Ca sĩ Trung Chỉnh tên thật là Huỳnh Văn Chỉnh, cựu sinh viên quân y khóa 18. Khi ra trường cuối năm 1971, ông gia nhập Sư đoàn TQLC. “Mùa Hè Đỏ Lửa” năm 1972, đơn vị của ông được điều ra Quảng Trị và chiến đấu ở đó đến năm 1975.

Sau 1975, sau khi từ trại cải tạo trở về, Trung Chỉnh làm việc tại Bệnh Viện Nguyễn Trãi, tức Bệnh Viện Phước Kiến tại Chợ Lớn, Sài Gòn. Năm 1979, ông đã cùng vợ và 4 người con sang định cư ở Mỹ. Tại đây ông đã lấy lại được bằng Bác Sĩ Y Khoa và hành nghề từ 1986 cho đến 2004 tại Oklahoma. Năm 2004 ông dời về Orange County California và làm phòng mạch riêng từ đó cho đến nay.

Dưới đây là trích đăng bài phỏng vấn ca sĩ – bác sĩ Trung Chỉnh do Darlena Tran thực hiện.

  • Xin cho hỏi ông tên thật là gì?

Tôi tên là Huỳnh Văn Chỉnh, có sinh hoạt văn nghệ từ những năm 1966 ở Việt Nam và với cái tên là Trung Chỉnh. Tôi sinh ra ở Mỹ Tho, Việt Nam.

  • Ông có anh chị em gì không?

Tôi có hai người anh ruột nhưng rất tiếc là hai người đó mất sớm. Ba tôi mất khi tôi mới bảy tuổi, khi đó là năm 1950. Còn mẹ tôi thì mất sau khi tôi qua Mỹ năm 1979, bà mất năm 1980.

  • Khi ở Việt Nam, gia đình ông làm nghề gì?

Mẹ tôi buôn bán thôi, gia đình tôi nghèo thành ra người anh của tôi phải nghỉ học sớm. Tôi hồi nhỏ thì học không giỏi giang gì cho nên thi mãi vào trường công không đậu nên phải ra học trường tư.

Trường tư thục nhỏ lắm, có tên là Trúc Giang. Tôi học ở đó 4 năm. Lúc tôi vào học đệ thất thì tôi không hiểu sao, giống như ông trời ổng mở trí mình, tôi học rất giỏi, những năm đó tôi học rất là xuất sắc, tốt nghiệp đệ nhất cấp. Năm đó nhận được rất nhiều phần thưởng. Xong rồi đậu trung học, bấy giờ trường Nguyễn Đình Chiểu họ cho ghi danh, cho những người học trung học xong được vào học trong Nguyễn Đình Chiểu, tôi ghi danh vào thì được nhận.

Những lớp gọi là trung học đệ nhất cấp đó, đệ nhị cấp thì những năm đó là những năm 60 đến 63. Năm đầu là năm đệ tam thì cũng thường thường thôi. Đến năm đệ nhị tôi học khá nổi tiếng. Đến năm đệ nhất thì tôi học nổi tiếng nhất trường. Sau năm đệ nhất tôi đậu tú tài, đậu xong rồi thì thi vào trường y khoa Sài Gòn và học cho tới lúc ra trường.

Tôi ra trường Nguyễn Đình Chiểu năm 1963 và học hết đại hoc y khoa cho tới cuối năm 1971 thì ra trường, tức là tốt nghiệp ngành y khoa bác sỹ. Sau đó, tới đầu năm 1972 tôi gia nhập vào TQLC, tức là bác sỹ của TQLC tham gia mùa hè đỏ lửa ở Quảng Trị từ 1972 tới 1975.

  • Hành trình ông tham gia vào quân đội trong khi vừa mới ra y khoa bác sỹ như thế nào?

Từ năm 1966, tôi thi đậu vào trường quân y của Sài Gòn. Nhiều người cứ tưởng rằng trường quân y thì dạy về y khoa cho sinh viên, nhưng thực ra trường quân y họ chỉ quản lý về vấn đề hành chánh và huấn luyện về vấn đề quân sự cũng như là Anh ngữ, còn học y khoa thì vẫn phải ra ngoài trường y khoa đại học Sài Gòn để học, học trường dân sự.

Chung quy chỉ có cái lợi là họ cho mình lương để mình học. Khi mình ra trường thì phục vụ cho quân đội. Những người không có điều kiện về tài chánh như chúng tôi thì phải vào trường quân y để có phương tiện tiếp tục công việc học hành. Cho nên tôi vào từ những năm 1966, tới cuối năm 1971 thì ra trường. Sau đó, năm 1972 tôi chọn vào TQLC.

Có một câu chuyện thú vị là khoảng ngày 12 tháng 4 năm 1972, sau khi tôi ra Quảng Trị thì ở Sài Gòn, báo đăng tôi tử trận. Thời điểm đó chúng tôi còn ở trong núi quần thảo trên chiến trường. Ngày nào cũng đụng trận.

Cho tới ngày 17 tháng 4 thì có 2 người phóng viên chiến trường từ Sài Gòn ra, họ đi ra tận ngoài chiến trường để lấy tin tức hoặc phỏng vấn. Tôi có qua và nói chuyện với họ, họ gặp tôi. Một anh nói rằng:

– Báo Sài Gòn đăng ông chết rồi…

Tôi nói:

– Ông giỡn chơi?

– Không, thiệt mà, báo Sài Gòn đăng ông chết rồi.

Tôi mới lấy tờ giấy, viết mấy chữ rồi nói với họ:

– Bây giờ tôi đương bận hành quân, lúc nào anh về Sài Gòn làm ơn đem cái thơ này về gia đình tôi cho vợ con tôi biết là tôi vẫn còn sống.

Tôi viết mấy chữ cho ảnh và ảnh giữ cái thư đó. Nhưng tới ngày 19, chúng tôi được lệnh về nghỉ dưỡng quân. Tôi về Huế ngày 23 thì gặp đại tá Bùi Thế Lân, lúc đó, đương chỉ huy sư đoàn TQLC. Khi thấy tôi về thì đại tá Bùi Thế Lân cho tôi về Sài Gòn để đi cải chính báo chí họ đăng tôi chết.

Ông bảo tôi về đó kiếm một vài cô ca sỹ ra hát để hát uỷ lạo cho chiến sỹ. Tôi nói tôi cố gắng kiếm nhưng chưa chắc được. Đại tá Bùi Thế Lân nói: “Kiếm được thì tốt, không kiếm được thì thôi”. Ngày 24 tôi đã về tới Sài Gòn, lúc bấy hai anh phóng viên chiến trường còn đương đi quay phim nhiều nơi và chưa về tới nhà, họ chưa đưa cái thơ cho vợ tôi nữa.

Khi tôi về, nhà tôi mừng lắm, vì nghe tin tôi chết nên đã lên căn cứ của TQLC ở tại đường Lê Thánh Tôn, thì ai cũng nói là tôi bình yên, không có sao. Hồi xưa đâu có cell phone mà cầm cái cell phone gọi về, khó khăn lắm, không có dễ dàng. Nhà tôi hỏi thăm ở đó thì ai cũng nói tôi bình yên không có sao cả nhưng nhà tôi đâu có tin, nhà tôi nói rằng sợ là người ta giấu nên tới lúc tôi được về bằng xương bằng thịt thì nhà tôi mới mừng. Tôi về ngày 24 thì ngày 25, tôi lên vũ trường Tự Do của cô Khánh Ly, tôi mời cô Khánh Ly đi. Lần đó tôi mời được cô Khánh Ly và Ngọc Minh, hai người ra Quảng Trị hát uỷ lạo cho chiến sỹ. Tui còn cái hình để tại phòng mạch chụp chung với mấy người đó.

  • Xin cho hỏi báo chí thời đó dựa vào đâu để đăng tin là ông tử trận?

Tôi nghĩ là những người làm báo thời đó họ chỉ nghe đâu đó rồi họ lấy đăng, không có bằng cớ nào cả, cứ đăng thôi. Tại vì những cái tin nào giật gân thì sẽ được người ta mua báo nhiều.

Khi về, tôi có cầm được tờ báo, tôi không nhớ là báo nào, vì báo Sài Gòn đó nhiều lắm. Tôi coi cái hàng tựa, tít là: “Thêm một tài năng vừa nằm xuống ở Quảng Trị, bác sỹ kiêm ca sỹ Trung Chỉnh”.

Tôi vô toà soạn nhật báo đó nói rằng là cái tin này không phải, tôi còn sống, thì họ đồng ý cải chính. Nhưng mà về sau họ cải chính ở một cái mục nhỏ xíu bên trong nói là bác sĩ Trung Chỉnh còn sống, vậy thôi. Nhưng mà tôi nghĩ là họ nhầm tôi với một nhạc sỹ tên là Dzũng Chinh, tác giả Những Đồi Hoa Sim. Ông mất trước khi tôi đi Quảng Trị khoảng 3 năm. Người ta nhầm tôi với ông nhạc sỹ Dzũng Chinh nên đăng như vậy.

Card visit của bác sĩ Trung Chỉnh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here