm 1966 – Thời điểm mà ông phải rời trường để thi hành lệnh động viên của chính quyền.

Thụ huấn xong ở quân trường, Phạm Văn Bình được bổ nhiệm làm sĩ quan tâm lý chiến của sư đoàn TQLC. Khi đã làm việc ở Sài Gòn, ông có cơ hội quen biết với giới văn nghệ sĩ, thơ xuất hiện trên các tạp chí và được đánh giá cao, được Phạm Duy chọn phổ nhạc thành bài hát bất tử: Chuyện Tình Buồn

Người phụ nữ trong bài thơ “Chuyện Tình Buồn” là ai?

Không biết mối tình giữa Phạm Văn Bình và người phụ nữ trong ca khúc Chuyện Tình Buồn này chớm nở từ lúc nào, nhưng mối tình này vỡ lỡ vào giữa thập kỷ 1960:

Năm năm rồi không gặp,
Từ khi em lấy chồng,
Anh dặm trường mê mải,
Đời chia hai nhánh sông…

Phạm Văn Bình “dặm trường mê mải” từ năm 1966 – năm thi hành lệnh động viên vào lính.


Thái Thanh hát Chuyện Tình Buồn trước năm 1975

Nhà của Phạm Văn Bình và nhà người phụ nữ có tên là Nguyễn Thị Túy này cùng ở trong con hẻm đường Phan Bội Châu thị trấn Đông Hà. Cô Túy có một người anh trai là bạn thân cùng trang lứa với Phạm Văn Bình. Qua lại giao du, thấy người phụ nữ này có nhan sắc, có học vấn (cô Túy không học ở Đông Hà mà học ở Trung Học Bán Công Huế), lại biết trang điểm, ăn diện bắt mắt, Phạm Văn Bình vừa ý, đem lòng yêu đương. Hai người yêu nhau, người Đông Hà thấy mối tình của họ “da diết” lắm, Phạm Văn Bình cũng thổ lộ trong thơ rằng:

Những thư tình ngây dại,
Những vai mềm, môi ngoan,
Những hẹn hò cuống quýt…

Không ai ngờ mối tình ấy tan vỡ. Người trong cuộc bảo rằng do hai người khác biệt về tôn giáo: gia đình Phạm Văn Bình theo Phật Giáo, gia đình cô Túy theo Thiên Chúa Giáo. Chúng ta cứ tin như vậy, chứ thật ra ở trên đời không thiếu gì người khác tôn giáo kết hôn với nhau.

Cô Túy đã “sang ngang” và lấy một người chồng đồng đạo. Người chồng là sĩ quan quân y tốt nghiệp cán sự y tế, rồi bị động viên vào quân đội. Hai vợ chồng có 4 người con. Người chồng tử trận, Phạm Văn Bình viết trong thơ: “Anh một đời rong ruổi; em tay bế tay bồng” là vậy.

Việc bất thành trong mối tình giữa Phạm Văn Bình và người phụ nữ này không biết do gia đình bên nào gây ra, nhưng trong thơ và trong đời thực thì Phạm Văn Bình ôm nỗi đau cho riêng mình mà không một lời oán hận:

Ngày nhà em pháo nổ,
Anh cuộn mình trong chăn,
Như con sâu làm tổ
Trong trái vải cô đơn.

Ngày nhà em pháo nổ,
Tâm hồn anh nhuốm ma’u,
Ôi nhát chém hư vô,
Ôi nhát chém hư vô.

Năm năm rồi trở lại,
Một màu tang ngút trời,
THƯƠNG người em năm cũ,
THƯƠNG goá phụ bên song.

Sau này mỗi lần có dịp, Phạm Văn Bình vẫn ghé thăm gia đình cô Túy. Cái tình của Phạm Văn Bình và người phụ nữ này đã vượt lên sự nhỏ nhen của hờn ghen để thăng hoa.

Người phụ nữ tên Nguyễn thị Túy này sinh năm 1945, nguyên là một cư dân Đông Hà, hiện giờ còn sống và định cư bên Mỹ.

Đọc lại nguyên tác bài thơ:

Năm năm rồi không gặp
Từ khi em lấy chồng
Anh dặm trường mê mải
Đời chia hai nhánh sông.

Những thư tình ngây dại
Những vai mềm, môi ngoan
Những hẹn hò cuống quýt
Trên lối xưa thiên đàng

Thôi cũng đành chôn kín
Dưới đáy huyệt thời gian.

Ngày nhà em pháo nổ
Anh cuộn mình trong chăn
Như con sâu làm tổ
Trong trái vải cô đơn

Ngày nhà em pháo nổ
Tâm hồn anh nhuốm ma’u
Ôi nhát chém hư vô
Ôi nhát chém hư vô.

Năm năm rồi đi biệt
Anh chẳng về lối xưa
Sân giáo đường cỏ mọc
Gác chuông nằm chơ vơ

Chúa buồn trên thánh giá
Mắt nhạt nhoà mưa qua
Trên cánh buồm ký ức
Sóng thời gian lô xô.

Ngồi bâng khuâng nhớ biển
Bên bãi đời quạnh hiu
Anh mang hồn thuỷ thủ
Cùng năm tháng phiêu du.

Anh một đời rong ruổi
Em tay bế tay bồng
Chiều hắt hiu xóm đạo
Hồi chuông giáo đường vang.

Năm năm rồi không gặp
Từ khi em lấy chồng
Bao kỷ niệm chôn kín
Dường như đã lãng quên.

Năm năm rồi trở lại
Một màu tang ngút trời
Thương người em năm cũ
Thương goá phụ bên song.

Nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát Chuyện Tình Buồn:

Năm năm rồi không gặp
Từ khi em lấy chồng
Anh dặm trường mê mải
Ðời chia như nhánh sông

Phong thư tình ngây dại
Và môi vai rất mềm
Những hẹn hò cuống quýt
Trên lối xưa thiên đàng.

Ngày nhà em pháo nổ
Anh cuộn mình trong chăn
Như con sâu làm tổ
Trong trái vải cô đơn

Ngày nhà em pháo nổ
Tâm hồn anh nhuốm ma’u
Ôi nhát chém hư vô
Ôi nhát chém hư vô…

Năm năm rồi đi biệt
Ðường xưa chưa lối về
Trong đìu hiu gió cuốn
Nằm chơ vơ gác chuông

Năm năm rồi cách biệt
Cỏ hoang sân giáo đường
Chúa buồn trên thánh giá
Mắt nhạt nhoà mưa qua.

Ngồi bâng khuâng nhớ biển
Bên bãi đời quạnh hiu
Anh như hồn thủy thủ
Cùng năm tháng phiêu du

Anh một đời rong ruổi
Em tay bế tay bồng
Chiều hắt hiu xóm đạo
Hồi chuông giáo đường vang.

Năm năm rồi không gặp
Từ khi em lấy chồng
Bao kỷ niệm chôn kín
Dường như đã lãng quên

Năm năm rồi trở lại
Một mầu tang ngút trời
Thương người em năm cũ
Thương góa phụ bên song…

Trong tập nhạc phát hành ở trong nước năm 2007, nhạc sĩ Phạm Duy đã ghi như sau:

Sau khi mối tình không thành này, Phạm Văn Bình lập gia đình với một cô học trò trẻ đẹp của ông tại trường Trung Học Bán Công Đông Hà. Họ sinh được 3 người con. Do hoàn cảnh nghiệt ngã sau năm 1975, vợ chồng cũng không sống với nhau trọn đời. Người vợ đem ba con qua Mỹ trước, ông qua sau, và được sự quan tâm chu đáo của cả ba người con.

Nhà thơ Phạm Văn Bình có gien văn nghệ từ gia đình, ông có anh ruột hoạt động trong lãnh vực âm nhạc. Theo nhận xét của bạn bè thì Phạm Văn Bình không đua đòi theo thiên hạ về bề ngoài, ông thích ca hát vui chơi, không quan tâm đến của cải vật chất.

Sau năm 75, ông bị đi tù cải tạo. Từ khi ra trại cho đến khi đi Mỹ theo diện HO, thời gian dài cả 10 năm, thế mà người ta không thấy ông làm gì để mưu sinh, trong khi những người gặp hoàn cảnh như ông phải làm bất cứ gì để giúp nuôi sống gia đình… Phạm Văn Bình sống phong lưu, rong chơi, không phải với bạn bè cùng lứa – vì không có – mà với bạn bè ít tuổi hơn nhiều. Ông gặp họ trong các quán cà phê, trong những tiệc cưới, ca hát vui nhộn cùng họ, nhiều khi quá chén, cũng say sưa.

Thời gian Phạm Văn Bình chuẩn bị đi Mỹ diện HO, nhiều phụ nữ muốn đem tình và tiền ra để “quá giang”, ông từ chối (chắc là quá ngán ngẩm rồi).

Khi qua Mỹ, với tuổi đời ngấp nghé 55, Phạm Văn Bình cũng không chạy vạy kiếm công ăn việc làm như thiên hạ mà sống với người con trai trưởng của ông trong sự bảo bọc của cả 3 người con và tiền trợ cấp của chính phủ Mỹ.

Phạm Văn Bình có lối sống và tạng người khác đời như thế, cộng thêm sống trong bầu không khí gia đình và đất nước mà thân thích kẻ Bắc người Nam hai bên chiến tuyến (ông là sĩ quan miền Nam, còn anh em bên mẹ thì theo miền Bắc), nên luôn mang tâm trạng buồn đau, tình người tan vỡ vì chiến tranh.

Dù là một sĩ quan (cấp bậc cuối cùng đại uý) tâm lý chiến, thay vì kích động hận thù để tuyên truyền cho phe ta, chống phe địch, Phạm Văn Bình không làm thế. Bằng chứng là trong bài thơ “Hành Trình TQLC” (Còn có tên khác là “Mười Hai Tháng Anh Đi”) – dài 58 câu – chỉ nói lên nỗi đau, niềm khắc khoải, tình yêu lỡ làng do chiến tranh mà người lính cảm nhận khi đi qua đất nước điêu tàn.


Bài hát 12 Tháng Anh Đi – Duy Quang

Sau thời gian dài khổ cực trong trại cải tạo, được trở về sống trong cộng đồng, không nhà, vợ bỏ, ông cũng không một lời oán thán ai:

Trở về nhà cũ, nhà thay chủ.
Em đâu? – Đã bỏ chốn thiên đường.
Sang sông, em nỡ lên thuyền khác.
Thôi nhớ làm gì? “Chinh phụ ngâm”… (Trích từ bài thơ “Đầu Xuân Khai Kiếm”)

* Bài viết sử dụng tư liệu của Hoàng Đằng

Đông Kha
(ghi rõ nguồn nhacxua.vn khi copy bài viết)

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here