Song Ngọc và Hoài Linh là 2 trong số những nhạc sĩ nổi tiếng nhất của dòng nhạc vàng, mỗi người đều có một chỗ đứng riêng biệt với rất nhiều ca khúc đã trở thành bất tử. Giữa hai nhạc sĩ này có một khoảng cách về tuổi tác khá lớn, Hoài Linh (sinh năm 1925) hơn Song Ngọc (sinh năm 1943) đến 18 tuổi, có thể xem là cách nhau cả một thế hệ, nhưng họ lại vô cùng thân thiết và đã cùng nhau sáng tác nhiều bài nhạc vàng nổi tiếng: Chiều Thương Đô Thị, Chúng Mình 3 Đứa, Một Chuyến Bay Đêm, Thiệp Hồng Anh Viết Tên Em, Nó Và Tôi…
Sau đây mời các bạn nghe lại những ca khúc nhạc vàng hay nhất được 2 nhạc sĩ này hợp soạn và được các ca sĩ nổi tiếng thu âm trước 1975.
Chiều Thương Đô Thị
Đây là bài hát đầu tiên đánh dấu tính bằng hữu của 2 nhạc sĩ, được sáng tác khi Song Ngọc mới 19 tuổi và bước vào quân trường Thủ Đức, “vào đời manh áo ᴄhιến lúc tuổi còn xanh” như bao nhiêu người trai cùng thế hệ khác. Phần nhạc của ca khúc Chiều Thương Đô Thị do nhạc sĩ Song Ngọc viết, và phần lời là do Hoài Linh phụ trách, như là lời đưa tiễn người em thân thiết bước vào cuộc đời quân ngũ gian lao:
Tình quê hương gợi sâu,
Tình tôi, anh bền lâu vì mai đây tôi xa cách kinh thành
Mộng trường chinh khói binh,
vào đời manh áo ᴄhιến lúc tuổi còn xanh.
Click để nghe Hương Lan hát Chiều Thương Đô Thị
Chúng Mình Ba Đứa
Mình có ba người
Vừa đúng nét đôi mươi
Những chiều mây lưng đồi
Tầm mắt hướng xa xôi,
Ngày sau một hai trong ba đứa
Không chung đường
Chắc nhớ nhau nhiều lắm
Click để nghe Nhật Trường – Như Thủy hát Chúng Mình 3 Đứa
Bài hát viết về 3 người bạn thân từ nhỏ, khi lớn lên thì cùng vào quân ngũ và thuộc 3 binh chủng khác nhau: không quân, hải quân và lục quân. Nội dung này khá tương đồng với ca khúc Ly Cà Phê Cuối Cùng nên thường được các ca sĩ ghép 2 bài thành 1 liên khúc. Một sự trùng hợp là cả 3 người lính trong bài hát đều yêu cùng một cô gái:
Đôi khi thấy buồn về thăm chốn xưa
Đôi mắt đẹp mà cả ba đứa ưa
Xa em vài tháng mà giờ trăng tròn lắm
Muốn hoài ghé thăm
Đó là cô gái tên Hương mà ở bài hát Một Chuyến Bay Đêm sau đây sẽ nhắc tới rõ hơn.
Một Chuyến Bay Đêm
Bài hát Một Chuyến Bay Đêm có nội dung là lời tâm sự của người phi công thường phải xuất kích vào trời đêm. Bài hát này cũng được nhạc sĩ Song Ngọc sáng tác nhạc và nhạc sĩ Hoài Linh viết phần lời.
Đêm nay chuyến bay trời xanh như màu áo
Đường Minh Đế nhàn du thăm tinh cầu,
Chạnh thương hai đứa giờ gối súng nơi nào
Lâu lắm chẳng gặp nhau.
Click để nghe Thanh Thúy hát Một Chuyến Bay Đêm
“Đường Minh Đế” là đường gì, và “chạnh thương hai đứa” là “hai đứa” nào? Điều này được chính nhạc sĩ Song Ngọc nói rõ ở trong bức thư ở phần phụ lục bài hát như sau:
“Đêm nay trong chuyến bay độc hành giữa bầu trời lồng lộng, anh cố tìm đôi mắt em ẩn hiện giữa các vì sao. Tiếng động cơ vi vu như một điệu nhạc đưa tiềm thức anh tìm về quá khứ.
Thuở ấy, tuổi thơ trong trắng và mang nhiều mộng đẹp. Nhìn trời cao thăm thẳm nhiều lần anh ước được như cánh diều bay bổng lên không trung để níu áo chị Hằng đang ngồi đan áo cho chú Cuội bên sông Ngân. Chuyện đời ai có thể ngờ Hương nhỉ! Hai mươi năm sau mộng thành sự thật. Bây giờ trong MỘT CHUYẾN BAY ĐÊM nhớ lại dĩ vãng thốt nhiên anh mỉm cười.
Hương ơi! chỉ có những kẻ vào đời với đôi cánh bằng khát gió như chúng anh mới có được tâm trạng đêm đêm “Ta là Đường-Minh-Hoàng vân du nguyệt điện”.
Đêm nay nhớ về gác trọ ngày xưa có đôi mắt đẹp mà cả 3 đứa ưa. Nhớ em cũng nhiều mà thương tụi nó không ít. Không hiểu giờ này chúng nó ở đâu? lênh đênh nơi biển cả hay đang gối súng nơi rừng sâu? Chao ôi là nhớ!
Hương ơi! ghi vội những giòng này giữa lúc mà anh tin chắc rằng nhân loại đang say sưa trong giấc điệp trong đó có Hương và những người thân yêu của anh.
Bình minh đang ló dạng, cho phép anh ngừng bút và hẹn thư sau…”
Đọc bức thư này, những người yêu nhạc vàng sẽ cảm thấy thú vị vì chợt hiểu ra “đôi mắt đẹp mà cả 3 đứa ưa” trong bài hát Chúng Mình Ba Đứa chính là người con gái tên Hương – người vinh dự được ba anh lính ở 3 binh chủng khác nhau theo đuổi.
Thiệp Hồng Anh Viết Tên Em
Đây là bài nhạc lính nổi tiếng của dòng nhạc vàng, có nội dung là tâm sự của một người lính trẻ nơi tiền đồn xa xôi, anh luôn mộng mơ về một tương lai gần sẽ được ghi tên mình lên tấm thiệp hồng cùng với người yêu:
Đời chinh nhân mộng mơ
Bài thơ chưa đoạn cuối
này mai chép thêm vần vào em ơi
viết trên thiếp hồng nét chữ hoa cuối dòng tên em vào được không.
Click để nghe Phương Dung hát Thiệp Hồng Anh Viết Tên Em
Nó Và Tôi
Đây là ca khúc nhạc lính nổi tiếng mà hầu như ai yêu nhạc vàng cũng đều biết đến những câu hát và giai điệu đã trở thành bất tử: Tôi nó sinh ra nhằm chinh ᴄhιến mới quen nhau đã thương mến…
Bài hát được ký tên trên tờ nhạc là Song Ngọc và Vọng Châu, và có một điều không nhiều người biết, đó là Vọng Châu thực ra là một bút danh của nhạc sĩ Hoài Linh.
Nó Và Tôi nói về tình đồng đội cảm động giữa 2 người lính đã quen nhau qua 3 tháng quân trường và trở nên thân thiết. Sau 3 tháng cam go đó, các tân binh sẽ ra đi về khắp các miền biên địa, mỗi người một nơi trên biên ải đối diện cùng hiểm nguy. Chỉ 2 năm sau, một người nhận được tin buồn từ nơi biên thùy gió cát, rằng bạn thân mến đã hiên ngang nằm xuống cùng đất mẹ, để lại biết bao nhiêu tiếc thương.
Ðôi đứa đôi nơi ngày đầu tiên biết tin nhau là tin cuối
Chát cay đầu môi chiều khu ᴄhιến mưa sụt sùi
Nhìn trong lòng giấy nét quen xưa nghiêng đỗ gãy
Nó đi nhưng còn đây…
Click để nghe Nhật Trường hát Nó Và Tôi
Đêm Không Còn Buồn
Bài hát nói về sự ngăn cách lứa đôi vì người chinh nhân phải lên đường để giữ quê hương trong thời ly loạn. Bài hát là lời nhắn nhủ của anh lính gửi về người yêu nơi xa, cùng với những lời hứa hẹn thuỷ chung, cùng mơ sẽ đến một ngày về để nối lại duyên tình, tròn lời hẹn ước, để những đêm về không còn niềm buồn thương nữa.
Click để nghe Hoàng Oanh hát Đêm Không Còn Buồn
Chuyện Buồn Năm Cũ
Tương tự bài hát Đêm Không Còn Buồn, đây cũng là một ca khúc nói về thời binh lửa, và cuộc ly loạn miên viễn đó làm ngăn cách tình duyên lứa đôi. Nếu như Đêm Không Còn Buồn là lời tâm sự của chinh nhân, thì Chuyện Buồn Năm Cũ là lời của người con gái ở quê xa, cô vẫn luôn một lòng đợi chờ người yêu trở về, cho dù tuổi xuân dần qua mau như áng mây trôi…
Cả hai bài hát này đều được ca sĩ Hoàng Oanh hát trước 1975.
Click để nghe Hoàng Oanh hát Chuyện Buồn Năm Cũ
Phiên Khúc Một Chiều Mưa
Một ca khúc về mưa nổi tiếng qua tiếng hát Nhật Trường trước năm 1975:
Click để nghe Nhật Trường hát Phiên Khúc Một Chiều Mưa
Giờ Xa Lắm Rồi
Có thể thấy hầu hết những ca khúc được 2 nhạc sĩ Song Ngọc và Hoài Linh hợp soạn đều viết về người lính, tâm sự về đời lính và tình yêu thời ly loạn. Bên cạnh bài Phiên Khúc Một Chiều Mưa, thì Giờ Xa Lắm Rồi là ca khúc hiếm hoi chỉ đơn thuần về về chuyện buồn tình yêu.
Khi mới quen thì chưa nói yêu
Không lẻ đôi mình chỉ bấy nhiêu
Quen nhau từ kiếp xa nào rồi
Yêu thương chưa hé môi thành lời
mà sao bỗng nói…
Click để nghe Giao Linh hát Giờ Xa Lắm Rồi
Yên Linh – nhacvangbolero.com