“Viết Từ K.B.C” là ca khúc nhạc lính nổi tiếng của nhóm Lê Minh Bằng ký với bút danh Mạc Phong Linh – Hoàng Minh, được ca sĩ Trang Mỹ Dung hát lần đầu trước năm 1975.
Về cái tên “KBC”, nhiều người đã nhầm tưởng là viết tắt của chữ Kampuchia, nhưng cũng có nhiều người biết ý nghĩa của KBC chính là “Khu Bưu Chính”. Vào thời 50-60 năm trước, khi mà phương tiện viễn thông chỉ mới sơ khai thì thông tin liên lạc giữa các nơi xa với nhau, đặc biệt là liên lạc giữa tiền tuyến và hậu phương chủ yếu là qua những lá thư.
Trong nhạc vàng, có rất nhiều bài hát có nội dung viết về những lá thư gửi từ tiền tuyến: Thư Về Em Gái Thành Đô, Thư Đô Thị, Lá Thư Tiền Tuyến, Nhịp Cầu Tri Âm, Sau Ngày Hành Quân, Cảm Ơn, Tình Thư Của Lính, Thư Cho Vợ Hiền, Thư Xuân Trên Rừng Cao, Thư Ngoài Biên Trấn, Sao Chưa Thấy Hồi Âm, Gửi Về Anh, Thư Gửi Người Miền Xa, Lời Tình Viết Vội…
Những tâm tư, tình cảm của người lính trận và người thân nơi quê nhà đều được chuyên chở bằng những bao thư thông qua KBC. Vậy KBC – Khu Bưu Chính nghĩa là gì?
Trong phần đề tựa ca khúc Để Trả Lời Một Câu Hỏi, nhạc sĩ Trúc Phương ghi như sau:
“Cho tất cả bạn hữu cuea Dzũng Chinh vùng KBC 3054 – T.P 1966”.
Vào năm 1966, nhạc sĩ Dzũng Chinh đang đóng quân ở vùng Trà Vinh, có mã Khu Bưu Chính là 3054.
Trong ca khúc Lá Thư Đô Thị của nhạc sĩ Tuấn Lê do Chế linh hát trước năm 1975 có câu hát cuối cùng như sau:
Chữ nghiêng giấy mỏng mực xanh gói cả chân tình,
nhờ Khu Bưu Chính bắc cầu về anh…
KBC có nghĩa là “Khu Bưu Chính”. Là đơn vị chuyên nhận và chuyển phát thư từ, điện tín dành riêng cho quân đội. Tương tự như chữ Quân Bưu, tức là KBC chỉ có trong quân đội của VNCH, còn khu vực dân sự thì không có Khu Bưu Chính mà ghi số nhà trên bao thư thông thường như hiện nay.
Vì sao KBC chỉ dành cho quân đội? Đó có thể là vì thường ở những nơi đóng quân trên khắp vùng chiến thuật không có địa chỉ cụ thể, nên sẽ có một Khu Bưu Chính để nhận thư, sau đó bưu tá sẽ lấy thư và đưa đến tay từng quân nhân ở các đơn vị.
Mỗi đơn bị trong từng binh chủng sẽ có một số KBC khác nhau, muốn chuyển phát thư đến chính xác từng quân nhân đều căn cứ theo số KBC của đơn vị và binh chủng đó.
Ví dụ như KBC có số nhỏ nhất là KBC.3001 thuộc về Tiểu đoàn 51 Pháo Binh. Tuy nhiên KBC không chỉ được cấp cho các đơn vị tác chiến, mà được cấp cho tất cả các đơn vị liên quan đến quân đội, bao gồm các trường, trung tâm huấn luyện. Ví dụ như KBC.4027 là của Trường Võ bị Đà Lạt, KBC.4100 là của trường Bộ binh Thủ Đức…
Có trường hợp các đơn vị tác chiến đang đi hành quân sẽ thêm chữ HQ để phân biệt. Ví dụ như Tiểu đoàn 1 TQLC có KBC 3333, nếu tiểu đoàn này đang đi hành quân thì trên bì thư được ghi là KBC 3333/HQ, hoặc KBC 3333 hành quân.
Việc gửi thư thông qua KBC cho người lính cũng được hưởng nhiều ưu đãi của Bưu điện, đó là cước gửi thư chỉ bằng một nửa giá cước của thư dân sự.
Trở lại với ca khúc Viết Từ KBC của nhóm nhạc sĩ Lê Minh Bằng:
“Từ KBC giá lạnh rừng sâu,
Anh gởi lời thăm về em yêu dấu
Qua bao ngày chúng mình xa nhau,
Chắc em để phấn son nhạt màu
Và buồn trong cả giấc chiêm bao…”
Click để nghe Trang Mỹ Dung hát Viết Từ KBC trước 1975
Từ khu bưu chính ở tận rừng sâu xa xôi địa đầu chiến tuyến, khi tạm dừng chân trong ngày hành quân mỏi gối, người lính gửi thư về thăm người yêu sau nhiều ngày xa cách. Thương cho người em nhỏ chốn xa đang vàng võ đợi chờ, nhạt màu phấn son…
Đừng buồn em ơi nếu hiểu được anh.
Đây miền rừng xanh bụi vương áo lính.
Khi quê mình khói lửa điêu linh.
Nhớ em nhiều biết sao thôi đành.
Vùi chôn khỏa lấp chữ tình.
Em ơi lau lệ buồn
còn chinh chiến anh còn đi.
Đừng giận hờn anh em nhé!
Mình thương thì gọi tên nhau.
Mình nhớ, mà không u sầu,
dặn dò em chỉ đôi câu.
Bài hát nói về tâm tư của người lính, tuy ca từ đơn giản, nhưng thể hiện được đúng nỗi lòng của hàng triệu người quân nhân thời đó, nên ca khúc này rất được yêu thích, được yêu cầu rất nhiều trên chương trình nhạc yêu cầu của đài phát thanh.
Từ KBC viết gửi về em.
Riêng tặng người yêu nụ hôn thương mến.
Mai anh về kể chuyện nhà binh.
Lính xa nhà nhớ cô nhân tình.
Chuyện vui ngày cưới đôi mình…
Đông Kha (nhacvangbolero.com)
1-Giống như “MÃ DỐ HÒM THƯ” của Bộ đội ta thời chống Mỹ ấy mà. Thời ấy, các thư:
a- Dân gửi Bộ đội:
– Phần người gửi: Ghi TÊN & ĐỊA CHỈ cư trú (Xã- Huyện- Tỉnh,..)
– Phần người nhân: Ghi TÊ& SỐ HÒM THƯ(Như 16357- 98172,..sô này do Quân bưu quy định cho các đơn vị Bộ đội cụ thể để sau này từ SỐ ĐÓ họ tìm ra đơn vị có NGƯỜI NHÂN là anh bộ đội nào)
b- Bộ đội gửi Dân:
– Phần người gửi: Ghi TÊ& SỐ HÒM THƯ
– Phần người nhận: Ghi TÊN & ĐỊA CHỈ cư trú (Xã- Huyện- Tỉnh,..)
2- Sở dĩ phải làm thế vì hai lý do:
– Giữ bí mật về Thực lực quân đội(Binh chủng- Quy mô- …) và ĐỊA CHỈ ĐÓNG QUÂN
– Không có ĐỊA CHỈ ỔN ĐỊNH vì địa chỉ này thường thay đổi theo chiến dịch, nhất là thời chiến.