Nhạc sĩ Hoàng Nguyên là một trong những tên tuổi tiêu biểu của dòng nhạc Việt Nam. Trong cuộc đời ngắn ngủi 43 năm của mình, nhạc sĩ đã để lại nhiều ca khúc bất tử: Ai Lên Xứ Hoa Đào, Tiếng Hai Đêm, Đường Nào Lên Thiên Thai, Tà Áo Tím, Bài Thơ Hoa Đào, và Cho Người Tình Lỡ – ca khúc viết cho mối tình đau xót của chính tác giả.

Khóc mà chi, yêu thương qua rồi
Than mà chi, có ngăn được xót xa
Tiếc mà chi, những phút bên người
Thương mà chi, nhắc chi chuyện đã qua…

Nhạc sĩ Hoàng Nguyên sinh tại Nghệ An năm 1930, từng theo tham gia kháng chiến từ năm 18 tuổi. Đến năm 20 tuổi, ông theo cha vào Quảng Trị rồi đến Huế học trường Khải Định (nay là Quốc Học Huế). Lúc này do quá tuổi đi học tại đây nên ông khai lại thông tin là sinh năm 1932 tại Quảng Trị.

Sau hiệp định Geneve, Hoàng Nguyên vào định cư ở Đà Lạt, dạy môn văn và âm nhạc. Khi đó nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là một trong những học trò tương đắc nhất của Hoàng Nguyên và nhận được sự dìu dắt tận tình của thầy.

Những năm sinh sống tại đây, nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã ca ngợi cái đẹp thơ mộng lãng mạn của Đà Lạt bằng các ca khúc nổi tiếng Đà Lạt Mưa Bay, Ai Lên Xứ Hoa Đào Bài Thơ Hoa Đào.

Năm 1957, chính quyền Đà Lạt có cuộc thanh lọc công chức, nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã có giai đoạn tham gia kháng chiến khoảng 2 năm nên bị theo dõi. Cảnh sát khám xét bất ngờ và phát hiện tại nhà của Hoàng Nguyên có bản nhạc Tiến Quân Ca của nhạc sĩ Văn Cao nên ông bị bắt. Khi đó hầu hết các tù nhân chính trị đều bị đày ra Côn Đảo, lúc đó còn thuộc tỉnh Côn Sơn.

Tại đây, sự tài hoa của nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã được chỉ huy trại tù Côn Đảo mến mộ và đưa về tư gia để dạy nhạc và Việt văn cho con gái 19 tuổi. Những tháng ngày gần gũi nhau đã làm bùng phát cuộc mối tình mãnh liệt, không lâu sau đó thì cô gái mang thai.


Click để nghe nhạc

Việc “ăn cơm trước kẻng” với một phạm nhân của vị tiểu thư này, nếu để người ngoài biết được thì sẽ trở thành tai tiếng lớn cho gia đình, nên cha cô gái phải đứng ra giải quyết hậu quả. Đầu tiên ông vận động để Hoàng Nguyên được thả về Sài Gòn, sau đó đưa con gái về lại quê ở Huế để “lánh nạn”, chờ ngày sinh con xong để sắp xếp một cuộc hôn nhân. Tuy nhiên sau đó, có thể vì vẫn còn hoài nghi về thân phận “cộng sản” của nhạc sĩ Hoàng Nguyên, phần thì không chấp nhận cuộc tình thầy trò vượt quá giới hạn, nên cha của cô gái đã sắp xếp một cuộc hôn nhân khác cho con mình.

Nhạc sĩ Hoàng Nguyên biết tin cô gái lấy chồng, thân phận bẽ bàng, ông viết nhiều ca khúc cho người yêu:

Rồi chợt nghe tin qua lời gió nhắn
Người áo tím qua cầu
Tà áo tím phai màu
Để dòng Hương Giang hờ hững cũng nao nao (Tà Áo Tím)

và:

Thuở ấy yêu nhau anh làm thơ
Thuở ấy yêu nhau em đợi chờ
Dòng nước Hương Giang trôi lặng lờ
Chưa biết chi giận hờn
Và chưa biết sầu mộng mơ…

Nổi tiếng nhất trong số này là ca khúc Cho Người Tình Lỡ với ca từ rất đau xót:

Khóc mà chi yêu thương qua rồi
Than mà chi có ngăn được xót xa
Tiếc mà chi những phút bên người
Thương mà chi, nhắc chi chuyện đã qua

Anh giờ đây như là chim rã rời cánh
biết bay phương trời nào
Em giờ đây như cành hoa trót tả tơi
đón đưa ngọn gió nào.

Sau cơn bão tố, mỗi người đã ở mỗi phương trời xa thăm thẳm. Anh đã như cánh chim rã rời bay lạc hướng, không biết nơi nao là bến bờ. Còn em là cánh hoa đã trót bị tả tơi chỉ sau một đêm vàng son rã rời.

Dù có tiếc, có thương hay là có khóc than gì thì chuyện yêu thương ngày hôm qua cũng đã trở thành quá vãng xa xăm, không thể nào níu kéo được nữa.

Mình nào ngờ tình rơi như lá rơi.
Ngày tình đầy, vòng tay ôm quá lơi.
Để giờ này một người khóc đêm thâu,
Một người nén cơn đau
nghe mưa mà cúi đầu.

Ngày mình bên nhau, khi tình vẫn còn thắm thiết, nhưng hình như anh đã thoáng cảm nhận được vòng tay buông lơi, nên khi chỉ qua một vài cơn giông gió thì đã dễ dàng buông tay nhau để cách xa vĩnh viễn. Từng đêm thâu anh nghe tiếng mưa như rớt vào tận trong cõi lòng lạnh giá, gục đầu cố nén cơn đau và nghe tiếng lá rơi nhẹ ngoài thềm giống như là tình mình đã rớt rụng. “Tình rơi như lá rơi” là hình ảnh nghe sao mà ám ảnh và buồn thương.


Click để nghe Dạ Hương hát

Thế là hết, nước trôi qua cầu
Đã chìm sâu những tháng ngày đắm mê
Thôi đành quên những tiếng yêu đầu
Những lời yêu ấy nay đã quá xa.

Nẻo đường cũ giăng đầy mưa khuất mù lối
khiến nên tình đành lỡ
Ta giờ đây như rừng thu
Nắng lịm với chiếc lá vàng cuối mùa.

Nhìn lại quãng đường đã qua, nhìn lại những tháng ngày mà mình còn ở bên nhau, chỉ thấy một màn mưa đã giăng mù khuất lối. Phải chăng màn mưa đó chính là những trái ngang đã chia cách tình nhân trong cuộc yêu đương lỡ làng, để lại ta nằm lịm chết như chiếc lá vàng cuối mùa đang đợi chờ phút giây linh hiển.

Bài: Yên Linh
Nguồn: nhacvangbolero.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here