Bộ ba bài hát quân trường, đó là Ba Tháng Quân Trường (Hoài Nam), Sáu Tháng Quân Trường (Khánh Băng) và Chín Tháng Quân Trường (Hoài Nam) rất quen thuộc với người yêu nhạc vàng. Tuy nhiên có thể sẽ có người không phân biệt được các cấp độ của 3,6,9 tháng huấn luyện trong quân trường. Đó là ba mốc thời gian phổ biến của huấn luyện quân đội: cấp cơ sở (3 tháng), hạ sĩ quan (6 tháng), sĩ quan trừ bị (9 tháng), ngoài ra còn có cấp độ huấn luyện sĩ quan cấp cao hơn thì có thời gian dài hơn.

Quân trường huấn luyện tân binh lớn nhất với thời gian 3 tháng là Quân Trường Quang Trung, chuyên đào tạo và huấn luyện tới 80% các binh sĩ tình nguyện và tân binh quân dịch, cung cấp cho các quân, binh chủng. Trong bài hát Ba Tháng Quân Trường có câu hát: Hỡi Quang Trung đôi ta cùng nhau, nguyện dù đường đời mỗi đứa cách một nơi…


Click để nghe Trúc Ly hát Ba Tháng Quân Trường trước 1975

Quân trường Quang Trung

Trong bài hát Sáu Tháng Quân Trường có nhắc tới 2 quân trường nổi tiếng nhất thời đó là Quang Trung và Đồng Đế. Trường Đồng Đế chuyên đào tạo cấp bậc hạ sĩ quan, được nhắc đến trong 2 bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Khánh Băng là Giờ Này Anh Ở ĐâuSáu Tháng Quân Trường:

Đồng Đế nắng mưa thao trường…

Đồng Đế đêm ngày nghe sóng vỗ, dây tử thần không làm sờn chí nam nhi…

Bài hát Sáu Tháng Quân Trường cũng nhắc đến ba tháng quân trường Quang Trung, ba tháng tân binh cộng thêm ba tháng huấn luyện tác chiến chuyên môn ở Đồng Đế, tổng cộng là sáu tháng quân trường như tựa đề bài hát.

Ngày nay, quân trường Quang Trung xưa nằm trên một khu vực rộng lớn ở khu vực quận 12, trải dài từ Xa lộ Đại Hàn đến ngã 4 An Sương qua đến ngã 4 Trung Chánh, còn quân trường Đồng Đế (trường Hạ sĩ quan) ở Nha Trang ngày nay là trường Đại Học Thông Tin Liên Lạc, đào tạo sĩ quan thông tin.

Những quân trường nổi tiếng này cũng đã được nhạc sĩ Khánh Băng nhắc tới trong ca khúc Giờ Này Anh Ở Đâu:

Giờ này anh ở đâu?
Quang Trung nắng cháy da người
Giờ này anh ở đâu?
Dục Mỹ hay Lam Sơn?
Giờ này anh ở đâu?
Đồng Đế nắng mưa thao trường


Click để nghe Thanh Tuyền hát Sáu Tháng Quân Trường

Ngoài ra, bài Sáu Tháng Quân Trường còn có câu hát:

Đồng Đế đêm ngày nghe sóng vỗ, dây tử thần không làm sờn chí nam nhi…

Trong các quân trường huấn luyện gian khổ, thường có nhiều cái được gọi là “dây tử thần”, đó có thể là dây thép gai, đu dây vượt suối, đi thăng bằng dây trên cao…

Tuy nhiên theo những người đã từng được huấn luyện ở quân trường Đồng Đế, thì Dây Tử Thần là một đoạn dây cáp dài khoảng 1000m, nối từ hai ngọn tháp trên hai quả đồi không cao lắm. Khoảng cách giữa hai ngọn đồi có một cái hồ nước đường kính khoảng 12m. Hai bên bờ hồ theo chiều của dây cáp có đổ cát, mỗi bên dài khoảng 15m. Các tân binh tập luyện bằng cách nắm cái ròng rọc cho chặt rồi co giò phóng ra. Ròng rọc sẽ di chuyển trên sợi dây cáp theo sức nặng của người và độ nghiêng của dây cáp, có thể đi với tốc độ rất nhanh.

Khóa sinh đu người tòng teng và buông tay nắm cái ròng rọc cho thân mình rớt xuống hồ nước ở thế 90 độ của thân mình. Nếu buông tay không đúng lúc thì sẽ bị rớt vô mặt đất, có đá lởm chởm, hay rớt vô vùng cát, sẽ được xe cứu thương đậu chờ sẵn để… chở đi, tùy theo tình trạng chấn thương. Nếu buông tay đúng lúc nhưng lại buông không đúng tư thế, ngực sẽ bị vỗ xuống mặt nước. Có một nhóm cấp cứu ngồi chờ ở gần hồ nước để vớt lên, làm hô hấp nhân tạo. Khóa sinh xếp hàng để từng người đi lên ngọn tháp. Có một sĩ quan Huấn luyện viên phụ trách đứng ở đó.

Dây Tử Thần chỉ là một trong vô số công cụ huấn luyện cho tân binh chuẩn bị tiến vào chiến trường còn gian truân hơn hàng ngàn lần.

Bài hát quân trường nổi tiếng nhất trong 3 bài là Chín Tháng Quân Trường với những câu hát như sau:

Cuộc liên hoan nửa khuya sắp tàn 
Mà sao tình mình thêm chứa chan 

Xiết tay nhau mến trao lần cuối 
Viết cho nhau những dòng lưu niệm 
Của những ngày trong quân trường mình sống yêu thương 
Qua chín tháng phong sương.


Click để nghe Chế Linh hát Chín Tháng Quân Trường

Bài hát này cũng nhắc đến việc “gắn trên vai chiếc lon chuẩn úy”, tức là đào tạo 9 tháng trở thành sĩ quan. Có thể đó là trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức, thời gian đào tạo 8-9 tháng, tốt nghiệp Chuẩn Úy Trừ Bị. Có hai khái niệm trong hàm sĩ quan là Trừ Bị và Hiện Dịch. Ngạch sĩ quan trừ bị trên lý thuyết là sĩ quan được động viên đi quân dịch trong một thời gian ấn định, mãn hạn động viên sẽ trở về dân sự. Khác với ngạch sĩ quan hiện dịch, là tình nguyện tham gia quân đội, lấy binh nghiệp là nghề nghiệp suốt đời. Tuy nhiên trong thực tế vẫn có nhiều người thi xong tú tài thì tình nguyện vào trường Trừ Bị Thủ Đức luôn, và từ đó cuộc đời của họ đã gắn liền với binh nghiệp. Các tướng lãnh nổi tiếng xuất thân từ trường Trù Bị là Ngô Quang Trưởng, Nguyễn Khoa Nam, Nguyễn Ngọc Loan…

Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, tên khác là Liên trường Võ khoa Thủ Đức, hay còn gọi là Trường Bộ binh Thủ Đức (đầu tiên ở Thủ Đức, đến cuối năm 1973 thì chuyển đến Long Thành) là một trong 6 trường đào tạo sĩ quan.

Đông Phương – nhacvangbolero.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here