“Những chiếc xe chở đầy hoa phượng” là hình ảnh của hiện tại, khi nhìn những chiếc giỏ xe của các nữ sinh chở đầy hoa mùa hè đi ngang, nhà thơ đã hỏi bâng quơ: “em chở mùa hè của tôi đi đâu”…
Có ai mà chở mùa hè đi được, đó là phép so sánh ẩn dụ loài hoa phượng, cũng là mùa hè, “chùm phượng vỹ” cũng là “tuổi tôi mười tám” qua mắt nhìn đầy tâm trạng hoài niệm của thi sĩ về thuở học trò, thuở sân trường xanh biếc lá ngây thơ và phượng đỏ thắm màu ly biệt ngày mai.
Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng
Em chở mùa hè của tôi đi đâu
Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám
Thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu.
Những mối tình đầu thuở ấy trong trắng và ngây ngô lắm, phần nhiều là “tình thầm lặng” không dám ngỏ nên lời, cho đến khi xa mái trường và người thương rồi thì theo thời gian trôi qua, mỗi mùa hè về là mỗi mùa hoài nhớ về mùa phượng hồng đẹp đẽ nhất của đời người
Click để nghe Vũ Khanh hát Phượng Hồng
Mối tình đầu của tôi
Là cơn mưa giăng giăng ngoài cửa lớp
Tà áo ai bay trắng cả giấc mơ
Là bài thơ còn hoài trong vở
Giữa giờ chơi, mang đến lại mang về…
Thuở học trò cuối năm cấp 3, vừa bước qua tuổi hồn nhiên, tâm hồn mở ra đón nhận bầu trời mới lạ có nắng không còn vô tư nữa mà mang màu bâng khuâng lưu luyến, cơn mưa không còn từng giọt vô tình nữa, mà giăng thành màn mơ mộng trắng cả giấc mơ của cậu học trò. Mộng đầu đời bay ra ngoài cửa lớp, thấp thoáng tà áo trắng của ai bay, tà áo vừa đơn sơ vừa cao sang mà nhà thơ Huy Cận đã nhiều lần “đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư”.
Tà áo vừa trinh nguyên vừa thơ mộng, như màu mây trời mà thi sĩ Nguyên Sa đã có lần hỏi: “hay là em gói mây trong áo, rồi thở cho làn áo trắng bay”. Mối tình đầu như bài thơ còn hoài trong vở, vì đã bao lần hồi hộp không dám trao tay. Bài thơ không dám viết chữ “yêu” ngập ngừng mang đến lại mang về, để mối tình trở thành “bài thơ không gửi”, thành tình câm lặng giấu kín tâm tư, như màu hoa phượng kia mãi nở đỏ màu thương tâm trong sân trường kỷ niệm.
Cánh phượng hồng ngẩn ngơ
Mùa hè đến trường khắc nỗi nhớ lên cây
Và mùa sau biết có còn gặp lại
Ngày khai trường áo lụa gió thu bay.
Mênh mang nỗi lòng trên từng cánh phượng hồng, thắm tô nỗi niềm trước mùa hè chia tay của cậu học trò “có tâm sự đi nói cùng cây cỏ”. Nỗi nhớ không biết bày tỏ cùng ai nên đem nói với gốc phượng sân trường.
“Khắc nỗi nhớ” là khắc viết tên của người mang tà áo trắng lên thân cây, thường thì viết tắt tên bằng chữ hoa, như sợ người ta đọc sẽ thấu được nỗi nhớ ngại ngùng của mình. Tình dại khờ ngẩn ngơ theo từng xác phượng úa đỏ, biết mùa sau còn gặp lại nhau trong ngày tựu trường, hay áo lụa sân trường sẽ bay về phương trời nào khác?
Mối tình đầu của tôi
Nhờ cây đàn buông tiếng xa xôi
Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu
Nên có một gã khờ ngọng nghịu đứng làm thơ.
Em chở mùa hè đi qua
Còn tôi đứng lại, nắng ngập đường một vạt tóc nào xa…?
Mối tình đầu thầm lặng “nhờ cây đàn buông tiếng xa xôi”. Tiếng ở đây là tiếng đàn guitar hay là tiếng lòng của một gã thất tình mối tình đầu gửi vào những bài thơ hoài niệm? Có những mối tình đi vào thiên thu, mà người đã từng “gieo thảm” không hề biết có một người đã thầm yêu mình từ tuổi hoa niên cho đến suốt đời, như nhà thơ Félix Arvers đã buông tiếng tơ đàn tương tư để lại cho hậu thế những câu thơ bất hủ: “Tình tuyệt vọng nỗi thảm sầu. Mà người gieo thảm như hầu không hay”.
Em chở mùa hè đi qua còn phượng hồng mùa hạ cũ mãi ở lại với tôi với khúc đường kỷ niệm, đứng lại với miên man màu nắng nhớ vạt tóc nào xa. Mùa thu tựu trường mong gặp lại nhau không bao giờ đến nữa, có chăng là những mùa gợi nhớ đến mối tình đầu, đỏ sắc lưu luyến không nguôi…
Ca khúc Phượng Hồng của nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc từ thơ của Đỗ Trung Quân sáng tác năm 1984, là bản tình ca học trò “buông tiếng xa xôi” từ chân trời mùa hạ cũ, là mối tình đầu của lứa tuổi thanh niên vào những năm đầu thập niên 70, mối tình thắm sắc “cánh phượng hồng ngẩn ngơ” từ thuở ban đầu ngây ngô, đã trở thành cung điệu đẹp sầu bất tuyệt trong lòng những gã khờ ngày xưa đã từng “ngọng nghịu đứng làm thơ” bên đường ngập sắc hoa học trò rưng rưng màu nhớ.
Bài: Trương Đình Tuấn
Nguồn: nhacvangbolero.com