Giữa thập niên 1950, khi cuộc sống của Sài Gòn hoa lệ vẫn chưa đi vào ổn định, ngay bên cạnh ánh sáng kinh kỳ phồn hoa là những khu nhà lá tồi tàn với đường lầy muôn lối quanh, là nơi sinh sống của những người lao động nghèo tha hương, khi mà “hòn ngọc viễn đông” đón những làn sóng người nghèo di cư lánh nạn rất đông.
Vì vậy, bên cạnh hình ảnh rực rỡ và hiện đại ở khu trung tâm Sài Gòn có từ thời Pháp thuộc với những hàng me xanh trên các con đường trải nhựa phẳng phiu, thì ở các vùng ven nhiều đường sá vẫn còn trải đất đá và những khu nhà lụp xụp của người nghèo nhập cư tạo ra một bức tranh tương phản hoàn toàn.
Đã có ít nhất 3 nhạc sĩ cảm thông với cuộc sống khó khăn đó của một giai tầng xã hội và sáng tác ra những ca khúc mô tả hình ảnh xóm nghèo Sài Gòn của gần 70 năm trước, đó là nhạc sĩ Lam Phương với Kiếp Nghèo, nhạc sĩ Phạm Đình Chương với Xóm Đêm, và nhạc sĩ Phạm Duy với Bên Ni Bên Nớ, Phố Buồn.
Click để nghe Thanh Tuyền hát Kiếp Nghèo
Ca khúc Kiếp Nghèo được nhạc sĩ Lam Phương sáng tác vào khoảng năm 1954 khi ông mới 17 tuổi, trong giai đoạn đầu đến mưu sinh ở đất Sài Gòn. Nhạc sĩ Lam Phương kể lại hoàn cảnh sáng tác của Kiếp Nghèo trên Paris By Night số 40 như sau:
“Tôi viết bài ‘Kiếp Nghèo’ trong hoàn cảnh hoàn toàn thật của tôi lúc đó. Viết bằng rung động chân thành, và lần đầu tiên tôi viết bài ‘Kiếp Nghèo’ bằng những giòng nước mắt… Lúc đó tôi còn trẻ lắm, khoảng 1954, sau khi tôi bán được bài ‘Trăng Thanh Bình’ đầu năm 1953, tôi để dành được một số tiền, mua một chiếc xe đạp để di chuyển trong lúc đi học.
Nhà tôi ở Dakao. Thường thường muốn về Dakao phải đi qua con đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ). Con đường Phan Thanh Giản cây cối um tùm. Khoảng ngang trường Gia Long không có một căn nhà nào… Đêm đó, tôi chẳng may gặp một trận mưa rất to, không có nơi để trú mưa, đành phải đi dưới mưa để tìm ‘thú đau thương’.
Lúc đó, tôi thấy mình thật cô đơn, thấy mình bé nhỏ và hình như bị đời ruồng rẫy đến vô tình. Tôi đi mãi cho tới khi về nhà, không kịp thay quần áo, ôm cây đàn và cứ thế viết về Kiếp Nghèo, về phận bạc của mình”.
Click để nghe Thanh Thúy hát Kiếp Nghèo
“Kiếp Nghèo” cũng chính là tiếng lòng thật sự của nhạc sĩ Lam Phương thời điểm đó. Ông sáng tác bài này khi vẫn còn đi học và thiếu thốn rất nhiều, nên đã cố gắng viết nhạc để kiếm tiền trang trải cho việc học. Chính ca khúc này đã giúp ông “dễ thở” hơn trong hoàn cảnh nghèo túng trước đó.
Đường về đêm nay vắng tanh
Rạt rào hạt mưa rớt nhanh
Lạnh lùng mưa xuyên áo tơi
Mưa chẳng yêu kiếp sống mong manh
Lầy lội qua muôn lối quanh
Gập ghềnh đường đê tối tăm
Ngập ngừng dừng bên mái tranh nghe trẻ thơ thức giấc bùi ngùi.
Êm êm tiếng hát ngân nga, ôi lời mẹ hiền ru thiết tha
Không gian tím ngắt bao la như thương đường về quá xa
Mưa ơi có thấu cho ta lòng lạnh lùng giữa đêm trường.
Đời gì chẳng tình thương không yêu đương.
Thương cho kiếp sống tha hương, thân gầy gò gửi cho gió sương
Đôi khi muốn nói yêu ai nhưng ngại ngùng đành lãng phai
Đêm nay giấy trắng tâm tư gửi về người chốn mịt mùng
Đời nghèo lòng nào dám mơ tình chung.
Trời cao có thấu, cuối xin người ban phước cho đời con
Một mái tranh yêu, một khối tình chung thủy không hề phai
Và một ngày mai mưa không nghe tiếng khóc trong đêm dài
Đây cả nỗi niềm biết ngày nào ai thấu cho lòng ai!”
Ca khúc Kiếp Nghèo như là một bức tranh thu gọn nhưng sống động về một xóm nghèo ngày xưa, nơi có những lối quanh lầy lội, đường đê tối tăm… Ở từ nơi u tối đó cũng có sự sáng lòa lên một hình tượng rất đẹp: “Êm êm tiếng hát ngân nga, ôi lời mẹ hiền ru thiết tha…”
Đối lập với sự ấm áp đó là bên ngoài có một người lữ khách một mình lạnh lùng đi trong mưa gió, nhìn vào khe cửa thấy khung cảnh đầm ấm rồi xót thương cho mình, thương cho đường về quá xa. Dường như đó không phải là tâm trạng riêng của người nhạc sĩ, mà của chung những số phận cần lao khác trong xã hội: Mưa chẳng yêu kiếp sống mong manh…
Click để nghe Mai Hương hát Kiếp Nghèo
Khi mới 10 tuổi, nhạc sĩ Lam Phương giã từ mái nhà tranh xơ xác nơi vùng quê nghèo, lên Sài Gòn làm thuê kiếm tiền phụ giúp mẹ nuôi các em. Ông ở trong khu lao động tối tăm, hàng ngày làm thuê, làm mướn tất cả các nghề để có tiền đi học và gửi về cho mẹ. Kiếp Nghèo như là một thước phim quay chậm về một phần đời của tác giả bài hát, một giai đoạn không thể nào quên.
Trước ca khúc Kiếp Nghèo, nhạc sĩ Lam Phương đã bắt đầu có tiếng tăm trong làng nhạc Sài Gòn với Chiều Thu Ấy, Nắng Đẹp Miền Nam, Đoàn Người Lữ Thứ, Nhạc Rừng Khuya, Khúc Ca Ngày Mùa… Tuy nhiên, bài hát đầu tiên đưa tên tuổi của ông lên đỉnh cao chính là Kiếp Nghèo. Dù viết về hoàn cảnh nghèo túng của chính mình, nhưng bài hát này thực sự đã giúp tác giả thoát xa cảnh nghèo vì nó rất ăn khách và các bản nhạc tờ tin bán được rất chạy, giúp cho tác giả của bài hát đã có đủ tài chính để trả hết tất cả các khoản nợ trước đó và vẫn còn dư ra để trang trải cho cuộc sống.
Một bài hát nổi tiếng khác viết về xóm nghèo ven đô của Sài Gòn vào thập niên 1950, đó là Xóm Đêm, được nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác vào giai đoạn mà nhạc của ông vẫn còn rực sắc màu tươi sáng, cho nên dù viết về cảnh đời khó khăn mà vẫn tràn ngập niềm tin yêu và lạc quan yêu đời.
Đường về canh thâu.
Đêm khuya ngõ xâu như không mầu,
qua phên vênh có bao mái đầu
hắt hiu vàng ánh điện câu.
Đây cũng là một ca khúc có giai điệu bolero hiếm hoi của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, và cũng là một trong những bài hát giai điệu bolero đầu tiên của tân nhạc. Tuy là bolero nhưng màu sắc của bài hát khác hẳn với những ca khúc giai điệu bolero của thập niên 1960 mà người ta thường hình dung.
Một số tư liệu (trong đó có wiki) ghi là Xóm Đêm được sáng tác năm 1962. Tuy nhiên thông tin này có vẻ là không đúng, vì trong tập nhạc Phạm Đình Chương phát hành tại hải ngoại ghi rõ năm sáng tác là 1955, gần như cùng thời điểm với Kiếp Nghèo của Lam Phương và Phố Buồn của Phạm Duy (cùng sáng tác năm 1954).
Xóm Đêm lần đầu được ra mắt khán giả Sài Gòn với ban hợp ca Thăng Long, có sự góp giọng của chính tác giả, rồi sau đó được rất nhiều thế hệ ca sĩ trình bày.
Click để nghe Thái Thanh và Ban Thăng Long hát Xóm Đêm
Gần nửa thế kỷ sau khi bài hát được ra đời, một ca sĩ trẻ là Quang Dũng đã hát lại Xóm Đêm. Thời điểm đó anh là một ngôi sao sáng, một ca sĩ trẻ hát nhạc trữ tình được yêu thích nhất. Cũng từ đó, bài Xóm Đêm, vốn từ lâu bị im tiếng ở thị trường nhạc ở trong nước, bỗng nhiên được khán giả trẻ đón nhận. Giá trị của bài hát này đã được khẳng định xuyên thế kỷ, xứng đáng với tên gọi là ca khúc vượt thời gian. Tuy nhiên khán giả của thế kỷ 21 sẽ không thể nào hình dung được hình ảnh một xóm nghèo thời thập niên 1950, không biết thế nào là “đêm khuya ngõ xâu”, “ánh điện câu” và “phên vênh” nghĩa là gì.
Ca sĩ Quang Dũng đã hát sai câu hát “qua phên vênh có bao mái đầu” thành “qua chênh vênh có bao mái đầu”, làm cho câu hát trở thành tối nghĩa.
“Phên” là tấm che được đan bằng tre, những nhà nghèo thời những năm 1950 ở một xóm nhỏ nghèo, nhiều vách nhà được che bằng tấm phên (còn gọi là nhà vách nứa), lâu ngày mưa nắng làm tấm phên bị cong vênh lên tạo thành một khe hở. Trong một lần bước chân lang thang qua xóm nhỏ, nhạc sĩ nhìn qua khe “phên bị vênh” ấy của một vách nhà nghèo, thấy có những mái đầu trong 1 gia đình đông con chụm lại dưới ánh đèn “hắt hiu vàng ánh điện câu”.
Đêm khuya ngõ xâu như không mầu,
qua phên vênh có bao mái đầu
hắt hiu vàng ánh điện câu.
Câu hát đắt giá này có tới 3 chi tiết có thể gây khó hiểu cho khán giả trẻ. Nhiều người tưởng là “ngõ sâu”, nhưng thực chất, nếu xem lại tất cả các tờ nhạc đã phát hành, cả trước và sau 1975, thì thấy đều ghi là “ngõ xâu”. Có thế nói đó là câu hát ngắn gọn nhất để mô tả những quanh co hẻm nhỏ trong xóm nghèo đan xâu chằng chịt vào nhau. Bấy giờ có khi cả xóm mới có một công tơ điện, mỗi nhà chỉ câu nhờ một bóng đèn vàng võ hắt hiu, nên tác giả gọi là “ánh điện câu”. Dòng “điện câu” thường rất yếu, những ngọn đèn vẫn sáng lên, nhưng là một thứ ánh sáng yếu ớt, vàng vọt!…
Đường dài không bóng.
Xa nghe tiếng ai ru mơ mòng.
Mưa rơi rơi xóa lối đi mòn.
Có đôi lòng vững chờ mong.
Ai chia tay ai đầu xóm vắng im lìm.
Ai rung lên tia mắt ngàn câu êm đềm.
Mong sao cho duyên nghèo mai nắng gieo thêm.
Đẹp kiếp sống thêm.
Màn đêm tịch liêu.
Nghe ai thoáng ru câu mến trìu.
Nghe không gian tiếng yêu thương nhiềụ
Hứa cho đời thôi đìu hiu.
Đêm tha hương ai vọng trông.
Đêm cô liêu chinh phụ mong.
Đêm bao canh mưa âm thầm,
Theo gió về khua cơn mộng,
hẹn mai ánh xuân nồng.
Cho nên đêm còn dậy hương,
để dìu bước chân ai trên đường,
để nhìn xóm khuya không buồn
vì người biết mang tình thương.
Thời điểm năm 1955, nỗi niềm tha hương là thứ gây ám ảnh nhất đối với những người di cư trong tâm trạng nhớ thương về cố xứ. Bản thân nhạc sĩ Phạm Đình Chương cũng là một người di cư, nên hơn ai hết, ông thấu hiểu điều đó đến tận cùng:
Đêm tha hương ai vọng trông.
Đêm cô liêu chinh phụ mong.
Click để nghe danh ca Anh Ngọc hát Xóm Đêm trước 1975
Cũng giống như ca khúc Kiếp Nghèo của nhạc sĩ Lam Phương có hình ảnh “Êm êm tiếng hát ngân nga ôi lời mẹ hiền ru thiết tha”, trong bài Xóm Đêm cũng có bóng dáng của mẹ hiền. Trong đêm tối tăm của xóm nhỏ nghèo, trong cái vàng hắt hiu của ánh điện kia lại thấy bừng sáng lên tiếng ru nghe thật trìu mến của người mẹ – vốn cũng là người cô phụ có chồng phải xa nhà. Họ chia tay nhau nơi đầu xóm vắng, trao đổi với nhau bằng đôi mắt muốn nói lên ngàn lời thương yêu, hứa hẹn đôi lòng vững niềm đợi mong nhau và hy vọng ngày mai sẽ có nắng ấm về làm đẹp mối duyên nghèo.
Trong những bài hát nổi tiếng có chủ đề tương tự, không thể không nhắc đến 2 ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy, cũng được sáng tác vào thời điểm giữa thập niên 1950, đó là Phố Buồn và Bên Ni Bên Nớ.
Click để nghe Lưu Hồng hát Phố Buồn
Nhạc sĩ Phạm Duy cho biết ông sáng tác Phố Buồn năm 1954, nhắc đến người lao động ở những khu nhà vách lá ở ven đô. Không gian của bài hát được mô tả là một xóm nghèo trên con đường nhỏ không tên, có bùn lầy bôi quết, 2 bên là những mái tranh im lìm và tối tăm không đèn. Tất cả những hình ảnh đó hiện ra ngả nghiêng theo bước chân về nhà của một cô gái được tác giả gọi là “em” sau một ngày làm việc vất vả, trong một đêm mưa rả rích:
Ðường về đêm đêm mưa rơi ướt bước chân em
Bùn lầy không quên bôi thêm lối ngõ không tên
Qua mấy gian không đèn
Những mái tranh im lìm
Ðường về nhà em tối đen.
Những gian nhà xập xệ đó là nơi cư ngụ của những công dân hèn mọn, tội nghiệp, chỉ cần nhìn qua song cửa là đã có thể thấy toàn bộ hoàn cảnh của họ:
Nhìn vào khe song trông anh ốm yếu ho hen
Một ngày công lao không cho biết đến hương đêm
Những người lao động nghèo trong xóm mạt hạng này có lẽ là sẽ vĩnh viễn không được hưởng thụ cuộc sống thanh nhàn như là những công dân hạng ưu khác. Quanh năm suốt tháng, sau một ngày mưu sinh vất vả thì đêm về họ chỉ có thể về lại căn nhà 4 vách phênh tồi tàn để chờ hết ngày, thì làm sao biết thế nào là “hương đêm”, làm sao biết những thú vui giải trí ở chốn phồn hoa dù chỉ cách họ một dãy phố nhưng không bao giờ chạm tay tới được.
Em bước chân qua thềm
Mưa vẫn rơi êm đềm
Và chỉ làm phố buồn thêm.
Hạt mưa, mưa rơi tí tách
Mưa tuôn dưới vách
Mưa xuyên qua mành
Hạt mưa, mưa qua mái rách
Mưa như muốn trách
Sao ta chạy quanh
Hạt mưa, mưa yêu áo rách
Yêu đôi sát nách
Mưa ngưng không đành
Hạt mưa, mưa gieo tí tách
Mưa lên tiếng hát
Ru cơn mộng lành.
Những người cả đời được ở trong những căn nhà xây vững chãi tường cao, hay là các căn villa hào nhoáng, sẽ không bao giờ biết được thế nào “mưa tuôn dưới vách”, “mưa xuyên qua mành” hay là “mưa qua mái rách” của những căn nhà mái tranh vách nứa, mỗi mùa mưa đến phải huy động tất cả xô chậu trong nhà để hứng nước dột.
Hạt mưa đã “làm bạn” với người nghèo như vậy qua mọi thời, mưa biết yêu áo rách của người nghèo, yêu đôi sát nách của tầng lớp bình dân, và hạt mưa cũng được nhân cách hóa để biết trách nhân thế sao cứ hoài chạy quanh một vòng lẩn quẩn. Vì cảm thông cho những kiếp nghèo nên mưa cũng lên tiếng hát để ru cho xóm nghèo được những đêm yên giấc mộng lành.
Nhạc sĩ Phạm Duy cho biết: “Với bài này, tôi nghịch ngợm với chữ nghĩa và vần điệu, như mưa rơi tí tách, mưa tuôn dưới vách, mưa qua mái rách, mưa như muốn trách, mưa yêu áo rách… và mơ màng hộ những đôi tình nhân nghèo, phải sống trong những ngôi nhà gỗ mái tôn trong hẻm tối phố buồn rồi nhìn ngôi nhà gạch mà họ mơ tưởng như chiếc bánh ngọt ngon”.
Ðường về trong mơ đêm đêm phố lớn thênh thang
Ánh sáng kinh kỳ tràn lan
Ðời nghèo không riêng thương yêu bóng dáng Xuân sang
Yêu phố vui, nhà gạch ngon…
Sài Gòn phồn hoa có muôn vàn ánh đèn đô thị tràn lan, nhưng dù có là bao nhiêu đèn hoa thì cũng không thể nào soi sáng cho tới phố buồn nơi này:
Ðèn đêm không soi bóng vắng
Kinh đô thắc mắc
Im nghe phố buồn
Người đi trong đêm tối ám
Nghe mưa thức giấc
Khuyên nhau chờ mong.
Nhạc sĩ Phạm Duy đã nhìn thấu được những đời nghèo lững lờ trôi đi như một chiếc bóng trong đêm tối ám, và thấy cả những cuộc tình nghèo không thể nào thấy được tương lai, chỉ biết khuyên nhau chờ mong mà thôi…
Click để nghe Thanh Thúy hát Phổ Buồn trước 1975
Bài hát Phố Buồn nổi tiếng qua giọng hát Thanh Thúy từ khi cô hãy còn là một thiếu nữ đôi tám. Nhạc sĩ Phạm Duy đã nhận xét như sau:
“…Nhờ giọng hát ma quái của Thanh Thúy, nhờ nhà xuất bản ở chợ trời âm nhạc tái bản tới 8 lần, bài ca xã hội này phổ biến ra dân chúng rất nhanh, rất rộng mà không cần phải nhờ tới đài phát
thanh…”
Bài hát thứ 2 của nhạc sĩ Phạm Duy cùng với chủ đề Sài Gòn ven đô là Bên Ni Bên Nớ, phổ từ bài thơ mang tên Tương Phản. Nguyên tác bài thơ này được thi sĩ Cung Trầm Tưởng sáng tác bài này khi mới 18 tuổi lúc ông đang sống ở vùng Dakao, khi ấy vẫn là một vùng ngoại thành tối tăm, hoang vắng và xơ xác.
Một đêm, từ vùng ngoại ô nhìn về phía đô thành với đèn hoa rực rỡ, thi sĩ Cung Trầm Tưởng nhìn thấy rõ một bức tranh tương phản, giữa một bên là đô thành tráng lệ, một bên là hoang liêu như một bãi tha ma.
Từ bài thơ Tương Phản, nhạc sĩ Phạm Duy viết thành ca khúc mang tên Bên Ni Bên Nớ với ca từ khá sát với lời thơ gốc,.
Hãy cùng đi vào chi tiết từng lời hát:
Đêm chớm ngày tàn,
theo tiếng xe về,
lăn về viễn phố
Em hỡi sương rơi,
ngoài song đêm hạ,
ôi buồn phố xá
Hoang liêu về chết tha ma,
tiếng chân gõ guốc xa xa
Người xa vắng người,
người xa vắng người…
“Đêm chớm ngày tàn” thể hiện một bức tranh động, mơ hồ, ở đó có thể nghe cả tiếng xe hối hả về viễn phố cuối ngày. Rồi sương rơi, đêm xuống, bên cạnh những bãi đất dài hoang vu tối tăm và nghĩa trang buồn ở nơi xa ánh đèn phố thị này, chợt nghe tiếng gõ guốc xa xa dồn giã, như là thanh âm của sự sống, là chút giao cảm của đồng loại, là sợi dây mỏng manh và yếu ớt kết nối giữa hoang liêu bãi tha ma hãi hùng này với những những rộn ràng của đô thành rực rỡ.
“Người xa vắng người” là để diễn tả những linh cảm của nhà thơ về sự phân hóa của những người trong xã hội đang chớm hình thành. Đó là phân ly giữa người giàu và người nghèo, người sống và người chết…
Sự tương phản đó được mô tả rõ nét hơn ở đoạn sau:
Em có nghe dồn giã
bước ai vất vả
bóng ai chập chờn?
Hồn ai cô đơn tìm về ấm cúng
Em có nghe bi ai tình ai ấp úng
Thương ai lạc loài
ăn mày xán lạn ngày mai…
Hình dáng kẻ ăn mày chập chờn trong đêm tối, như là một bóng ma vật vờ trên lối nhỏ, lên tiếng ấp úng và van xin chút tình thương, lời cầu xin đó bi ai như tiếng của oan hồn. Đó là những hình ảnh ở nơi tối tăm, nghèo nàn nhưng đầy ắp lòng thương cảm ở “bên ni”. Tương phản với “bên nớ”, dù có những truy hoan dài theo chuỗi cười vô tận, nhưng đó là chuỗi cười theo “vạn mảnh ly tan”:
Click để nghe Khánh Ly hát Bên Ni Bên Nớ
Đêm ni ai say đất lở, em ơi có nghe rạn vỡ
Vạn mảnh ly tan theo chuỗi cười…
Bên tê thành phố tráng lệ
Giai nhân nằm khoe lõa thể
Bên ni phố vắng ôi lòng ngoại ô
Có những sự tương phản ngay cả bên trong vẻ bề ngoài tráng lệ của bên tê, đó là của những trơ trẽn giai nhân khoe lõa thể, những truy hoan lạc bước, và nhìn lại “bên ni phố vắng” thì chỉ thấy một nỗi ngậm ngùi ngân dài…
Em có nghe hồ như bước ai gõ nhịp bước ai giang hồ?
Hẹn ai bên ni dài in ngõ cũ
Em có nghe bên ni lạnh như bên nớ?
Phút giây chia lìa, trong lòng vẫn phải đèo mong…
Hai tâm linh giam kín lại
Bấm đốt ngón tay chờ đợi
Chờ ngày con thơ, thơ cũng ra đời
Em ơi ngoài kia liếp ngõ
Sương rơi ngoài song khép hở
Bên trong kín gió ấm ơi là tình.
Đoạn cuối của bài hát được nhạc sĩ Phạm Duy “rút gọn” câu chữ cho hợp với nhạc nên ý nghĩa không được thông suốt, thành như là bức tranh trừu tượng, ẩn hiện một cách mơ hồ.
Xin chép lại đoạn cuối của nguyên tác từ bài thơ:
Em có nghe mơ hồ
Bước ai thao thức
Gõ nhịp hẹn hò
In dài ngõ cụt
Bóng ai giang hồ
Bên nớ bên ni đêm lạnh cả
Lạnh đêm mà chẳng lạnh vuông phòng
Em ơi bên trong
Dù chia ly đôi phút
Đồng mang nhớ đèo mong
Hai tâm hồn giam kín
Bốn mắt xanh bịn rịn
Anh ngồi làm thơ
Anh ngồi bấm đốt con thơ ra đời
Bên ngoài liếp ngõ sương rơi
Bên trong kín gió ấm ơi là tình…
Ở đoạn này, vẫn là tương phản với những ly tan của “bên nớ”, ở bên ni có những người nghèo khó, thiếu thốn, mà về tình cảm với nhau thì luôn luôn tràn đầy. Đêm khuya gió lạnh từng cơn, dù là bên ni hay bên nớ cũng đều lạnh cả, nhưng ở bên ni thì “Lạnh đêm mà chẳng lạnh vuông phòng”, và dù “bên ngoài liếp ngỏ sương rơi” thì bên trong vẫn “kín gió ấm ơi là tình”…
Hình tượng “bấm đốt ngón tay” được nhà thơ Cung Trầm Tưởng giải thích như sau:
“Thời đó tôi cũng có quen một cô thiếu nữ ở Huế và tôi mê lắm, cùng học trung học. Tôi có vợ chồng một anh bạn, cùng học một trường, anh có một đứa con sắp ra đời, và tôi là cha đỡ đầu cho đứa bé đó. Từ cảm hứng đó tôi mới làm bài này, trong có câu “bấm đốt ngón tay chờ đợi/chờ ngày con thơ, thơ ra đời”.
Có lẽ cũng vì quen với cô thiếu nữ Huế, nên dù là một người gốc Bắc, thi sĩ dùng những chữ rất Huế trong bài thơ này, như là “bên ni, bên nớ, bên tê”.
Ca khúc Bên Ni Bên Nớ đã được ca sĩ Julie Quang hát trước năm 1975, nhưng bài hát này chỉ thành công nhất là với tiếng hát Khánh Ly sau năm 1975. Cô thể hiện bài hát này thành công đến nỗi có lẽ vì vậy mà sau đó không có ca sĩ nào hát lại Bên Ni Bên Nớ nữa. Bài hát có giai điệu mông lung, hoang hoải và đậm không khí liêu trai, hoàn toàn thích hợp với giọng hát liêu trai – Khánh Ly.
Đông Kha