Trong số các nhạc sĩ miền Nam trước 1975, Trầm Tử Thiêng là nhạc sĩ có thể viết nhạc đa dạng thể loại và có sức sáng tác rất mạnh mẽ, cả trước và sau năm 75.

Ông có rất nhiều bài tình ca nổi tiếng như Mây Hạ, Một Thời Để Nhớ, Mộng Sầu, Bài Tình Ca Mùa Đông, Tưởng Niệm, Mười Năm Yêu Em, Trộm Nhìn Nhau… ông cũng sáng tác những ca khúc nói về vận mệnh của dân tộc, về những con người phải sống vào 1 thời điêu linh: Kinh Khổ, Bài Hương Ca Vô Tận, Con Quốc Việt Nam, viết về một đất Huế điêu tàn với Những Con Đường Trắng, Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy, Tôn Nữ Còn Buồn. Sau năm 75, ông cũng có nhiều bài hát trên đường lưu vong như Đêm Nhớ Về Sài Gòn, Một Ngày Việt Nam…

Riêng về nhạc lính, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng cũng để lại nhiều ca khúc nổi tiếng được nhiều thế hệ yêu thích: Rồi 20 Năm Sau, 7000 Đêm Góp Lại, Vùng Trước Mặt và đặc biệt là Đưa Em Vào Hạ.

Bài hát Đưa Em Vào Hạ được viết theo một hình thức tương đối khác biệt so với những ca khúc nhạc vàng khác, đó giống như là một câu chuyện kể hành trình, một cuộc du hành trong tâm tưởng. Tác giả dùng 2 nhân vật “anh” và “em” để dẫn dắt người nghe nhạc đi dọc non sông. Có thể hình dung rằng nhân vật “anh” đang kể cho người yêu nghe về những điều đang xảy ra trên quê hương, đó là những gian lao, khổ cực của một lớp trai đang ở nơi đầu tuyến phải gánh chịu, và người con gái có thể vì đang được sống ấm êm giữa “phố chợ” nên chưa hề được nghe, được biết… nay những điều đó được bày ra trước mắt:

Mùa hè năm nay anh sẽ đưa em rời phố chợ đôi ngày
Qua miền xa mà nghe rừng thiêng gọi lá
Tiếng nỉ tiếng non khi chiến trường nằm im thở khói
Đứa bé nhìn cha đang chờ giặc dưới giao thông hào


Nghe Duy Khánh hát Đưa Em Vào Hạ trước 75

Đầu tiên là “anh” đưa “em” rời phố chợ yên vui để lên chốn rừng thiêng, cũng là nơi đầu tuyến có hào sâu quanh co, anh sẽ chỉ cho em thấy ở nơi đó có một đứa bé nhìn cha đang chờ giặc ở dưới giao thông hào. Hình ảnh đó thật dễ gây ám ảnh và gợi thương cảm lòng người. Đứa bé đáng lẽ ra phải được lớn lên ở một nơi thanh bình, tránh xa những hình ảnh binh đao. Nhưng nay, trước mắt nó đang là một khung cảnh hãi hùng mà có thể đầu óc non nớt đó chưa nhận thức hết được. Có lẽ vì sự nguy ngập của hoàn cảnh lúc đó mà người cha đã lâu không được về phép thăm nhà, và chỉ được gặp lại vợ con trong phút giây hiếm hoi ngay ở nơi đầu tuyến, giữa chốn rừng thiêng xa tít tắp.

Hình ảnh “nằm im thở khói” là bức tranh vắng lặng đầy mùi tử khí của một vùng chiến địa, im ắng và đáng sợ, và chỉ là tạm thời lắng xuống để chờ đợi bùng lên những trận giao tranh vẫn còn tiếp diễn.

Tìm về xa xôi em sẽ thương những vùng đất lở sông bồi
Bạn bè em giờ đây người sương người gió
Chí cả trót mang nên chẳng cần về thăm trường cũ
Có đứa từ lâu nay vẫn còn đi biệt chưa về…

Tiếp theo “anh” lại đưa “em” đi tìm về những nơi xa xôi hơn, về dọc dải đất miệt vườn, nơi có đất lở và sông bồi… cũng đang có hàng vạn người trai đã chọn con đường sương gió gian khổ, đi biền biệt chưa hẹn ngày về. Dù ở nơi đâu trên khắp các vùng chiến thuật, họ đều có một điểm chung, đó là “chí cả” đã trót mang trong mình khi được sinh ra trong thời loạn.

Quê hương đâu nắng hạ cũng buồn
Nước sông ngăn đôi sơn hà còn gì em còn gì đâu
Mùa hạ qua mau
đi nữa đi anh trên con đường quê hương mịt mùng
Thương những chiều nắng dọi bờ sông…

Kể từ cái năm mà dòng sông Bến Hải ngăn đôi sơn hà làm đau lòng đất mẹ, và nắng hạ cũng u buồn theo. Khi được nhân vật “anh” giải thích nỗi thống khổ của quê hương như vậy, nhân vật “em” đã hiểu ra và thúc giục: Đi nữa đi anh, trên con đường quê hương mịt mùng. Nghe người yêu kể, cô gái càng thêm chạnh lòng thương non sông gấm vóc mà biết bao nhiêu người trai vẫn đang sương gió miền xa để gìn giữ.

Mùa hè năm nay anh sẽ ru em tròn giấc ngủ trên ngàn
Em nằm mê mà nghe niềm tâm sự réo
Trăm họ ước mơ mơ mái nhà chiều khơi lửa ấm
Lứa tuổi tròn hai mươi tìm lại những đêm ân tình

Mùa hè năm nay, sau giấc ngủ tròn mộng, trong những giấc mê đời, cô gái đã bắt đầu hiểu ý nghĩa của những “mái nhà chiều khơi lửa ấm” – là bức tranh thanh bình nhiều người mơ ước – không phải tự nhiên mà có, mà đó là cả một quá trình tranh đấu. Đến lứa tuổi tròn 20, cô gái mới bắt đầu được hiểu ý nghĩa của cuộc sống…

Mùa hè năm nay anh sẽ đưa em vòng khắp cả hý trường
Nghe người ca bài ca lời thương lời nhớ
Chén tiễn chén đưa cho rã rời một đêm hẹn ước
Rứt áo tìm vui nơi chiến trường có bạn có thù

Hý trường là nơi xảy ra những cuộc vui buồn xáo trộn. Trong bối cảnh bài hát này, đó là một khái niệm mang tính tượng trưng, giống như câu thơ nổi tiếng của Bà huyện Thanh Quan: Tạo hoá gây chi cuộc hý trường…

Vì một cuộc hý trường đó, những người trai đành lòng rứt áo từ giã phố phường, chén tiễn chén đưa và lên đường tìm vui nơi chiến trận.

Thương em đi gót nhẹ chân mềm
Bước trên quê hương điêu tàn
Lặng nhìn em bồi hồi thêm…

Dù hạ qua mau anh vẫn đưa em
cuối con đường quê hương bùn mềm
Thương những người giết giặc ngày đêm

Tình yêu dành cho người yêu bé bỏng được thể hiện ở việc thương xót cho đôi gót nhẹ chân mềm người thiếu nữ đang bước trên một quê hương không lành lặn. Nhìn người yêu mà lòng bồi hồi, thương em, thương cả non sông điêu tàn đã bao năm. Dù hạ này có qua mau, anh hứa rằng sẽ đưa em đi hết cuối quãng đường quê hương này, để biết thương và trân trọng những người đang ngày đêm nơi đầu tuyến, để thêm yêu và trân trọng cuộc sống thanh bình nơi phố thị.

Yên Linh (nhacvangbolero.com)

1 COMMENT

  1. Hôm rồi thằng em rất thân, thắc mắc cớ sao ông già lúc nầy sinh tật, mê dòng nhạc Bolero dữ dzậy?

    Ờ mà mê thì đã có sao? Nó mùi tê tái mà? Và nói thật dòng nhạc nào người ta có thể tráo trở, quơ đại chứ dòng nhạc lính Bolero thì cho tiền cũng không có nhiều ca sĩ bây giờ dám hát, đếm trên đầu ngón tay.

    Tôi mê Bolero? Không những mê mà còn quý vì nó chính là linh hồn của người lính VNCH xa xưa, nó đại diện cho cả một quá khứ hào hùng, lãng mạng. Cương quyết nhưng không bạo tàn, chiến đấu vì dân chứ không vì chế độ. Nó là nhân bản.

    Tà dương khuất trong sương là mỗi lần ngóng chờ,
    Nhìn theo phía chân mây, đợi chuyến xe xưa về chưa,
    Nếu hay chăng người ơi, chốn xa xôi chàng trai,
    Còn đem yêu thương rắc lên muôn vạn oán hờn,

    Chuyến Tàu Hoàng Hôn
    Tác giả: Minh Kỳ & Hoài Linh

    Trời mèn ơi tê tái như vậy mà sao mình không mê? Chấp hết nhạc đỏ, thử coi có một bài nào hay như vậy không? Nầy nhé thử nghe khúc nầy

    Mùa Hè năm nay anh sẽ đưa em vòng khắp cả hý trường.
    Nghe người ca bài ca lời thương lời nhớ.
    Chén tiễn chén đưa cho rã rời một đêm hẹn ước.
    Rứt áo tìm vui nơi chiến trường có bạn có thù

    Đưa Em Vào Hạ
    Tác giả: Trầm Tử Thiêng

    Nơi chiến trường có bạn có thù? Tâm tư người lính trẻ đối diện với cái chết rất ư là “bình thản” và bao dung. Chấp nhận cái chung là “Có bạn có thù” có nghĩa là “thù” là một chủ từ hiện thực như là bạn, chia sẽ cái chết trong sự chờ đợi nhưng không có chút nào oán hận. Còn có ý nghĩa thiền định nào hơn không? Tâm tự tại trong cái “tịnh” giữa muôn vạn cái động.

    Ái dza… Đừng bảo là tại già mê Bolero nhe?

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here