“Trời hôm nay thanh thanh
Gió đưa cành mơn man tà áo”
Thuở ấy, khi tôi còn rất nhỏ, cứ mỗi sáng khoảng độ 6 giờ (múi giờ Sài Gòn lúc đó là GMT+8, tức là 5 giờ sáng theo giờ hiện nay) là tôi lại nghe bài hát này.
Đó là thập niên 60 của thế kỷ trước, ở miền Nam Việt Nam. Ba má tôi lúc ấy là đôi vợ chồng trẻ. Ba công chức, má nội trợ – một công thức gia đình khá quen thuộc thời ấy. Bài hát trên là nhạc hiệu của chương trình “gia binh” trên đài phát thanh quân đội (gia binh là gia đình binh sĩ, chương trình có nội dung phục vụ các gia đình binh sĩ miền Nam). Ba má ngủ giường trong, mấy anh em ngủ giường ngoài. Cứ mỗi sáng là ba mở radio nghe chương trình gia binh này khi đang còn trên giường, và tôi cũng được nghe theo, tựa như tiếng gà gáy sáng.
Hồi đó tôi chỉ mới 6, 7 tuổi, quá nhỏ để quan tâm đến nội dung chương trình hay ý nghĩa của bài nhạc hiệu, nhưng giai điệu này theo tôi đều đều mỗi sáng suốt mấy năm trời ấu thơ khiến nó in sâu trong ký ức.
Ngày Hạnh Phúc – Bản thu trước năm 1975
Hồi đó tôi đã có một hai đứa em rồi, và với vai trò anh lớn đã phải giữ em cho má đi chợ, làm bếp. Đã từng bực mình vì mấy đứa nhỏ khóc la,… trong lúc ông anh đang ham chơi. Vậy nên khi nghe lời bài hát: “Đêm về nghe con khóc vui triền miên” thì tôi lấy làm khó hiểu lắm. Con nít khóc thì bực mình thấy mồ chớ vui cái nỗi gì!
Năm tháng trôi qua, khi chương trình “gia binh” không còn phát nữa (hay vẫn còn mà ba má tôi không nghe vào mỗi buổi sáng nữa), và tôi thì lớn dần lên. Bài hát vẫn thỉnh thoảng được phát với tên chính thức là “Ngày Hạnh Phúc” của nhạc sĩ Lam Phương. Bấy giờ tôi hiểu hơn ý nghĩa của lời ca:
“Trời hôm nay thanh thanh
Gió đưa cành mơn man tà áo.
Làn mây xanh vây quanh
Ánh vầng hồng chiếu xuống niềm tin.
Đàn chim non tung tăng
như đón chào ngày vui thế gian,
Chúc ai vừa tìm được bến mơ.
Mừng cho đôi uyên ương
Sống sum vầy vui trong hạnh phúc,
và đôi tay thân yêu
sẽ là nguồn sống của đời ta.
Nhiều khi mong trăng lên,
chung chén trà kể chuyện thuở xưa,
bên bếp hồng đùa vui trẻ thơ.
Từ khi sánh vai nên đôi bạn hiền.
Đêm về nghe con khóc vui triền miên.
Lời ru trong đêm vắng, với tình thương chứa chan.
Còn mong ước gì, vì ta vẫn bên nhau”.
Rồi những năm, những tháng cứ lững lờ trôi qua. Đã non nửa thế kỷ rồi. Ba má giờ đã ra đi biền biệt vào cõi hư vô. Quê nhà đã xa xôi. Hai thế hệ đã đi qua, chính chúng tôi đã trở thành những cặp vợ chồng trẻ như ba má ngày xưa, và rồi giờ đến những đứa con trở thành những cặp vợ chồng trẻ… Thời của miền Nam xưa, của ba má tôi, rồi của tôi đã đi qua lâu lắm rồi…
Giờ đây, mỗi khi nghe lại bài hát “Ngày Hạnh Phúc” cả một khung trời ngày xưa như tái hiện lại, cả không gian và thời gian. Nhớ và thương da diết.
Hôm nay trong đám cưới, một bạn già lên hát bài “Ngày Hạnh Phúc”. Điệu nhạc êm êm chìm hẳn giữa những ca khúc náo nhiệt thường nghe trong tiệc cưới. Đám trẻ trong bàn tiệc ngồi ngơ ngác không biết đây là bài gì, riêng tôi đắm chìm trong nỗi nhớ…
Ôi, hạnh phúc là đó. Đơn sơ quá, mộc mạc quá, và dễ thương quá. Là “tiếng con khóc” và “lời ru trong đêm vắng”. Là “ta vẫn bên nhau”.
“Từ khi sánh vai nên đôi bạn hiền.
Đêm về nghe con khóc vui triền miên.
Lời ru trong đêm vắng, với tình thương chứa chan.
Còn mong ước gì, vì ta vẫn bên nhau”
Hạnh phúc là đêm trăng uống trà nhìn trẻ nít đùa vui bên bếp lửa:
“Nhiều khi mong trăng lên,
chung chén trà kể chuyện thuở xưa,
bên bếp hồng đùa vui trẻ thơ”
Ôi, một thời đã qua. Một thời để yêu, một thời để nhớ!
Bây giờ là 5 giờ sáng (tức là 6 giờ sáng, giờ ngày xưa). Tôi đang nằm lơ mơ trên giường ngủ. Một điệu nhạc êm ái phát ra:
“Trời hôm nay thanh thanh
Gió đưa cành mơn man tà áo”
Tôi mở mắt. 50 năm xưa đã trở về đây sao?
Không, không phải tiếng radio, mà là điệu nhạc tôi đã ghi sẵn trong smartphone. Dĩ vãng đã vĩnh viễn xa rồi!
Nguồn: Phạm Hoài Nhân