Nhiều người nghe nhạc phổ thông Việt Nam nói chung, thường không có thói quen để ý đến nhạc sĩ hòa âm cho ca khúc. Khi nghe một bài nhạc yêu thích, điều đầu tiên là người ta tìm hiểu để biết tên ca sĩ. Tiếp theo mới đến tên ca khúc và sau cùng là tên người sáng tác. Chỉ có những người mong muốn tìm hiểu rất sâu về ca khúc thì mới đi tìm thông tin về hoàn cảnh sáng tác bài hát, và người hòa âm cho bản thu âm đó.
Nhạc sĩ hòa âm cho ca khúc, tuy ít được nhắc tới nhưng lại đóng một vai trò rất quan trọng trong sứ mạng truyền tải ca khúc từ người sáng tác đến với đại chúng nghe nhạc.
Hòa âm cho một ca khúc là công việc dùng âm thanh của các loại nhạc khí để khắc họa lại nội dung bài hát theo một bố cục nhất định. Để có được một bản hòa âm thành công cho một ca khúc, người nhạc sĩ hòa âm cần lĩnh hội được một số kiến thức nhất định về thanh nhạc và cá tính của từng nhạc khí. Nhưng ngần ấy thì chưa đủ. Người nhạc sĩ hòa âm còn cần một khả năng sáng tạo phong phú để mang những âm thanh của các nhạc khí hòa quyện với giai điệu của bài hát tạo thành một cấu trúc không thể tách rời để nâng giọng hát của người ca sĩ đang trình bày ca khúc lên một tầng cao mới và mang cảm xúc đến giới thưởng ngoạn một cách sâu lắng nhất, tuyệt vời nhất có thể.
Khi các hãng băng đĩa quyết định thu âm cho một ca khúc, đều đầu tiên là họ chọn ca sĩ để hát, sau đó đặt hàng các nhạc sĩ soạn hòa âm. Trước năm 1975, những nhạc sĩ hòa âm nổi tiếng nhất là Nghiêm Phú Phi, Văn Phụng, Lê Văn Thiện, Y Vân… Thời điểm đó không có công nghệ kỹ thuật số như ngày nay, các nhạc sĩ phải viết hoà âm ra giấy rồi đưa cho các nhạc công trình diễn thu âm trực tiếp, đòi hỏi nhiều công phu. Không như hiện nay, kỹ thuật hòa âm đã được sự trợ giúp rất nhiều của công nghệ và máy tính.
Sau đây, xin liệt kê những nhạc sĩ hoà âm nổi tiếng nhất Việt Nam từ xưa đến nay, chia theo dòng nhạc.
Đối với dòng nhạc vàng, các bản tình ca về lính, tình yêu… theo điệu bolero, rhumba, trước 1975 có nhạc sĩ Văn Phụng, Lê Văn Thiện, sau năm 1975 có Trúc Sinh, Tùng Châu, Thanh Lâm, Chí Tài, đặc biệt là Trúc Hồ. Sau 1975, ở trong nước có các nhạc sĩ Quốc Dũng, Bảo Chấn.
Nhạc sĩ Lê Văn Thiện
Ngoài ra, nhạc sĩ Lê Văn Thiện cũng có hòa âm cho rất nhiều băng nhạc vàng hải ngoại thời điểm sau năm 1975. Chỉ trong vòng hơn 20 năm, nhạc sĩ Lê Văn Thiện đã hòa âm cho hơn một ngàn cuốn băng/CD ở hải ngoại, chưa kể các loại băng dĩa trước 1975. Đó là một kỷ lục chưa từng có của thế giới.
Dòng nhạc tiền chiến, trữ tình, trước 1975 có Nghiêm Phú Phi, Y Vân, Văn Phụng… sau 1975 nổi tiếng nhất là Duy Cường. Nhạc sĩ Văn Phụng, Nghiêm Phú Phi cũng hoà âm cho một số CD nhạc trữ tình ở hải ngoại, nhưng không nhiều như trước năm 1975. Riêng nhạc sĩ Y Vân ở lại trong nước sau năm 1975 và phụ trách hoà âm cho nhiều băng nhạc trong nước thời kỳ cuối thập niên 1980.
Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi
Nhạc trẻ hải ngoại có Vũ Tuấn Đức, Tùng Châu, Tùng Giang, Huỳnh Nhật Tân, Sỹ Đan… trong nước có Đức Trí, Viết Tân, Hoài Sa, Huy Tuấn, Võ Thiện Thanh.
Nhạc hoà tấu là Duy Cường, Thanh Lâm
Nhiều người sành nhạc không mua CD nhạc theo ca sĩ hay nhạc sĩ như thông thường, mà mua theo người hoà âm. Những người yêu nhạc trữ tình, tiền chiến thường chỉ thích nghe album nhạc do Duy Cường phụ trách hoà âm. Những người nghe nhạc vàng thì thích Lê Văn Thiện, Trúc Hồ hoặc Tùng Châu.
Nghe CD nhạc trữ tình do Duy Cường hoà âm
Nếu như những nhạc sĩ hoà âm nổi tiếng nhất miền Nam trước năm 1975 thường được người ta kể tên là Nghiêm Phú Phi, Văn Phụng, Lê Văn Thiện, thì sau 1975 người ta nhớ nhiều nhất đến 2 nhạc sĩ Duy Cường và Trúc Hồ.
Nhạc sĩ Trúc Hồ
Cả hai nhạc sĩ này đều theo phong cách bán cổ điển, sử dụng dàn dây nhiều và phối hợp nhiều nhạc cụ của cả phương Tây lẫn Việt Nam rất nhuần nhuyễn tạo nên những tác phẩm hoà âm tuyệt vời, giàu cảm xúc, thể hiện được hết nội dung và tình cảm của bài nhạc. Riêng nhạc sĩ Trúc Hồ có phần đa dạng hơn về thể loại hoà âm, còn nhạc sĩ Duy Cường thì mạnh hơn về việc sử dụng các nhạc cụ cổ điển.
Nhạc sĩ Duy Cường (bên phải) và cha là nhạc sĩ Phạm Duy
Nhạc sĩ Tùng Châu cũng là người có khả năng phối hợp nhiều nhạc cụ phương tây và nhạc cụ dân tộc, cổ kim hoà điệu. Trước khi hợp tác cùng trung tâm Thuý Nga, nhạc sĩ Tùng Châu là người hoà âm chính cho trung tâm Phượng Hoàng và Ca Dao với rất nhiều CD của ca sĩ Trường Vũ, Tuấn Vũ… Những bài nhạc vàng được Tùng Châu hoà âm thường có tiếng đàn tranh, đàn bầu, sáo, tạo ra được sự độc đáo và nét riêng biệt.
Danh sách 1 số nhạc sĩ hoà âm theo trung tâm ở hải ngoại:
- Trung tâm Thúy Nga: Tùng Châu, Đồng Sơn, Chí Tài, Lê Văn Thiện
- Trung tâm Asia: Trúc Hồ, Trúc Sinh…
- Trung tâm Dạ Lan (tiền thân của Asia): Thanh Lâm, Lê Văn Thiện, Trần Ngọc Sơn
- Trung tâm Làng Văn: Văn Phụng, Thanh Lâm
- Trung tâm Diễm Xưa: Duy Cường, Vũ Tuấn Đức
- Trung tâm Vân Sơn: Huỳnh Nhật Tân
- Trung tâm Giáng Ngọc: Lê Văn Thiện, Tùng Giang, Thanh Lâm, Chí Tài
- Trung tâm Phượng Hoàng: Tùng Châu
- Trung tâm Ca Dao: Tùng Châu, Chung Tử Lưu
- Trung tâm Người Đẹp Bình Dương: Lê Đức Cường
- Trung tâm Khánh Ly Production: Lê Văn Thiện