Cùng trang cùng lứa chúng tôi cùng đơn vị thương mến nhau chung một toán
Giã từ Sài Gòn yêu nửa đêm tâm sự lính mơ kiếp tha hương bồng bềnh
Vui chung cuộc hành trình phong sương chưa lần bước ba tháng dài được là bao
Hỏi em em lại khóc, bàn tay đan níu lại xin thời gian chưa qua mau.
Click để nghe Thái Châu hát Giã Biệt Sài Gòn trước 1975
Đó là lời của ca khúc nhạc lính nổi tiếng mang tên Giã Biệt Sài Gòn, có một thời gian dài tác giả của bài hát là một sự bí ẩn. Cũng có một vài nơi ghi tên tác giả bài hát là Tú Nhi, một số nơi khác ghi là Nam Lộc, tuy nhiên cả 2 nhạc sĩ này đều không phải là người sáng tác ca khúc này. Cho đến gần đây, chính nhạc sĩ Hà Phương (tác giả bài Mưa Đêm Tỉnh Nhỏ) lên tiếng khẳng định tác giả bài hát là nhạc sĩ Hoài Nam (tác giả bài Ba Tháng Quân Trường, Chín Tháng Quân Trường, Sau Lần Hẹn Cuối…). Trước năm 1975, nhạc sĩ Hà Phương cùng với nhạc sĩ Hoài Nam ở trong cùng nhóm sáng tác, thường xuyên gặp gỡ nhau ở Mỹ Tho cũng như ở Sài Gòn.
Click để nghe Tuấn Vũ hát
Trở lại với bài hát Giã Biệt Sài Gòn, giống như 2 ca khúc nhạc lính nổi tiếng khác của nhạc sĩ Hoài Nam đã được công chúng biết đến và yêu thích là Ba Tháng Quân Trường, Chín Tháng Quân Trường, bài Giã Biệt Sài Gòn cũng là những tâm sự của người lính mới, vừa mới từ giã đời thư sinh để sống kiếp chinh nhân, bắt đầu làm quen với những cuộc quân hành gian lao vất vả cùng những người đồng đội mới, là những người mà rồi từ đây sẽ cùng thương mến nhau như anh em một nhà, sẽ cùng nhau ra vào chốn tử sinh.
Họ đều là những gã trai đô thành còn rất trẻ, chưa quen với gió bụi phong sương, chỉ vừa mới được đào tạo qua 3 tháng quân trường rồi phải lao ngay vào vùng tử địa nên không thể tránh khỏi những bùi ngùi tâm sự. Trong đêm cuối ở lại với Sài Gòn để rồi ngày mai giã biệt, giờ phút cuối ở bên cạnh người yêu, 2 người cùng nghẹn ngào nhìn nhau không nói, mong thời gian đừng qua mau để đôi tình nhân còn níu lại được chút ân tình chỉ vừa mới chớm nở đã đành phải xa cách nghìn trùng vì thời cuộc.
Ngày xa thành phố nỗi vui cùng nỗi buồn đầy ấp ba lô nặng lắm
Tám thằng trong chúng tôi đứa nghiêng vai ngồi thiếp ngủ, đứa khoanh tay nhìn trời
Xa nhau trong vài giờ, không gian thì lại cách ngăn ngút ngàn rồi em ơi
Gió sông Hương lạnh lắm phải chăng sông nước lạnh hay tại vì anh xa em?
Sáng ngày hôm sau là ngày phải xa thành phố, xa người yêu thương, cuộc hành trình chỉ kéo dài trong “vài giờ” nhưng không gian thì đã ngút ngàn xa cách.
Có thể thấy bài hát này tràn ngập niềm thương cảm, để đến nay chúng ta nghe lại trong thời bình nhưng vẫn xót thương cho tâm tư của người lính mới. Ngày ra đơn vị, hành trang đầy ắp ba lô là những vui buồn lẫn lộn: Buồn vì phải xa những người mình yêu thương, xa những gì thân thuộc nhất. Vui là vì háo hức được dấn bước sông hồ, được phỉ chí làm trai, trực tiếp góp công sức bảo vệ quê hương. Tuy nhiên, giữa những vui buồn đan xen đó thì hiển hiện rõ nhất là một nỗi ngậm ngùi không hề che giấu.
Đêm đầu tiên ở đơn vị gần bên bờ sông Hương, bên cạnh những háo hức “mơ kiếp tha hương bồng bềnh” ban đầu thì sau đó mỗi người lính đều mang những nỗi niềm riêng khi nghe gió lạnh tràn về:
Bao nhiêu thương nhớ giăng đầy
Bọn tôi cũng gượng cười mà lòng nghe buồn riêng vấn vương
Khói thuốc chưa lần châm mồi
Chưa từng quen mùi mà giờ thì nghe ấm môi.
Đêm nay viết cánh thư tình
Đêm đã khuya rồi mà lời lòng chưa vừa ý
Giờ buồn người ở phương xa
Vẩn vơ từ đêm qua.
Sau tất cả những niềm hân hoan cùng nỗi ngậm ngùi, thì cuối cùng người lính đối diện với thực tế, tự trấn an mình bằng những suy nghĩ rộng lớn hơn, để xứng đáng là “người trai hiên ngang”:
Đời trai nghiệp lính biết đi là gian khổ nhưng cũng đi cho thỏa chí
Mấy thuở được làm quen đó đây sông cùng núi, chia sẻ đau thương ngọt bùi
Cho nên dù người thương, cho nên dù người nhớ, ba tháng dài được bao nhiêu?
Có yêu thương thành phố, phải yêu thương núi rừng mới là người trai “hiên ngang”.
Bài hát này được ca sĩ Thái Châu hát lần đầu vào thập niên 1970 với cái tên là Giã Từ Sài Gòn. Sau năm 1975, nhiều ca sĩ hát lại và ghi tên thành Giã Biệt Sài Gòn. Có người nói rằng đây là một bài hát của nhạc sĩ Nam Lộc, tuy nhiên thông tin này hoàn toàn không đúng. Thứ nhất, đây không phải là bài hát thuộc dòng nhạc mà nhạc sĩ Nam Lộc sở trường, vì ông vốn chỉ nổi tiếng với dòng nhạc trẻ. Ngoài ra, chính nhạc sĩ Nam Lộc từng khằng định rằng trước năm 1975, ông chưa từng tự sáng tác nhạc, mà chỉ viết lời cho nhạc nước ngoài. Ca khúc đầu tiên mà nhạc sĩ Nam Lộc tự sáng tác cả nhạc lẫn lời là Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt (còn có tên khác là Vĩnh Biệt Sài Gòn) với sự giúp đỡ của nhạc sĩ Huỳnh Anh. Có lẽ vì nhiều người nhầm 2 cái tên Giã Biệt Sài Gòn và Vĩnh Biệt Sài Gòn nên cho rằng Giã Biệt Sài Gòn là một sáng tác của Nam Lộc.
Bài: Đông Phương
Bản quyền bài viết của nhacvangbolero.com
Tối rất thich Bài hát Giã Biệt Sài Gòn. Đến hôm nay tồi mới nghe lời giải thich của Tác giả là hết sức thuyết phục. Thuyết phục ở chỗ Giai đoạn lịch sử của từng Nhạc Sĩ; thuyết phục ở chỗ Sở trường của từng Nhac Sĩ …mà người nghe có thể cảm nhận được. Chính vì vậy tôi tin rằng NS Hoài Nam là tác giả của bài hát “Giã biệt Sài Gòn”. Rất cảm ơn và trân trọng. (20/09/2021-Nguyễn Tấn Việt – SaiGon)