Nghe nhạc, hay nhất, xúc cảm nhất là khi ca từ của nhạc phẩm hợp với tâm trạng của mình. Và thời gian, không gian cũng cần thiết để cho người nghe lắng nghe nhịp tim của mình réo rắc theo lời ca tiếng nhạc từ tâm sự của nhạc sĩ đã gửi gắm hết nỗi lòng của mình vào đó.

Tôi lính nhỏ đi chinh chiến miền xa
Đã từ lâu phố vui không tìm về
Đời ngược xuôi trên đường mây nẻo gió, tuổi thư sinh bỏ dở…

Mỗi lần trông hoa phượng nở đẹp quá
Chợt bâng khuâng thương những ngày vui qua
Giấy thơm học trò bạn bè xưa trường cũ mới xa ngày nào

Biết tìm đâu nữa những kỷ niệm ngày đầu quen biết nhau
Ngồi dưới hàng cây phượng nhỏ
Đưa mắt thay lời mà lòng nghe bỡ ngỡ

Nhớ buổi chia tay ngày đó
Có một người lặng nhìn theo bước tôi
Mắt rưng rưng buồn bồi hồi nâng tà áo
Xa cách nhau rồi biết khi nào gặp nhau

Chinh chiến dài theo năm tháng đổi thay
Mỗi lần nghe tiếng ve than ngày hè
Chạnh lòng thương thương người xưa trường cũ, tuổi ngây thơ ngày ấy

Hỏi từ chia tay đời trăm vạn nẻo
Người còn vui bên mái trường thân yêu
Biết chăng một người dù nghìn xa vạn lý vẫn thương thuở học sinh…

Tôi đã nghe bài Kỷ Niệm Một Mùa Hè của nhạc sĩ Hàn Sinh (một bút danh của nhạc sĩ Song Ngọc) khi thời gian nhạc phẩm này mới phát hành, đã được Chế Linh và Giang Tử thường hát. Nhưng lúc đó tôi chưa cảm nhận được cái hay của bài hát, vì thuở còn vô tư, hồn nhiên mặc áo thư sinh đến trường, có xa trường xa bạn ngày nào đâu mà cảm được hết nỗi buồn biệt ly trên màu nức nở của chùm hoa phượng đỏ, có chút “mảnh tình để vắt vai” nào đâu mà thấu hết nỗi bùi ngùi của tác giả chia tay với một tà áo trắng trong sân trường. Chính nỗi biệt ly nên thơ này đã tạo cảm xúc cho nhạc sĩ dệt lên bài ca vương vấn chuỗi ngày hoa niên “Giấy thơm học trò”.

Cho đến một ngày kia, tôi không phải làm lính chiến như nhân vật trong bản nhạc mà làm anh cu li bốc củi ở trong rừng. Cũng vào một mùa hè, vì hoàn cảnh gia đình tôi phải vĩnh viễn rời xa trường cũ để vào một nơi khỉ ho gà gáy ngày ngày lên rừng cưa củi để mưu sinh. Cũng là tiếng ve râm ran ở một góc núi nhưng sao tiếng ve nghe thê thiết quá, không như tiếng ve hát nỗi buồn không tên trên những con đường của phố thị vừa mới rời xa.

Ở trong rừng không có radio, không có máy đĩa hát. Tôi lẩm nhẩm hát một mình khi nghe kỷ niệm sân trường từ ngày tháng mới xa về bên nỗi xa vắng trên truông đèo quạnh hiu:

Tôi lính nhỏ đi chinh chiến miền xa
Đã từ lâu phố vui không tìm về
Đời ngược xuôi trên đường mây nẻo gió
Tuổi thư sinh bỏ dở…

Vào nhập đề, nhạc sĩ giới thiệu mình là “lính nhỏ”, là loại “lính sữa” tân binh mới ra trường đã ngược xuôi khắp nơi chốn quân hành. Lính nhỏ khác xa với lính thâm niên quân vụ đã có nhiều năm phục vụ trong quân ngũ. Lính nhỏ được tác giả tự gọi mình, gợi nên niềm xót xa cho lứa tuổi thư sinh mà phải dấn bước đăng trình.

Mỗi lần trông hoa phượng nở đẹp quá
chợt bâng khuâng thương những ngày vui qua
Giấy thơm học trò, bạn bè xưa, trường cũ
mới xa ngày nao.

Màu hoa phượng là màu hoa của học trò, của vui buồn một thuở cắp sách đến trường. Mỗi mùa hè đến khi còn làm học trò, hoa nở nhắc nhở đến mùa chia tay đang đến, ai lại không cảm thấy bùi ngùi. Huống chi đây là tâm trạng của anh lính nhỏ làm sao không chạnh lòng nhìn hoa nhớ đến trường xưa bạn cũ.

Giấy thơm học trò, tôi yêu thích cụm từ này của nhạc sĩ, đã gói gọn chuỗi ngày hoa mộng cũ hết vào trong bốn từ này.

Biết tìm đâu nữa những kỷ niệm ngày đầu biết nhau
ngồi dưới hàng cây phượng nhỏ
đưa mắt thay lời mà lòng nghe bỡ ngỡ.

Nhớ buổi chia tay ngày đó
có một người lặng nhìn theo bước tôi
mắt rưng rưng buồn bùi ngùi nâng tà áo
cách xa nhau rồi biết khi nào gặp nhau.

Xúc cảm dâng cao theo từng nốt cao vút của những dòng giữa bài. Tâm sự của tác giả cũng là tâm sự của người nghe. Mối tình học trò đẹp quá, nên thơ quá, nên biết là không thể tìm đâu những ngày tháng êm đềm dưới mái trường yêu dấu. Ngày đầu bỡ ngỡ mới quen nhau, không nói nên lời dưới hàng phượng nhỏ, để rồi ngày chia tay có một người chỉ biết nâng tà áo thay lời tiễn đưa.

Khi ở trong rừng cưa củi, một mình hát lại bài này, tôi không có người tình học trò nào để bùi ngùi nhìn theo bước chân tôi. Mà cũng nghe buồn da buồn diết khi hát đến khúc này, nếu ai đã từng có tâm trạng, cùng Kỷ Niệm Một Mùa Hè với tác giả thì chắc là bài ca sẽ thấm đẫm nỗi nhớ thấm màu hoa phượng đỏ hơn.

Chinh chiến dài theo năm tháng đổi thay
mỗi lần nghe tiếng ve vang ngày hè
chạnh lòng thương, thương người xưa trường cũ
tuổi ngây thơ ngày ấy.

Hỏi từ chia tay đời trăm vạn nẻo
người còn vui bên mái trường thân yêu
Biết chăng một người dù đường xa vạn lý
Vẫn thương thuở học sinh.

Điệp khúc trầm trầm như tiếng ve ngân sầu thiên thu vạn cổ. Ai đã từng là học trò, đã từng thương tà áo trắng, khi nghe bài ca Kỷ Niệm Một Mùa Hè của nhạc sĩ Hàn Sinh đều gặp lại nỗi buồn học trò của mình trong đó.

Riêng tôi, khi nghe và hát lại bài này. Hay quá và buồn quá, nhưng gần đúng như ai đó đã nói là nỗi –buồn – lộng – lẫy.

Và đúng như câu cuối của bài hát, là ai đó dù có cách xa vạn lý mây ngàn vẫn còn thương thuở học sinh.

Trương Đình Tuấn (Ghi nguồn nhacxua.vn nếu copy bài viết này)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here