Có dòng máu nghệ sĩ thích ca hát và phiêu lưu đây đó nên khoảng 18 tuổi, chàng thanh niên Trường Hải cùng với một người bạn đồng lứa là nhạc sĩ Thanh Sơn – tác giả Nỗi Buồn Hoa Phượng – từ giã Sóc Trăng lên thủ đô Sài Gòn để dấn thân vào con đường văn nghệ.

“Ca sĩ” Thanh Sơn thi đậu hạng nhất giải ca của đài phát thanh Sài Gòn năm 1960 và Trường Hải đoạt giải nhì vào năm kế tiếp 1961 với bản Gặp Nhau của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Tuy vậy cả hai đều sống lay lắt ở đất Sài Gòn vì chưa trở thành ca sĩ hát cho các phòng trà.

Nhạc sĩ Trường Hải sau đó được người quen giới thiệu chơi guitar và thổi kèn trong một ban nhạc cho phòng trà Kim Sơn, Hòa Bình, phòng trà nhỏ của Sài Gòn đầu thập niên 60 với Anh Quý, Song Ngọc, Duy Khiêm. Dần dần ông chơi nhạc cho vũ trường Đại Nam, trên lầu có ban nhạc do Lê Văn Thiện, Huỳnh Anh, và dưới lầu thì ban nhạc Trường Hải.

Trong lúc chơi nhạc cho vũ trường thì Trường Hải sáng tác ca khúc. Nhạc phẩm đầu tay mang tên Còn Nhớ Tôi Không, ông bán bản quyền cho trung tâm phát hành Diên Hồng được 15 ngàn đồng, một số tiền tương đương mấy tháng lương công chức hạng trung thời đó. Bản kế tiếp là Những Chiều Không Có Em, ông tự phát hành lấy đợt đầu được 3 ngàn ấn phẩm. Bản này do ca sĩ Hùng Cường hát đầu tiên được thính giả ái mộ:

“Những chiều không có em, ngõ hồn sao hoang vắng…”

Nhưng vì chính sách văn nghệ thời này cấm không cho phổ biến nhạc “ủy mị” trên đài phát thanh Sài Gòn nên sự phổ biến bị chậm lại, và ông bán bản quyền cho trung tâm của ca nhạc sĩ Duy Khánh với giá 18 ngàn đồng.

Sau đó nhạc sĩ Trường Hải chuyển hướng viết nhạc vui như bản Nhịp Đàn Vui:

“Ca lên cho vui, mừng ngày tự do đã đến đây rồi…”

Ông tự phát hành bài này được 10 ngàn bản.

Kế tíếp là bản Tình Ca Người Đi Biển sáng tác năm 1968: “Chiều nay ra khơi, thóang thấy mắt em nhuốm buồn…”  được coi là thành công nhất với 30 ngàn bản nhạc bán sạch. Bài hát này điệu Beguine Rock, được giới trẻ ưa chuộng. Người nhạc sĩ cho biết khi thấy cảnh chia tay của những người lính hải quân trên bến Bạch Đằng – Sài Gòn thì cảm hứng viết nên ca khúc này. Mặc dù nỗi buồn chia ly nhưng khi đàn hát lên thì lại thấy hào hứng vì do tiết điệu nhộn nhịp.

Khi hập ngũ, nhạc sĩ Trường Hải được biệt phái về ban văn nghệ của Quân Vận và ông vẫn tíếp tục sáng tác những bản Chuyện Tình Mimosa, Ai, Em Yêu Nhạc Brahms, Hai Cánh Phượng Buồn, Chết Theo Mùa Thu, Nếu Nhớ Đến Anh, Cớ Sao Em Buồn..; cho đến tháng 4 năm 1975 tổng cộng khoảng 100 bài.

Ông thành lập trung tâm băng nhạc Trường Hải khá sớm của Sài Gòn thập niên 60 với những cuốn băng lấy tên là Nhạc Không Chủ Đề, sản xuất được 22 cuốn với những bài hát do ông sáng tác và của những nhạc sĩ khác và mời nhiều ca sĩ cộng tác như Giao Linh, Trúc Mai, Thanh Tuyền, Nhật Thiên Lan… thu tại phòng thu âm của ca sĩ Pat Lâm ở Chợ Lớn.

Cuốn Truờng Hải 1 mang tên Hai Cánh Phuợng Buồn với nhạc phẩm này do ca sĩ Hương Lan hát đầu tiên. Hương Lan là nghệ sĩ cải lương nhưng khi chuyển sang hát tân nhạc thì đây cũng là bản mở đầu cho con đường mới của cô ca sĩ có giọng hát mùi nhất. Cùng lúc trung tâm Trường Hải cũng mua lại một số băng nhạc trẻ của nhóm Tùng Giang, Lê Hựu Hà để phát hành.


Băng nhạc Trường Hải

Con đường ca hát của nhạc sĩ Truờng Hải khởi đầu là khi ông đàn ờ phòng trà vừa đàn vừa ca; cho đến khi thấy mỗi lần đi làm đều phải mang theo cây đàn guitar nặng nề; cho nên ông chuyển sang ca hát để khỏi phải mang đàn nữa. Ca khúc gắn liền với tíếng hát Trường Hải là Hận Đồ Bàn của nhạc sĩ Xuân Tiên. Trước đó ca sĩ Việt Ấn nổi tiếng với bản này nhưng khi Việt Ấn qua đời thì ca sĩ Trường Hải thay thế. Mỗi lần Trường Hải lên trình diễn thì khán giả đều yêu cầu ông hát bản này. Ngoài ra ông cũng được ưa chuộng với bản Những Chiều Không Có Em, Tôi Đưa Em Sang Sông…

Sau 1975, Trường Hải làm nghề buôn bán nhạc cụ và có một dạo ông tham gia vào đoàn hát của Hòang Biếu lưu diễn các tỉnh để sinh sống qua ngày và tìm đường ra nước ngoài.

Năm 1979 Trường Hải đến Nam Dương và sau đó định cư tại Quận Cam năm 1980. Năm 1981, ông lập trung tâm băng nhạc Trường Hải hải ngoại, được coi là trung tâm sớm nhất ở ngoài Việt Nam. Trung tâm phát hành các cuốn Không 1, Không 2, Không 3 rất thành công. Riêng cuốn Không 1 bằng Cassette bán được 50 ngàn cuốn. Ông cũng là người lăng xê ca sĩ Kim Ngân – một người đẹp nổi tiếng một thời đầu thập niên 80.

Trường Hải cũng thực hiện 2 cuốn băng video ca nhạc như Không 1, Không 2 khá thành công. Vào thời gian đó phim bộ Hồng Kông ra đời làm cho khán giả mê mệt mà lơ là với băng video ca nhạc; nên Trường Hải ngưng sàn xuất vào năm 1985 sau khi đã cho ra đời 22 cuốn cassette. Lý do là ông là ca sĩ đi trình diễn khắp nơi, không có thời gian chăm sóc trung tâm.

Thời gian ở hải ngoại, Trường Hải chuyển hướng sáng tác nhạc đấu tranh và ông đã có thêm 100 ca khúc nữa, cộng thêm vào gia tài 100 ca khúc thời còn trong nước.

Năm nay nhạc sĩ Trường Hải đã ngoài 80 tuổi, sức khỏe suy kém, ở một mình trong căn nhà nhỏ cách Quận Cam 100 dặm.

Con đường âm nhạc của Trường Hải thật đa dạng; ông vừa là nhạc sĩ chơi đàn guitar, vừa là nhạc sĩ sáng tác ca khúc, vừa là ca sĩ, vừa là giám đốc trung tâm băng nhạc Trường Hải ở Sài Gòn trước năm 1975 và đầu thập niên 80 ở hải ngọai. Ít có nghệ sĩ nào kiêm cả 4 khả năng như ông.

Ông tên thật là Trường Hải, nên ca khúc nổi tiếng nhất là Tình Ca Người Đi Biển – thật cũng là một điều thú vị khi tên thật ứng vào cái tên của bài hát thành danh trong cuộc đời nghệ thuật của ông.

Theo Trần Chí Phúc (SBTN)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here