Trong gia tài âm nhạc đồ sộ và đa dạng thể loại của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, người ta thường nhắc đến bộ đôi ca khúc “nguyệt ca”, đó là Gạo Trắng Trăng ThanhTrăng Rụng Xuống Cầu có chất liệu âm nhạc đặc biệt, là những ca khúc mà người yêu nhạc hầu như ai cũng biết đến qua giọng hát của đôi song ca huyền thoại Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết:


Click để nghe Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết hát Trăng Rụng Xuống Cầu trước 1975

Về nhịp điệu của một bản nhạc, người ta thường ghi là Bolero, Rhumba hay Slow, Boston…, những điệu nhạc phổ biến nhất của nhạc miền Nam trước 1975, nhưng trong ca khúc Gạo Trắng Trăng Thanh nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ ghi là: Nhịp chày giã gạo. Tương tự thì với bài Trăng Rụng Xuống Cầu là Nhịp chèo thuyền, với hình ảnh bao con thuyền cùng mái chèo khoan thai dưới ánh trăng ngà:

Đêm nay bao con thuyền về đâu xuôi mái
Ai ca dưới trăng ngà gần xa vắn dài

Mái chèo khoan thai, trên sông hai màu
Con thuyền về đâu
Ô hay! Sao trăng rụng xuống cầu?
Vì đâu? ô hay, sao trăng rụng xuống cầu?

Đó là khung cảnh những con thuyền đưa những chàng chiến sĩ về ngang bến vắng. Miền quê yên tĩnh thường ngày được khuấy động bằng những mái chèo khoan thai trên con sông hai màu. Vì sao sông lại 2 màu? Có lẽ đó là ngoài màu nước như thường ngày, đêm nay trăng còn sáng khác thường và đang tô vàng dòng nước, nhìn xuống đó thấy được bóng trăng lung linh khác, như là trăng đã rụng xuống cầu. Đó là hình ảnh tuyệt đẹp vẽ lên một vùng quê thanh bình, đang đón chào những anh chiến sĩ về ngang trong hành trình giữ quê hương.

Đêm nay bao con thuyền về ngang bến vắng
Cô em hát lên rằng dừng chân hỡi chàng

Hỡi chàng chiến đấu!
Nắng mưa dãi dầu
Đừng vội về đâu
Trăng vui nên trăng rụng xuống cầu
Vì đâu trăng vui nên trăng rụng xuống cầu.

“Cô em” ở hậu phương, nơi quê hương thanh bình này vẫy tay vui mừng chào đón, hát lên những lời ca gọi mời các chàng chiến sĩ dãi dầu nắng mưa đừng vội đi đâu nữa, hãy dừng bước để vui cùng ánh trăng sáng đêm nay cũng đang vằng vặc soi dẫn đường đoàn người về ngang. Ở đoạn thứ 2 này, tác giả giải thích vì sao “trăng rụng xuống cầu”, đó là vì “trăng vui”, trăng được nhân cách hóa để hoà nhịp với niềm vui chan hòa của người người.

Hỡi bao con đò
Đêm nay trăng soi trên sông lờ đờ
Mang theo bóng cờ
Ngày về chiến thắng ánh trăng làm thơ
Hỡi trăng mơ màng
Sao trăng êm soi trên con thuyền chàng?

Đêm nay có bao con thuyền mang cờ phất phới đang về trên sông, lờ đờ trôi dưới ánh trăng mơ màng đưa tin chiến thắng về sau bao ngày người chinh nhân hành quân dãi dầu mưa nắng. Trăng hòa cùng niềm vui với người, mơ màng êm soi trên con thuyền chàng, rơi xuống tận cầu làng để mừng chào đón:

Trăng rơi cầu làng
Đợi thuyền chiến thắng sông tách đôi hàng.

Hò khoan! Hò huệ!
Say sưa chiến thắng về sau bao ngày mưa nắng.
Hò khoan! Hò huệ!
Đêm nay cờ lộng gió muôn câu hò ngân dài:

Ơ này! Anh Hai, anh Ba!
Thuyền anh lướt trên trăng ngà.
Mà ơ này! Anh Tư, anh Năm!
Dừng tay ghé thăm thôn này.

Ở đoạn cuối bài hát là những lời ca mang đậm chất Nam Bộ, với tiếng hò khoan trên sông nước, và lời gọi anh Hai, Ba, Tư, Năm đầy thân mật của những người dân quê khi chào nhau, rồi sau đó mời gọi một cách chân tình, thắm thiết tình quân dân: Dừng tay ghé thăm thôn này…


Click để nghe Thanh Tuyền hát Trăng Rụng Xuống Cầu trước 1975

Ai đã từng đi qua dọc dải đất phù sa, đã từng ghé vào từng xóm thôn, sẽ hiểu được sự hiếu khách của những người dân quê nơi đây. Dù nhà có dột nát cỡ nào, nhưng khách tới thì luôn được mời ở lại, bất kỳ ai cũng trở thành khách quý, được gia chủ đãi một bữa thịnh soạn nhất có thể. Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là người gốc miền Trung, lập nghiệp và nổi tiếng ở Sài Gòn, có lẽ là trong một lần đi công tác qua mảnh đất miền Tây, ông đã chứng kiến khung cảnh thơ mộng của đêm trăng sông nước, vừa ấm áp tình người, nên đã sáng tác ca khúc mang tên Trăng Rụng Xuống Cầu.

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacvangbolero.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here