Mùa Xuân vốn là mùa của sự khởi đầu, của sum vầy, bình an, hạnh phúc chan chứa bên những người mình yêu thương. Nhưng đã từng có một khoảng thời gian trong lịch sử, vì thời cuộc mà người trai, người đàn ông phải rời bỏ quê hương, từ giã quê hương, từ giã mùa Xuân còn dang dở sau lưng để khoác lên mình màu áo lính, bảo vệ quê hương, bảo vệ tự do.

Đối với họ, mùa Xuân là những đêm giao thừa trên chòi canh, nhìn về xa xăm mà chạnh nhớ cái Tết trên quê hương, nhớ tới bóng dáng người thương. Mùa Xuân là sớm đầu năm nơi tiền đồn heo hút, xa xăm, và có những lúc là cả những tiếng súnɡ rền vang nơi trận mạc. Tuy lòng mang nặng những cảm xúc nhớ nhung như vậy, nhưng với bổn phận và tác phong người lính, cộng với tuổi đời trẻ, ưa mộng mơ, họ vẫn không đánh mất những xúc cảm lãng mạn, phấn chấn, yêu đời, gạt đi những cảm xúc tiêu cực.

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh là một người lính nên đã thấu hiểu và cảm nhận rõ những tâm tư, cảm xúc chung của những người lính xa nhà, vì hoàn cảnh chung của lịch sử. Có lẽ bắt nguồn từ những xúc cảm của cá nhân mình, và cũng như để an ủi những người lính – những người đồng đội khắp các vùng biên địa – ông đã sáng tác nên một ca khúc, mà dư âm của bài hát đó vẫn còn vang vọng tới ngày nay. Đó chính là bài hát: Đồn Vắng Chiều Xuân.


Click vào đây để nghe ca khúc qua giọng ca của Nhật Trường trước 1975

Đồn Vắng Chiều Xuân được cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác vào khoảng năm 1964. Khoảng thời gian này khói lửa đã lan dần trên khắp quê hương. Những lớp trai trưởng thành ở miền Nam thời kỳ này đã bắt đầu quen với những mùa Xuân xa quê hương, xa gia đình và xa hình bóng người tình, để đi đăng trình, đóng quân chiến đấu miền xa. Với gam trưởng và thể điệu Baguine Rock (tương đồng với điệu Chachacha) mang âm điệu vui tươi, trong sáng, tình tự, ông đã khắc họa nên hình ảnh người lính đón cái Tết xa xôi, với những niềm nhớ, cảm tưởng rất trữ tình, nên thơ dành cho người tình miền hậu phương. Người lính thể hiện trong bài hát này, hùng dũng và hào hoa, đồng thời vẫn biết nhớ, biết yêu như bao con người khác.

Mở đầu bài hát là những lời bộc bạch của người lính, khi chợt nhận ra Xuân đã về:

Đầu xuân năm đó anh ra đi
Mùa xuân này đến anh chưa về
Những hôm vừa xong phiên gác chiều
Ven rừng kín hoa mai vàng
Chợt nhớ tới sắc áo năm nào em đến thăm gác nhỏ

Những ngày đầu một năm, khi nắng đào ươm vàng cánh rừng, nhuộm một sắc màu tươi mới lên những tán cây, cành lá, người lính ngồi nhẩm tính những ngày tháng mình đã rời xa quê hương, xa bóng hình dấu yêu để lên đường nhập ngũ. Đầu năm trước anh ra đi, lên đường nhập ngũ. Tới đầu Xuân nay đã tròn một năm, nhưng anh vẫn chưa về. Lại một lần nữa lỗi hẹn, chắc nàng giận anh lắm. Mỗi lúc xong phiên gác chiều, vác súnɡ bước về trại, anh lại trông thấy hàng hàng những cành mai rừng khẳng khiu chẳng mấy chốc đã nở bung ra năm cánh vàng hoe, trông thật là rực rỡ. Sắc vàng hoa mai nở kín khu rừng rậm, làm cho người lính bồi hồi nhớ tới màu áo người yêu ghé thăm anh trên gác nhỏ, một mùa Xuân thanh bình lúc xưa.

Theo mạch hồi tưởng đó, người trai lính chiến ôn lại những kỷ niệm của những mùa Xuân thanh bình xưa, lúc còn ở hậu phương:

Mùa hoa năm đó ta chung đôi
Mùa hoa này nữa xa nhau rồi
Nhớ đêm hành quân thân ướt mềm
Băng dòng sông loang trăng đầy
Lòng muốn vớt ánh trăng thề viết tên em

Xuân là mùa của cây lá đâm chồi nảy lộc, của muôn hoa khoe sắc khoe màu. Nên “mùa hoa” ở đây là một cách dụng từ sáng tạo để chỉ mùa Xuân. Mùa Xuân trước, anh và nàng còn chung đôi, đón cái Tết hạnh phúc bên nhau ở quê hương. Mùa Xuân này, lại một lần nữa họ xa nhau. Đâu gì có thể đo được niềm nhớ nhung, mong mỏi và yêu thương họ dành cho nhau. Cách nhau càng xa thì tình càng nồng.

Anh lính lại tiếp tục nhớ tới những hôm cùng đơn vị hành quân, vén lau sậy, cỏ rậm, băng qua những dòng sông nước ngập ngang thân người. Chợt thấy trăng hôm ấy sáng quá, in trên cả mặt nước, ngỡ như ánh trăng đã rớt xuống nơi này, vỡ ra hàng trăm mảnh, sắc vàng lung linh, huyền ảo loang rộng ra cả khúc sông – như ta đã thấy qua hình ảnh “băng dòng sông loang trăng đầy” – một hình ảnh tượng trưng ước lệ rất gợi cảm.

Trong cảm xúc dâng trào, người lính chỉ muốn vớt ánh trăng thề, và viết lên đó tên người mình thương. Người lính như muốn nói rằng: “Phải đến cả ánh trăng trên trời cao mới có thể so sánh được niềm nhớ, niềm yêu của anh dành cho nàng”, phải chăng là  anh muốn viết tên nàng lên mặt trăng, để người yêu anh nơi hậu phương, khi ngắm trăng sẽ nhìn thấy, và nhớ ngay đến người đang nơi đầu tuyến xa xôi.

Phần điệp khúc tiếp theo sau đây thể hiện cao độ trong nỗi nhớ, lòng mong chờ của người lính:

Đồn anh đóng ven rừng mai
Nếu mai không nở, anh đâu biết xuân về hay chưa?
Chờ em một cánh thư xuân, nhớ thương gom đầy
Cho chiến sĩ vui miền xa xôi…

Người lính nơi đồn xa thường lãng quên cả ngày tháng, hôm nay khi xong phiên gác chiều bỗng nhận ra sắc mai vàng đã nhuộm kín khu rừng, người lính trận mới ngỡ ngàng nhận ra xuân đã về gần quá, trong lòng anh trỗi dậy bao xúc cảm.

Người nghe nhạc có thể thấy rằng, bài hát này gắn liền với hoa mai, với sắc thắm rực rỡ, đặc trưng của mùa Xuân. Đồn nơi đơn vị của người lính đóng quân nằm ở ven rừng mai. Nơi viễn phương xa xôi, hẻo lánh, cách biệt với phố thị, hoa đèn, trông những bông mai nở rộ là cách duy nhất để những người lính biết được rằng mùa Xuân đã về. Nếu không thì, chẳng biết mùa Xuân đã về hay chưa. Mùa Xuân đến, lại theo cánh én mang tới những kỷ niệm, những nhung nhớ xa xưa. Cũng như bao người lính khác, anh chẳng mong gì hơn ngoài cánh thư của thân nhân, của người thương, gửi vào trong đó những yêu thương, những cảm xúc chân thành, thiết tha. Không cần bánh tét bánh chưng, thịt mỡ dưa hành hay rượu ngon. Những lá thư với đầy niềm thương mến cũng đủ cho người lính chiến ấm lòng, vui sướng nơi miền rừng núi xa xôi rồi!

Lỡ mất Xuân năm nay, người lính chiến xin hẹn người yêu ngày non nước thanh bình, yên vui, sẽ trở về đón mùa Xuân “của riêng đôi mình”:

Hẹn em khi khắp nơi yên vui
Mùa xuân ngày đó riêng đôi mình
Phút giây mộng mơ nâng cánh hoa mai
Nhẹ rớt trên vai đầy, hồn chơi vơi ngỡ giữa xuân vàng, dáng em sang

Khi non nước còn chưa ngừng tiếng súnɡ, khi hận thù và phân ly còn hiện hữu trên quê hương, thì người trai lính vẫn còn phải làm tròn bổn phận của một người lính. Mùa Xuân hay những hạnh phúc riêng tư, thì xin tạm gác lại, dù biết người yêu nơi hậu tuyến luôn mong chờ, nhung nhớ. Khi nào đất nước được bình yên thì anh sẽ về, cùng nàng đón mùa Xuân thanh bình thật hạnh phúc, nồng ấm bên nhau – mùa xuân đó “chỉ riêng đôi mình” – một hình ảnh rất đỗi lãng mạn, tình tứ.

Trong giây phút xao xuyến với mộng mơ, bước đi giữa những cành mai đượm thắm màu vàng, chen trong nhụy xanh, giữa núi rừng tĩnh lặng, những cánh mai tàn, nhè nhẹ rớt lên vai áo người lính, sau một hồi lơ lửng, xoay vòng trong không trung. Anh nhẹ cầm cánh hoa mai, nâng niu nó trong lòng bàn tay. Bất chợt, sắc vàng hoa mai giống hệt màu áo người yêu, khiến anh chới với, ngỡ ngàng, vì tưởng như nàng đang đến thăm anh, đang đứng giữa sân tiền đồn. Một chút ngỡ ngàng, bồi hồi thoáng qua.


Click để nghe Tuấn Vũ hát

Bài hát Đồn Vắng Chiều Xuân mang nhịp điệu hơi nhanh, giai điệu vui tươi, trẻ trung, nhưng lãng mạn, thể hiện niềm nhớ nhung, yêu ái không thể nào đo đếm được của những người lính dành cho người mình yêu. Ca từ mà tác giả sử dụng rất sáng tạo, giàu hình ảnh, giàu cảm xúc, thể hiện đúng cái chất hào hoa, bay bổng của chàng lính nhiều tình cảm, hay mơ mộng. Từ khi được sáng tác (1964) cho tới nay, ca khúc đã được nhiều ca sĩ trình bày. Nhưng ấn tượng nhất có lẽ vẫn là qua giọng ca của chính tác giả, tức cố ca nhạc sĩ Nhật Trường–Trần Thiện Thanh.

Bài: Nguyễn Toàn
Bản quyền bài viết của nhacvangbolero.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here