Miền Nam Việt Nam qua 2 nền cộng hòa kéo dài 20 năm, từ 1955 đến 1975 đã có những lần người dân được cầm lá phiếu để bình chọn lãnh đạo cao nhất, đó là các lần bầu cử tổng thống năm 1961, năm 1967 và năm 1971.

Năm 1961 có 75% cử tri đi bầu, đương kiêm tổng thống Ngô Đình Diệm (liên danh với thủ tướng Nguyễn Ngọc Thơ) đã tái đắc cử với 88% số phiếu. Trong khi đó liên danh Hồ Nhựt Tân – Nguyễn Thế Truyền được 7%; liên danh Nguyễn Đình Quát – Nguyễn Thành Phương được 4%.

Tuy nhiên nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 của Ngô Đình Diệm chỉ kéo dài được hơn 2 năm thì chính trường miền Nam rơi vào thời kỳ hỗn loạn với hàng loạt cuộc đảo chính, chỉnh lý, quyền lực nằm trong tay hội đồng quân sự, quốc hội bị giải tán. Đến năm 1967 thì miền Nam mới có chính quyền dân sự bằng cuộc tuyển cử năm 1967 (bầu cử thượng viện và tổng thống/phó tổng thống).

Cuộc tuyển cử năm 1967 của VNCH có đến 11 liên danh thủ tướng, phó thủ tướng với các danh xưng, dấu hiệu, khẩu hiệu, chương trình và tuyên ngôn hành động như sau:

    1. 1. Liên danh Trâu Cầy (trâu cầy dưới bình minh) / Phan Khắc Sửu – Phan Quang Đán: «Trâu cầy dưới ánh bình minh; Non sông ca khúc thanh bình tự do».

2. Liên danh Bông Lúa (bông lúa chín) / Hà Thúc Ký – Nguyễn Văn Định : «Xây dựng hòa bình trên căn bản dân tộc tự quyết ; Bảo vệ tự do trên căn bản tôn trọng hiến pháp ; Thực hiện no ấm trên căn bản cách mạng xã hội».

3. Liên danh Xã Hội Dân Chủ (căn nhà bình dân) / Hoàng Cơ Bình – Liêu Quang Khình: «Ổn định tình hình; Vật giá tụt thang; Thắng lợi hòa bình».

4. Liên danh Bồ Câu Trắng (bồ câu trắng bay) / Trương Đình Dzu – Trần Văn Chiêu : «Hòa bình – Thịnh vượng – Đoàn kết ; Chống tham nhũng – Chống bất công».

5. Liên danh Người Gieo Mạ (người gieo mạ dưới bình minh) / Trần Văn Hương – Mai Thọ Truyền: «Có hứa có làm ; Gieo để gặt, gặt một mùa no ấm – vui tươi – thanh bình».

6. Liên danh Hoa Lư (hoa sen và lư hương) / Phạm Huy Cơ – Lý Quốc Sỉnh.

7. Liên danh Cái Lư Hương (lư hương) / Trần Văn Lý – Huỳnh Công Đương.

8. Liên danh Sĩ Nông Công Thương Binh (ngôi sao trắng) / Nguyễn Hòa Hiệp – Nguyễn Thế Truyền.

9. Liên danh Dân Chủ (quốc kỳ và bản đồ Việt Nam) / Nguyễn Văn Thiệu – Nguyễn Cao Kỳ: «Xây dựng dân chủ; Cải tạo xã hội».

10. Liên danh Bó Đuốc (cây đuốc) / Vũ Hồng Khanh – Dương Trung Đồng.

11. Liên danh Con Trâu (con trâu đen) / Nguyễn Đình Quát – Trần Cửu Chấn.

Kết quả của tuyển cử, Liên danh Nguyễn Văn Thiệu – Nguyễn Cao Kỳ đạt 34% số phiếu để đắc cử tổng thống và phó tổng thống. Về nhì là Trương Đình Dzu – Trần Văn Chiêu (17%). Hạng ba và tư là Phan Khắc Sửu – Phan Quang Đán (13%) và Trần Văn Hương – Mai Thọ Truyền (12%).

Trước khi bầu cử tổng thống 1967 thì năm 1966, miền Nam đã có cuộc cầu cử thành lập quốc hội lập hiến, sau đó quốc hội nhóm họp để soạn bản hiến pháp mới cho chính thể dân sự. Sau khi tuyển cử 1967 bầu lên quốc hội chính quy thì quốc hội lập hiến 1966 giải tán.

Việc liên danh Nguyễn Văn Thiệu – Nguyễn Cao Kỳ đắc cử tỉ lệ khá cao cũng là điều dễ hiểu, vì trước đó, từ năm 1965, tướng Nguyễn Văn Thiệu là chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia, đảm nhận cương vị quốc trưởng, còn Nguyễn Cao Kỳ được đề cử làm chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương, tức thủ tướng, người nắm thực quyền điều hành chính phủ.

Sau khi hết nhiệm kỳ 1967-1971, Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao kỳ kết thúc liên danh, chuyển từ đồng minh chính trị sang làm đối thủ. Tháng 6 năm 1967, tướng Nguyễn Cao Kỳ nạp đơn ứng cử Tổng thống nhiệm kỳ 1971–1975, đứng chung liên danh với ứng viên phó là Luật sư Trương Vĩnh Lễ (cựu Chủ tịch Quốc hội Lập pháp thời Đệ Nhất Cộng hòa). Tuy nhiên chỉ hơn 2 tháng sau đó thì ông rút đơn không tranh cử nữa.

Ở kỳ bầu cử Tổng thống 1971, liên danh Nguyễn Văn Thiệu – Trần Văn Hương là liên danh tranh cử duy nhất với kết quả chung cuộc là họ giành hơn 90% số phiếu bầu.

Sau đây, mời các bạn xem lại những hình ảnh người dân miền Nam đi bầu cử, thực hiện quyền công dân chọn ra lãnh đạo đất nước:

Tuyển cử 1961:

Trong khi nhân dân đang nô nức đi bầu cử, thì tại một nơi nào đó ở miệt vườn:

Hình ảnh bầu cử quốc hội lập hiến 1966:

Tuyển cử 1967:

Bầu cử Hạ Nghị Viện 1971:

Nam Trí (nhacvangbolero.com)
Hình ảnh của manhhai flickr

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here