Tình yêu luôn là đề tài muôn thuở trong thơ ca. Trong nhạc vàng có rất nhiều bài hát ca ngợi chuyện tình yêu trai gái. Tuy nhiên trong nhiều bài nhạc vàng cũng có nhắc đến tình bằng hữu giữa hai người con trai trong thời chiến, thậm chí một số bài hát có thể còn kín đáo nhắc đến những chuyện tình “đam mỹ”…

Bài viết này phân tích theo nhận định cá nhân về những mối tình nam & nam trong nhạc vàng. “Mối tình” ở đây không có nghĩa chỉ là tình yêu, mà có thể là tình bạn, tình bằng hữu giữa những người trai trong thời loạn. Nhận định này có thể đúng hoặc không đúng, mục đích là nhắc đến chủ đề thú vị nhưng ít được thảo luận đến từ xưa đến nay.

Bài hát nói về tình bằng hữu nổi tiếng nhất có lẽ là Ly Cà Phê Cuối Cùng của nhóm nhạc sĩ Lê Minh Bằng viết riêng cho Tam Ca Sao Băng:

Mình ba đứa hôm nay gặp nhau
Nâng ly cà-phê ngát mùi hương ngọt ngào
Chiều thu về gió lạnh đìu hiu
Thấy tâm tư dạt dào, thấy buồn buồn làm sao

Quán mơ xinh xinh lặng lẽ
Mưa tí tách bên hiên, nghe như ngàn lời não nề
Tay vàng, môi vàng đưa theo làn khói
Thuốc thơm, khói thơm bay lên tầng cao
Cuốn theo bao sầu thương


Click để nghe Tam Ca Sao Băng hát Ly Cà Phê Cuối Cùng

Bài hát viết về tình bạn cảm động của 3 người quân nhân của 3 binh chủng, cùng gặp lại nhau vào một buổi chiều thu đìu hiu gió lạnh. Bên mái hiên của quán nhỏ cùng nghe tí tách mưa rơi, nâng ly cà phê nóng, thổi làn khói ấm và tâm sự về đời lính.

Nội dung bài hát này rất tương đồng với ca khúc Chúng Mình Ba Đứa nổi tiếng trước đó của 2 nhạc sĩ Song Ngọc và Hoài Linh, cùng viết về 3 người bạn ở 3 binh chủng khác nhau, nên sau này các ca sĩ thường ghép 2 bài này thành hợp khúc để hát.

Một bài hát nói về tình bằng hữu của những người trai thời loạn, cũng của 2 nhạc sĩ Song Ngọc – Hoài Linh sáng tác, đó là Nó Và Tôi, hầu như ai yêu nhạc vàng cũng đều biết đến những câu hát và giai điệu đã trở thành bất tử: Tôi nó sinh ra nhằm chinh chiến mới quen nhau đã thương mến…

Tôi nó sinh ra nhằm chinh chĭến mới quen nhau mà thương mến
Nó quê ngoài kia từ lâu lắm chưa lần về
Ngày tôi gặp nó nét đăm chiêu đêm nhập ngũ
Thấy thương nhau nhiều quá

Ba tháng trong quân trường cam go đá chai tầm hồn lính mới
Nó luôn bảo tôi đừng than oán chi cuộc đời
Vì khi nhịp sűng vẫn đêm đêm vang vọng mãi
Tao mày nào được vui…


Click để nghe Nhật Trường hát Nó Và Tôi trước 1975

Bài hát Nó Và Tôi là câu chuyện về 2 người lính mới, cùng vào trong quân trường Quang Trung trong 3 tháng. “Nó” được mô tả là một người ở quê xa đã lâu chưa về thăm lại, tuổi đời còn trẻ có nét đăm chiêu và mang nặng suy tư về cuộc đời, về trách nhiệm của một người trai sinh ra trong thời binh biến. Có lẽ những suy tư trăn trở đó cũng là tâm trạng chung của những người lính mới, chưa kịp bước chân vào đời đã vội khoác lên người chiếc áo nhà binh, vì đồng cảm với nhau nên họ thấy thương nhau thật nhiều.

Ngoài ra, nhắc đến 2 nhạc sĩ Song Ngọc và Hoài Linh, không thể không nhắc đến Chiều Thương Đô Thị. Theo nhạc sĩ Song Ngọc cho biết thì năm 19 tuổi, ông vào quân ngũ, nhạc sĩ Hoài Linh viết phần lời bài nhạc Chiều Thương Đô Thị để đưa tiễn người bạn thân là Song Ngọc:

Hôm xưa tay nắm tay nhau anh hỏi tôi rằng:
“Những gì trong đời ta ghi sâu vào tâm tư
Không tan theo cùng hư vô, không theo tháng năm phai mờ
Tình nào tha thiết anh ơi?”

Tình quê hương gợi sâu,
Tình tôi, anh bền lâu
vì mai đây tôi xa cách kinh thành
Mộng trường chinh khói binh,
vào đời manh áo chiến lúc tuổi còn xanh.


Click để nghe Băng Châu hát Chiều Thương Đô Thị

Từ trước đến nay, khi nghe câu hát “hôm xưa tay nắm tay nhau”, một cách vô thức, người nghe sẽ nghĩ rằng bài hát nhắc đến tình yêu nam nữ. Vì theo quan niệm ngày nay thì chỉ có trai gái mới “nắm tay nhau” công khai giữa chiều đô thị. Tuy nhiên trong thời loạn ly, có thể người ta dễ dàng thổ lộ tình cảm gắn bó với nhau bằng cái nắm tay thật chặt giữa hai người trai. Ngoài ra, theo lời kể của nhạc sĩ Song Ngọc thì Chiều Thương Đô Thị được ông sáng tác năm 1961 khi mới 19 tuổi. Đó cũng là năm mà ông lên đường tòng quân, khoác trên mình chiếc áo chinh nhân, và “vào đời manh áo chiến lúc tuổi còn xanh” như bao nhiêu người trai cùng thế hệ khác.

Khi đó có một người anh, người đồng nghiệp của Song Ngọc là nhạc sĩ Hoài Linh đã phụ trách viết ca từ cho bài hát, như là lời đưa tiễn nhạc sĩ Song Ngọc lên đường đi lính:

Tình quê hương gợi sâu,
Tình tôi, anh bền lâu vì mai đây tôi xa cách kinh thành
Mộng trường chinh khói binh,
vào đời manh áo chiến lúc tuổi còn xanh.

Hình ảnh này cũng có thể bắt gặp tương tự trong bài Phút Đầu Tiên của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, có nhân vật chính là hai người trai trên chiến trường: “Đôi ta chừ mà gặp nhau đây, say tâm tình cầm chặt đôi tay”.

Bài hát Phút Đầu Tiên này thể hiện rõ ràng hơn về sự xuất hiện của hai nhân vật chính đều là trai qua câu hát:

Anh mời tôi điếu thuốc.
Tôi kể chuyện đắng cay.
Đôi ta chừ mà gặp nhau đây.
Say tâm tình cầm chặt đôi tay.

Khi tình sông núi ăn sâu.
Lòng trai thế hệ trao nhau.
Xin cho duyên tình tìm kiếm tim ta.
Trao qua duyên tình non nước bao la.
Lòng trai chan hoà yêu thương.


Click để nghe Phút Đầu Tiên

Một điều để nhận biết trong nhạc vàng, khi bài hát nhắc đến 2 nhân vật chính đều là nam, thì ngôi xưng trong lời hát thường là “tôi, anh”: “Tình tôi, anh bền lâu”“Anh mời tôi điếu thuốc”,… Điều này có thể thấy trong bài hát nổi tiếng khác cũng nhắc đến hai người trai của nhóm Lê Minh Bằng:

Mùa mưa lần trước anh về đây ghé thăm tôi
Tình xưa bạn cũ gặp nhau đêm ấy mưa rơi
Tách cà phê ấm môi,
Mình ngồi ôn lại những phút vui trôi qua mất rồi.

Bài hát Hai Mùa Mưa này đơn thuần nhắc đến tình bạn gắn bó của hai người bạn thân, một người ở lại đưa tiễn một người ra sa trường, giống như nội dung của nhiều bài khác là Quán Nửa Khuya, Mười Năm Tái Ngộ, Trăng Tàn Trên Hè Phố...

Trong bài hát Giọt Buồn Không Tên của nhạc sĩ Anh Bằng, ngôi xưng trong bài hát này cũng là “tôi và anh”:

Vừa chiều hôm nao anh với tôi đi dạo phố.
Hai đứa vòng tay âu yếm như đôi tình nhân.
Cười tươi như cô gái thơ ngây vui tin Xuân.
Chúng mình thân quá thân.

Từ trước đến nay, người nghe vẫn luôn mặc định nhân vật chính trong bài hát này là đôi tình nhân nam nữ. Bài hát luôn được song ca bởi ca sĩ nam và nữ hát với nhau (Giang Tử & Phương Hồng Quế, Mạnh Quỳnh & Phi Nhung…). Bài Giọt Buồn Không Tên cũng mô tả “vòng tay âu yếm” chỉ thường thấy ở đôi trai gái. Tuy nhiên nếu để ý kỹ hơn, bài hát này dường như nhắc đến hai người bạn thân đều là nam, cùng nhau vào phòng trà để nghe nhạc để tiễn đưa nhau, vì ngày hôm sau sẽ có một người lên đường đi chinh chiến. Điều đó thể hiện ở danh xưng “anh và tôi”. Họ vòng tay âm yếm “NHƯ đôi tình nhân”, tức là chỉ giống như tình nhân thôi chứ không phải. Họ “cười tươi NHƯ cô gái thơ ngây”, nghĩa là giống như cô gái thôi chứ không phải là cô gái. Họ là đôi bạn “thân quá thân”, thân tới mức trên cả bạn bè, nên có những hành động thân thiết mà chúng ta có thể thấy là quá mức.

Phòng trà nghỉ chân nghe Thái Thanh ca “Biệt Ly”.
Anh ngước nhìn tôi qua khói hương thơm cà phê.
Giọt buồn không tên lén qua tâm tư đê mê
mình thức đêm thật khuya.

Đoạn nhạc vẽ lên hình ảnh của đôi bạn đang ngồi đối diện nhau trong phòng trà, trên bàn là 2 ly cafe. Một người ngước nhìn người kia qua làn khói hương thơm. Đôi bạn đã thức thật khuya trong đêm đó để tâm sự chuyện đời. Câu cuối cùng của bài hát là: “Càng nhớ thương bạn ơi...” cũng thể hiện họ là bạn với nhau, chứ không phải là tình yêu nam nữ.

Tuy nhiên đó vẫn là phỏng đoán của người viết dựa trên phân tích lời nhạc. Sự thật, trong tờ nhạc phát hành trước 1975 là hình ảnh của đôi tình nhân nam nữ dưới đây:



Click để nghe Phương Dung hát Giọt Buồn Không Tên

Đối với bài hát Đêm Tâm Sự rất nổi tiếng của nhạc sĩ Trúc Phương, cũng là một bài hát có danh xưng là “tôi với anh”, tuy nhiên bài hát mang đầy tính tự tình mô tả tình yêu chớm ban đầu của đôi tình nhân thời xưa:

Một lần trong đời anh nói thương tôi
Tiếng ngọt trên đầu môi.

Thì dù xa xôi tôi vẫn là của người.

Tàn đêm tâm tư, tàn đêm hẹn hò
Và tàn một đêm cho tình yêu chúng ta

Tình yêu riêng tôi, tình yêu của người
Nhường tình quê hương hai mươi tuổi cười buồn

Dù nhiều gian khổ câu nói thương ai vẫn ngọt trên đầu môi…

Còn tôi đêm mơ còn tôi đợi chờ
Thì dù xa xôi tôi vẫn là của người.

Này người đi xa hỡi
Trót thương nhau rồi, chỉ xin anh một điều…

Mặc dù vậy, nếu xét theo một khía cạnh khác, bài hát có vẻ như đang mô tả tình cảm giữa hai người con trai (?). Bởi vì nếu là đôi nam nữ, thì có người con gái thời xưa nào dám táo bạo mời gọi rằng:

Nhà tôi đơn côi mời anh ở lại
Kể chuyện tha hương chưa lần phai nhớ thương.

“Mời anh ở lại” ở đây là ở lại qua đêm, vì bài hát mô tả “đêm tâm sự”. Một người con trai mà “mới quen ban đầu” đã được cô gái mời ở lại qua đêm để tâm sự thì chắc anh cũng ngại ngần và phải suy tư nhiều lắm. Vì vậy có thể đây là câu chuyện tình của hai người trai ở thời kỳ mà tình yêu của họ còn bị xã hội dị nghị. Có thể vì vậy mà “cớ sao anh ngập ngừng” chăng?

Mang tâm sự từ thuở
Thiếu đôi tay mềm biết nơi nao mà tìm?

Hai câu hát này gợi lên hình ảnh của một người con gái có “đôi tay mềm”. Tuy nhiên nếu phân tích kỹ hơn nội dung lời hát, có thể hiểu là người trai (nhân vật “tôi”) mang nhiều tâm sự kể từ thuở chưa có bạn gái (thiếu đôi tay mềm, biết nơi nào mà tìm). Cho đến một lần “tôi” được “anh” ngỏ lời:

Một lần trong đời anh nói thương tôi
Tiếng ngọt trên đầu môi.

Đến “đêm tâm sự” hôm nay, hai người gặp lại sau “mấy năm cách biệt”, chỉ còn “vui một đêm này” để “trút vơi tâm tình của hai chúng mình”. Mối tình của họ cũng giản đơn như hàng muôn ngàn mối tình nam nữ khác trong thời binh lửa, gặp nhau trong phút chốc rồi chia ly và đợi chờ:

Thời gian trôi nhanh quá
Nói chưa hết lời nắng mai lên cửa ngoài
Tàn đêm tâm tư, tàn đêm hẹn hò
Và tàn một đêm cho tình yêu chúng ta


Click để nghe Thanh Thuý hát Đêm Tâm Sự

Dĩ nhiên, đó vẫn chỉ là phỏng đoán của người viết, vì trong bìa nhạc của bài này phát hành trước 1975, vẫn là hình ảnh của một đôi nam nữ.

Còn nhiều bài hát khác tương tự, với ngôi xưng là “tôi và anh”, thoạt đầu nghe ngỡ là chuyện tình nam nữ, nhưng nghe kỹ lại thì cũng có thể dành cho chuyện tình nam – nam, là Chiều Cuối Tuần, Chuyện Chúng Mình, Tàu Đêm Năm Cũ, Quán Nửa Khuya, Mưa Đầu Mùa, Hồi Tưởng…

Một bài hát khác nổi tiếng khác nói về tình bằng hữu giữa 2 người nam với nhau mà không thể không nhắc đến, đó là Quán Nửa Khuya của 2 nhạc sĩ Tuấn Khanh và Hoài Linh cùng sáng tác. Nhạc sĩ Tuấn Khanh kể rằng khi bắt đầu sáng tác ca khúc này, ông đã nhớ lại một quán cà phê nhỏ ở vùng quê miền Bắc vào khoảng thời gian hơn 10 năm trước đó, lúc ông vẫn còn ở Bắc Phần, nhưng chưa hồi cư về Hà Nội mà vẫn đang ở vùng tản cư. Quán cà phê nhỏ này mở cửa đến tận 2 giờ sáng, nên gọi là quán nửa khuya. Nhạc sĩ Tuấn Khanh đã mô tả lại cái quán nhỏ đó để nhạc sĩ Hoài Linh viết lời cho bài hát.

Quán nhỏ này bán cà phê và cháo gà xuyên đêm, với khách quan là nhiều người ở các chiến khu về thăm nhau, kéo nhau ra quán nửa khuya ngồi trò chuyện. Thời điểm đó nếu nói chuyện về tản cư, hồi cư… đều phải giữ kẽ vì sợ tai mách. Ở quán nhỏ giữa khuya này, mọi người được nói năng tự do, không sợ ai nghe lén cả.

Nhớ về kỷ niệm quán nửa khuya, nhớ về quãng thời gian ngày nào cũng đến tận 2 giờ sáng, phải băng qua một cánh đồng đề trở về nhà từ quán nhỏ chợ Ô Mễ, nhạc sĩ Tuấn Khanh đã viết thành một bản nhạc, ông cũng viết luôn 1 câu hát đầu tiên của bài hát, đó là: Quán nửa khuya đèn mờ theo hơi khói… Sau đó ông mô tả lại câu chuyện năm xưa để nhạc sĩ Hoài Linh viết tiếp lời cho bài hát.


Click để nghe Thanh Thúy hát Quán Nửa Khuya trước 1975

Quán nửa khuya đèn mờ theo hơi khói
Trút tâm tư vào đêm vắng canh dài
Quãng đời tôi tàu đêm vắng không người, vẫn lặng trôi

Tôi là người tha hương đi bốn phương
Anh là người quân nhân vui gió sương
Câu chuyện tâm tình vui theo khói bay, tay cầm tay

Nói bạn nghe từ khi say viễn xứ
Gót chân in ngàn muôn lối sông hồ
áo sờn vai tìm đôi mắt u hoài bóng hình ai?

Hoa nào mà không phôi pha sắc hương,
ân tình nào mà không gây vấn vương?
Lê đôi gót trên khắp chốn ngàn phương để tìm thương.

Dĩ vãng tìm đâu thấy, như bóng mây chiều đang lững lờ theo gió bay
Cốt xóa tình xưa ấy
Ngân tiếng tơ chùng để tìm quên hương đắng cay

Muốn nhắn nhủ thời gian
Ai mãi phong trần để đi tìm hương cố nhân
áo trắng màu sương gió
Ngưng gót xuôi ngược để tìm về nơi bến mơ.

Quán nửa khuya bạn tôi chia tay nhé
Nhớ nhau chăng là mỗi lúc đêm về
Siết chặt tay để ghi phút phân kỳ tiễn người đi.

Sa trường anh lại đi vui gió sương
Sông hồ gợi trong tôi bao luyến thương
Tôi ghi nhớ giây phút ấy nào nguôi bạn đường ơi…

Nội dung bài hát là hình ảnh hai người bạn gặp mặt ở trong quán vào lúc nửa khuya để cùng nhau “câu chuyện tâm tình”. Tình bằng hữu của họ rất thân thiết, đến mức “tay cầm tay”, thể hiện trong câu hát: Câu chuyện tâm tình vui theo khói bay, tay cầm tay… Làm cho nhiều người nghe nhạc tưởng rằng 2 nhân vật chính ở đây là 1 nam và 1 nữ. Tuy nhiên nếu để ý cụ thể lời bài hát, thì nhân vật “anh” là một “quân nhân vui gió sương”, còn nhân vật “tôi” là “người tha hương đi bốn phương” và “sông hồ gợi trong tôi bao luyến thương”. Nếu nhân vật “tôi” là nữ thì không thể là người tha hương bốn phương khắp sông hồ được.

Hơn nữa, trong cả hai hình bìa nhạc bài này phát hành trước năm 1975 đều để hình 2 người con trai:

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacvangbolero.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here