Nhạc sĩ Hoài Linh là 1 trong số những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của nhạc Việt Nam trước năm 1975. Ông nổi tiếng là người giỏi văn chương và có tài đặt lời nhạc rất hay, vì vậy mà có nhiều nhạc sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ tin tưởng nhờ ông đặt lời trong nhiều ca khúc nổi tiếng. Đó là:
Nhạc sĩ Minh Kỳ: Biệt Kinh Kỳ, Cánh Buồm Chuyển Bến, Chuyến Tàu Hoàng Hôn…
Nhạc sĩ Song Ngọc: Chiều Thương Đô Thị, Chúng Mình Ba Đứa, Một Chuyến Bay Đêm, Thiệp Hồng Anh Viết Tên Em…
Nhạc sĩ Mạnh Phát: Nhớ Một Người, Nỗi Buồn Gác Trọ…
Nhạc sĩ Tuấn Khanh: Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Đi, Quán Nửa Khuya, Nẻo Đường Kỷ Niệm…
Theo lời nhận xét của các ca sĩ, nhạc sĩ cùng thời thì nhạc sĩ Hoài Linh là người rất chỉnh chu và trau chuốt trong việc đặt lời ca khúc. Ông thường ghi ra các từ ông tâm đắc trước khi đặt lời để chọn lựa được các từ ngữ phù hợp nhất. Ngoài ra, lời hát do nhạc sĩ Hoài Linh đặt còn có chất thơ vì được gieo vần rất khéo léo, đặc biệt là tài năng tả cảnh qua lời hát được ông thể hiện rất độc đáo.
Ca khúc “Nỗi Buồn Gác Trọ” được nhạc sĩ Mạnh Phát và Hoài Linh hợp soạn vào khoảng năm 1964. Trong phiên khúc đầu của bài hátnày, nhạc sĩ Hoài Linh ghi như sau:
Gác lạnh về khuya cơn gió lùa
Trăng gầy nghiêng bóng cài song thưa
Nhớ ai mà ánh đèn hiu hắt,
lá vàng nhè nhẹ đưa tưởng như bước lê hè phố.
Nghe Phương Dung hát Nỗi Buồn Gác Trọ trước 1975
2 câu hát đầu tiên của bài hát này giống như là 2 câu đối với luật bằng trắc đối lập nhau, gây ấn tượng mạnh với người nghe nhạc ngay khi bài hát vừa được cất lên. Đây có lẽ là bài nhạc vàng duy nhất sử dụng thủ pháp độc đáo này.
Cũng qua vài câu hát đầu tiên, người nghe có thể cảm nhận được sự xao xác, cô quạnh trong không gian tứ bề vắng lặng. Dưới ánh sáng mờ đục của bóng trăng khuya, gió lùa se thắt từng cơn qua song cửa đang le lói ánh đèn hiu hắt, làm xao động lá vàng đang khẽ lìa cành, chầm chậm rơi xuống những tiếng xào xạc trên đường thanh vắng ngỡ như là tiếng người đang lê bước.
Cho dù không có câu chữ nào nhắc đến một cách trực tiếp, nhưng người nghe có thể hình dung ra được có một bóng người đang ngồi bên cửa sổ và hứng trọn cơn lạnh của gió lùa qua song thưa, tâm trạng mang nỗi cô đơn tận cùng. Đó là khả năng “vẽ tranh” bằng âm nhạc của nhạc sĩ Hoài Linh đạt tới đỉnh cao khó tìm thấy ở một nhạc sĩ nào khác.
Nguồn ảnh: Kha Liêm
Còn với bài hát “Thiệp Hồng Anh Viết Tên Em” – đây là ca khúc viết về người lính được 2 nhạc sĩ Song Ngọc và Hoài Linh cùng hợp soạn vào năm 1966. Phần lời của bài hát này cũng được nhạc sĩ Hoài Linh viết, và tài năng tả cảnh qua lời nhạc của nhạc sĩ được thể hiện rõ nhất qua phiên khúc cuối của bài hát:
Đêm nay trời núi rừng nhịp canh thay bằng tiếng súng,
nửa trăng nghiêng đồi chếch bóng như xé hoang vu núi rừng…
Nghe Phương Dung hát Thiệp Hồng Anh Viết Tên Em trước 1975
Nếu như cảnh đêm của gác trọ mang nét u ám, cô quạnh… thì cảnh đêm của rừng khuya nơi vùng ᴄhιến địa lại vang dội từng tràng súng giao tranh, xé toang đi vẻ hoang vu tịch mịch cố hữu của núi rừng. Trước cảnh rừng khuya bị xáo động bởi những hận thù chia cách, người lính thấy mệt mỏi và ngước nhìn lên bầu trời đêm trong một thoáng chốc được nghỉ ngơi, và thấy được một hình ảnh đối nghịch: Ánh trăng tà đang chênh chêch bóng ở bên đồi vẫn mang được một vẻ thanh bình ở vùng “biên cương không mây” này, làm dịu đi những gian lao nơi ᴄhιến trận. Khi đó thì những lý tưởng, những oán hận, những bạn hay thù được tạm quên trong phút giây mơ mộng của đời lính:
Đời chinh nhân mộng mơ
Bài thơ chưa đoạn cuối
này mai chép thêm vần vào em ơi
viết trên thiếp hồng nét chữ hoa cuối dòng…
Bài hát “Chuyến Tàu Hoàng Hôn” được hợp soạn của 2 nhạc sĩ Minh Kỳ và Hoài Linh, cho đến nay vẫn là một trong những ca khúc nhạc vàng được yêu thích nhất. Cùng với ca khúc Tàu Đêm Năm Cũ của nhạc sĩ Trúc Phương thì Chuyến Tàu Hoàng Hôn là 1 trong 2 bài hát nổi tiếng nhất viết về những chuyến tàu.
Với tài đặt lời nhạc của Hoài Linh, ca khúc này có những khung cảnh rất buồn, và dĩ nhiên, là cũng rất đẹp:
Xe lăn êm êm lúc ga chiều sắp lên đèn
mưa thu bay bay sắt se lòng ướt vai mềm
Hoàng hôn dần xuống
mà ai còn đứng nghiêng trong chiều sương xuống…
Nghe Thanh Thúy hát Chuyến Tàu Hoàng Hôn trước 1975
Có cuộc chia ly nào mà không buồn, chia tay trên sân ga càng buồn hơn nữa với sự cộng hưởng của tiếng còi tàu não nề báo hiệu thời điểm lìa xa. Không những vậy, nhạc sĩ Hoài Linh còn vẽ thêm những hạt “mưa thu bay bay” trong buổi chiều hoàng hôn đưa tiễn, làm nhấn chìm khuất lối đôi tình nhân đang se sắt nỗi buồn. Người trên tàu nhìn xuống bóng người yêu qua khung kính cửa sổ nhạt nhoà mưa giăng, còn người ở lại thì chơ vơ nhỏ bé ở giữa sân ga buồn, đứng nghiêng nghiêng trong buổi chiều sương xuống như muốn níu kéo cả không gian và thời gian.
Ca khúc “Chuyện Đêm Mưa” được nhạc sĩ Hoài Linh sáng tác chung với nhạc sĩ Nguyễn Hiền vào khoảng năm 1962, bài hát là một bức tranh tả cảnh đêm mưa:
“Ngoài trời không sao thưa
đường lầy ướt ngõ tối
mưa khuya về hiu hắt đi vào hồn.
Chuyện đời quên đi thôi
dĩ vãng xa lắm rồi,
gợi lại để làm chi nữa người ơi!”
Nhạc sĩ đã vẽ khung cảnh vào một đêm thanh vắng không trăng không sao, mưa khuya về rả rích trên những đường lầy ngõ tối. Có những câu chuyện lòng xa xưa đã muốn quên đi, nhưng vào những đêm mưa khuya hiu hắt vọng về lại làm khơi niềm nhớ.
Nghe Hoàng Oanh hát Chuyện Đêm Mưa trước 1975
Những đêm hoang lạnh, vắng vẻ thường dễ khơi gợi được những tâm tư sâu thẳm nhất của nhiều người, trong đó có nhạc sĩ Hoài Linh, và có lẽ là ông cũng thường bị “ám ảnh” nhiều nhất bởi những đêm khuya vắng. Cùng xem lại hình ảnh mang nét huyền ảo trong một lần “nửa khuya” khác mà ông mô tả trong ca khúc Quán Nửa Khuya (viết chung với nhạc sĩ Tuấn Khanh):
Quán nửa khuya đèn mờ theo hơi khói
Trút tâm tư vào đêm vắng canh dài
Quãng đời tôi tàu đêm vắng không người, vẫn lặng trôi…
Nghe Thanh Thúy hát Quán Nửa Khuya trước 1975
Vì trót mang tâm tư của một kiếp người giống như là đoàn tàu đêm vắng, nên ông vẫn thường trút hết nỗi lòng mình vào âm nhạc với khung cảnh là những đêm khuya. Đêm khuya thanh vắng cũng là thời điểm mà người ta có thể tạm quên đi hết bộn bề cuộc sống để có thể suy tư, chiêm nghiệm về cuộc đời, về tình người. Vì vậy mà những bài nhạc có khung cảnh giữa đêm, được nghe vào đêm khuya, sẽ dễ tạo được sự đồng cảm trong phần đông người yêu nhạc, đặc biệt là nhạc vàng. Những ca khúc này đã sống trong hơn 50 năm qua, và vẫn còn tiếp diễn nhiều năm nữa.
Bài: Trần Tuệ Minh Hiếu – Đông Kha
(nhacvangbolero.com)